Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bảy Mươi Ba - Phẩm Chủng Thiện Căn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT
KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM BẢY MƯƠI BA
PHẨM CHỦNG THIỆN CĂN
Ngài Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát chẳng cúng dường Chư Phật, chẳng đầy đủ căn lành, chẳng được chân thiện tri thức, sẽ được nhất thiết chủng trí chăng?
Đức Phật phán dạy: Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát cúng dường Chư Phật, trồng căn lành, được chân thiện tri thức còn khó được nhất thiết chủng trí, huống là không cúng dường Phật, chẳng trồng căn lành, chẳng được chân thiện tri thức.
Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát cúng dường Chư Phật, trồng căn lành, được chân thiện tri thức tại sao lại khó được nhất thiết chủng trí?
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát đó xa rời sức phương tiện, chẳng theo Chư Phật nghe sức phương tiện, chỗ trồng căn lành chẳng đầy đủ, chẳng thường theo sự chỉ dạy của chân thiện tri thức.
Bạch Đức Thế Tôn! Những gì là sức phương tiện mà Đại Bồ Tát hành theo đó để được nhất thiết chủng trí?
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm hành Đàn Na Ba la mật, đúng theo tâm nhất thiết trí mà bố thí cho Phật hoặc Bích Chi Phật hoặc Thanh Văn, hoặc cho Nhân hay Phi Nhân. Đại Bồ Tát đó lúc ấy chẳng sanh tưởng niệm bố thí, chẳng sanh tưởng niệm người lãnh thọ.
Tại sao?
Vì quán tất cả pháp tự tướng không, không sanh, không tướng, nhất định, không chỗ chuyển mà nhập vào thiệt tướng các pháp, đó là tướng vô tác, vô khởi của tất cả pháp. Đại Bồ Tát đó dùng sức phương tiện này làm cho thiện căn thêm lớn.
Vì thiện căn thêm lớn mà hành Đàn Na Ba la mật, tịnh Phật Quốc Độ, thành tựu chúng sanh, bố thí chẳng hưởng thọ quả báo thế gian. Đại Bồ Tát đó chỉ vì muốn cứu độ tất cả chúng sanh mà hành Đàn Na Ba la mật.
Lại này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm hành Thi La Ba la mật, đúng theo tâm nhất thiết chủng trí mà trì giới, chẳng sa vào trong dâm nộ si.
Cũng chẳng sa vào trong sự phiền trược của phiền não, và những pháp phá đạo bất thiện như xan tham, phá giới, sân khuể, giải đãi, loạn ý, ngu si, mạn, đại mạn, mạn mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, bất như mạn, tà mạn, hoặc có tâm Thanh Văn, hoặc có tâm Bích Chi Phật.
Tại sao vậy?
Vì đại Bồ Tát đó quán tất cả pháp tự tướng không, không sanh, không tướng nhất định, không chỗ chuyển mà nhập vào thiệt tướng các pháp, đó là tướng vô tác, vô khởi của các pháp.
Vì Đại Bồ Tát đó thành tựu sức phương tiện này nên căn lành Thi La Ba la mật tịnh Phật Quốc Độ, thành tựu chúng sanh, trì giới chẳng tưởng thọ quả báo thế gian, chỉ vì muốn cứu độ tất cả chúng sanh mà hành Thi La Ba la mật.
Lại này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm hành Sằn Đề Ba la mật, đúng theo tâm nhất thiết trí, vì sức phương tiện thành tựu nên hành kiến đế đạo và tư duy đạo, nhưng chẳng lấy quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.
Tại sao?
Vì Đại Bồ Tát đó biết các pháp tự tướng không, không sanh, không tướng nhất định, không chỗ chuyển. Đại Bồ Tát đó dầu hành các pháp trợ đạo mà hơn bực Thanh Văn, Bích Chi Phật. Đây gọi là Đại Bồ Tát vô sanh pháp nhẫn.
Lại này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm hành Tỳ Lê Gia Ba la mật, nhập Sơ Thiền đến Tứ Thiền, nhập tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định. Dầu xuất nhập các thiền mà chẳng thọ quả báo.
Tại sao?
Vì Đại Bồ Tát đó thành tựu sức phương tiện, biết các thiền định tự tướng không, không sanh, không tướng nhất định, không chỗ chuyển, tịnh Phật Quốc Độ, thành tựu chúng sanh, tinh tấn mà chẳng hưởng thọ quả báo thế gian. Chỉ vì muốn cứu độ tất cả chúng sanh mà hành tinh tấn Ba la mật.
Lại này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm hành Thiền Na Ba la mật, đúng tâm nhất thiết trí nhập bát bội xả, cửu thứ đệ định, cũng chẳng chứng quả Tu Đà Hoàn đến quả A La Hán.
Tại sao vậy?
Vì Đại Bồ Tát đó biết các pháp tự tướng không, không sanh, không tướng nhất định, không chỗ chuyển.
Lại này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm hành bát nhã Ba la mật, học Phật thập lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng, đại từ đại bi, nhẫn đến chưa được nhất thiết chủng trí, chưa tịnh Phật Độ, chưa thành tựu chúng sanh, trong thời gian chặng giữa đó phải học như vậy.
Tại sao?
Vì Đại Bồ Tát đó biết các pháp tự tướng không, không sanh, không tướng nhất định, không chỗ chuyển.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát phải hành bát nhã Ba la mật chẳng hưởng thọ quả báo như vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Sư Tử Hống
Phật Thuyết Kinh đại Bi Không Trí Kim Cương đại Giáo Vương Nghi Quỹ - Phần Năm - đại Chân Thật
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Về Việc Không Sợ
Phật Thuyết Kinh Tứ đồng Tử Tam Muội - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh Vô Nhi Bình đẳng Tối Thượng Du Già đại Giáo Vương - Phần Mười
Phật Thuyết Kinh Niệm Tụng được Lược Ra Trong Kim Cương đỉnh Du Già - Phần Ba