Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Nói Về Vô Lượng - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI BẢY
PHẨM NÓI VỀ VÔ LƯỢNG
PHẦN BA
Lại đối với trong, quán thân vị lai là có thân vị lai hay không có thân vị lai?
Lại tự tư duy: Ta không có địa thứ nhất trong thân quá khứ chăng?
Thân quá khứ cũng lại không có địa thứ nhất trong thân vị lai chăng?
Thân vị lai cũng lại không địa thứ nhất trong thân quá khứ của kẻ khác chăng?
Thân quá khứ cũng lại không có địa thứ nhất trong thân vị lai của kẻ khác chăng?
Thân vị lai lại quán địa thứ hai, quán bên trong thân quá khứ là có thân quá khứ hay không có thân quá khứ?
Quán bên trong thân vị lai là có thân vị lai hay không có thân vị lai?
Lại tự tư duy: Ta không có địa thứ hai, không có trong thân quá khứ chăng?
Thân quá khứ lại cũng không có địa thứ hai trong thân vị lai chăng?
Thân vị lai cũng lại không có địa thứ hai trong thân quá khứ của kẻ khác chăng?
Thân quá khứ lại cũng không có địa thứ hai trong thân vị lai của kẻ khác chăng?
Thân vị lai, như ta hiện nay quán về ta trong địa thứ ba là có trong thân quá khứ hay không có trong thân quá khứ?
Lại tự quán là có trong thân vị lai hay không có trong thân vị lai.
Tự ở nơi địa ấy quán là có trong thân quá khứ kẻ khác hay không có trong thân quá khứ kẻ khác?
Quán xem là có trong thân vị lai kẻ khác hay chẳng có trong thân chăng?
Đó gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ ở trong địa thứ ba đã có được đầy đủ ba thiền.
Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu: Thế nào gọi là các vị thiện nam, thiện nữ ở trong địa thứ tư có được đầy đủ ba thiền?
Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa: Kính bạch Thế Tôn!
Như các hàng thiện nam, thiện nữ ở địa thứ tư, an tọa ngay ngắn và tư duy: Ở nơi nội quán là có thân quá khứ hay không có thân quá khứ?
Lại nội quán về thân vị lai là có hay không có thân vị lai?
Lại tự tư duy: Ta đã không có địa thứ nhất, địa thứ hai, địa thứ ba. Không có thân quá khứ, cũng không có thân vị lai.
Hà huống trong địa thứ tư có thân quá khứ, trong địa thứ tư không có thân quá khứ, địa thứ tư có thân vị lai, địa thứ tư không có thân vị lai?
Đó gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ ở trong địa thứ tư thành tựu đủ ba thiền.
Đức Thế Tôn hỏi Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu: Thế nào gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ ở trong địa thứ năm có được đầy đủ ba thiền?
Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa:
Kính bạch Thế Tôn! Như các vị thiện nam, thiện nữ ở trong địa thứ năm an tọa ngay ngắn và tư duy: Nội quán về thân quá khứ là có hay không có thân quá khứ?
Nội quán về thân vị lai là có hay không có thân vị lai?
Lại tự tư duy: Ta nay đã lìa địa thứ nhất, địa thứ hai, cho đến địa thứ tư. Ở trong địa thứ tư đối với việc nội quán là có thân quá khứ hay không có thân quá khứ.
Đối với nội quán về thân vị lai là có hay không có thân vị lai?
Lại bỏ sự việc ấy xong thì quán: Không có thân quá khứ trong thân quá khứ của kẻ khác, không có thân vị lai trong thân vị lai của kẻ khác. Huống chi ta nơi địa thứ năm, đối với nội quán có thân quá khứ hay không có thân quá khứ. Đối với việc quán kẻ khác là có thân vị lai hay không vị lai. Đó gọi là các vị thiện nam, thiện nữ ở trong địa thứ năm có được đầy đủ ba thiền.
Đức Thế Tôn lại hỏi Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu: Thế nào gọi là các vị thiện nam, thiện nữ ở nơi địa thứ sáu có được đầy đủ ba thiền?
Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa: Kính bạch Thế Tôn!
Như các hàng thiện nam, thiện nữ ở trong địa thứ sáu, an tọa nghiêm trang và tư duy: Quán về ngã là không có thân và ở trong thân vô ngã ấy đã quán về bên trong, có hay không có thân quá khứ.
Lại nội quán về thân vị lai: Là có hay không có thân vị lai. Đó gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ đạt địa thứ sáu và ở trong địa thứ sáu ấy đã thành tựu đủ ba thiền.
Các vị thiện nam, thiện nữ ở nơi địa thứ sáu ấy lìa bỏ thân vô ngã xong, lại đối với sự quán nội về thân kẻ khác: Có hay không có thân quá khứ?
Có hay không có thân vị lai?
Lại tự tư duy: Quán nội về kẻ khác, là có thân quá khứ hay không có thân quá khứ, lại nội quán về kẻ khác là có thân vị lai hay không có thân vị lai. Đó gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ ở trong địa thứ sáu đã thành tựu ba thiền.
Đức Phật lại hỏi Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu: Thế nào gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ đạt địa thứ bảy và ở trong địa thứ bảy ấy đã thành tựu đủ ba thiền?
Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa: Kính bạch Thế Tôn! Như các hàng thiện nam, thiện nữ ở những nơi chốn vắng vẻ tịch tĩnh, an tọa trang nghiêm và tư duy: Nội quán về thân quá khứ là có hay không có thân quá khứ?
Lại nội quán về thân vị lai là có hay không có thân vị lai?
Các vị thiện nam, thiện nữ ấy lại suy nghĩ: Ta nay đã lìa bỏ địa thứ nhất, không có thân quá khứ trong thân quá khứ, không có thân vị lai trong thân vị lai. Cho tới địa thứ sáu đều không có thân quá khứ trong thân quá khứ, không có thân vị lai trong thân vị lai. Vậy thì làm sao ở trong địa thứ bảy lại có trong thân quá khứ hay không có trong thân quá khứ.
Có trong thân vị lai hay không có trong thân vị lai?
Đó gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ ở trong địa thứ bảy đã thành tựu đủ ba thiền.
Đức Phật lại hỏi Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu: Thế nào gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ ở trong địa thứ bảy nội quán về kẻ khác là có thân quá khứ hay chẳng phải thân quá khứ, thân vị lai hay chẳng phải thân vị lai?
Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa: Kính bạch Thế Tôn! Các vị thiện nam, thiện nữ quán về kẻ khác, trong thân quá khứ chẳng phải có trong thân quá khứ của kẻ khác. Lại quán về kẻ khác trong thân vị lai, chẳng phải có trong thân vị lai của kẻ khác.
Đức Phật nói: Này các vị Tộc Tánh Tử! Hãy nên dừng lại, chẳng phải là cảnh giới của chính Bồ Tát.
Vì sao?
Vì các hàng thiện nam, thiện nữ ở địa thứ bảy, quán về kẻ khác trong thân quá khứ cũng chẳng có trong thân quá khứ của kẻ khác, chỉ là không có trong thân vị lai của kẻ khác. Bồ Tát vì sao lại cho rằng các hàng thiện nam, thiện nữ ở trong địa thứ bảy đã thành tựu được trong thân vị lai của kẻ khác.
Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như con quán kẻ khác trong thân vị lai chẳng phải có, chẳng phải không, vì thế nên nói là thành tựu.
Đức Phật lại hỏi Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu: Thế nào gọi là các vị thiện nam, thiện nữ đạt được địa thứ tám và ở trong địa thứ tám ấy đã thành tựu đủ ba thiền?
Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa: Kính bạch Thế Tôn!
Như các vị thiện nam, thiện nữ ấy, an tọa ngay ngắn và tư duy: Quán nội thân quá khứ không có trong thân quá khứ, quán nội thân vị lai không có trong thân vị lai. Quán kẻ khác trong thân quá khứ không có trong thân quá khứ.
Quán kẻ khác trong thân vị lai không có trong thân vị lai. Hoặc có lúc các vị thiện nam, thiện nữ tự quán nội thân quá khứ lúc chẳng phải có, chẳng phải không giống như hư không chưa có thể diệt trong thân vị lai. Hoặc có khi quán lúc trong thân vị lai, chưa có thể diệt trong thân quá khứ.
Hoặc có khi quán về kẻ khác lúc trong thân quá khứ chưa có thể diệt trong thân vị lai của kẻ khác. Quán về kẻ khác lúc trong thân vị lai chưa có thể diệt trong thân quá khứ của kẻ khác. Đó gọi là các vị thiện nam, thiện nữ ở trong địa thứ tám đã thành tựu đủ ba thiền.
Đức Phật lại hỏi Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu: Thế nào gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ đạt được địa thứ chín và ở trong địa thứ chín ấy đã thành tựu được ba thiền?
Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa: Kính bạch Thế Tôn! Như các vị thiện nam, thiện nữ ấy an tọa ngay ngắn và tư duy: Quán nội là có thân quá khứ chăng, hay chẳng có thân quá khứ?
Tự quán nội về thân vị lai là có hay không có thân vị lai?
Các vị thiện nam, thiện nữ bỏ pháp ấy xong thì lại quán về kẻ khác trong thân quá khứ là có hay không có thân quá khứ?
Lại quán về kẻ khác trong thân vị lai là có trong thân vị lai hay không có trong thân vị lai.
Bỏ pháp quán ấy thì lại tiếp tục tư duy như vậy: Ta gốc là không có thân quá khứ trong thân quá khứ.
Gốc là không có thân vị lai trong thân vị lai, huống chi là sẽ có: Kẻ khác ngoài thân quá khứ không có thân quá khứ, kẻ khác ngoài thân vị lai không có thân vị lai?
Từ đấy giữ tâm luôn bền chắc, không rời bỏ thệ nguyện gốc của mình. Đó gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ ở trong địa thứ chín đã thành tựu đủ ba thiền.
Lại nữa, các vị thiện nam, thiện nữ ở trong địa thứ chín ấy lại nên tu tập ba hành của thiền cho đến khi an tọa nơi Đạo Tràng mà không hề bị sai trái hay mất mát.
Những gì là ba hành?
1. Quán.
2. Hành.
3. Gốc.
Nếu có thể thành tựu được ba pháp ấy thì liền đạt được đầy đủ đạo quả để đến Đạo Tràng.
Thế nào là quán?
Phân biệt Pháp Giới, biết rõ mọi cội rễ cùng các hình tướng trang nghiêm. Đó gọi là quán.
Thế nào là hành?
Đi đến nơi cây Bồ Đề, hiện thân với các sắc tướng và các lậu đã hoàn toàn dứt sạch, không còn bị các thứ phiền não bụi bặm làm cho ô nhiễm. Chư Phật Như Lai với nẻo hành hóa quen thuộc có bốn pháp phi thường. Đó gọi là hành.
Thế nào là gốc?
Đại Bồ Tát tự suy nghĩ: Ta nay thệ nguyện lớn đã được đầy đủ, sẽ dốc khiến cho chúng sinh có được đầy đủ thệ nguyện lớn lao đó. Đấy gọi là gốc. Các vị thiện nam, thiện nữ đạt đủ ba hành ấy thì liền có được đầy đủ các pháp để đến Đạo Tràng.
Lại nữa, các vị thiện nam, thiện nữ phải nên có đầy đủ ba pháp thiền để đến được Đạo Tràng.
Những gì là ba pháp?
1. Không không.
2. Tưởng không.
3. Thức không.
Nếu có đầy đủ ba pháp Không đó thì liền có thể hoàn thành các pháp cần thiết để đến Đạo Tràng.
Thế nào gọi là Không không?
Chỗ gọi là Không ấy tức là quán các pháp trong ngoài đều là không, cả đến việc quán một Thế Giới, hai Thế Giới, cho tới vô số A tăng kỳ Thế Giới cũng thế. Đó gọi là pháp không.
Thế nào gọi là Tưởng không?
Như nhập pháp định ý, quán tưởng khắp các Thế Giới nhưng không hề dấy niệm là hữu không, vô không, hữu ngã, vô ngã. Đó gọi là tưởng không.
Thế nào là thức không?
Lúc nhập pháp định ý lại dấy quán tưởng này: Ta nay chỉ dốc nhớ nghĩ đến chúng sinh chứ không có một tưởng nào khác, cũng sẽ khiến cho chúng sinh thảy được thanh tịnh như ta.
Nhưng những chúng sinh ấy có tới vô lượng thức, ta nay sẽ dùng thức gì để giáo hóa họ?
Ta nay sẽ dùng thức không khiến cho Thế Giới này thảy đều như hư không, làm cho mọi chúng sinh kia phân biệt nhận ra sự tham vướng của thức mình. Đó gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ ở trong địa thứ chín đã thành tựu đủ ba thiền.
Lại có ba pháp là những nẻo cần nên tu tập.
Những gì là ba pháp?
1. Phân biệt nhận rõ Thế Giới.
2. Nhận rõ cõi chúng sinh.
3. Thấu đạt diệu nghĩa bậc nhất.
Nếu dốc tu tập ba pháp ấy thì liền có thể đi đến Đạo Tràng mà không hề sợ hãi.
Thế nào gọi là phân biệt Thế Giới?
Có thể quan sát tận khắp hết thảy các cõi, có những loại thanh tịnh và không thanh tịnh, tất thảy thấu đạt không chút lầm lạc, theo ý để lựa chọn nhằm tu tập giữ gìn sửa sang Cõi Phật. Đó gọi là phân biệt Thế Giới.
Thế nào gọi là cõi chúng sinh?
Lại phải quan sát tất cả chúng sinh, luôn sử dụng các phương tiện quyền xảo để giáo hóa họ, không rời thệ nguyện lớn của tâm đại từ bi bao la, dù trải qua bao kiếp cũng không cho là khó nhọc. Đó gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ đã thành tựu được cõi chúng sinh.
Thế nào là thành tựu được diệu nghĩa bậc nhất?
Mỗi mỗi thảy phân biệt ý nghĩa hướng tới của chúng sinh là tất cả quy về nơi không: Không ngã, nhân, không thọ mạng cũng không có một, hai, cho đến tất cả các pháp cũng lại như vậy. Đó gọi là phân biệt và thấu đạt diệu nghĩa bậc nhất.
Nếu các hàng thiện nam, thiện nữ thành tựu được ba pháp ấy thì liền có được đầy đủ các pháp để đi đến Đạo Tràng.
Lại có ba pháp thần túc:
1. Thần túc biết rõ về các pháp quá khứ.
2. Thần túc biết rõ về các pháp vị lai.
3. Thần túc biết rõ về các pháp hiện tại.
Nếu các hàng thiện nam, thiện nữ đạt được ba pháp ấy thì liền có thể gồm đủ được các pháp đạt tới Đạo Tràng.
Thế nào gọi là Thần túc biết rõ các pháp quá khứ?
Đối với các thiện nam, thiện nữ ở địa thứ chín luôn nhận biết về các pháp quá khứ như tưởng về hư không, phân biệt chúng sinh quá khứ với những hạng tham dục, giận dữ, si mê, tâm bị cấu nhiễm, cùng hạng không tham dục, giận dữ, si mê, tâm không bị cấu nhiễm, mỗi mỗi đối tượng đều phân biệt nhận rõ mà không hề tham vướng. Đó gọi là thần túc nhận biết các pháp quá khứ.
Thế nào gọi là thần túc nhận biết các pháp vị lai?
Đối với các vị thiện nam, thiện nữ đã đạt địa thứ chín nhận biết về chúng sinh thọ nhận hình tướng trong thời vị lai, có hạng tham dục, giận dữ, si mê, tâm bị cấu nhiễm. Có hạng không tham dục, giận dữ, si mê, tâm không bị cấu nhiễm, mỗi mỗi đối tượng đều nhận rõ mà không hề tham vướng. Đó gọi là thần túc nhận biết các pháp vị lai.
Lại nữa, các hàng thiện nam, thiện nữ đạt địa thứ chín nhận biết về tất cả chúng sinh nơi hiện tại có tham dục, giận dữ, si mê, tâm bị cấu nhiễm, hoặc không có tham dục, sân hận, si mê, tâm không bị nhiễm ô, mỗi mỗi đối tượng thảy đều phân biệt nhận rõ mà không hề tham đắm. Đó gọi là thần túc nhận biết về các pháp hiện tại.
Đấy gọi là bậc trụ địa thứ chín đã thành tựu được ba pháp để tiến tới Đạo Tràng.
Lại nữa, các hàng thiện nam, thiện nữ ở trong địa thứ chín lại có ba pháp để đạt đến Đạo Tràng:
1. Thân thanh tịnh.
2. Miệng thanh tịnh.
3. Ý thanh tịnh.
Đạt được ba pháp ấy thì hoàn thành đủ các pháp đi đến Đạo Tràng.
Thế nào là thân thanh tịnh?
Thân đã vượt qua vô lượng đức hạnh, gốc mọi hành đã dứt, lại không tạo thân hành nữa, các thân đều thông đạt không chút trở ngại. Đó gọi là Bồ Tát trụ địa thứ chín có được thân thanh tịnh.
Thế nào là miệng thanh tịnh?
Miệng phát ra vô lượng giáo pháp chưa từng bị thiếu sót, hao giảm, thể hiện kho tàng thâm diệu vô biên. Đó gọi là miệng thanh tịnh.
Thế nào là ý thanh tịnh?
Tâm ý luôn dứt trừ mọi thứ cấu nhiễm tham đắm, không còn bị phiền não bụi bặm che phủ. Đó gọi là ý thanh tịnh.
Bấy giờ Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu liền đọc bài kệ:
Thân tịnh không bợn nhơ
Trong ngoài đều sạch nhiễm
Đức cao không gì hơn
Vĩnh viễn dứt ba độc.
Miệng tịnh diễn nói pháp
Lậu hết, lỗi lầm không
Cho đến khi diệt độ
Ngôn giáo thật không cùng.
Ý tịnh trừ tham chấp
Từ bi không giảm tăng
Trong vô lượng kiếp trải
Thức tỉnh bao kẻ mê.
Cửu địa cõi quá khứ
Chẳng có cũng chẳng không
Các vị thiện nam, nữ
Đã nhập cõi Như Lai.
Con gốc vô lượng đời
Tìm thầy bạn dốc học
Còn chưa rõ hành này
Huống bao kẻ trôi nổi.
Giữ hành không hề vướng
Dốc chí đạt quả Phật
Hành vượt khỏi ba cõi
Sư tử rống cõi người.
Đó gọi là các vị thiện nam, thiện nữ ở địa thứ chín đã thành tựu đủ ba pháp.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bốn - Kinh Phật Thuyết Như Vậy - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Năm
Phật Thuyết Kinh Diệu Tý Bồ Tát Sở Vấn - Phần Mười Ba - Nói Về Tám Pháp
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Một - Phẩm Vô Thường
Phật Thuyết Kinh Bảo Lăng Già A Bạt đa La - Phẩm Một - Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm - Phần Hai