Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Nói Về Vô Lượng - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI BẢY

PHẨM NÓI VỀ VÔ LƯỢNG  

PHẦN HAI  

Lại nữa, này các vị thiện nam, thiện nữ! Đối với các pháp của thân mình không tự thấy có thân, có thể hóa độ vô lượng chúng sinh, rốt cuộc không rời bỏ pháp giới chúng sinh. Đó gọi là thành tựu được ba pháp.

Lại nữa, này các vị thiện nam, thiện nữ! Luôn phân biệt nhận rõ về ba pháp hành của Như Lai.

Những gì là ba pháp ấy?

Một là Kinh hành, chỗ có thể đến thì biết để đến, chỗ có thể lại thì biết để lại, chỗ có thể an tọa thì biết rõ để an tọa, ý luôn gắn bó với sự nhớ nghĩ sáng suốt, tâm không hề rối loạn.

Hai là Tọa thiền: Như muốn đi đến tòa báu để ngồi kiết già thì liền xua trừ mọi tưởng để dốc một tâm ý khiến thân không hề chuyển động, rốt ráo của thiền định ở chỗ bắt đầu không chút vọng loạn. Nếu lại dấy khởi thực hiện các công việc thiện thì chỗ tạo tác ấy nhất định là thành tựu, không có một tưởng nào khác. Đó gọi là ở trong ba pháp đã thành tựu đủ bốn pháp.

Lại nữa, này các vị thiện nam, thiện nữ! Đối với quá khứ, hiện tại, tương lai thảy đều nhận thức tường tận về các pháp đang sinh, chưa sinh và đã sinh thì liền có thể ở trong ấy tạo nên tiếng sư tử rống, không hề làm mất các pháp của bản hạnh. Đó gọi là thành tựu được năm pháp.

Lại nữa, này các vị thiện nam, thiện nữ! Đại Bồ Tát lại nên hiểu biết rõ về ba hành của Như Lai. thiền định của Như Lai chẳng phải là thiền định của thế tục, cũng chẳng phải là thiền định của các bậc A La Hán, Bích Chi Phật, cũng chẳng phải là thiền của các địa thứ nhất, thứ hai, cho đến địa thứ mười.

Vì sao?

Vì các loại thiền kia đều là hữu hạn, còn thiền của Như Lai là không có giới hạn.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền bảo Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu: Này vị Tộc Tánh Tử! Thế nào gọi là thiền của thế tục, là thiền của các vị còn đang tu học, là thiền của các bậc tu học đã hoàn tất, thiền từ địa thứ nhất cho đến địa thứ mười?

Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như con từng được nghe Đức Như Lai giảng dạy, trong ấy có những trường hợp nói về chúng sinh ở Cõi Dục như các hàng thiện nam, thiện nữ, từ lúc mới phát tâm bồ đề cho đến khi thành tựu đạo quả Vô thượng, bắt đầu ở tại cõi đạo, chưa dự vào quả vị của hàng Bồ Tát, trong đó liền đạt được ba thiền, gồm thiền quá khứ, thiền hiện tại, và thiền vị lai.

Những hàng thiện nam, thiện nữ ấy tuy đạt được ba thiền đó, chính là có thể tự nhận biết thân quá khứ trong thân mình, thân vị lai trong thân mình, thân hiện tại trong thân mình, nhưng chưa có thể biết được các thân quá khứ, hiện tại và vị lai trong thân của người khác.

Này các vị thiện nam, thiện nữ! Thế nào gọi là biết được thân quá khứ trong thân mình?

Kính bạch Thế Tôn! Như vào lúc tọa thiền, liền tự quán thân mình và dấy tưởng bất định rồi tư duy: Ôi, thân này của ta chỉ là các pháp hao mòn, hoại diệt. Nên mỗi ý, mỗi niệm chỉ biết rõ về tính chất bất định của thân, chưa có thể biết được các nẻo hướng tới của thân ấy.

Bấy giờ các vị thiện nam, thiện nữ lại tự tư duy: Ta nay đã lìa bỏ thân này thì lại nên dốc lòng quán tưởng. Như ta nay đã biết rõ thân này là vô ngã và như thế là nhận thức về ngoại vật lại cũng như vậy, mỗi mỗi đều phân biệt và nhận rõ là không thực có. Đó gọi là ở nơi thân hiện tại liền có thể tư duy về quá khứ, vị lai.

Lại nữa, này các vị thiện nam, thiện nữ! Tự quán tưởng về thân mình và ngoại vật xong, thì bỏ tâm ấy và trở lại việc dốc tâm quán tưởng: Ta nay đối với thân này thảy đều nhận rõ tính chất chẳng phải có, chẳng phải không, và những chúng sinh kia có giống như thân ta chăng?

Liền phân biệt người ngoài trong thân quá khứ, than thở về thân này chỉ là sự hao mòn, hủy diệt, không tồn tại lâu dài. Liền dấy tưởng bất tịnh xong lại sinh tiếp tưởng bất tịnh. Nhận biết về người ngoài qua thân quá khứ như thân mình không khác.

Nếu các vị thiện nam, thiện nữ bỏ sự nhận biết người ngoài qua thân quá khứ xong thì lại dấy quán tưởng: Do đâu mà người ấy có trong tâm quá khứ, là từ đâu sinh ra và do đâu mà diệt?

Lại tự tư duy: Như đã bỏ việc quán tưởng người ngoài trong tâm quá khứ thì liền lại tư duy người ngoài trong tâm vị lai, than thở về thân ấy là từ đâu đến và do đâu mà bị diệt. Đó gọi là các vị thiện nam, thiện nữ đang ở trong quả vị của hàng Bồ Tát. Như vậy là liền có thể đạt được đầy đủ các hành của ba thiền.

Đức Phật lại hỏi Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu: Thế nào gọi là các bậc học dốc lòng tu tập các pháp của ba thiền?

Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nếu như các hàng thiện nam, thiện nữ, ở tại Tín địa được gọi là người tu học, liền muốn tiến tới trên con đường tu tập đạo pháp, tức thì đi đến sáu chốn tịch tĩnh như bên gốc cây, nơi gò vắng vẻ cùng với hư không bao la yên tĩnh, liền có thể ngồi kiết già ngay ngắn, tâm an tịnh tư duy, tự cố gắng để có đầy đủ các pháp hành ba thiền.

Những thiện nam, thiện nữ ấy bây giờ tự tư duy quán tưởng về thân quá khứ gốc từ đâu sinh, lại theo cái gì mà diệt?

Lại tự tư duy để lãnh hội được thân ấy gốc là không có chốn sinh, cũng không có chốn diệt.

Các hàng thiện nam, thiện nữ tức thì lìa bỏ thân ấy để trở lại dốc quán tưởng: Ta hiện nay với thân này là từ đâu sinh và do đâu mà diệt?

Đối với thân vị lai lại cũng như thế chăng?

Liền tự tư duy: Trong thân vị lai kia là từ đâu sinh, từ đâu diệt?

Rồi bèn tự dấy niệm: Nơi thân vị lai ấy cũng chẳng có sinh, cũng chẳng có diệt. Đó gọi là các vị thiện nam, thiện nữ ở nơi cõi tu học có được đầy đủ ba thiền.

Thế nào là những người tu học quán thân mình đối với thân người khác gồm đủ ba thiền?

Những vị thiện nam, thiện nữ ấy lúc này lìa bỏ thân đó xong, tự quán về thân ngoài cùng trong thân quá khứ gốc từ đâu sinh, từ đâu diệt, khiến tự tư duy: Ôi thân quá khứ của kẻ khác ấy là từ đâu sinh ra và từ đâu bị diệt mất?

Lại tự tư duy: Trong thân quá khứ này cũng chẳng sinh, cũng chẳng diệt.

Lại bỏ tư duy ấy và tiếp đến là quán tưởng: Thân quá khứ này đã chẳng sinh trở lại, đã chẳng diệt trở lại.

Thân trong vị lai ấy là từ đâu sinh, là từ đâu diệt?

Liền tự sinh niệm: Thân trong vị lai ấy cũng chẳng có sinh diệt. Đó gọi là các vị thiện nam, thiện nữ đối với thân người khác trong thân quá khứ, vị lai gồm đủ ba thiền.

Đức Phật bảo Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu: Thế nào gọi là những hàng thiện nam, thiện nữ đối với sự tu học đã hoàn thành có được đầy đủ ba thiền?

Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn!

Như các vị thiện nam, thiện nữ muốn hướng tới cõi lậu nhằm xác định các pháp vô lậu, liền tự tư duy trong tư thế ngồi kiết già ngay ngắn: Thân trong quá khứ ấy là từ đâu sinh, là từ đâu diệt?

Lại tự tư duy tiếp: Thân trong quá khứ ấy là cũng chẳng sinh, cũng chẳng diệt.

Bấy giờ các vị thiện nam, thiện nữ đó liền lìa bỏ sự quán tưởng ấy và trở lại tư duy: Ta nay đã quán thân trong quá khứ, lại nên quán về ta và thân quá khứ của ta, cũng chẳng thấy có sinh, chẳng thấy có diệt, không có kiếp, không có hiện hữu, cũng không sinh tử, không có Quốc Độ. Đó gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ ở cõi tu hoàn tất có được đầy đủ ba thiền.

Đức Thế Tôn lại hỏi Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu: Thế nào gọi là Bồ Tát đạt địa thứ nhất, các hành chẳng tận, có được đầy đủ ba thiền?

Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa: Kính bạch Thế Tôn! Dùng quán không thân để quán niệm về thân, lấy gốc của vô niệm để không làm mất sự diễn biến của niệm. Không lấy thanh để nhận âm hưởng. Qua khỏi Địa ban đầu của Bồ Tát, ba lần vượt qua Tín địa, ba lần hướng tới tất cả các pháp. Đó gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ đã có được đầy đủ ba thiền.

Đức Phật lại hỏi Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu: Này các vị Tộc Tánh Tử! Sao không thấy Bồ Tát nói đến địa thứ nhất của ba thiền?

Thưa: Chẳng thấy có cảnh giới, vì thế mà không nêu bày.

Đức Phật nói: Không thân chăng?

Có thân chăng?

Do đâu mà không nêu?

Thưa: Có thân.

Đức Phật lại hỏi: Thân ấy là Pháp thân hay là thân của bốn đại?

Thưa: Đó là thân của cha mẹ sinh ra.

Đức Phật nói: Bồ Tát nay dùng thân của cha mẹ sinh ra, làm thế nào thành tựu được ba thiền?

Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa với Đức Phật: Như con lúc mới cầu Đức Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác an tọa nơi gốc cây Bồ Đề.

Tâm không hề có chút hoảng sợ, liền nhớ nghĩ cảnh lửa cháy rực trong ba cõi, tức thì tự tư duy: Chư Phật quá khứ thảy đều nhập Bát Nê Hoàn, như vậy là đã có thể hóa độ được bao nhiêu chúng sinh thời quá khứ đạt các quả vị Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật?

Lại tự tư duy đối với đời vị lai cũng như thế. Đó gọi là Bồ Tát ở địa thứ nhất có được đầy đủ một Hành thiền.

Như con ở quả vị Bồ Tát trụ địa thứ nhất, quan sát nhận thấy nơi ba cõi, gốc hành của địa thứ nhất vượt lên trên các hàng A La Hán, Bích Chi Phật. Đó gọi là Bồ Tát trụ địa thứ nhất đã thành tựu được hai thiền.

Như các hàng thiện nam, thiện nữ đạt được địa thứ nhất, phân biệt về trong ngoài thân giữ lấy ba không về thân, diễn giảng các giáo pháp không hề có sự sai lạc. Đó gọi là ở trong địa thứ nhất thành tựu được ba thiền.

Đức Phật lại hỏi Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu: Bồ Tát sao chẳng nói về các bậc Tư Đà Hàm, A Na Hàm thực hiện ba thiền?

Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa: Kính bạch Thế Tôn!

Như các hàng thiện nam, thiện nữ đã ở lại Kiến địa liền tự tư duy: Thân ta, trong thân quá khứ, thân vị lai cũng đều chẳng có thân ấy, cũng không có tưởng về Phật, về Pháp, cũng không thấy có tưởng về thân. Đó gọi là thân trong quá khứ có được đầy đủ ba thiền.

Thế nào gọi là thân trong vị lai có được đầy đủ ba thiền?

Bấy giờ các vị Tư Đà Hàm lại tự quan sát trong ngoài để lìa bỏ các thứ phiền não cấu nhiễm, đối với cõi ba thiền luôn gắn chặt mọi niệm không hề quên. Tuy đã tự chứng đạt được nhưng không hủy hoại tự tướng. Cũng như tự tướng của vô số pháp nối nhau, tự phân biệt về danh thân, cú thân, vị thân.

Lại quán về bên ngoài với vô lượng chúng sinh không dấy tưởng về Phật nên đã thành tựu được tưởng về Phật bình đẳng bất nhị, khiến thảy đều được thanh tịnh, không còn thấy có đi đến, lui tới, cũng không còn có xa gần. Đó gọi là bậc Tư Đà Hàm đối với thân trong vị lai có được đầy đủ ba thiền.

Lại nữa, các vị thiện nam, thiện nữ, an tọa tư duy, do đạt được pháp không còn trở lại nên tự phân biệt: Ta nay đã an định nơi địa thọ chứng, không hủy hoại hình tướng tự nhiên của các pháp, tự thẩm xét để minh chứng.

Ta đã vượt qua một, hai, ba, chẳng còn qua lại nữa, sống nơi cõi sinh tử nhưng tâm ý luôn an nhiên, không gì có thể làm lay chuyển. Đó gọi là các vị thiện nam, thiện nữ ở nơi thân mình đã quán về quá khứ. Đối với vị lai thì cũng như thế.

Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu: Bậc A Na Hàm đạt được các pháp quá khứ chăng?

Hay là chưa đạt được các pháp quá khứ?

Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa: Kính bạch Thế Tôn! Bậc A Na Hàm đã đạt được các pháp quá khứ nhưng chưa dứt sạch hết các pháp quá khứ.

Thế nào gọi là đạt được các pháp quá khứ nhưng chưa dứt sạch hết các pháp ấy?

Đó là bậc A Na Hàm thân ở nơi quá khứ còn pháp thì ở vị lai. Đó gọi là đã đạt các pháp quá khứ nhưng chưa dứt sạch hết các pháp quá khứ.

Lại nữa, bậc A Na Hàm thân ở nơi vị lai nhưng pháp đã ở quá khứ. Đấy cũng chính là đã đạt được pháp quá khứ nhưng chưa dứt sạch hết các pháp ấy.

Lại nữa, này các vị thiện nam, thiện nữ! Bậc A Na Hàm, thân chưa ở quá khứ, chưa ở hiện tại, nhưng pháp thì đã có trước nơi quá khứ và hiện tại. Đó gọi là bậc A Na Hàm đạt được các pháp quá khứ nhưng chưa dứt sạch hết các pháp ấy.

Đức Phật lại hỏi Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu: Bậc A Đà Hàm đạt được pháp quá khứ nhưng chưa dứt sạch hết các pháp quá khứ ấy chăng?

Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa: Kính bạch Thế Tôn! Bậc Tư Đà Hàm tuy có thân quá khứ nhưng chưa đạt được pháp quá khứ và cũng chưa thể dứt sạch hết các pháp ấy.

Đức Phật hỏi: Thế nào gọi là bậc Tư Đà Hàm có được thân quá khứ nhưng chưa có được pháp quá khứ và chưa dứt sạch hết các pháp quá khứ?

Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa: Bậc Tư Đà Hàm, thân quá khứ đã diệt nhưng pháp quá khứ chưa hết, tự quán các pháp vị lai xong đến các pháp quá khứ cũng là không chốn có. Như bậc A Na Hàm không có thân quá khứ nhưng có pháp quá khứ.

Như bậc Tư Đà Hàm thì không được như thế. Cũng như gương sáng, nhìn xem hình bóng trong ấy, chẳng phải như mặt mặt cùng thấy. Vì thế mà bậc Tư Đà Hàm chẳng như vậy. Thức của A nahàm như vàng đã được luyện thuần thục, còn thức của Tư Đà Hàm thì như vàng chưa được luyện. Do vậy mà có sự khác nhau.

Đức Phật lại hỏi: Này vị Tộc Tánh Tử! Như Bồ Tát vừa nói thì bậc A Na Hàm đạt được pháp quá khứ, đã dứt sạch hết các pháp quá khứ, đã đạt được các pháp vị lai và cũng dứt sạch hết các pháp vị lai, đã thành tựu được hết các pháp chưa thành tựu chăng?

Thưa: Chẳng phải thế! Tuy là vàng đã được luyện nhưng chưa trở lại thành vật dụng, có thể có loại vàng mang tên là chưa có hình tượng chăng?

Đức Phật lại nói: Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc Tánh Tử! Đã khéo nêu giảng về nghĩa ấy. Như bậc A Na Hàm là không có pháp quá khứ, đã dứt sạch pháp quá khứ, không còn pháp vị lai, đã dứt sạch các pháp vị lai.

Như hiện tại A La Hán đã đạt được pháp quá khứ, dứt sạch hết các pháp quá khứ chăng?

Đạt được các pháp vị lai và dứt sạch hết các pháp vị lai chăng?

Thưa: Đạt được các pháp quá khứ nhưng chưa dứt sạch hết các pháp quá khứ. Đạt được các pháp vị lai nhưng chưa dứt sạch hết các pháp vị lai. Do đó có sự khác biệt.

Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu: Thế nào gọi là Bồ Tát ở địa thứ hai có được đầy đủ hành ba thiền?

Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa: Kính bạch Thế Tôn! Như các vị Bồ Tát ở địa thứ hai phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chẳng thấy trong cũng như ngoài thân, luôn gắn chặt niệm với hiện tại để tự tư duy: Ta nay trong thân này đã có trong thân quá khứ, hay không có trong thân quá khứ?

Có trong thân vị lai hay không có trong thân vị lai?

Lìa bỏ quán ấy xong thì trở lại tư duy: Ta nay đã không có thân trong, thân ngoài.

Thế thì làm sao ở nơi thân trong mong có trong thân quá khứ và trong thân vị lai?

Đó gọi là Bồ Tát ở địa thứ hai đối với nội ngoại thân mình có đầy đủ ba thiền.

Bấy giờ Bồ Tát ở địa thứ hai lại suy niệm: Ta nay đối với thân trong ngoài thảy đều nhận rõ.

Vậy phải nên lần lượt quán thân trong ngoài của kẻ khác với các pháp so cùng ta có gì khác chăng?

Tự chuyển biến lên thêm phía trước để quán thân nội ngoại của kẻ khác có thân quá khứ hay không có thân quá khứ?

Có thân vị lai hay chẳng có thân vị lai?

Đó gọi là các vị thiện nam, thiện nữ ở nơi địa thứ hai, đối với thân quá khứ của kẻ khác đã thành tựu được ba thiền.

Đức Thế Tôn lại hỏi Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu: Thế nào gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ đạt được địa thứ ba và ở trong địa thứ ba ấy đã thành tựu được ba thiền?

Bồ Tát Nguyệt Quang Chiếu thưa: Kính bạch Thế Tôn! Như các hàng thiện nam, thiện nữ ở địa thứ ba, an tọa ngay ngắn và tư duy: Đối với bên trong, quán thân quá khứ là có thân quá khứ chăng, hay không có thân quá khứ?

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần