Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp - Phẩm Bốn - Phẩm Giải Thích ý Nghĩa

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC BỔN NGHIỆP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BỐN 

PHẨM GIẢI THÍCH Ý NGHĨA  

Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ Tát Kính Thủ: Trước đây, ông đã hỏi về nghĩa và tướng. Hôm nay, ta sẽ nói về nghĩa và tướng của mười trụ, mười hạnh, mười hồi hướng, mười địa, địa vô cấu và địa Diệu Giác.

Này Phật Tử! Trong Kinh Kim Cang Hải Tạng Anh Lạc này giải thích về nghĩa tướng của bậc Hiền Thánh, nghĩa phát xuất từ thể. Thể là thể của Bồ Tát, nghĩa gọi là công đức. Hai pháp như thế làm thể, làm nghĩa của tất cả Bồ Tát, do đó gọi là thể, nghĩa.

Này Phật Tử! Trụ Phát tâm Trụ thứ nhất là vị ấy ban đầu chỉ là phàm phu, chưa biết Tam Bảo, Thánh Nhân, chưa nhận biết nhân quả xấu tốt, lành dữ. Tất cả đều không nhận thức, không hiểu, không biết.

Này Phật Tử! Từ hạng phàm phu không hiểu biết gặp được Chư Phật, Bồ Tát khởi một niệm tin đối với giáo pháp, lại phát tâm Bồ Đề.

Bấy giờ, người ấy được gọi là Bồ Tát tin tưởng, cũng gọi là Bồ Tát giả danh, cũng gọi là Bồ Tát danh tự, vị này thực hành tóm lược mười tâm, gồm có tâm tín, tâm tấn, tâm niệm, tâm tuệ, tâm định, tâm giới, tâm hồi hướng, tâm hộ pháp, tâm xả, tâm nguyện.

Lại thực hành thêm mười tâm, như tu mười pháp thiện, năm giới, tám giới, mười giới, sáu Ba la mật giới. Người này lại tu thêm mười điều thiện, hoặc một kiếp, hai kiếp, ba kiếp tu mười tâm Tín được hưởng phước báo của sáu Cõi Trời.

Căn lành bậc thượng có ba phẩm: Thượng phẩm làm Thiết Luân Vương cai trị một châu thiên hạ. Trung phẩm làm Túc Tán Vương. Hạ phẩm làm Vua trong loài người. Người này còn đủ tất cả phiền não, nhưng đã tích lũy vô lượng nghiệp lành, có khi thối thất cũng có lúc tiến lên.

Nếu được gặp thiện tri thức chỉ dạy pháp Phật, hoặc một kiếp, hai kiếp mới vào quả vị trụ. Nếu không như vậy thì bị chìm đắm không thể ra khỏi, thuộc thành phần thối lui thiện căn.

Này Phật Tử! Phát tâm trụ là hạng người có căn lành thuộc thành phần tiến lên. Hoặc một kiếp, hai kiếp ở chỗ có nhiều Chư Phật, tu tập mười tâm tín, tin tưởng Tam Bảo, thường trụ trong tám vạn bốn ngàn trí tuệ Ba la mật.

Tất cả các hành và pháp môn đều thọ trì, tu tập, luôn phát khởi tâm tín, không tạo mười thứ tà kiến, năm tội nghịch, tám thứ nhận thức điên đảo, không sanh vào chỗ nạn, thường gặp pháp Phật, văn tuệ rộng lớn, tìm đủ mọi cách mới vào cảnh giới không, an trú vào tánh không nên gọi là trụ.

Vị này trước kia tu tập Pháp Phật bằng tâm thông tỏ về lý không. Tất cả công đức không tự mình tạo, mà tâm sanh tất cả công đức. Tuy thế, người này không gọi là địa, chỉ được gọi trụ.

Này Phật Tử! Bậc Trụ Trị địa là thường tùy theo tâm không, lắng sạch tám vạn bốn ngàn pháp môn, do đạt thanh tịnh nên gọi là Trụ Trị địa.

Này Phật Tử! Nuôi lớn hết thảy các hành nên gọi là trụ tu hành. Sanh vào nhà Phật, chủng tánh thanh tịnh là trụ sanh quý.

Tu tập, vun trồng vô lượng căn lành, gọi là trụ phương tiện cụ túc. Thành tựu trí tuệ thứ sáu gọi là trụ chánh tâm. Nhập vào lý vô sanh nơi cảnh giới không, rốt ráo, tâm thường tu hành không, vô tướng, vô nguyện, gọi là trụ bất thối. Từ khi phát tâm không sanh điên đảo, không khởi tà kiến ma sự phá tâm bồ đề, gọi là trụ đồng chân.

Ở trong giáo pháp của đấng Pháp Vương mà sanh giác ngộ, sẽ tiếp nối quả vị Phật, gọi là trụ Pháp Vương Tử. Từ những quán không của chín bậc trên, chứng được tâm vô sanh tối thượng, gọi là trụ quán đảnh. Theo tâm quán đảnh tiến vào ngôi vị biết năm ấm là tánh không, thực hành tám vạn bốn ngàn trí tuệ Ba la mật, gọi là mười hạnh.

Này Phật Tử! Khi mới nhập vào thể tánh không, không bị tà luận của ngoại đạo làm nghiêng đổ, nhập vào chánh vị gọi là hạnh hoan hỷ. Thường giáo hóa tất cả chúng sanh khiến đạt được lợi lạc, gọi là hạnh nhiêu ích. Đối với pháp thực chứng, tâm nhẫn không ngã, ngã sở gọi là hạnh vô sân hận.

Thường an trú vào công đức, hiện hành giáo hóa chúng sanh, gọi là hạnh vô tận. Khi mạng chung, quỷ vô minh không làm loạn, không làm cho ô trược, không mất chánh niệm, gọi là hạnh lìa si loạn. Đời nào cũng thường sanh nơi Cõi Phật, gọi là hạnh thiện hiện. Ở nơi ngã là vô ngã cho đến tất cả pháp không, gọi là hạnh vô trước hạnh.

Thường kính trọng Pháp Phật trong ba đời gọi là tôn trọng. Thuyết pháp, truyền trao cho người, việc gì cũng thành phép tắc gọi là hạnh thiện pháp. Hai đế chân, tục, chẳng phải như, chẳng phải tướng, chẳng phải phi tướng gọi là hạnh chân thật.

Này Phật Tử! Từ tâm chân thật nhập vào cảnh giới của chúng sanh không, vô ngã không, hai không bình đẳng không khác, tướng nhất quán là tướng hợp nhất, học tập trăm vạn ức quán không về trí tuệ Ba la mật, xoay vần từ trước đến sau, tâm tâm quan sát chỉ có trạng thái vắng lặng, sáng suốt, nuôi lớn những pháp minh quán của bậc Mười địa hồi nhân, hướng quả. Lại dùng vô lượng tâm không bỏ, không nhận. Pháp của mười hồi hướng cũng như vậy.

Này Phật Tử! Thường dùng tâm vô tướng, luôn vào sáu đường để nhận quả báo, không nhận mà nhận, các sự thọ nhận như vậy đều xoay vần biến đổi nhằm chuyển hóa chúng sanh, gọi là hồi hướng cứu hộ nhất thiết chúng sanh lìa tướng chúng sanh.

Quán tất cả Pháp chỉ có thọ dụng, chỉ có danh, mỗi niệm không ngừng, gọi là hồi hướng bất hoại. Tất cả thời tu hành Pháp Phật trong ba đời, gọi là hồi hướng đẳng nhất thiết Phật. Dùng diệu lực của nguyện lớn vào tất cả Cõi Phật để cúng dường Chư Phật, gọi là hồi hướng hướng đến nhất thiết xứ.

Vì thường an trú nơi Tam Bảo, giáo hóa cho mọi người, gọi là hồi hướng vô tận công đức tạng. Tu tập hành tướng thiện và vô lậu thiện mà không hai, gọi là hồi hướng tùy thuận bình đẳng thiện căn.

Vì quán cha mẹ hoặc thiện hoặc ác không hai chỉ là một tướng hợp nhất, gọi là hồi hướng tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sanh. Vì thường quán chiếu hai đế hữu, vô, biết tất cả pháp là tướng hợp nhất, gọi là hồi hướng như tướng.

Vì thấy các pháp không hai, bát nhã vô sanh, hai đế bình đẳng, quá khứ, hiện tại, vị lai đều là tướng hợp nhất, gọi là hồi hướng giải thoát không còn trói buộc. Giác ngộ tất cả pháp đều là trung đạo của đệ nhất nghĩa đế vô tướng, các pháp đều là một tướng chiếu soi, gọi là hồi hướng pháp giới vô lượng.

Này Phật Tử! Ba mươi tâm này nếu giải thích đủ thì có vô lượng vô biên nghĩa, chẳng phải tất cả trí của hàng phàm phu có thể suy lường được. Vì đó là con đường giáo hóa của tất cả Chư Phật và Bồ Tát trong mười phương.

Này Phật Tử! Trước ông hỏi: Thế nào là địa?

Này Phật Tử! địa là duy trì giữ gìn. Giữ gìn trăm vạn A tăng kỳ công đức, cũng gọi là sanh, thành tựu tất cả nhân quả nên gọi là địa. Bỏ hạnh phàm phu sanh vào nhà Phật, tiếp nối quả vị Bồ Tát, nhập vào Thánh Chúng, bốn loài ma không làm cho điên đảo, giữa hữu và vô thể tánh đều bình đẳng, cả hai đều chiếu sáng đức tin rộng lớn mới được đầy đủ.

Lại tu học quán trung đạo vô sanh nơi đệ nhất nghĩa đế. Tu học pháp môn minh quán, trên từ địa thứ hai, địa thứ ba, cho đến địa thứ mười một, mọi tâm đều vắng lặng, thể nhập vào dòng nước pháp.

Một tướng, không tướng, hai thứ thân không gì ngăn ngại, thần thông biến hóa đều nhập vào Cõi Phật, gọi là địa hoan hỷ. Vì chân chánh vô tướng nên nhập hoàn toàn vào cảnh giới không của chúng sanh, hiện thân khắp các Thế Giới của vạn Đức Phật, sáu thông biến hóa vô ngại, gọi là địa Ly cấu.

Này Phật Tử! Tuệ giác sáng suốt và tín nhẫn, tu tập mười hai bộ Kinh của Phật thuở xưa: Trường Hàng, Trùng Tụng, Thọ Ký, Phúng Tụng, Tự Thuyết, Nhân Duyên, Thí Dụ, Bổn Sự, Bổn Sanh, Phương Quảng, Vị Tằng Hữu, Luận Nghị.

Lại dùng pháp này để giáo hóa chúng sanh, tâm sáng suốt, thần thông biến hóa gọi là địa minh địa phát quang. Từ trí vô sanh tùy thuận để phát sanh pháp nhẫn, quán hai tướng chân tục của các pháp, trên là quán các công đức của Phật, dưới quán cảnh giới nơi sáu đạo của chúng sanh.

Do quán pháp đại từ nên thuyết pháp, ban cho niềm vui. Do quán đại bi nên cứu chúng sanh thoát khỏi ba đường khổ. Do quán hỷ nên mọi người được yên vui. Do quán xả nơi khắp chúng sanh nên đều hội nhập thể tánh bình đẳng. Vì nhập bảy pháp quán như trên nên gọi là địa diệm huệ.

Với pháp thuận nhẫn tiến tu Thánh đạo, vô minh trong ba cõi cùng nghị kiến, tất cả đều không, thành tựu công đức nơi tám thứ biện tài, nhập vào năm minh, năm luận, tức là bốn thuật biện luận về nhân, quả và thuật biện luận về nội điển, ngoại điển, bất cứ lĩnh vực nào cũng đều thông suốt gọi là địa nan thắng.

Với pháp quán thuận nhẫn bậc thượng, quán tất cả pháp thuộc về quá khứ, hiện tại và vị lai đều là tướng hợp nhất. Nhân duyên pháp giới là tướng vắng lặng, không hai, gọi là địa hiện tiền.

Này Phật Tử! Các pháp nhẫn vô sanh, quán các pháp chẳng phải là có phiền não, chẳng phải là không phiền não, một lần sanh ra, một lần diệt đi, một lần thành quả, một thân sau cùng thuộc trong ba giới, vừa xuất vừa nhập, tích chứa vô lượng công đức, thường hướng đến địa bậc trên, mọi niệm đều vắng lặng gọi là địa viễn hành.

Này Phật Tử! Do Bồ Tát quán pháp vô sanh, dứt bỏ quả báo nơi ba cõi và những tác dụng của quả biến dịch, thể nhập trung nhẫn của tuệ vô tướng, từ không hiện có, từ có hiện không, tự tại biến hóa vô thường, tự thấy thân mình sắp đạt quả là Chư Phật xoa đỉnh đầu, thuyết pháp, thân, tâm nơi hành riêng không thể nghĩ bàn, nên gọi là địa bất động.

Bồ Tát lại vào quán pháp môn thượng nhẫn, mỗi một ánh sáng đều có hóa Phật, do thể vô sanh nhẫn, thị hiện tất cả thân Phật, gọi là địa diệu huệ.

Này Phật Tử! Bồ Tát tu tập đến đây là nhập hạ phẩm đại tịch nhẫn của lý trung đạo nơi đệ nhất nghĩa đế, làm công hạnh Phật, an tọa nơi tòa hoa sen báu có ngàn cánh, nhận sự thọ ký để thành vị Phật, học công năng giáo hóa của Phật. Hai thứ tập khí đã được chiết phục, đoạn trừ, thành tựu lòng tin sâu xa đối với quả Phật, đồng với chân như và pháp giới.

Chân, tục hai đế đều là một tướng, đầy đủ tất cả các công đức, thể nhập nơi căn cơ chúng sanh, anh lạc vô thượng là công đức trang nghiêm, đồng thời xuất hiện tất cả hình tướng, nên gọi là địa Pháp vân.

Này Phật Tử! Bấy giờ, Bồ Tát an trú vào nhẫn quán của trung phẩm đại tịch môn, công hạnh đều đầy đủ, lên đỉnh đại sơn, trăm ngàn tam muội tích chứa oai nghi, diệu dụng của Phật, chỉ còn tích lũy quả đức. Với vô thường, sanh, diệt, mọi tâm không còn bị lay động, tu hạnh vượt qua địa thứ mười, hiểu biết như Phật, ngồi chỗ Phật ngồi.

Trí tuệ của Bồ Tát này thấy rõ của cảnh giới chân thường và vô thường của các pháp. Nên biết, Bồ Tát này như Đức Phật, gọi là học với Đức Phật. Tất cả các Bồ Tát ở địa dưới không biết sự sai khác của Bồ Tát này, đối với Đức Phật gọi là Bồ Tát, đối với Bồ Tát ở địa dưới gọi là Phật.

Vì sao?

Vì Bồ Tát dùng đại năng lực biến hóa để duy trì mạng sống trong trăm kiếp, vạn kiếp, thị hiện làm Phật, hiện tướng đản sanh, thành đạo, chuyển bánh xe pháp, nhập Niết Bàn vô dư, giảng thuyết tám pháp luân tương tợ như Phật, nhưng chẳng phải quả Phật.

Gọi bằng với Chư Phật vì oai nghi, đi đứng… như Phật, an trú trong trăm ngàn tam muội. Do thực hành những hạnh Phật như vậy, nên nhập vào Định Kim cang nhất tướng, vô tướng vắng lặng, vô vi gọi là địa vô cấu. Đạo Bồ Tát với diệu quán thượng nhẫn vắng lặng vô cùng, vô tướng.

Chỉ làm duyên sanh ra pháp thiện cho chúng sanh, cũng tự giữ gìn các công đức, nên gọi là Phật tạng, vừa tịch tĩnh mà soi chiếu tất cả pháp, cũng như tất cả Bồ Tát dưới Phật cũng vừa chiếu vừa tịch.

Thế nên, này Phật Tử! Trước kia ở Cõi Tứ Thiền, ta vì tám ức Phạm Thiên Vương trình bày về tịch, chiếu của Như Lai không tâm, không sắc, vắng lặng, soi chiếu tất cả pháp. Hôm nay, ta nói tóm lược về câu và nghĩa, vì đại chúng này thuyết giảng về các hạnh pháp thiện.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường