Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Năm - Phẩm Nói Về Các Pháp Môn Anh Lạc - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM NĂM
PHẨM NÓI VỀ
CÁC PHÁP MÔN ANH LẠC
PHẦN MỘT
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các vị Tộc Tánh Tử, Tộc Tánh Nữ: Ta nay sẽ thuyết giảng về tám vạn pháp môn Anh Lạc của Bồ Tát.
Những gì là tám vạn pháp môn ấy?
Này các vị Tộc Tánh Tử! Như có pháp môn Anh Lạc tên là Tận tín. Như Lai đã đạt được pháp môn ấy nên có thể khiến cho chúng sinh nơi cõi địa ngục đang chịu bao nỗi khổ não liền dứt mọi hoạn nạn.
Lại có pháp môn Anh Lạc Đẳng từ, Bồ Tát đạt được pháp Anh Lạc đó thì có thể khiến cho những chúng sinh mang hình tướng súc sinh dứt hẳn mọi sự bị giết hại.
Còn có pháp môn Anh Lạc Vô vọng, Bồ Tát đạt được pháp Anh Lạc này thì có thể khiến cho loài ngạ quỷ vĩnh viễn không còn tưởng về sự đói khát nữa.
Lại có pháp môn Anh Lạc Thanh tịnh, Bồ Tát đạt được pháp Anh Lạc ấy thì sẽ khiến cho các chúng sinh bị mê lầm nhận biết được nẻo đạo.
Còn có pháp môn Anh Lạc Triệt thính, Bồ Tát có được pháp Anh Lạc đó thì sẽ khiến cho các chúng sinh chưa được nghe giáo pháp chân chánh, bấy giờ được nghe, lãnh hội.
Lại có pháp môn Anh Lạc Tự ngộ, Bồ Tát đạt được pháp Anh Lạc này thì sẽ khiến cho mọi chúng sinh ngu si tâm dứt sạch nẻo tà loạn.
Còn có pháp môn Anh Lạc Kiểm ý, Bồ Tát có được pháp Anh Lạc ấy thì sẽ giảng giải cho chúng sinh hành theo mười nẻo thiện.
Lại có pháp môn Anh Lạc Trực tín, Bồ Tát đạt được pháp Anh Lạc đó sẽ đưa được các chúng sinh lầm theo đường tà kiến trở lại an ổn nơi chánh kiến.
Còn có pháp môn Anh Lạc Hoằng thệ, Bồ Tát đạt được pháp Anh Lạc này thì sẽ không còn cho số lượng các kiếp là lâu xa nữa.
Lại có pháp môn Anh Lạc Siêu việt, Bồ Tát đạt được pháp Anh Lạc ấy thì sẽ khiến cho các chúng sinh biếng trễ dốc giữ gìn đúng luật pháp.
Lại có pháp môn Anh Lạc Vô nhuế, Bồ Tát đạt được pháp Anh Lạc đó sẽ khiến được các chúng sinh giận dữ mưu hại dốc tu tập nhẫn nhục.
Lại có pháp môn Anh Lạc Dũng mãnh, Bồ Tát đạt được pháp Anh Lạc này sẽ thúc đẩy các chúng sinh lười nhác trở nên tinh tấn hết mực.
Còn có pháp môn Anh Lạc Nhất ý, Bồ Tát đạt được pháp Anh Lạc ấy sẽ khiến cho các chúng sinh tâm ý bị rối loạn dốc tu tập đầy đủ các pháp thiền định.
Lại có pháp môn Anh Lạc Xí nhiên, Bồ Tát đạt được pháp Anh Lạc đó sẽ khiến cho hàng chúng sinh ngu si thành tựu được trí tuệ.
Có pháp môn Anh Lạc Kiên cố, Bồ Tát đạt được pháp Anh Lạc này thì đối với những người chưa bước vào nẻo đạo sẽ khiến họ đứng vững trong chốn đạo pháp.
Lại có pháp môn Anh Lạc Đa văn, Bồ Tát đạt được pháp Anh Lạc ấy thì sẽ khiến cho những chúng sinh trí tuệ ít, kém, trở thành những người có nhận thức và trí nhớ tốt, không hề bị quên.
Có pháp môn Anh Lạc Uy nghi, Bồ Tát có đủ pháp Anh Lạc đó sẽ khiến cho các chúng sinh không biết hổ thẹn trở nên biết hổ thẹn.
Có pháp môn Anh Lạc Ác lộ, Bồ Tát đạt được pháp Anh Lạc này sẽ khiến cho những chúng sinh tham đắm ái dục nhận thấy được tính chất bất tịnh của đối tượng.
Còn có pháp môn Anh Lạc Phù lạc, Bồ Tát đạt được pháp Anh Lạc ấy thì sẽ khiến cho chúng sinh thường sân hận, vĩnh viễn đoạn trừ sạch điều độc ấy.
Lại có pháp môn Anh Lạc Phổ diệu, Bồ Tát có được pháp Anh Lạc đó tất đạt được trí tuệ thông tỏ, xua sạch hẳn mọi tối tăm.
Có pháp môn Anh Lạc Biến phổ, Bồ Tát đạt được pháp Anh Lạc này thì sẽ khiến các chúng sinh thấy được tính chất phân chia bằng nhau, dứt hết mọi hồ nghi.
Lại có pháp môn Anh Lạc Hình sắc Biến hóa, Bồ Tát đạt được pháp Anh Lạc ấy thì khi nhận thấy được sự biến hóa của vô lượng hình sắc đều phát tâm cầu đạo vô thượng Bồ Đề.
Này các vị Tộc Tánh Tử! Đó gọi là những pháp Anh Lạc tiêu biểu dẫn tới tám vạn pháp môn Anh Lạc của Bồ Tát thật là vô cùng tận. Ta nay chỉ lược nêu một số pháp chính, khỏi phải nói hết. Nếu có những chúng sinh từ kiếp này đến kiếp khác, cho tới cả trăm ngàn kiếp, muốn biết hết sự thực hiện các pháp Anh Lạc của Bồ Tát ấy thì điều đó không thể có được.
Lúc này có vị Bồ Tát tên là Vô Hình, đã đứng vững nơi pháp không thoái chuyển, liền rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy để trần vai bên hữu, đến trước Đức Phật, quỳ mọp, chắp tay cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thật là điều hết sức kỳ lạ, hết sức đặc biệt, chưa từng được nghe!
Sự biến hóa của Như Lai, thật chẳng thể tận cùng nên mới có thể diễn nói về pháp Anh Lạc thâm diệu. Các vị Đại Bồ Tát nếu dốc tâm chấp trì đọc tụng tên các pháp Anh Lạc ấy thì đều được Chư Phật luôn hộ niệm. Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ được gặp lúc Như Lai thuyết giảng về pháp Anh Lạc thì đúng là đã gặp được Pháp Tạng của Như Lai.
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại nói với bốn bộ chúng: Nếu có thiện nam, thiện nữ dốc hết tâm ý thọ trì đọc tụng các pháp Anh Lạc ấy thì liền đạt được mười công đức vô ngại.
Những gì là mười công đức đó?
1. Có được uy nghi, thâm nhập vào kho tàng chánh pháp vô tận như hư không.
2. Đối với mọi chỗ nghe, thấy, hiểu biết thì sự ghi nhớ luôn mạnh mẽ lâu bền, không hề để mất biện tài.
3. Quan sát và thông tỏ các niệm đều như huyễn hóa.
4. Tâm đạt giải thoát, không còn chấp vào nẻo thường hữu.
5. Luôn xa lìa tám pháp thế gian, không ở những nơi chốn ồn ào rối rắm.
6. Được nghe pháp ấy thì liền vui vẻ, tâm dứt nẻo nhị kiến.
7. Lãnh hội các diệu lý không, vô tướng nên không hề chấp vào hình tướng.
8. Lại có thể thâm nhập vào các pháp định ý tịch diệt.
9. Thần thông vô ngại, được trí giải thoát.
10. Thông tỏ các pháp là tự sinh, không còn thấy sự sinh diệt của chúng.
Như vậy là các vị thiện nam, thiện nữ đã có được đầy đủ mười công đức vô ngại.
Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất liền rời chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai bên phải, đến trước Đức Phật, chắp tay cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Các pháp vô hình không thể nhìn thấy được.
Pháp vô hình chẳng phải là chỗ đạt được của A La Hán, Bích Chi Phật, sao Thế Tôn lại nói rằng các hàng thiện nam, thiện nữ chấp trì đọc tụng mười công đức vô ngại thì liền thành tựu đạo quả đi vào cửa Nê Hoàn?
Nê Hoàn vô ngại lẽ nào là một pháp khác sao?
Nê Hoàn là vô vi, vô ngại, không tham đắm.
Như Lai hiện tại đạt đến bậc Chánh Giác, do đâu lại đem công đức vô ngại mà nói về Nê Hoàn, cho rằng chúng sinh đạt được mười công đức vô ngại thì liền được Nê Hoàn?
Nếu bảo rằng chúng sinh đã đạt được Nê Hoàn thì Nê Hoàn ấy chẳng phải là Nê Hoàn vậy.
Như thế thì sao Đức Thế Tôn nói rằng có được mười công đức vô ngại thì liền được Nê Hoàn?
Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Như chỗ Tôn Giả hỏi ấy đều thuộc về uy thần của Phật, không phải là cảnh giới của Tôn Giả.
Thế thì theo Tôn Giả, Nê Hoàn có hình sắc không?
Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Kính bạch Thế Tôn! Không phải.
Phật hỏi: Vậy thì Nê Hoàn là vô hình sắc chăng?
Thưa: Chẳng phải.
Phật hỏi: Này Tôn Giả Xá Lợi Phất! Vậy thì Nê Hoàn là có hình sắc, không có hình sắc chăng?
Thưa: Chẳng phải!
Phật hỏi: Thế thì Nê Hoàn là phi sắc, hay chẳng phải phi hình sắc chăng?
Thưa: Chẳng phải!
Phật hỏi: Này Tôn Giả Xá Lợi Phất! Vậy thì các pháp vô ngại là thường, chẳng phải thường, có sinh có diệt chăng?
Thưa: Chẳng phải thế! Kính bạch Thế Tôn!
Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Nếu cho rằng các pháp vô ngại, cho đến Nê Hoàn chẳng phải sắc, chẳng phải Vô Sắc, cũng chẳng phải sắc chẳng phải Vô Sắc, cũng không sinh diệt, dứt trừ tham đắm, không hình tướng, chẳng thể nhìn thấy.
Thế thì làm sao có tên là Nê Hoàn?
Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Kính bạch Thế Tôn! Nê Hoàn là không có tên, chẳng phải là cảnh giới của nhãn thức có thể tiếp cận.
Đức Phật nói: Đúng vậy! Đúng vậy! Này Tôn Giả Xá Lợi Phất! Như chỗ Tôn Giả nói, đó chẳng phải là cảnh giới của nhãn thức có thể nhận biết được.
Thế thì theo Tôn Giả, thức là hữu hình chăng?
Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Tùy theo hình tướng của đối tượng.
Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Như Tôn Giả nói là tùy theo hình tướng của đối tượng, thế là có cái thức ấy.
Vậy sao lại cho rằng chẳng phải là cảnh giới của nhãn thức?
Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa với Đức Phật rằng: Tùy theo đối tượng có hình tướng thì là thức hữu vi. Tùy theo đối tượng không hình tướng thì là thức vô vi. Vì Nê Hoàn vô ngại, chẳng phải là tướng hữu vi, nên chẳng phải là thức hữu vi. Chẳng phải là tướng vô vi, nên chẳng phải là thức vô vi.
Đức Phật nói: Này Tôn Giả Xá Lợi Phất! Nê Hoàn vô ngại, chẳng phải là tướng hữu vi, chẳng phải là thức hữu vi. Chẳng phải là tướng vô vi, chẳng phải là thức vô vi. Có tạo tác thì thức, không tạo tác thì không thức. Nê Hoàn chẳng phải bỉ, chẳng phải thử.
Vậy thì lại chẳng phải thức khác sao?
Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Kính bạch Thế Tôn! Chẳng phải thế!
Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Nê Hoàn chẳng phải đây, chẳng phải kia, cũng chẳng phải thức khác. Tướng tức là chẳng phải tướng.
Làm sao Nê Hoàn lại biệt lập với tên gọi được?
Giả sử Nê Hoàn biệt lập với danh hiệu, tùy theo hình tướng của đối tượng mà có thức phát sinh. Nếu khiến Nê Hoàn không biệt lập với danh hiệu, thì tùy theo tướng vô vi mà liền có thức vô vi. Thế thì sao lại cho rằng Nê Hoàn chẳng là tướng hữu vi, chẳng là thức hữu vi.
Chẳng là tướng vô vi, chẳng là thức vô vi, cũng chẳng là thức khác?
Lại chẳng phải biệt lập với danh hiệu, thì như hiện nay làm sao lại gọi là Nê Hoàn?
Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn!
Nê Hoàn là Nê Hoàn?
Đức Phật nói: Làm sao cho rằng Nê Hoàn là Nê Hoàn?
Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Như dứt hết ý niệm về Nê Hoàn.
Đức Phật nói: Làm sao gọi là như dứt hết ý niệm về Nê Hoàn?
Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Như tận cùng tức là không tận cùng!
Đức Phật nói: Lành thay! Lành thay! Này Tôn Giả Xá Lợi Phất! Như chỗ Tôn Giả nói, gốc là nói về Nê Hoàn vô ngại, chẳng phải là tướng và thức hữu vi, chẳng phải là tướng và thức vô vi, cũng chẳng phải là thức khác. Tướng tức là vô tướng, không biệt lập với danh.
Thế thì sao lại nói Nê Hoàn vô ngại, như tận cùng tức không tận cùng?
Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Kính bạch Thế Tôn! Nói về Nê Hoàn vô ngại chẳng phải là cảnh giới của con. Chỉ vì Nê Hoàn vô ngại là vô tận mà chẳng phải là vô tận.
Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Ta nay cùng với Tôn Giả nêu ra thí dụ. Kẻ trí dựa theo thí dụ là tự thông tỏ. Ví như có người đàn ông ngước mặt bắn lên hư không, ở nơi không mong cầu không!
Lại hướng về chỗ người khác nói: Tôi ngày trước từng đi khắp hư không, tự rơi xuống vực sâu, nay gặp được hư không nên bắn mà báo thù. Thật là sung sướng vì đã đạt được sở nguyện của tôi!
Thế thì, này Tôn Giả Xá Lợi Phất! Chí hướng của người đó là thích đáng chăng?
Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Kính bạch Thế Tôn! Người ấy bắn lên hư không nhằm để báo thù, sự xét đoán như thế là không dối.
Đức Phật nói: Này Tôn Giả Xá Lợi Phất! Ở nơi hư không bắn vào hư không, thế thì mũi tên có găm vào hư không chăng?
Thưa: Không dính vào.
Đức Phật nói: Làm sao đối với hư không lại báo oán?
Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: hư không là vô hình tướng, không thấy có báo hay không báo.
Đức Phật nói: Đúng thế! Đúng thế!
Như chỗ Tôn Giả vừa nói: hư không là không có báo.
Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Nê Hoàn vô ngại cũng như vậy. Ở nơi hình tướng hữu vi thì theo thức hữu vi, ở nơi tướng vô vi thì theo thức vô vi. Chẳng ở nơi tướng này, chẳng ở nơi tướng kia. Cũng chẳng phải có thức, cũng chẳng phải không có thức. Đó gọi là Nê Hoàn vô ngại, chẳng phải có thức, chẳng phải không có thức vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bảy Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Phi Ngã Phi Ngã Sở
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Tán Hoa
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phổ Hiền Sở Thuyết
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Sáu - Tu Tập Nghiệp Ba Mươi Hai Tướng
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Chín - Pháp Hội úc Già Trưởng Giả - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tận Dục ái Hỷ
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Bánh Xe - Phần Một - Bánh Xe