Phật Thuyết Kinh đẳng Tập Chúng đức Tam Muội - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẲNG TẬP CHÚNG ĐỨC TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN NĂM  

Này Lực sĩ Ly Cấu Oai! Như nước trong biển cả còn có thể biết được số lượng của từng giọt nước, đo lường để biết được hạn lượng cùng đáy biển. Bồ Tát đã thực hành ba việc trì giới, nghe nhiều, bố thí thì không có hạn lượng, không biết được ranh giới của nó.

Ba ngàn đại thiên Thế Giới hãy còn có thể biết được số lượng cùng biên vực tận cùng của nó, chứ Bồ Tát dứt hết mọi dục, thực hành ba việc giới, văn, thí thì không có hạn lượng.

Này thiện nam! Ba phẩm hành trên thì nghe nhiều là tôn quý, là tối thắng, là lớn mạnh, là không gì bằng, giống như núi chúa Tu Di.

Trì giới, bố thí cũng như hạt cải ở ven núi Tu Di, phải nên quán xét việc học rộng nghe nhiều tức là núi chúa Tu Di. Ví như chim bay, lượn quanh nơi hư không thì hình bóng của đôi chân bị che lấp, đâu biết số lượng là bao nhiêu. Trì giới, bố thí cũng như vậy. Ví như hư không bao la không bờ bến, phước đức của sự học rộng nghe nhiều cũng như vậy.

Vì sao?

Này thiện nam!

Bố thí có hai lợi ích: Thoát khỏi bần cùng, được giàu sang.

Trì giới có hai lợi ích: Vượt qua cõi ác, sinh lên Cõi Trời.

Nghe có hai lợi ích: Được trí của Bậc Thánh, dứt trừ tà nghi. Người bố thí không xa lìa các lậu do các ấm thọ nhận. Người trì giới, chỗ thọ nhận của các ấm cũng kết hợp với lậu hoặc. Người học rộng nghe nhiều không có các lậu hoặc, cũng không thọ nhận các ấm.

Thế nên, này Lực sĩ Ly Cấu Oai! Đó gọi là sự ứng hợp của Bồ Tát học rộng nghe nhiều. Lúc Đức Phật giảng nói về bố thí, trì giới, học rộng nghe nhiều thì có ba vạn hai ngàn chúng sinh đã gieo trồng gốc của các công đức, đều phát tâm Bồ Đề cầu đạt đạo quả chánh chân vô thượng. Năm trăm Tỳ Kheo dứt sạch các lậu, tâm ý thông suốt, đạt được pháp nhãn thanh tịnh.

Lúc ấy, lực sĩ Ly Cấu Oai bạch Phật: Bồ Tát có mấy pháp hành mau chóng đạt được pháp nhẫn bất khởi?

Pháp nhẫn Vô sinh Đức Phật dạy: Này thiện nam! Bồ Tát có bốn pháp hành mau chóng đạt được pháp nhẫn Bất khởi.

Bốn pháp đó là:

Một là quán thân như hình bóng mà được giải thoát.

Hai là hội nhập nơi các pháp như tiếng vang.

Ba là hiểu rõ về tâm như huyễn hóa.

Bốn là quán xét tất cả các pháp đều trở về diệt tận.

Đó là bốn pháp, Bồ Tát hành trì tất mau chóng đạt được pháp nhẫn bất khởi.

Lại có bốn pháp, đó là: Tu tập từ bi rộng khắp, luôn ban tình thương cho chúng sinh. Nếu như người tu học khởi tưởng chấp về người thì khuyến khích, giúp họ hiểu rõ. Tất cả các pháp đều có tạo tác, đều khiến họ thấy rõ pháp của Chư Phật.

Không dùng nhục nhãn, cũng chẳng dùng thiên nhãn, cũng không dùng pháp nhãn, không chỗ nương tựa, phân biệt rõ ràng chỗ hội nhập của tâm, cũng không có tâm, cũng không thấy tâm, cũng không duyên hợp. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp, đó là: Tất cả những vật sở hữu đều đem bố thí không hề luyến tiếc, dứt bỏ tà kiến, phụng trì giới cấm thanh tịnh, trừ sạch các thứ phiền não.

Đó là bốn.

Lại có bốn pháp, đó là: Thực hành nhẫn nhục, hội nhập vào các pháp đều nhận biết tất cả, dốc sức tinh tấn, ưa pháp đạm bạc. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp, đó là: Đạt được thiền định, không còn chỗ nương tựa. Quán xét trí tuệ, không hề xem nhẹ. Nắm giữ phương tiện thiện xảo, không chấp về chúng sinh. Đầy đủ các hạnh, đi vào chỗ không ai sánh bằng. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp, đó là: Thường thực hành đại từ, tạo lợi ích cho chúng sinh. Đầy đủ đại bi, hoàn toàn không nhàm chán. Thực hành đại hỷ, ưa thích các pháp. Thực hành đại xả, trừ bỏ các sự vướng mắc.

