Phật Thuyết Kinh Bồ Tát đẳng Mục Hỏi Về Tam Muội - Phẩm Bốn - Bồ Tát đẳng Mục nói Về Sự Huyễn Hóa
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT ĐẲNG MỤC
HỎI VỀ TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM BỐN
BỒ TÁT ĐẲNG MỤC NÓI VỀ
SỰ HUYỄN HÓA
Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Ví như có nhà huyễn thuật về Đế Võng lưới báu của Đế Thích, nơi thực hiện là cảnh giới của Đế Thích, ở đấy có kẻ khéo học được cách thức huyễn hóa đó sớm nắm được các thuật sử dụng, ở nơi bốn nẻo đường diễn bày sự huyễn hóa, từ Đế Võng ấy hiện thành một cảnh huyễn hóa lớn lao, mọi kẻ khắp chốn cùng đến quán sát nhìn xem, cả Chư Thiên cũng đều tụ hội đông đảo.
Ở tại một chỗ hiện ra một ngày, bảy ngày, nửa tháng, một tháng, một năm trăm năm. Lại hiện ra nào là thành quách, huyện, ấp, làng xóm. Rồi lại hiện ra nào là sông, hồ, vực, biển sâu, dòng sông rộng đủ loại. Lại hiện mây đùn mưa đổ gây nên bao biến động lớn như vậy.
Lại hiện ra các cõi nước trang nghiêm, không đem chỗ hóa hiện ấy cùng với năm tháng đối kháng hủy diệt nhau. Tất cả mọi chốn huyễn hóa đó khiến Chư Thiên vui mừng thích thú mà đối với các huyễn thể kia cũng không có chỗ nào bị hư tổn nên Chư Thiên xem thấy đều không có sự nghi ngờ cho là quái lạ.
Thế thì đối với chư vị Bồ Tát Đại Sĩ đem pháp tam muội ấy mà nhập chánh thọ, ở một cõi hiện ra vô số cõi, các cõi đó đều có đủ các đại đất, nước, gió, lửa, như Hải Bảo Sơn, Tu Di Sơn, Thiết Vi Sơn, Đại Thiết Vi Sơn, cho đến cảnh giới tận cùng của con người với những thành quách, huyện ấp cùng với bao xóm làng thưa thớt hay trù phú.
Lại có cung điện của Tượng Thiên, cung thất của chư Long Thần, nơi ở của Chúng Thần, chốn ngụ của Hương Thần, cõi dạo của Thủy Thần, chỗ tới của anh thần thần gây bệnh tật?
Vùng chứa nhạc khí của kỹ thần, miền an ổn của điềm thần. Lại có các chốn cung điện, đền đài ở những nơi tận cùng thế gian, đủ ba cõi Dục Giới, Sắc Giới cho đến Vô Sắc Giới. Lại có tiểu thiên cõi nước, trung thiên cõi nước, tam thiên đại thiên cõi nước. Có tội không phước, tất cả chúng loại, thân lưu chuyển trong muôn ngàn nẻo sinh tử, đều thông đạt cùng tận.
Mọi sự nhớ nghĩ đối với các cảnh giới ấy đều hòa nhập với trí tuệ thông suốt, được thấy tường tận hay không thấy. Ở nơi các cõi chẳng có sự vất vả mệt nhọc. Trừ bỏ cõi có sự vất vả đó thì chẳng còn có nỗi vất vả nào nữa. Lại trừ bỏ luôn mọi hành ở các cõi và thế là không cõi không hành.
Vì sao như vậy?
Là vì đã hội nhập vào bản thể của các pháp.
Lại nữa, chư vị Bồ Tát Đại Sĩ đó, đối với các pháp hội nhập không chấp vào pháp, đối với các pháp giới không dấy tưởng là mình có nhớ nghĩ, vì mọi hành là không, là không có đối tượng hành, đối với các cõi không dấy tưởng không hành.
Đối với mọi sự thọ nhận thân tướng cũng là không thọ mạng, không hành hóa. Các pháp do nhân duyên hòa hợp tạo thành, như chân lý đã được nhận thức một cách tường tận, cho nên cũng là không thọ mạng, không hành hóa.
Đối với mọi hiện tượng sinh diệt đều là do các pháp chuyển hóa, ở nơi hóa mà không bị hóa. Bồ Tát dùng các pháp để làm đầy đủ các nguyện lực của mình để nhập nơi chúng, Bồ Tát hành hóa khế hợp với tính chất tịch tĩnh của các pháp.
Bồ Tát hành hóa nhưng không dấy tưởng chấp về sự hóa ấy, có thế thì mới cớ thể độ khắp mọi chúng sinh theo đúng nẻo thanh tịnh của pháp Như Lai. Pháp giới của Bồ Tát là hành hóa các pháp không thể nghĩ bàn mà không bám chấp vào đấy. Bồ Tát với hạnh từ bi, khéo sử dụng mọi phương tiện quyền xảo để hóa độ chúng sinh.
Bồ Tát hành hóa như thế là ở một cõi mà thông tỏ mọi nơi chốn hành, trụ của vô số cõi, biết rõ về thân mạng, hành động của vô số loài chúng sinh, theo đấy mà hiện ra vô số hình ảnh các vị Bồ Tát tu tập tinh tấn, nhớ nghĩ về sự hưng hiển của vô số Phật, thọ nhận Chư Như Lai Bình Đẳng Chánh Giác những lời chỉ dạy về yếu chỉ của các pháp, theo đó mà tự tu hạnh Bồ Tát.
Ở nơi cõi này tịch tĩnh thì những chốn kia hiện bày. Ở những chốn kia tịch tĩnh tức thì ở nơi cõi này hiện bày. Hành hóa mà không làm hủy hoại thân mình, hội nhập pháp giới hòa nhập vào ánh sáng của cõi tịch tĩnh, luôn nhớ nghĩ đến trí tuệ, đem lại lợi lạc đối với các nẻo tối tăm.
Cũng như nhà huyễn thuật kia đứng ở nơi đất ấy mà hiện bày các sự huyễn hóa, không lấy những huyễn hóa đã hiện ra làm tổn hại đến cõi đất tức nơi chốn mình đang hiện bày mọi sự huyễn hóa. Do nương tựa nơi đất, sự huyễn hóa ấy không nhớ nghĩ về ngày đêm, chẳng hủy hoại thời tiết.
Bồ Tát hành hóa như thế, dùng tâm niệm không có cõi nước cảnh giới mà đi vào các cõi, lấy không cõi nước để làm sáng tỏ không cõi nước, lại dùng cõi nước để thông tỏ về không cõi nước, dùng chốn vô sắc mà hiện bày an trụ sắc, không lấy nhất để hủy diệt nơi nhị, cũng không lấy nhị mà hủy diệt nhất.
Ví như nhà huyễn thuật hiểu rõ các pháp nơi khắp các cõi nước, nhập nơi pháp huyễn thì sẽ thông tỏ việc nhập nơi tuệ huyễn. Đã nhập vào tuệ huyễn thì sẽ thông tỏ việc nhập vào hành huyễn. Đã nhập nơi hành huyễn nên dấy khởi tuệ huyễn, dùng tuệ huyễn để phân biệt nhận rõ các hành.
Như những kẻ làm công việc huyễn hóa kia, chẳng ở ngoài cõi đất mà hiện bày sự huyễn hóa của mình, cũng không ở bên ngoài những người xem. Chư vị Bồ Tát như vậy là không lấy hư không để đi vào các cõi nước, không lấy bên ngoài cõi nước để đi vào hư không.
Vì sao?
Là vì các cõi nước đều có thể hội nhập vào hư không mà không bị hủy hoại. Như thế đã có thể nhập vào cõi nước thì cũng nhập vào hư không.
Vậy thì các vị Bồ Tát kia, đã làm trang nghiêm khắp nơi, dùng cõi nước cảnh giới để nhập vào các hành động của mình, cùng thấy hay không thấy do tâm rỗng rặng nên tu tập thông tỏ, hành quán thuận hợp.
Cho đến đem tâm niệm trong khoảnh khắc như búng ngón tay có thể hiện hữu khắp vô số các cõi nước, thảy đều rõ mọi nơi chốn sinh tử trải qua nhiều kiếp, kể cả kiếp có thể đi đến, chỉ dùng một thời gian ngắn đối với vô lượng kiếp.
Lại trải qua số lượng ấy thì có thể trải qua các nơi chốn hưng khởi tính chứa, chẳng có chỉ mỗi tưởng về kiếp đã trải qua. Vì chỉ một khoảnh khắc búng ngón tay, nơi chốn rộng lớn được hiện ra, chẳng dùng ý niệm mà có thể vui thích với tuệ huyễn.
Như thế thì Bồ Tát có thể tu học thông tỏ các pháp độ vô cực, đem tuệ huyễn đã trải qua để hội nhập một cách thông suốt vào Thế Giới huyễn, sáng tỏ vượt các pháp huyễn, cùng với các Thế Giới huyễn thuận hợp, tuệ hạnh hiện bày khắp để nhận ra sự tận cùng của huyễn trong ba thời, vượt qua vô số huyễn với tuệ thông đạt trải qua các huyễn, vào nơi tâm huyễn, dẫn đến vô hạn, vượt qua Chư Phật huyễn mới độ khắp muôn loài đưa đến bờ giải thoát.
Chư vị Bồ Tát như thế là hiểu rõ về việc nhập vào các cõi nước, nói chung là đối với các cõi nước thảy đều thấu đạt, vĩnh viễn không chấp bám vướng mắc, cũng đều vô niệm dứt mọi vọng niệm.
Như nhà huyễn thuật kia do từ Đế Võng huyễn đã hiện ra khắp các thứ huyễn hóa, chẳng ở nơi cảnh huyễn, cũng không có chỗ lầm lẫn. Bồ Tát như thế là đã hội nhập được vào các pháp độ vô cực không dấy niệm về các pháp đã nhập và các pháp đã nhập ấy cũng không lầm lẫn. Đó gọi là đại định rộng khắp của Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba