Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Dứt Hết Tham Chấp Vướng Mắc - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM HAI MƯƠI SÁU
PHẨM DỨT HẾT
THAM CHẤP VƯỚNG MẮC
PHẦN HAI
Đức Phật bảo các vị Tộc Tánh Tử: Như các vị thiện nam, thiện nữ nhận lấy sự thọ ký của Như Lai, những người gần không biết được, những người xa cũng không thấy, những người như thế là các hành chưa được đầy đủ, chưa có được những phương tiện quyền xảo, tuy đã lìa bỏ năm thứ dục nhưng chưa có thể hoàn bị Pháp tạng của Như Lai, hiện nay như Bồ Tát Đẳng Hành vậy.
Đức Phật bảo các vị Tộc Tánh Tử: Như có các vị Đại Bồ Tát phụng trì tu tập tám pháp nhân duyên ấy thì ta nay xem những vị đó như chính mình không khác, cũng lại khiến cho Chư Phật Thế Tôn khắp mười phương nhận biết và ủng hộ.
Bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhân liền rời khỏi tòa ngồi của mình đứng dậy dự tính đi đến chỗ Đức Phật để cung kính đảnh lễ rồi đứng qua một bên nêu bày sự việc, nên chỉ trong chốc lát đã đến trước chỗ Đức Phật, quỳ mọp, chắp tay cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con tên là Câu Dực hiệu là Thiên Đế Thích, kính bạch Thế Tôn chấp thuận cho điều sẽ được nêu bày.
Đức Phật nói: Lành thay! Lành thay! Này Câu Dực! Như có thể nghi vấn gì thì lúc này rất thích hợp để nêu bày.
Thích Đề Hoàn Nhân thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như có hàng thiện nam, thiện nữ thực hiện và phát huy hành dứt sạch mọi tham vướng của Như Lai, gồm đủ tám pháp nhân duyên về sự thọ ký, thì chúng con và Chư Thiên sẽ xin hộ trì các vị thiện nam, thiện nữ ấy khiến họ được thành tựu trọn vẹn rốt ráo không giữa chừng thoái chuyển rơi xuống hàng A La Hán, Bích Chi Phật.
Lúc này, Thích Đề Hoàn Nhân ở trước Đức Phật liền đọc bài tụng:
Gốc không, chẳng chốn vướng
Lìa hẳn mọi đường ác
Do đâu nay Như Lai
Thọ ký có cao thấp?
Xưa từ vô số kiếp
Công đức chẳng thể lường
Tích lũy mọi công đức
Các tướng thảy gồm đủ.
Như Lai gốc các pháp
Không sinh diệt gắn lìa
Thế Tôn nay thọ ký
Luận bàn tướng thấp cao
Đạt định chẳng dấy niệm
Sinh diệt không chốn có
Các pháp như huyễn hóa
Tên hiệu chẳng chân thật
Rõ gốc chốn khứ lai
Nguyện vui pháp vô sinh
Diễn nói trí ba đạt
Từ hạn đến vô hạn
Nay vì Thiên Đế Thích
Cởi buộc dứt mọi kết
Mong Thế Tôn thọ ký
Bao lâu thành Chánh Giác!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ đáp lại Thích Đề Hoàn Nhân:
Nay vị Thiên Đế Thích
Công đức mọi hành nhiều
Đã từ vô số đời
Chứa đức thêm ngời sáng.
Nay làm thân Thiên đế
Trải nhiều đại, tiểu kiếp
Ba mươi sáu thành bại
Chẳng rời thệ nguyện gốc.
Ngàn Phật huynh đệ qua
Lại không còn hiền kiếp
Khoảng ấy hoàn toàn vắng
Hai mươi bốn trung kiếp
Sau mới có Phật hiện
Mười Lực vô sở úy
Thanh Tịnh Đức Phổ Tôn
Cõi nước tên Phổ nhẫn
Phật ấy thọ mạng lâu
Ở đời trong bảy kiếp
Giáo hóa đã hoàn tất
Không tịch nẻo diệt độ.
Pháp lưu trụ thế gian
Cũng trải được bảy kiếp
Dần dần chánh pháp diệt
Chẳng nghe hiệu Tam Tôn
Khoảng giữa lại dứt hẳn
Lại trải qua năm kiếp
Người nơi Quốc Độ ấy
Sẽ nối vị Như Lai.
Ta nay thọ ký ngươi
Ấn Như Lai gốc không
Hiệu là Vô Trước Tôn
Bậc quý trong ba cõi.
Riêng bước không kẻ sánh
Thuyết giảng pháp vô tận
Giáo hóa A tăng kỳ
Độ vô lượng chúng sinh.
Bấy giờ Thích Đề Hoàn Nhân được nghe Đức Như Lai đã chọn thọ ký cho mình nên cung kính đảnh lễ ngang chân Phật, đi nhiễu quanh chỗ Phật ba vòng rồi trở lại tòa ngồi cũ.
Lúc này, ác Ma Ba Tuần tâm tự suy nghĩ: Nay Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác giáo hóa chúng sinh, chuyển pháp luân dứt sạch mọi tham đắm vướng mắc dùng các phương tiện quyền xảo để dẫn dắt hết thảy mọi kẻ chưa được giác ngộ.
Chúng Bồ Tát đều là hàng đại trí đủ các thần thông, đều được thọ ký an trụ nơi địa không thoái chuyển, những Bậc Thánh Hiền ấy thì ta không nghi ngờ gì. Nay Thích Đề Hoàn Nhân là thuộc bộ phận lãnh vực của ta trông coi, lại trước tiên được Đức Như Lai chọn để thọ ký.
Như ta hôm nay là tâm đã lìa hành ma, không còn gắn bó trong cảnh ái dục, tham cầu vinh hoa, vì sao Đức Như Lai không thọ ký cho ta?
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết rõ tâm niệm của Ma Ba Tuần, liền nói với Tôn Giả đại Mục Kiền Liên rằng: Tôn Giả có thể nhận lãnh việc đứng trước Như Lai thuyết giảng về việc các vị Đại Bồ Tát được thọ ký với đầy đủ ý nghĩa chăng?
Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên vâng theo uy thần của Phật, liền rời chỗ ngồi đứng dậy đến trước Đức Phật cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con xin nhận lấy việc nêu giảng pháp thọ ký đối với hàng Đại Bồ Tát.
Đức Phật nói: Này Tôn Giả Mục Kiền Liên! Nếu có thể nhận lấy việc thuyết giảng pháp ấy thì bây giờ thật là đúng lúc.
Tôn Giả Mục Kiền Liên thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như có các vị Đại Bồ Tát đối với các pháp không, sinh tâm tham đắm cấu nhiễm, bèn tự cho mình hơn hết, coi thường những bậc tu học đi trước, những hàng thiện nam, thiện nữ như thế rõ ràng là đang còn ở cõi phàm phu, chưa đáng được gọi là Bồ Tát, chưa đáng được tôn xưng là đã được Như Lai thọ ký.
Tôn Giả Mục Kiền Liên lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như có các vị thiện nam, thiện nữ, nhận thấy người được thọ ký, liền sinh tâm niệm tăng thượng mạn cho rằng mình là hàng phú quý, người kia là hàng thấp kém.
Những vị thiện nam, thiện nữ như thế cũng còn ở nơi cõi phàm phu, không đáng được gọi là Bồ Tát, chưa đáng được gọi là người đã được Đức Như Lai thọ ký.
Tôn Giả Mục Kiền Liên lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như các vị thiện nam, thiện nữ đạt được trí tuệ sáng tỏa của Phật nhận rõ ba pháp quán không, vô tướng, vô nguyện, liền được Đức Như Lai chọn để thọ ký.
Nhưng có chúng sinh thấy người ấy được thọ ký liền sinh tâm ganh ghét, cho rằng Như Lai sao lại chọn người này được thọ ký trước. Những hàng thiện nam, thiện nữ như vậy cũng là còn ở nơi cõi phàm phu, chưa đáng được gọi là Bồ Tát, chưa xứng được gọi là Đức Như Lai thọ ký.
Bấy giờ Tôn Giả Mục Kiền Liên lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như có các vị thiện nam, thiện nữ đạt được thần túc của Phật với bốn pháp vô sở úy, đi đến khắp cõi không để chuyển pháp luân, sử dụng các phương tiện quyền xảo không hề bị trở ngại, giáo pháp được diễn giảng đều đem lại lợi ích cho chúng sinh nên được Phật chọn để thọ ký.
Nhưng có chúng sinh đạt được trí tuệ thế tục, biện tài bậc nhất, tỏ xưa rõ nay thông đạt ba đời, tự mình suy nghĩ và suy niệm cho rằng mình là người biết rộng nghe nhiều không việc gì mà không quán xuyến, Như Lai sao lại không chọn mình để thọ ký trái lại đã chọn người ấy để trao truyền.
Những hàng thiện nam, thiện nữ như thế cũng là còn ở cõi phàm phu, chưa đáng được gọi là Bồ Tát, lại càng không xứng để được gọi là người nhận sự thọ ký của Như Lai.
Tôn Giả Mục Kiền Liên lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như có các vị thiện nam, thiện nữ đạt được pháp nhẫn vô sinh, bốn bậc gồm đủ, đi đến khắp vô lượng Thế Giới trong mười phương, gốc theo Đức Phật này để phát đạo tâm, lại nhận được sự thọ ký của Đức Phật khác.
Nhưng có chúng sinh tự dấy tâm niệm, cho rằng người ấy không phải thuộc chúng với ta, chẳng phải cùng một môn phái với ta, sao Đức Như Lai lại chọn trước người ấy mà không thọ ký cho ta. Những hàng thiện nam, thiện nữ như thế cũng là còn ở cõi phàm phu, chưa đáng được xưng là Bồ Tát, chẳng xứng được Như Lai chọn để thọ ký.
Tôn Giả Mục Kiền Liên lại thưa với Đức Phật: Như có các vị thiện nam, thiện nữ đã góp sức chuyển bánh xe chánh pháp vô thượng, sáu pháp thần thông biến hóa không chút trở ngại, sử dụng các phương tiện quyền xảo để thâu phục chúng sinh, các vị Đại Bồ Tát ấy đã được Như Lai chọn để thọ ký.
Lại có chúng sinh ở nơi ba độc chưa dứt sạch được tâm ái dục, chưa có thể thích ứng trong việc vâng theo Chư Phật để tu tập, nên dấy hồ nghi mà suy nghĩ rằng: Nay xem người ấy như có chỗ đạt được, chỉ là do Như Lai trọng uy lực mà cảm mến.
Vì bậc thiện nam ấy xét kỹ chỉ có sự biến hóa mà thôi. Ở trong sự phân biệt kia đây, như vậy mà dấy tưởng do dự. Những hàng thiện nam, thiện nữ như thế đều còn ở cõi phàm phu, chưa đáng gọi là Bồ Tát, nên càng không xứng để Đức Như Lai thọ ký.
Bấy giờ Tôn Giả Mục Kiền Liên lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như có các vị thiện nam, thiện nữ, sinh ở loài rồng, phát tâm Bồ Tát, các hành gồm đủ không chút thiếu sót, sơ hở, nên được Đức Như Lai chọn để thọ ký.
Hoặc có chúng sinh lại tự suy nghĩ, cho rằng ta được thân người các căn đầy đủ, nay được thông tỏ chánh pháp, sáu tình đều trọn vẹn, Như Lai làm sao không thọ ký cho ta, nay trái lại chọn thọ ký cho vị rồng ấy! Những hàng thiện nam, thiện nữ như thế là đều còn ở hạng phàm phu, chưa xứng được gọi là Bồ Tát, nên chưa đáng được Như Lai chọn thọ ký.
Tôn Giả Mục Kiền Liên lại thưa với Đức Phật: Như các vị thiện nam, thiện nữ, đã được thọ thân hình Chư Thiên và phát tâm Bồ Tát, dứt lìa hẳn mọi thứ ràng buộc tham đắm không chút luyến tiếc, rời bỏ ngôi vị vinh hoa, xa lìa năm thứ dục lạc, sáu tình được thu giữ, dốc tu pháp thanh tịnh, đoạn hẳn tám pháp thế gian không rơi vào mười nghiệp ác, nên được Như Lai chọn để thọ ký.
Nhưng có chúng sinh tự dấy tâm niệm, cho rằng nay xem vị Thiên đó các hành chưa đủ, chưa bỏ được hình tướng ấy để nhận lấy thân người, vì sao Như Lai lại chọn vị đó để thọ ký mà không trao truyền cho ta. Những hàng thiện nam, thiện nữ như thế đều còn ở cõi phàm phu, chưa xứng là bậc Bồ Tát nên chưa đáng để được Như Lai chọn thọ ký.
Tôn Giả Mục Kiền Liên lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Hoặc có chúng sinh thọ nhận hình tướng nơi cõi địa ngục, Đức Phật đã dùng thần lực đi đến cõi ấy để thọ ký, như con trước đây đã vâng theo lời dạy của Phật thọ ký cho Đề Bà Đạt Đa.
Nhưng có chúng sinh tự dấy suy nghĩ, cho rằng thọ nhận thân hình ở cõi địa ngục phải chịu bao nỗi thống khổ vô lượng, nào cảnh dầu sôi lửa đốt chết rồi liền sinh, nào cảnh núi đao rừng kiếm lò than vòng sắt nung đỏ, nào cảnh xe lửa gió táp, trụ đồng cối đá đủ kiểu khảo tra, ở nơi cõi đó phải nhận lấy thống khổ thật không kể xiết, hoàn cảnh như vậy làm sao có được đạo tâm?
Như Lai hôm nay lại chọn kẻ ấy để thọ ký, còn như chúng ta đã được thân người lại không được chọn. Những hàng thiện nam, thiện nữ như thế cũng đều còn ở hạng phàm phu, chưa xứng để gọi là Bồ Tát, nên chẳng được thọ ký danh hiệu Như Lai.
Tôn Giả Mục Kiền Liên lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như các vị thiện nam, thiện nữ, sinh trong cõi ngạ quỷ, nhận hình tướng ngạ quỷ, như cha của Bồ Tát Thiện Kiến, Nội Tổ của Tôn Giả Xá Lợi Phất, mẹ của trưởng giả Thiện Thí, phải nhận lấy hình tướng khổ não, thân hình thì quái dị, nỗi thống khổ phải chịu thì không sao kể hết dẫu muốn chết đi cũng không thể được.
Nhưng Thế Tôn với lòng đại Từ bi, nên đã sai Tôn Giả Xá Lợi Phất đi đến nơi từng người khiến họ phát đạo tâm nhận lấy sự thọ ký của Phật.
Nhưng có chúng sinh lại tự dấy tâm niệm, cho rằng hàng ngạ quỷ chịu khổ não thật vô cùng, mọi sự đói khát lạnh lẽo độc hại không sao lường tính hết, nhưng nay Đức Như Lai lại thọ ký cho hạng ấy mà không chọn mình. Những hàng thiện nam, thiện nữ như thế cũng đều là còn ở hạng phàm phu không đáng được gọi là Bồ Tát, nên chẳng được thọ ký danh hiệu Như Lai.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Mục Kiền Liên rằng: Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc Tánh Tử! Tôn Giả đã nhận lấy việc nêu giảng thông suốt về các hành vô ngại trong sự thọ ký cho hàng Bồ Tát, thật xứng đáng là hàng đệ tử của Phật, chẳng phải là những suy nghĩ phát sinh từ tham dục.
Lúc này, ác Ma Ba Tuần lại tự dấy suy niệm: Ôi! Mọi nẻo hành của ta sẽ chẳng nhầm lẫn chăng?
Nay được nghe Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên nêu giảng, thật chẳng phải nói đến mọi người mà chính là nói về ta! Tức thì Ma Ba Tuần liền rời chỗ ngồi đứng dậy, dứt bỏ tâm cao ngạo kiêu mạn đến trước Đức Phật, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con nay do ngu si lầm lạc nên mãi lẩn quẩn ở nẻo tà kiến, chưa thấy được con đường chân chánh.
Nay Thích Đề Hoàn Nhân là vị Thiên Đế dưới sự cai quản của con đã được Đức Như Lai chọn để thọ ký trước, điều ấy khiến con đã dấy ý bỉ thử, sinh tâm thị phi. Kính mong Thế Tôn nhận lấy sự hối cải về lầm lỗi của con, dứt trừ gốc tham dục, không còn tham đắm trong sự mong cầu vinh hoa nữa.
Đức Phật bảo Ma Ba Tuần: Người nay nơi chỗ mình ngồi có thấy Bồ Tát Di Lặc chăng?
Ma Ba Tuần thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con có trông thấy Bồ Tát Di Lặc.
Đức Phật bảo Ma Ba Tuần: Chính Bồ Tát Di Lặc ấy sẽ thọ ký cho ngươi được hiệu Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Sáu Mươi Bảy - Phẩm ưu Ba Cúc đề
Phật Thuyết Kinh Nghi Quỹ đại Oai Nộ ô Sô Sáp Ma - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ca Lê
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Bốn Mươi Hai - Phẩm Ta Tỳ Da Xuất Gia
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội thứ Ba Mươi - pháp Hội diệu Huệ đồng Nữ