Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Bốn - Phẩm Long Vương Tắm Thái Tử - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BỐN

PHẨM LONG VƯƠNG TẮM THÁI TỬ  

PHẦN BA  

Lúc này Bồ Tát tâm ý an nhiên, chăm chú lặng nhìn cũng không nói năng gì mà chỉ suy nghĩ: Như ta hôm nay vì người mà thuyết pháp, giảng giải về đạo quả thanh tịnh không thoái chuyển, không mang tính chất phân biệt tôi ta.

Các pháp là như nhiên, cuộc sống cũng thế, tùy theo căn trí của mỗi người mà thuyết giảng chánh pháp. Tánh của muôn pháp là tự như thế, không hề biến đổi. Huống chi chúng sinh có người lãnh hội được pháp ấy.

Chúng sinh vốn thanh tịnh, không bị cấu nhiễm, nên tạo lập trí tuệ để tâm phát thệ nguyện rộng lớn, nên suy cứu để thấy muôn loài thảy đều thanh tịnh. Vốn thanh tịnh như nhiên, vô ngã như nhiên, vô hình như nhiên, người vật như nhiên.

Thế nào gọi là vốn thanh tịnh như nhiên?

Từ lúc xa xưa đến nay tuy luân chuyển trong cõi sinh tử, từ lúc phát tâm cầu đạo cho đến khi nhập Niết Bàn, vốn luôn được thanh tịnh, vì vậy mà gọi là vốn thanh tịnh như nhiên.

Thế nào gọi là vô ngã như nhiên?

Vốn có nay không, nay có vốn không, cũng không thể nói rằng ngã. Gốc của ngã là sinh từ có. Lại cũng không thể cho rằng có là từ ngã sinh ra, ngã không tự biết rằng vô ngã là có, cũng không tự biết rằng có là có. Vì vậy mà gọi là vô ngã như nhiên.

Thế nào gọi là vô hình như nhiên?

Vô hình ấy như tâm thức, thần diệu, thọ mạng, ba cú nghĩa ấy luôn tồn tại không biến đổi. Nơi không là không, nơi hình là hình, nơi có là có, nơi tướng là tướng, nơi vô tướng là vô tướng. Sự nhận biết về vô hình, tánh của nó là không, như nhiên, vì vậy mà gọi là vô hình như nhiên.

Thế nào gọi là người, vật như nhiên?

Tìm tòi suy cứu về người, vật không thấy được chốn gốc gác, ý thức ảo hóa nên không đạt được cội nguồn của đối tượng. Do mê muội lầm lạc cùng hợp lại nên cho rằng đây là cha, đây là mẹ, là Quốc Độ, tài sản, vợ con… dần dần sinh ra các tưởng nên tham đắm trong ba cõi.

Ta nay đã vĩnh viễn lìa bỏ chúng, đem tính chất như nhiên ấy mà thông đạt không tuệ. Không tuệ là như nhiên, các pháp cũng thế. Các pháp là như nhiên là đạt đến bậc Chánh Giác lại cũng là như nhiên.

Tất cả các pháp chỉ là giả hợp danh hiệu, do từ hiệu mà có danh cũng lại là như nhiên. Luận bàn về như nhiên mới thật là luận bàn về các pháp không sinh diệt. Vì thế nên gọi là người, vật như nhiên.

Ta nay nếu diễn nói về các pháp không tịch, chúng sinh sẽ không tin mà còn tăng thêm bao lớp lưới nghi hoặc. Ví như ta lại thuyết giảng các pháp về hình chất thì chẳng thể đạt đến tận ngọn nguồn.

Hay là nên diệt độ?

Vả như thích nghi với tịch tĩnh thì Hiền Thánh đều im lặng.

Bấy giờ có vị Thiên Tử tên là Bảo Anh, thông đạt tâm niệm của Bậc Giác Ngộ cùng hành Phật tánh, sáu đường đều thấu triệt, tỏ ngộ nhất tướng, hoàn toàn lìa bỏ tám pháp thế gian, không còn bị phiền não chi phối, có thể nhận lấy việc chuyển pháp luân.

Tuyên giảng các lời dạy của Phật, bốn Thánh Đế cùng trí tuệ giác ngộ, dứt diệt tức thì mọi cấu uế, gồm đủ năm phần pháp thân của Như Lai, đạt được đạo quả sáu thứ thần thông vô ngại, hình thần luôn du hóa khắp chốn, không có nơi nào bị chướng ngại.

Có được đủ bảy Giác ý để tự trang nghiêm thân tâm, tám nẻo hành hóa chân chánh đều gồm đủ cùng với pháp bất cộng, bốn vô úy, dũng lực như Kim Cang không gì có thể hủy hoại. Do vậy mà biết được sự im lặng của Bồ Tát, biết vì sao Hiền Thánh không muốn đem giáo pháp diễn giảng cho chúng sinh.

Lúc này Thiên Tử Bảo Anh liền rời chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai bên phải, đến trước Đức Phật chắp tay cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con nay không dùng Phật nhãn, pháp nhãn, tuệ nhãn và cả thiên nhãn để quan sát các loài chúng sinh, luôn hợp với pháp luật của các bậc Hiền Thánh.

Con nay chỉ dùng nhục nhãn để xem thấy hằng sa các Quốc Độ trong mười phương, về những người nên thọ nhận việc chứng đắc, những người tu tập thiền định hoặc tại nhất trụ cho tới thập trụ.

Lại thấy các bậc Thiện Nam sắp sửa thành tựu đạo quả Phật Đà, các bậc Nhất sinh bổ xứ không hề thoái chuyển, dốc lòng đi tới Đạo Tràng để trang nghiêm cây Bồ Đề.

Hết thảy các bậc ấy đều nên được theo Bồ Tát nhất sinh bổ xứ để nghe pháp bình đẳng, các pháp bất nhị, từ đó mọi chí nguyện vì đạo thảy đều được thành tựu.

Bấy giờ, Thiên Tử Bảo Anh ân cần khuyến thỉnh cho đến ba, bốn lượt, lại dùng kệ để bày tỏ lời xưng tán:

Tôn nhan không gì sánh

Nét mặt như trăm hoa

Giẫm đất tự xưng hiệu

Tiếng vượt Phạm Thiên âm

Kiến lập cõi trí tuệ

Thuyết pháp chẳng hữu vô

Chúng sinh chấp tưởng thường

Tịch nhiên nẻo bất nhị.

Hào quang tỏa mười phương

U tối thấy ánh sáng

Bậc quý Nhân Trung Tôn

Nay nên dốc quy kính.

Vô số đời khổ hạnh

từ bi khó có hai

Công đức đã viên mãn

Nay con dốc quy kính.

Chính tán dương Tôn Túc

Chân, tay, thân tướng tốt

Da lông bảy chốn phẳng

Dáng đứng phải trái cân

Cánh tay, ngón thon nhỏ

Vân tay tỏa đều đặn

Lưỡi dài, rộng, vô úy

Nét ngàn cánh hoa sen

Bốn mươi răng khít đều

Sắc như ngọc tuyết trắng

Vào các lúc thuyết pháp

Môi tươi như ngọc ánh

Tám thanh chẳng nam nữ

Cũng chẳng âm thư hùng

Cảm ứng khắp mười phương

Lắng nghe không hề chán

Tai vuông đeo ngọc báu

Như châu minh nguyệt ngời

Mắt xem rõ trắng đen

Trên dưới thảy đều tỏ

Tóc đầu sắc xanh sẫm

Nhục kế lông xoay phải

Tướng tốt không bến bờ

Dáng trông như núi vàng

Mọi đức trang nghiêm thân

Cũng như hoa đua nở

Tiêu diệt mọi bụi bặm

Ba cõi một mình bước.

Vô số loài chúng sinh

Khắp mười phương cùng hợp

Muốn được nghe chánh pháp

Đạo Vô thượng tối thắng

Trời, Người, Rồng, Quỷ Thần

Dốc ngưỡng mộ nghe pháp

Xin rủ thương muôn loài

Mau chuyển bánh xe pháp.

Bấy giờ, các vị Đại Phạm Thiên Vương trong khắp mười phương Thế Giới, các vị Thức Càn Thiên Vương là hàng thượng thủ trong số tám mươi bốn ức Thiên Vương, liền rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai bên phải, đến trước Đức Phật, quỳ mọp, chắp tay cung kính, dùng kệ để tán dương Phật:

Không đắm lìa mọi uế

Lậu dứt, không hề nhiễm

Hành ứng hợp giáo pháp

Ý đạt tuệ thông, vô

Gốc tại Trời Đâu Suất

Thuyết pháp như nước cuốn

Vì sao nay tịch nhiên

Chẳng nở hoa tuệ tỏ

Hào quang chiếu u minh

Xua sạch mê ba đời

Mười lực không nhiễm đục

Mong được lúc diễn pháp

Hôm nay khắp mười phương

Chư Bồ Tát vân tập

Thảy cùng muốn được nghe

Pháp chưa từng tuyên giảng

Ý tịnh, hành dứt lậu

Như thể trăng trong sao

Phật quá khứ cùng nguyện

Mong được lúc thuyết pháp.

