Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Mười Chín - Phẩm Hành Hóa Thuận Hợp - Phần Mười

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI CHÍN

PHẨM HÀNH HÓA THUẬN HỢP  

PHẦN MƯỜI  

Pháp thanh tịnh tu tập

Niệm sinh lìa gốc sinh

Gốc không Ba la mật.

Người qua năm nẻo sâu

Như sông xuôi biển rộng

Vút nhanh không trở lại

Hướng về Ba la mật.

Luôn nghĩ khổ thế gian

Niệm lìa chẳng gắn bó

Riêng trôi chẳng chút lo

Vô song Ba la mật.

Như gieo trồng hạt giống

Lúa mè cho quả, hoa

Hạt gốc chẳng sinh mầm

Biến đổi Ba la mật.

Đời người chẳng học đạo

Đến chết mới hối hận

Muốn lìa chớ biếng trễ

Tu học Ba la mật.

Như muốn nhổ gốc rễ

Thức chứ lại gieo trồng

Dứt diệt nên thuận hợp

Hương xông Ba la mật.

Quán các pháp thế gian

Thảy không, chẳng chốn có

Nên quán pháp thị phi

Bất động Ba la mật.

Khuyên giúp các nẻo phước

Mỗi mỗi không chốn ngại

Đạt quả mười trụ hạnh

Nhất sinh Ba la mật.

Quán rõ các pháp môn

Pháp tổng trì luôn giữ

Mọi pháp giới tương ứng

Dứt kiết Ba la mật.

Như đi khắp hư không

Thần túc luôn tự tại

Dứt tưởng về ta, người

Tập hành Ba la mật.

Tư duy mỗi mỗi pháp

Nhẹ bước nên ung dung

Lấy thân lường biết không

Thần túc Ba la mật.

Quán gốc người như thật

Hành đạo luôn thích hợp

Chẳng dấy tâm nhị kiến

Chánh định Ba la mật.

Như xem mặt trong gương

Đã thực không cấu uế

Phiền não tự nhiên diệt

Trăm phước Ba la mật.

Nguyện trước chẳng thể biết

Hành chứa nay đã đạt

Thành tín như nhật hiện

Chọn pháp Ba la mật.

Nhất niệm nhập cõi diệu

Tìm cầu vô lượng pháp

Ý khiêm cung từ tốn

Kiên cố Ba la mật.

Bồ Tát có tám pháp

Tu tập đến Đạo Tràng

Tuệ không chẳng vướng không

Dứt tưởng Ba la mật.

Như muốn dựa tuệ không

Rõ không chẳng chân thật

Gốc tuệ rõ ba ngại

Tướng không Ba la mật.

Có pháp tên chiến cách

Định phấn tấn vô úy

Chẳng hề mang khiếp nhược

Các trí Ba la mật.

Nhân duyên hổ tương sinh

Sinh tử là gốc đạo

Hai việc không rời nhau

Dứt khổ Ba la mật.

Một đời chẳng căn bản

Cũng chẳng gốc chúng sinh

Thức thần tham đắm hữu

Giả hiệu Ba la mật.

Đạo chân không hình chất

Vi diệu chẳng nghĩ bàn

Đạo thật chẳng có đường

Chấn động Ba la mật.

Quán cõi như Phật tịnh

Thanh tịnh không cấu nhiễm

Thường đem đạo bình đẳng

Thần thông Ba la mật.

Bồ Tát luôn xem xét

Chẳng vướng pháp hình tướng

Biết sống vượt năm đường

Không tên Ba la mật.

Hoặc dốc tu một pháp

Vượt hơn các nẻo hành

Tự nhiên đạt tối thắng

Vượt bậc Ba la mật.

Quán không tất cả người

Tâm dừng không chốn niệm

Hợp nhất không cấu uế

Giới hạn Ba la mật.

Đức Đại Thánh vô lượng

Chẳng hề nhiễm dục trần

Rõ tận gốc phiền não

Thăm thẳm Ba la mật.

Gốc không có năm nẻo

Do trần cấu mà sinh

Huyễn hóa tưởng chẳng thường

Tuệ thánh Ba la mật.

Các pháp cùng thọ nhập

Nẻo tu tập Bồ Tát

Chẳng thấy gốc mọi khổ

Vô ngã Ba la mật.

Cũng không nơi số kiếp

Mầm sinh tử vô hình

Vị lai luôn trôi đi

Nhanh chóng Ba la mật.

Nhận rõ bốn vô thường

Thân khổ, không, vô ngã

Dùng tuệ tự trang nghiêm

Tu tập Ba la mật.

Như người muốn hành không

Tu thiền nên đạo quả

Ý định không thác loạn

Dốc chí Ba la mật.

Miệng phát vô lượng âm

Pháp tánh không bị hủy

Như trăng giữa ngàn sao

Thật quả Ba la mật.

Thần túc chẳng thể lường

Biển tuệ như hằng sa

Phương tiện thu tự tại

Thọ nhập Ba la mật.

Như nhằm độ chúng sinh

Nhập định quan sát tâm

Trước dùng tuệ dẫn dắt

Dần hiện Ba la mật.

Kinh Phật chẳng thể tính

Chỉ Phật mới thấu đạt

Các pháp tướng hợp tướng

Khuyến lạc Ba la mật.

Độ thoát hết thảy loài

Kiếp xa gần không hạn

Đạo chân không nam nữ

Thuận hợp Ba la mật.

Tu học đạo Bồ Tát

Trước thanh tịnh ba nghiệp

Không hành theo người ác

Gốc tịnh Ba la mật.

Luôn nhớ nghĩ đạo pháp

Lìa trọn hành Cõi Dục

Trung gian không dấy tưởng

Dứt dục Ba la mật.

Các pháp không danh hiệu

Chấp sắc mong báo công

Sắc cũng chẳng không gốc

Lìa sắc Ba la mật.

Bồ Tát được thọ ký

Như Lai nẻo ấn chứng

Hành dứt, chẳng tạo tiếp

Bổ xứ Ba la mật.

Hữu số, gốc vô số

Vô số cũng lại thế

Khởi cũng chẳng thấy dấy

Dứt kết Ba la mật.

Dứt sinh chẳng có sinh

Vô sinh cũng như vậy

Rõ sinh là vô thường

Vô sinh Ba la mật.

Không có gốc chẳng có

Chẳng có cũng như thế

Tỏ rõ có, chẳng có

Nhất tướng Ba la mật.

Một cũng vốn chẳng một

Không một cũng lại thế

Một cũng gốc không trụ

Không tên Ba la mật.

Gốc không xuất giả hiệu

Giảm tạm chẳng chân thật

Không chấp quy nẻo diệt

Lo đạo Ba la mật.

Người hành từ gốc chứa

Xem đời như huyễn hóa

Chẳng nên dấy nhiều tưởng

Dứt dấu Ba la mật.

Trải qua hết thảy kiếp

Giữ sạch lìa số kiếp

Chẳng đắm nơi âm hưởng

Không thanh Ba la mật.

Như mắt người trông sắc

Gốc sắc chẳng đợi mắt

Như thức rõ trong ngoài

Không thức Ba la mật.

Tiếng, hương, vị thích hợp

Ý pháp cũng như vậy

Thức ấy gốc không có

Tự nhiên Ba la mật.

Quán các pháp không sắc

Không thống thọ và cánh lạc

Uy nghi mọi hành đủ

Hành tạo Ba la mật.

Sinh ấy gốc không có

Thức tham lạc nên sinh

Theo hình thọ sinh mạng

Dứt tham Ba la mật.

Thần thức vốn vô hình

Gốc tánh tự nhiên dứt

Sau nhận sáu nhập khổ

Đoạn nhập Ba la mật.

Nhớ lìa năm chốn sâu

Tư duy quán hư không

Dựng cao cờ pháp lớn

Sáng rỡ Ba la mật.

Dứt tưởng cũng chẳng sinh

Chẳng theo thầy thọ giáo

Ở trong đó tự ngộ

Vượt bậc Ba la mật.

Các pháp như hư không

Chẳng phải thuộc nhớ, dục

Mọi âm hưởng thảy đạt

Nghe thuyết Ba la mật.

Thanh ấy trong, diệu, tốt

Chỗ nói không trở ngại

Không dấy lại sáu dục

Pháp diệu Ba la mật.

Các pháp thật vô lượng

Như Lai thảy vượt hết

Trí đạo thông ba đạt

Chánh quán Ba la mật.

Hiện làm thầy lãnh nhận

Không mang ý thấp cao

Ý vượt cả ba cõi

Riêng bước Ba la mật.

Không hành, chẳng tạo hành

Gốc hành không nhân duyên

Duyên hết nên không hành

Thần đức Ba la mật.

Ba thống thọ do khổ vui

Báo ứng theo pháp ấy

Không khổ, không lạc, thống thọ

Dứt thọ Ba la mật.

Hành thành tựu bảy quán

Ba chốn tự nhiên diệt

Ấm nhập chẳng sinh lại

Dứt ái Ba la mật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần