Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Một - Phẩm Vô Thường - Tập Tám
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MỘT
PHẨM VÔ THƯỜNG
TẬP TÁM
Nói ngày nay đã qua là kể từ hàng Sát Lợi, Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ dù trẻ tuổi, trung niên hay già nua đều sống ngang nhau trong thời hạn một ngày ấy. Ai cũng bị tổn giảm bởi sự trôi chảy của ngày đêm không ngừng nghỉ. Thân mạng thay đổi, khí lực suy yếu.
Sự biến đổi ấy mau chóng hơn cá trong hồ cạn nước. Hoặc như các loài chim đang bay trên lưng Trời như chim đào sông, chim cốt trắng, chim quán, chim sẻ xanh, hạc nước, quạ, gà ô, cũng đều bị thợ săn, gái trai ở đời đuổi vào lưới rập bắt, hoặc bắt bằng lưỡi câu có mồi. Sống ở chỗ nước cạn thì suốt cuộc đời cả vạn nỗi lo. Sinh ra trong nước thì chết trong nước.
Khổ nạn đầy dẫy, có gì đáng vui?
Cho nên nói:
Như cá cạn nước
Nào có vui gì?
Đi chẳng trở về
Đêm ngày gắng sức
Như cá bị nướng
Sống khổ, chết nạn.
Thuở ấy, Đức Phật ngự tại Đạo Tràng Thiện Thắng, nước Ma Kiệt Đà. Ở đây, các nhà tu hành nhóm họp ở trên núi cao, hoặc ẩn mình trong hang sâu không xuất hiện, nhưng các người tu hành kia, luôn luôn hành đạo, xem xét thời tiết. Khi tiết xuân về khắp nơi cây cối đâm chồi nảy lộc, lấp lánh như thủy tinh, dần dần nở ra những cánh hoa rực rỡ. Các khe suối nước chảy trong vắt, lặng yên không tiếng động.
Lúc ấy vị Đạo Sĩ trong tâm tự nghĩ: Thời gian không thể vay mượn, muôn vật đều sống. Lúc bấy giờ, người tu hành xuống núi vào xóm làng, khất thực từng nhà, ông thấy gái trai ai nấy ăn uống linh đình cùng nhau vui chơi.
Vị tu hành hỏi: Họ là ai vậy?
Người kia đáp: Ở nhà đó, làng đó, tên họ như vậy, con nhà đó, do cha mẹ nọ sinh ra.
Lúc ấy, vị tu hành tự nghĩ: Hiện giờ muôn vật này đều đang đâm chồi nảy lộc, biết rằng muôn vật lớn lên từng ngày. Ta phải trở về núi vắng, lặng yên mà tu hành. Mỗi khi tiết thu sang, vị tu hành lại xuống núi vào xóm làng khất thực từng nhà, thấy các cây cối đều trụi lá. Sương tuyết bao phủ, lá rụng cứng đờ. Ông lại thấy các khe lạch nước bị khô cạn, cứng ngắt đến nỗi ngón tay chọt không lủng.
Lúc ấy vị tu hành này trong tâm tự nghĩ: Hiện nay, bên ngoài muôn vật đang điêu tàn, rơi rụng, không còn sum suê.
Chân thật thay, lời nói ấy! Ông lại thấy trong thôn xóm, thành quách, gái trai lớn bé dắt dìu nhau đi, gục đầu xõa tóc, đấm ngực lớn tiếng kêu khóc không thôi.
Bấy giờ vị tu hành hỏi họ: Người ấy là ai mà buồn thương, kêu khóc thảm thiết như thế?
Họ trả lời: Thôn đó, nhà đó, con trai chết, con gái chết, hoặc cha mẹ qua đời, thế nên người trong thôn xóm buồn khóc như thế.
Nghe nói vậy, vị tu hành tự suy nghĩ: Hiện nay, trong lòng người cũng đang điêu tàn. Vậy nên biết rằng dù bên trong hay bên ngoài, mọi vật đều đi tới sự hao mòn suy kém.
Đạo Nhân bèn trở về núi sâu, ngồi kiết già tư duy. Có lúc ông ngồi trên giường dây, có lúc ông ngồi dưới gốc cây, với tâm ý chuyên nhất không khởi loạn tưởng. Ngài quán xét tính chất trong ngoài đều vô thường, bèn khởi ý tưởng Mặt Trời xoay chuyển không ngừng.
Mặt Trời xoay chuyển là gì?
Là tính từ mùa xuân đến mùa thu, từ mùa thu đến năm, tính từ năm đến tháng, tính từ một tháng đến nửa tháng, tính từ nửa tháng đến vài ngày, tính từ vài ngày đến giờ, tính từ giờ đến ngày đêm, tính ngày đêm đến sự chuyển động, tính từ chuyển động đến hơi thở ra vào, tính hơi thở ra vào đến tận vô dư, cho đến hết tận, mới biết là tận không, muôn vật không có.
Khi đã biết không có thì biết được cái gì khởi dậy từ cái gốc diệt, cũng không dấu vết. Thỉnh thoảng người tu hành hạnh khởi lên dấu vết diệt, không có dấu vết, mới giác ngộ rằng tất cả Như Lai không thường còn, cũng không có hang ổ gì.
Có lúc người hành quán xét những việc đã làm từ trước, trải bao tháng ngày mới tiêu diệt hết, nhớ lại lời Phật dạy: Như Lai cũng nói vô thường là khổ.
Bấy giờ, vị tu hành ấy suy nghĩ rằng: Sinh tử như vậy, ai dám khẳng định là vui?
Tâm đã chán ngán, không để mình bị dính trong bốn cuồng lưu tham ái, mong đến Niết Bàn, chóng được diệt độ. Trong thời gian đó chứng được các quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dùng thiên nhãn thanh tịnh, không chút tì vết mà thấy người tu hành ấy đang ở trong núi sâu, siêng năng tu đạo không làm dứt mất dòng Thánh, từ sự việc ấy, tìm tới ngọn ngành, vì muốn chỉ bày ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau, cũng khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, nên Đức Phật nhóm họp đại chúng mà nói bài kệ:
Đi chẳng trở về
Đêm ngày gắng sức
Như cá bị nướng
Sống khổ, chết nạn.
Đời người tựa ngày đêm
Hoặc dừng hay đi khắp
Như dòng sông chảy xiết
Trôi xuôi không ngược dòng.
Thuở ấy Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc thành Xá Vệ. Các Đức Phật, Thế Tôn thường khi thuyết pháp là quán xét tâm ý người tùy lúc, tùy hoàn cảnh thích đáng.
Các Ngài nhận thấy: Có chúng sinh cho thân mình là thường. Thân năm ấm này hôm qua và ngày nay không có gì đổi khác. Kẻ ngu tâm ý mê mờ nên mới cho rằng thân năm ấm không bị già suy giống như dòng sông chảy xiết, dòng nước chảy trước không phải là dòng nước chảy sau, dòng nước chảy sau không phải là dòng nước chảy trước.
Đi thì đi mãi tới thì cũng chẳng ngừng, đời người cũng như thế, cuộc sống trước không giống cuộc sống sau, cuộc sống sau không giống cuộc sống trước. Những ai tu tập công đức như hang Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di quán thân bốn đại này đổi thay mau chóng như nước sông chảy xiết, suy nghĩ rõ ràng để đạt đến cảnh giới vô lậu.
Hàng Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di thì chứng quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm. Hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni thì chứng quả A La Hán.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dùng thiên nhãn thanh tịnh không chút tì vết, thấy bốn bộ chúng phân biệt rõ về thân năm ấm sẽ đi về dâu.
Bấy giờ Thế Tôn tìm tới ngọn ngành của sự việc, làm ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau, khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, nên Ngài nhóm họp Chúng Tăng mà nói bài kệ:
Đời người tựa ngày đêm
Hoặc dừng hay đi khắp
Như dòng sông chảy xiết
Trôi xuôi không ngược dòng.
Bốn bộ chúng nghe lời
Phật dạy, vui mừng mà lui ra.
Già thì thân suy
Bệnh mà qua đời
Thân xác mục rã
Chết lẽ tất nhiên.
Thuở ấy, Đức Phật ngự trong đại giảng đường Phổ Tập, bên cạnh ao Di Hầu, thuộc thành Tỳ Xá Ly.
Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Hoặc có chúng sinh tự cậy vào sức trai trẻ, không ai địch nổi, hoặc có người ỷ rằng mình chưa hề bệnh hoạn mà cho rằng mình mạnh khỏe mãi, hoặc có người cậy vào tiền của giàu có vô lượng, hoặc có người cậy vào dòng họ giàu sang đầy đủ. Hoặc có người già sống trong đại chúng bị chê bai là đồ bỏ đi.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn quán xét tâm ý con người thường vướng vào phải, trái. Muốn giúp cho chúng sinh sửa đổi lỗi lầm nên Ngài nói bài kệ này. Lúc ấy các chàng thanh niên thành Tỳ Xá Ly nghe lời dạy ấy thì có người sinh khởi ý niệm vô thường, vô ngã.
Người khác thì sinh khởi ý niệm về bất tịnh, chỉ quán. Có người thì có ý niệm về an ban thủ ý, hay đảnh pháp, noãn pháp, nhẫn pháp, thế gian đệ nhất pháp. Có người chứng quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm. Có người phát tâm cầu đạo vô thượng, hoặc có người cầu đạo Bích Chi Phật, đạo A La Hán.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng bài kệ này giáo hóa vô số thanh niên thành Tỳ Xá Ly.
Nhân sự việc này, muốn tìm ngọn ngành, muốn làm ngọn đèn sáng cho đời sau, khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, Đức Phật ở trước đại chúng nói bài kệ:
Già thì thân suy
Bệnh mà qua đời
Thân xác mục rã
Chết lẽ tất nhiên.
Nghe Đức Phật nói xong, các thanh niên Tỳ Xá Ly làm lễ rồi ra về.
Thân này không bền
Trở về với đất
Thần thức lìa rồi
Chỉ còn bộ xương.
Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn Cam Lê, thành Tỳ Xá Ly.
Lúc ấy có nàng A Phạm Hòa Lợi tự cậy vào sắc đẹp trên đời không hai của mình. Nếu so lên thì bằng Tiên nữ còn so xuống thì vượt hết mọi người. Thân tướng xinh xắn đẹp đẽ, nhìn mãi không biết chán. Lại thêm của tiền trong nhà thì không thể tính kể với ngọc ngà bảy báu tràn đầy.
Lúc bấy giờ A Phạm Hòa Lợi sửa soạn một chiếc xe sang trọng, nàng tự trang điểm lộng lẫy, tắm gội bằng nước hoa thơm, rồi nàng đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lạy dưới chân Ngài rồi đứng qua một bên. Lúc ấy, có rất nhiều Tỳ Kheo lòng còn là phàm phu chưa đoạn ái dục, khi thấy A Phạm Hòa Lợi đến chỗ Phật thì động tâm ái dục, nổi dậy ý nghĩ bất tịnh.
Đức Phật biết tâm ý họ, Ngài liền bảo: Thế nào các thầy Tỳ Kheo, A Phạm Hòa Lợi với thân bốn đại hôi hám, là vật dơ bẩn, không có gì đáng ham muốn cả. Các thầy nên biết, cô A Phạm Hòa Lợi sẽ sống không lâu.
Quả nhiên, khi nàng đang nằm trên giường cao sang rộng đẹp với y phục thơm ngát đáng giá cả một ức, bỗng nhiên nàng qua đời trên chiếc giường cao sang ấy, rồi thi thể được đem ra gò mả cách đó một do tuần. Lúc ấy, nghe vậy, các thầy Tỳ Kheo lấy làm ngạc nhiên. Cái chết sao mà đến quá nhanh, không kể già hay trẻ. Người này xinh đẹp trên đời ít có, nay thân hình kiều diễm ấy bị đem vất bỏ ngoài gò mả.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nhân sự việc ấy thấu suốt ngọn ngành, muốn làm ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau, khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, Đức Phật liền ở trước đại chúng nói bài kệ này. Trong bốn bộ chúng, sau khi nghe dạy bài kệ này, có người chợt sinh khởi ý niệm vô thường, vô ngã, người khác thì sinh khởi ý niệm về bất tịnh quán, chỉ quán.
Có người thì có ý niệm về an ban thủ ý, hay đảnh pháp, noãn pháp, nhẫn pháp, thế đệ nhất pháp. Có người chứng quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, có người phát tâm cầu đạo vô thượng. Có người cầu đạo Bích Chi Phật, đạo A La Hán.
Lúc ấy Đức Thế Tôn dùng bài kệ này giáo hóa vô số thanh niên thành Tỳ Xá Ly.
Vì nhân duyên ấy, Ngài nói bài kệ:
Thân không bền lâu
Trở về với đất
Thần thức lìa rồi
Chỉ còn bộ xương.
Lúc bấy giờ các đại chúng nghe lời Phật dạy, vui mừng mà ra về.
Thân chẳng giá trị
Chỗ rịn hôi thối
Bị bệnh ép ngặt
Thêm khổ già chết.
Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn Ni Câu Loại, thuộc nước Ca Duy La. Người dân nước này thường ỷ cậy vào dòng họ giàu có, thân thể luôn khỏe mạnh cường tráng.
Tự khoe khoang việc làm của mình trên đời không ai sánh kịp. Trong bọn họ có một người thuộc dòng dõi khỏe mạnh, nhưng thân anh ta bỗng nổi ghẻ lở, máu tanh rịn chảy ra ngày đêm không ngừng, hôi thối dơ bẩn, khiến anh đau nhức khổ não, hễ ai thấy thì đều gớm ghiếc bịt mũi.
Biết rõ tâm trạng anh ấy nên Đức Phật bảo: Hễ sống làm người cùng mang thân bốn đại này, thì sáu giác quan tuôn ra chất nước dơ, thân của tất cả mọi người đều giống như căn nhà chứa đầy khổ loạn, đâu có lúc nào dứt được muôn mối khổ não lo buồn.
Lúc ấy những người thuộc dòng họ Thích nghe Đức Phật dạy như vậy thì có người chợt sinh khởi niệm vô thường, vô ngã, người khác thì sinh khởi ý niệm bất tịnh, chỉ quán. Có người thì có ý niệm an ban thủ ý, hay đảnh pháp, noãn pháp, nhẫn pháp, thế đệ nhất pháp. Có người chứng quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, có người phát tâm cầu đạo vô thượng. Có người cầu đạo Bích Chi Phật, đạo A La Hán.
Lúc ấy Đức Thế Tôn dùng bài kệ này giáo hóa những người trong dòng họ Thích.
Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Lúc ấy, có một vị Trưởng Giả thỉnh Đức Phật và Tỳ Kheo Tăng đến nhà ông thọ thực. Đến giờ, các thầy Tỳ Kheo đến nhà ông, riêng Đức Phật thì không đến, có người mang phần thức ăn về cho Ngài.
Sở dĩ Như Lai nhờ người mang thức ăn về cho Ngài là vì có hai nguyên do: Một là Đức Phật muốn nói pháp cho các Trời nghe, hai là Ngài muốn săn sóc người bệnh.
Sau khi thấy các Tỳ Kheo đã đi thọ thỉnh, Đức Phật lấy chìa khóa lớn mở cửa một phòng thì Ngài thấy một thầy Tỳ Kheo bị bệnh rất nặng, nằm tại chỗ mà đại tiểu tiện, không nghiêng mình xoay trở gì được.
Đức Thế Tôn đã biết nhưng cố hỏi: Thầy bệnh gì mà nằm trên giường đại tiểu tiện tại chỗ, không xoay trở gì được như thế?
Thầy Tỳ Kheo ấy vốn tính chân chất thực thà, lòng không chút gian dối, trả lời Đức Phật: Bản tính con ngu tối, lại thêm lười biếng, khinh mạn, từ bao lâu nay con không hề chăm sóc giúp đỡ ngó ngàng đến ai, thế nên giờ đây không ai chăm sóc con. Giờ đây, con hết sức cô đơn, không người nương cậy.
Bấy giờ Đức Thế Tôn cúi xuống ẵm thầy Tỳ Kheo ra khỏi phòng, rồi Ngài dọn sạch đồ bất tịnh, giặt giũ đồ ngồi, lại lấy nước sạch tắm rửa thầy Tỳ Kheo này, thay y phục, trải đồ ngồi mới, rồi nâng thầy Tỳ Kheo này đặt lại trong phòng như cũ.
Đức Như Lai dang tay làm gối, rồi bảo thầy Tỳ Kheo ấy: Thầy không siêng năng cầu pháp tăng thượng. Nếu siêng năng cầu pháp tăng thượng thì ai chưa đạt sẽ đạt, ai chưa được pháp thì sẽ được pháp, ai chưa chứng quả thì sẽ chứng quả. Nếu ai không hết lòng lãnh thọ pháp này thì chịu nhiều khổ não dữ dội.
Bấy giờ, Đức Phật lần lượt nói với thầy Tỳ Kheo các pháp rất nhiệm mầu. Ngài dùng mọi cách để khiến thầy Tỳ Kheo siêng năng suy nghĩ về đạo đức. Nói xong, Đức Phật liền đứng dậy, trở về phòng, khép cửa lại.
Sau đó, Ngài đến giảng đường Phổ hội và bảo các thị giả: Các ông nên mau chóng đi mời tất cả các thầy Tỳ Kheo có mặt trong thành Xá Vệ này mau nhóm họp tại giảng đường Phổ Hội.
Sau khi chúng Tỳ Kheo đã nhóm họp, Đức Phật liền dạy: Này các thầy Tỳ Kheo, hiện giờ ở đây các thầy không có cha mẹ, anh em, cũng không có chị em gái, cũng không có bà con họ hàng, nếu không chăm sóc cho nhau, không quan tâm đến nhau thì thật không nên.
Rồi đây, hàng ngoại đạo, dị học, Phạm Chí mà nghe biết được, họ sẽ chế cười chúng ta rằng: Sa Môn của Cù Đàm không có mảy may tâm xót thương, coi mạng sống con người như sỏi đá. Kẻ bệnh nặng gần chết vẫn không ai chăm nom, săn sóc.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi - Phần Năm - Phong Giới
Phật Thuyết Kinh Thập địa - Phẩm Mười - Phẩm địa Pháp Vân - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Ba Mươi - Kinh Người Chăn Dê
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Năm Mươi Sáu - Phẩm Nguyện Dụ - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Hai Mươi Hai - Pháp Hội đại Thần Biến - Phần Hai