Đó là bốn.

Lại có bốn pháp, đó là: Hiểu rõ từng phần của ba pháp môn giải thoát, trừ bỏ ba đời: Quá khứ, hiện tại, vị lai, vượt khỏi ba cõi, quán nhất thiết pháp vốn thanh tịnh, không cấu uế.

Đức Phật dạy: Này Lực sĩ Ly Cấu Oai! Đó là bốn pháp hành để Bồ Tát tu tập mau đạt được pháp nhẫn Bất khởi.

Lúc Đức Phật thuyết giảng như vậy, Bồ Tát Ly Cấu Oai đạt được pháp nhẫn bất khởi, hoan hỷ hết mực, bèn vụt lên giữa hư không, cách mặt đất bốn trượng chín thước, ba ngàn đại thiên Thế Giới chấn động đủ sáu cách, ánh sáng nơi vị ấy tỏa chiếu khắp Thế Giới, trời tuôn mưa hoa, trăm ngàn âm nhạc không tấu đều tự vang lên.

Thế Tôn biết tâm niệm của Bồ Tát Ly Cấu Oai liền mỉm cười, khiến ánh sáng năm màu từ miệng Ngài tỏa ra, soi rõ vô số Cõi Phật ở mười phương, trở lại xoay quanh ba vòng rồi đi vào đỉnh đầu.

Hiền giả A Nan liền đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai bên phải, gối phải quỳ sát đất, chấp tay bạch Phật và dùng kệ khen ngợi:

Thế Tôn trí thanh tịnh

Mắt Ngài đẹp trong sáng

Các căn đều tịch tĩnh

An nhiên đạt tự tại.

Ánh sáng chiếu bảy thước

Kim dung thần chói sáng

Vì sao mỉm cười tươi

Xin Phật chỉ dạy cho.

Việc làm của Trời, Người

Chỗ tâm ý hướng đến

Khiến thanh tịnh ba đời

Thấy hình tướng từng loài.

Trí tuệ thường thông đạt

Chưa từng có ngăn ngại

Vì sao vừa mỉm cười

Xin Phật thuyết giảng cho.

Như Lai đời quá khứ

Và ở đời vị lai

Hiện tại mười phương Phật

Trí thông suốt vô lượng.

Tu hành đều thanh tịnh

Chữa lành vô số bệnh

Tất cả đều hiểu rõ

Xin Phật giảng nêu cho.

Thân Phật biến khắp nơi

Ở trong Cõi Phật này

Âm vang đều thông suốt

Vô số các quốc độ.

Tâm hướng đến chúng sinh

Thường rủ tâm đại từ

Thương xót xin dạy bảo

Giảng rõ ý mỉm cười.

Hiện tại tu tập pháp

Tịch nhiên như mặt trăng

Không giống như huyễn hóa

Tự nhiên hoặc như mộng.

Đã đạt được lợi ích

Thường như bọt nước mưa

Vì sao mỉm cười tươi

Đức Như Lai Thế Tôn.

Hiểu không, không có tướng

Vượt cửa nguyện giải thoát

Các pháp là tự nhiên

Thị hiện đã rốt ráo.

Vắng lặng thường thiền định

Tự tại như hư không

Nguyện xin Phật phân biệt

Mỉm cười mà cảm hóa.

Vì ai phát tâm diệu

Chí nguyện bậc trí tuệ

Ai dùng lực trừ ma

Nên ngồi bên gốc cây.

Ngày nay bậc tối thắng

Vì ai mà cứu giúp

Vì sao mỉm cười tươi

Thế Tôn Giảng thuyết rộng.

Các đại chúng Thanh Văn

Không thể nào sánh kịp

Tất cả các Duyên Giác

Không đạt đến đạo này.

Cảnh giới của Chư Phật

Phước đức như biển cả

Do đâu mà mỉm cười

Phật thương xót dạy cho.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ông có thấy Lực sĩ Ly Cấu Oai vọt giữa hư không, cách mặt đất bốn trượng chín thước không?

Đáp: Bạch Thế Tôn! Con đã thấy.

Đức Phật dạy: Bồ Tát Lực sĩ Ly Cấu Oai trải qua ba trăm không thể tính kể kiếp hội sẽ thành tựu đạo quả Chánh Giác Vô Thượng hiệu là Lực Nghiêm Tịnh Vương gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Ở nơi phương Đông, Thế Giới tên là Thanh Tịnh, kiếp tên Tịnh Thán. Thế Giới của Như Lai Lực Nghiêm Tịnh Vương thanh tịnh, dân chúng giàu có thịnh vượng, an ổn, năm thứ lúa thóc dồi dào, sung túc, khắp Cõi Trời người khó sánh bằng.

Y phục, thực phẩm, phòng xá của muôn dân nước ấy giống như ở Cõi Trời Đâu Suất. Đức Phật ấy thuyết giảng chánh pháp không có sự đặc biệt, khác lạ nào, chỉ tuyên dương tạng pháp của Bồ Tát. Nơi Cõi Phật đó không có tên gọi về hàng Thanh Văn, Duyên Giác, đều thuần là Bồ Tát, tất cả cùng đạt được pháp nhẫn. Các chúng Bồ Tát ở đấy là vô số vô lượng.

Thọ mạng của Đức Phật Lực Nghiêm Tịnh Vương không có hạn lượng, cõi nước ấy không có tám nạn, hàng phục chúng ma, ngăn chận oán địch, không có các học phái ngoại đạo khác. Ở Thế Giới của Đức Phật ấy đất là lưu ly xanh biếc, vàng ròng xen bày khắp chốn.

Lúc đó, Bồ Tát Ly Cấu Oai từ trên hư không hạ xuống, đảnh lễ dưới chân Phật, xin quy y Thế Tôn, thỉnh cầu Đức Phật cho được xuất gia.

Bấy giờ, Bồ Tát Câu Tỏa liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là điều kỳ lạ chưa từng có. Hôm nay, Thế Tôn Giảng thuyết Kinh Điển có Chư Thiên ở giữa hư không, phước đức cao dày, đều đến chỗ Như Lai, vừa thấy Như Lai liền hoan hỷ, trừ bỏ tâm niệm cao ngạo, tự đại, đảnh lễ Thế Tôn, xin quy y.

Thế Tôn đã có thể giáo hóa lực sĩ Ly Cấu Oai cao ngạo tự đại này khi đi đến chỗ Phật, đạt được pháp lớn. Nguyện xin Thế Tôn vì vô lượng chẳng thể nghĩ bàn các chúng sinh diễn thuyết kinh pháp, khiến dứt trừ kiêu mạn.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Ly Cấu Oai đã từng gieo trồng gốc phước đức từ nơi Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác nào mới có thể mau chóng đạt được thần thông như vậy?

Đức Phật dạy: Này Bồ Tát Câu Tỏa! Ông nên biết, Bồ Tát Ly Cấu Oai kia đã từng cúng dường sáu mươi hai ức Chư Phật, gieo trồng nhiều phước đức ở nơi đạo chánh chân vô thượng, lại thường phụng sự vô số Chư Phật, tịnh tu phạm hạnh.

Bồ Tát Câu Tỏa lại thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao đã gieo trồng phước đức rồi mà quên mất tâm đạo, tự đại, cao ngạo đến chỗ Thế Tôn muốn so sánh tài nghệ?

Đức Phật dạy: Này Bồ Tát Câu Tỏa! Có bốn pháp nếu Bồ Tát thực hành thì quên mất tâm đạo, đó là: Tâm luôn kiêu mạn, không cung kính pháp, khinh thường thầy hiền, về sau lại phỉ báng. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp, đó là: Ưa thích tu tập pháp Thanh Văn, đều cùng quy hướng, chí ưa pháp nhỏ, phỉ báng Bồ Tát quên ân Pháp Sư. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp, đó là: Dua nịnh quanh co đối với pháp dối trá, gièm pha, dùng hai việc để nuôi mạng sống mong cầu lợi dưỡng, ưa thích sự hầu hạ.

Đó là bốn.

Lại có bốn pháp, đó là: Không biết việc làm của ma, che giấu tội lỗi, vướng mắc pháp ác, tâm tánh yếu đuối hèn nhát.

Này Bồ Tát Câu Tỏa! Đó là bốn pháp khiến Bồ Tát quên mất tâm đạo.

Bồ Tát Câu Tỏa lại thưa: Vì sao Ly Cấu Oai dùng những thứ gì khi hành hạnh Bồ Tát mà quên mất tâm đạo?

Đức Phật bảo: Xưa kia, trong Hiền kiếp ấy, có Đức Phật đầu tiên xuất hiện ở đời, hiệu là Câu Lâu Tần, là bậc Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.

Ở Thế Giới ấy, có Phạm Chí Thiện Tài Đại Thế thuộc tộc họ tôn quý rất giàu có sinh được một con, bị ma mê hoặc nên sinh cao ngạo, không muốn đi đến chỗ Đức Như Lai để tăng trưởng pháp lợi ích, thường cùng với các Sa Môn, Phạm Chí, Trưởng Giả tạo sự tranh chấp, mạ lỵ hủy báng, không chịu thọ pháp cũng không thấy pháp, không gặp Pháp Sư cũng không cung kính vâng theo lời dạy.

Ngay ở đời ấy, hành trái với năm pháp, đó là: Xa lìa bậc Thế Tôn, không muốn gặp mặt, không được nghe pháp, không tạo nghiệp Bồ Tát, cũng không thưa hỏi. Khi ấy, hành giả quên mất gốc của các công đức, ý chí không kiên cố, thâu lấy vật bất thiện, xa lìa tâm đạo.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần