Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Ba - Kinh Phật Tự Thuyết - Chương Bảy - Phẩm Nhỏ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP BA
KINH PHẬT TỰ THUYẾT
CHƯƠNG BẢY
PHẨM NHỎ
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika.
Lúc bấy giờ Sàriputta, với pháp thoại gồm nhiều pháp môn đang trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ Tôn Giả Lakumthakabbaddiya.
Do Tôn Giả Sàriputta, với pháp thoại gồm nhiều pháp môn trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ nên tâm của Tôn Giả Lakumthakabhaddiya được giải thoát các lậu hoặc không có chấp thủ.
Thế Tôn thấy Tôn Giả Lakumthakabbaddiya, do Tôn Giả Sàriputta với pháp thoại gồm nhiều pháp môn trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ nên tâm được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Trên dưới khắp tất cả,
Ðược giải thoát hoàn toàn,
Không còn có tùy quán
Cái này chính là tôi.
Giải thoát vậy vượt dòng,
Trước chưa từng vượt qua,
Không còn có rơi rớt
Vào sanh hữu thọ sanh.
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn Giả Sàriputta, với pháp thoại gồm nhiều pháp môn, đang thuyết trình, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, Tôn Giả Bhaddiya người lùn.
Lại càng nhiệt tình hơn lên khi Tôn Giả Sàriputta nghĩ rằng: Tôn Giả Bhaddiya người lùn là một vị hữu học. Thế Tôn thấy Tôn Giả Sàriputta với pháp thoại gồm nhiều pháp môn, là một vị hữu học.
Sau khi hiểu biết ý nghĩa này, Thế Tôn ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Cắt đứt được luân chuyển,
Ðạt được sự không dục,
Hoàn toàn được khô cạn,
Nước sông không chảy nữa,
Cắt đứt, lưu chuyển đứng,
Là giải thoát đau khổ.
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika.
Lúc bấy giờ, nhiều người ở Sàvatthi, phần lớn đắm say quá độ về các dục, sống say đắm, tham đắm, tham muốn, tham mê, bị trói buộc, bị mê say trong các dục. Rồi một số đông Tỳ Kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi để khất thực.
Khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, khi đã khất thực trở về, họ đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, họ bạch Thế Tôn: Ở đây, bạch Thế Tôn, những người ở Sàvatthi, bị mê say trong các dục.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Chúng sanh bị tham đắm,
Trong các loại ái dục,
Họ không thấy lỗi lầm,
Trong phiền não kiết sử,
Chắc chắn các chúng sanh,
Tham đắm trong ái dục,
Họ không vượt qua được,
Thác nước rộng và lớn.
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika.
Lúc bấy giờ, nhiều người ở Sàvatthi phần lớn đắm say quá độ về các dục như trên III trong các dục.
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi để khất thực.
Rồi Thế Tôn thấy các người ấy ở Sàvatthi trong các dục.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Bị mù bởi các dục,
Bị bao phủ bởi lưới,
Bị ái dục bao trùm,
Lại còn bị trói buộc,
Bởi trói buộc phóng dật,
Như cá mắc miệng lưới,
Họ đi đến già chết,
Như con bê bú sữa.
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvtthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika.
Lúc bấy giờ, Tôn Giả Lakumthakabhaddiya đi theo sau lưng nhiều Tỳ Kheo, đi đến Thế Tôn, Thế Tôn thấy Tôn Giả Lakumthakabhaddiya đi theo sau lưng nhiều Tỳ Kheo, xấu xí, khó nhìn, khòm lưng, phần lớn bị các Tỳ Kheo khinh bỉ.
Thấy vậy, nói với các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, các thầy có thấy chăng thầy Tỳ Kheo này từ đàng xa bị các Tỳ Kheo khinh bỉ?
Thưa có, bạch Thế Tôn.
Tỳ Kheo ấy, này các Tỳ Kheo, có đại thần lực, có đại uy lực, thiền chứng không dễ gì chứng được, thiền chứng ấy trước đây Tỳ Kheo ấy không thực hành tốt đẹp.
Và vì mục đích gì các thiện nam tử chân chánh xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, tức là vô thượng cứu cánh phạm hạnh, vị ấy ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ chứng đạt và an trú.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Bộ phận không khuyết thiếu,
Có tán trắng che trên,
Chỉ có một bánh xe,
Chiếc xe được di chuyển.
Hãy thấy vị ấy đến,
Không phiền muộn khó khăn,
Dòng nước đã cắt đứt,
Vị ấy không trói buộc.
Như vậy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika.
Lúc bấy giờ, Tôn Giả Annatakondanna ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng, suy tư đến sự giải thoát do ái được diệt.
Thế Tôn thấy Tôn Giả Annatakondanna ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, suy tư đến sự giải thoát do ái được diệt.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Rễ không có bén đất,
Không lá, đâu dây leo,
Bậc trí thoát trói buộc,
Ai xứng đáng được khen,
Chư Thiên khen người ấy,
Phạm Thiên cũng ngợi khen.
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana khu vườn của ông Anàthapindika.
Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi quán sát sự từ bỏ, đoạn diệt các hý luận tưởng.
Rồi Thế Tôn sau khi biết sự từ bỏ, đoạn diệt các tưởng hý luận của mình, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Với ai các hý luận,
Không còn có an trú,
Thoát ly được liên hệ,
Thoát ly được ảo tưởng,
Chư Thiên và Thế Giới,
Không thể nào rõ biết,
Sở hành vị ẩn sĩ,
Ðã vượt khỏi tham ái.
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika.
Lúc bấy giờ, Tôn Giả Mahàkaccàna ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng, với thân hành niệm khéo an trú trước mặt và trong nội tâm.
Thế Tôn thấy Tôn Giả Mahàkaccàna ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng, với thân hành niệm khéo an trú trước mặt trong nội tâm.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Với ai thường thường niệm,
Liên tục trú thân hành,
Trước không thể có được,
Với tôi, nay không có,
Sẽ không thể có được,
Với tôi, nay sẽ không.
Tiếp tục trú như vậy,
Ðúng thời vượt dục ái.
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Mallà cùng với đại chúng Tỳ Kheo, đi đến làng Bà La Môn của dân chúng Malà tên là Thùna.
Các Bà La Môn gia chủ ở Thùna được nghe: Sa Môn Gotama từ dòng họ Thích Ca xuất gia, đang bộ hành giữa dân chúng Mallà cùng với đại chúng Tỳ Kheo, nay đã đến Thù Na.
Họ đổ đầy miệng giếng với cỏ và trấu với ý nghĩ: Mong rằng các Sa Môn trọc đầu ấy không có nước uống. Rồi Thế Tôn từ trên đường bước xuống, đi đến dưới một gốc cây, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.
Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn Giả A Nan Đà: Này A Nan Đà, hãy đem nước uống từ nơi giếng này cho ta.
Khi được nói vậy, Tôn Giả A Nan Đà bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, nay các giếng ấy bị các gia chủ Bà La Môn ở Thù Na lắp đầy miệng với cỏ và trấu với ý nghĩ: Mong rằng các Sa Môn trọc đầu ấy không có nước uống.
Lần thứ hai, Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan Đà: Này A Nan Đà, hãy đem nước uống từ nơi giếng này cho ta!
Lần thứ hai, Tôn Giả A Nan Đà bạch Thế Tôn: Nay các giếng ấy không có nước uống.
Lần thứ ba, Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan Đà: Này A Nan Đà, hãy đem nước uống từ nơi giếng này cho ta.
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn Giả A Nan Đà vâng đáp Thế Tôn, lấy bình bát, đi đến cái giếng ấy. Tại cái giếng ấy, khi Tôn Giả A Nan Đà đi đến, phun ra tất cả cỏ và trấu khỏi miệng giếng, và nước trong sáng không cấu uế, trong lặng, tràn đầy miệng, cho đến như là tràn ra ngoài.
Rồi Tôn Giả A Nan Đà suy nghĩ: Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay là đại thần lực, đại uy lực của Như Lai. Cái giếng này khi ta đến, phun ra tất cả cỏ và trấu khỏi miệng giếng như là tràn ra ngoài.
Rồi Tôn Giả A Nan Đà cầm lấy bát nước, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn:
Thật vi diệu thay!
Thật hy hữu thay là đại thần lực như là tràn ra ngoài!
Bạch Thế Tôn hãy uống nước.
Bạch Thiện Thệ, hãy uống nước!
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Cần làm gì với giếng,
Khi nước có cùng khắp,
Chắt đứt ái từ gốc,
Cần hành tầm cầu gì?
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi tại khu vườn Ghosita. Lúc bấy giờ, vua Udena đang đi ngoài vườn, thì nội cung bị cháy và năm trăm nữ nhân bị chết, đứng đầu là Sàmavati. Rồi nhiều Tỳ Kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Kosambi để khất thực.
Các Tỳ Kheo ấy khất thực ở Kosambi xong, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Tỳ Kheo ấy bạch Thế Tôn: Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi vua Udena đi ra ngoài vườn, nội cung bị cháy, năm trăm nữ nhân bị chết, đứng đầu là Sàmàvati.
Các nữ cư sĩ ấy, sanh thú họ là gì?
Tương lai họ thế nào?
Này các Tỳ Kheo, có nữ cư sĩ là bậc Dự Lưu, có nhất bậc Nhất Lai, có bậc Bất Lai.
Này các Tỳ Kheo, tất cả các nữ cư sĩ ấy mạng chung không phải không có kết quả.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Ðời bị si trói buộc,
Ðược thấy bị tái sanh,
Bị trói bởi sanh y,
Kẻ ngu bị mù vây,
Tự thấy mình thường còn,
Nhưng với ai thấy được,
Sẽ không có vật gì.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật Sao - Phẩm Mười Hai - Thiện Tri Thức
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hữu Học Lậu Tận
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Ngã
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Năm - Phẩm Năm Kệ
Phật Thuyết Kinh Ma Ha Bát Nhã Sao - Phẩm Năm - Phẩm địa Ngục