Chúng sinh nay chìm đắm

Biển sinh tử nổi trôi

Xin đem thuyền bình đẳng

Cứu vớt kẻ ngụp lặn

Hào quang thật lồng lộng

Phủ che cả nhật nguyệt

Xua trừ mọi phiền não

Thanh tịnh không chút bợn

Thế Tôn gốc nguyện lớn

Dũng mãnh không hề vơi

Ý từ bi bình đẳng

Thuyết pháp không tăng giảm

Giới đủ, cùng thiền tịch

Lực thần túc vô úy

Pháp vô úy không tướng

Chánh thọ nhập khắp cõi

Gốc tu pháp Lục Độ

Tâm sạch mọi lo buồn

Ý khiêm cung kính lễ

Các Bậc Sư, Tôn Trưởng

Do vậy hiện nhục kế

Không kẻ dám xem thường

Huống chi tâm muốn bày

Thấy đỉnh tướng Như Lai

Mười phương thương thị hiện

Giáng Thần độ muôn loài

Chúng nhân cùng khao khát

Mong được chuyển pháp luân.

Phạm Thiên Vương Thức Càn đọc bài kệ tán thán xong bèn đi vòng quanh Đức Phật ba vòng rồi trở lại tòa ngồi cũ.

Lúc này Thích Đề Hoàn Nhân liền rời chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai bên phải, sửa soạn lại y phục, quỳ mọp chắp tay, ba lần tự xưng danh hiệu: Con là Thiên Đế Thích tên là Câu Dực, xin được quỳ trước Bồ Tát để tán dương:

Không lời, hợp tịch tĩnh

Không dạy, hạnh tự đủ

Không tập, hợp vô biên

An nhiên hợp vô vi

Bản hạnh hiện vô tướng

Nay đạt quả không, vô

Nên lễ Thần hư không

Tịch nhiên, dứt lời, dấu.

Tại đời giác ngộ được

Ban vui kẻ khốn cùng

Chỉ dẫn nẻo chánh kiến

Mù tối nhận nẻo chính

Chúng sinh mãi lầm lạc

Mong nghe pháp cam lồ

Mong mở kho vô tận

Nhuần thấm khắp Trời, Người

Hành từ, gốc tu đức

Phương tiện không giảm tăng

Diễn rộng pháp vô vi

Muôn người đều đầy đủ

Bậc Thế Tôn khó gặp

Chánh pháp cũng khó tìm

Muốn được gặp Thánh Hiền

Cũng lại chẳng thể được!

Chư Như Lai quá khứ

Thành Chánh Giác nơi đây

Mong được lúc phục thần

Gắn bó cõi đời này

Tôn gốc thích nhàn tĩnh

Tư duy đạo vô vi

Gốc thệ nguyện đạt quả

Làm sao ở chốn động?

Diêm phù năm vạc trôi

Lửa nước cũng dữ dội

Duy nguyện mau xuất gia

Lìa tham dục trói buộc

Con nhớ đời quá khứ

Chư Phật thành Chánh Giác

Liền đến nơi Thọ Vương

Sớm ngồi, chiều thành đạo

Tôn Giả nay có nghi

Mới muốn vui sinh tử

Ân ái như thành hư

Vui ấy sao tham luyến!

Đời đầy nỗi sống chết

Chỉ đạo luôn tịch nhiên

Ân ái như ánh chớp

Huyễn hóa chẳng chân thực

Thế gian đầy tăm tối

Năm lớp sử phủ che

Mong được khai tuệ sáng

Chiếu tỏa được thấy khắp.

Biến hóa vô số hình

Thích ứng trước muôn loài

Theo đúng hạnh nguyện gốc

Hành thiền lực sung mãn.

Như nay sao lại tĩnh

Chẳng chuyển bánh xe pháp

Mong được lúc diễn rộng

Đói khát được no đủ.

Nhớ gốc nẻo tạo phước

Tích chứa từ nhỏ ít

Đạt đến bậc Thiên Vương

Cõi trị không bờ bến.

Cung phụng Chư Như Lai

Thời quá khứ đắc đạo

Bốn Phật Nhất bổ xứ

Thế Tôn chính hiện tại

Vô số ức na thuật

Mãi chìm trong sinh tử

Mong đem xe nguyện lớn

Đưa ngay đến bờ giác

Nay xin khuyến thỉnh thuyết

Pháp cam lồ không chán

Tám nẻo mở dứt đắm

Không cấu nhiễm bụi bặm

Tôn Giả hoặc nhập định

Nên độ cõi chẳng độ

Mong trước hóa loài này

Kẻ tâm giữ chẳng động

Tánh hư không chẳng nhiễm

Luôn bình đẳng an nhiên

Không hướng chẳng thấy được

Duy nguyện dứt mọi nghi.

Chứa thâm diệu vô tận

Kẻ yếu nào giữ nổi!

Nay gặp Thiên Thế Sư

Xin mở khiến hiện khắp

Tôn Giả vốn nguyện độ

Cùng ngày chẳng đổi lúc

Như nay sao im lặng

Bao kẻ mê cầu độ!

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần