Phật Thuyết Kinh Bồ Tát đẳng Mục Hỏi Về Tam Muội - Phẩm Mười Một - Dùng đại Tuệ Phân Biệt Thân Hành Là Không

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT ĐẲNG MỤC

HỎI VỀ TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI MỘT

DÙNG ĐẠI TUỆ PHÂN BIỆT

THÂN HÀNH LÀ KHÔNG  

Lại nữa, chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ Tát Đại Sĩ ở nơi thân mình xem xét, quán tưởng tận cùng về thân ấy thảy đều như huyễn, mọi đối tượng nhận thức của mắt đều thuận ở pháp giới.

Bồ Tát dấy khởi pháp tam muội cũng cùng với mọi lỗ chân lông nơi tự thân nhằm thực hiện pháp ấy. Nơi mỗi mỗi chân lông hiện ra các pháp giới và Bồ Tát ở nơi đó nhập chánh thọ.

Sự việc ấy giống như an trụ các pháp huyễn, cho đến các đối tượng được nhận biết là các cõi nước cũng như các pháp thế gian. Do nhận biết các pháp mà liền biết hàng ức na thuật, vô số các cõi nước. Lại nhận biết cái đắc của vô đắc nơi Cõi Phật có vô lượng cõi nước như vi trần.

Ở nơi các cõi nước ấy đều hiện có Phật với chúng Bồ Tát vây quanh đông đủ, hết mực thanh tịnh, đều là Bậc dũng mãnh, hiền hạnh, biện tài, cảnh giới vô cùng trang nghiêm rộng lớn với muôn ngàn vẻ rực rỡ như ánh mặt trời tỏa chiếu, lại có vô số các thứ châu báu, làm tăng vẻ tươi đẹp nghiêm tịnh.

Nơi các cõi đó, hoặc trong mười kiếp, hoặc trăm, ngàn, hoặc trăm ngàn, ức, hoặc ức ngàn na thuật, hoặc vô số vô hạn vô biên vô tế, tận cùng vô tận của số lượng, cho đến Cõi Phật có số lượng kiếp như vi trần, hành các hạnh nguyện của Bồ Tát, làm nơi chốn nương trụ ấy, nhưng chẳng có thể tận cùng. Bồ Tát ở nơi ấy, thực hiện pháp tam muội chánh thọ đó nên lại giác ngộ. Ở nơi đó nhập chánh thọ thì ở nơi pháp tam muội kia mà giác ngộ.

Bồ Tát nhập khắp các cõi nước, nơi ấy hóa hiện nhiều thứ, hóa hiện cảnh giới chúng sinh đều khiến hội nhập vào pháp giới, thông tỏ mọi thứ trí tuệ của quá khứ, lại hóa hiện những nơi chốn thuyết giảng kinh pháp, không gì là không thông đạt đầy đủ. Chỗ nhận thức phân biệt của mắt cũng vô ngại, ở nơi các pháp luôn được tự tại, đứng vững để vượt qua.

Chỗ phân biệt của tai cũng vậy, đều nhằm đến sự tu tập giải thoát, vượt bờ. Chỗ phân biệt chỗ mũi cũng lại dùng các phương tiện. Chỗ phân biệt của miệng thảy đều sáng tỏ. Chỗ phân biệt của thân cũng được lãnh hội thấu đáo đầy đủ. Chỗ phân biệt của tâm thì mọi tuệ niệm đều trọn vẹn.

Bồ Tát dùng trí tuệ ấy tạo được sự thông tỏ nên liền đạt được mười ngàn ức tổng trì.

Những gì là mười?

Đem các pháp khế hợp đến khắp các cõi nước, thành tựu được mười ngàn ức hạnh nguyện thanh tịnh, lãnh hội trọn đủ mười ngàn ức các căn thần diệu.

Hội nhập các hành của trí tuệ giác ngộ, đạt được đầy đủ mười ngàn ức thần thông, được nhập mười ngàn ức pháp tam muội, được mười ngàn ức Thần túc, thảy đều viên mãn nên đạt tăng thêm mười ngàn thần lực, có được trọn vẹn mười ngàn ức chân tánh, tạo được một cách hiển hiện mười ngàn ức nơi chốn nương trụ, đạt đến mười ngàn ức cảm ứng biến hóa, đó là mười.

Bồ Tát lại có mười thể, nhờ đó thành tựu được ngàn ức. Bồ Tát có được mười hành xứ, nhờ đó hoàn thành viên mãn ngàn ức. Bồ Tát có được mười Tạng, dùng để vượt qua ngàn ức bình đẳng.

Bồ Tát có được mười hạnh, ở nơi ngàn ức làm hiển lộ ánh áng chói lọi. Bồ Tát có được mười trụ, dùng để diễn bày ngàn ức các lời giảng dạy. Bồ Tát có được mười nguyện, nhờ đó vượt qua mọi tạo tác về đức thiện của ngàn ức. Bồ Tát có được ngàn hối quá chân thật, theo đó dựng được các tạo tác về tu đức của ngàn ức.

Bồ Tát có được mười minh hiển, qua đấy đạt đến mọi hành hóa thanh tịnh của ngàn ức. Bồ Tát có được mười hướng thắng, nhờ đấy tự mình làm cho ánh sáng hiển lộ đạt tới ngàn ức. Bồ Tát có được mười quả thanh tịnh, từ đó đạt được sự thanh tịnh ngàn ức.

Như thế là Bồ Tát Đại Sĩ đã thực hiện đầy đủ vô số thân, thành tựu vô số công đức, viên mãn các đức không phân tôi ta, trọn nên vô số hạnh, tu tập chẳng thể nghĩ bàn các đức, thực hiện vô xưng hạn các đức, trọn các hạnh ngã vô ngã, được chỗ thu hoạch của vô đức, vô tận niệm về đức hạnh của vô ngã.

Bồ Tát dùng sự thực hiện đó hoàn thành đầy đủ các đức, đạt tới các hành bình đẳng để tự trang nghiêm cho quá trình tu tập của mình, thể hiện sự an lạc, điều hòa, diệu dàng, đạt được sự ngưỡng mộ tôn thờ, cúng dường của chúng sinh, cùng làm tăng giá trị thù thắng, không gì có thể sánh, vì đó là sự dũng mãnh tối thượng.

Bồ Tát ở nơi pháp ấy đạt được tự tại. Bồ Tát nương trụ nơi pháp tam muội đó. Ở nơi phương Đông cho đến mười Cõi Phật với vô số ngàn nơi chốn của Như Lai số lượng như vi trần, dùng mỗi mỗi tên chữ để kiến lập. Mỗi mỗi tên chữ ấy đều có đủ mười Cõi Phật với vô số nơi chốn Như Lai cũng như trên. Không thể có ý niệm về hạn lượng ấy.

Từ số lượng đó cho đến một vi trần, phân ra làm Cõi Phật với vô số ngàn số lượng như vi trần, hiện hữu khắp trong các cõi đó cũng không nhận biết, không hề tăng giảm. Như sự không nhận biết của cái một, mà không tăng giảm, nên đối với khắp các cõi số lượng như vi trần cũng lại như vậy.

Như nơi chốn thực hiện ở phương Đông, các phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng và hai phương trên dưới cũng như thế. Từ một vi trần ấy phân ra nơi chốn có thể vướng mắc của sự ngăn ngại, số lượng cũng như trên. Chư Bồ Tát ấy đều có thể kiến lập để có thể hiện ra thân tướng khắp chốn. Như thế là các Bồ Tát đó, ở nơi các Cõi Phật, có thể tạo dựng khắp xứ những chốn thanh tịnh.

Nhờ vào thân tướng vô hạn của Như Lai, lại ở nơi ánh sáng luôn tỏa chiếu đạt được tự tại, lại nhờ ở tính chất không thể nghĩ bàn nên có được sự cảm ứng lớn lao, tạo ra sự hóa hiện khắp cõi. Nơi chốn ban bảo của tai Như Lai cũng lại vô lượng. Sự phân biệt của mũi Như Lai cũng không hạn lượng.

Từ chỗ phân biệt của miệng Như Lai hiện ra sự bình đẳng. Thân Như Lai ở nơi thích ứng, thuận hợp với mọi sự hành hóa khác. Chốn hiện của tâm Như Lai cũng vượt quá mọi giới hạn. Đối tượng nhận thức và tư duy của Như Lai Chánh Giác cũng là vô hạn lượng âm thanh Như Lai nêu bày thì thanh tịnh.

Bánh xe chánh pháp của Như Lai hiển hiện khắp cõi, không hề thoái chuyển, khiến cho hết thảy các loài đều biết về Thánh Chúng của Như Lai là vô hạn số. Sự giác ngộ các pháp của Như Lai lại cũng vô hạn, mà hoàn toàn thuận hợp để dẫn dắt muôn loài.

Dấy rõ, hiện khắp gốc công đức của Như Lai nơi ba đời tu hành mà vô số Như Lai đã hiện bày, làm rõ các pháp, cùng với chỗ Như Lai kiến lập thể hiện qua âm thanh nêu dạy thuyết giảng. Đó là mười.

Bồ Tát hiện ra cõi của Như Lai kiến lập, dùng âm thanh của Phật tạo ra những trận mưa các pháp, khiến cho âm thanh của Phật được nghe khắp các cõi nước.

Bồ Tát nêu bày truyền bá sâu rộng các pháp tam muội chánh thọ của Phật, cũng lại là nêu dạy khắp các pháp của Đức Thế Tôn và chúng Thánh Hiền, kiến lập các pháp chẳng thể nghĩ bàn của Phật.

Nơi chốn tuyên giảng các pháp thảy như cảnh huyễn hóa, nêu bày diễn nói các pháp mà không có chỗ vướng mắc, chấp bám, đều nhằm làm hiển lộ tất cả các pháp tràng, thảy khiến hiện rõ thông suốt khắp nơi các hành thuộc mọi đức của Như Lai. Đó là mười.

Bồ Tát thực hành hết thảy các pháp tam muội, dẫn dắt thích hợp như cảnh huyễn hóa, tâm kiến lập như huyễn, lãnh hội không hề bị ngăn ngại. Bồ Tát ở nơi pháp giới đó, mà luôn được tự tại, nên Bồ Tát mới thực hiện việc kiến lập.

Bồ Tát đối với Chư Phật Thế Tôn, ở nơi các chủng loại tâm ý, dùng mỗi mỗi tên chữ mà hiện ra vô số Cõi Phật, vô số ngàn như số vi trần Chư Như Lai.

Dùng mỗi mỗi tên chữ số lượng như vi trần. Dùng mỗi mỗi vi trần mà tạo dựng như mười Cõi Phật, cho đến chín số Cõi Phật số lượng như vi trần thì cũng không tăng giảm, cũng không ai có thể biết chỗ giữ được ấy. Đó là chỗ Bồ Tát kiến lập.

Bồ Tát tu tập ứng hợp với các hành yên tịnh, cũng là chỗ kiến lập của tâm. Dùng các hành ý không chấp trước để làm nơi kiến lập nên đối với các pháp không còn mê lầm. Do luôn nhớ nghĩ đến chỗ kiến lập, nên đối với các pháp, dùng trí tuệ phân biệt nhận biết rõ.

Thực hiện các chỗ kiến lập cũng là tạo ra nơi chốn thọ nhận các pháp. Thực hiện chỗ kiến lập cũng chính là tùy thuận để phụng trì các pháp. Cũng do biết được các nẻo của nơi chốn kiến lập mà có thể nêu bày truyền bá khắp các pháp tu hành.

Cũng kiến lập vô số các căn tình, do đạt được thần thông nên nhận rõ nơi dụng của các pháp cùng trí tuệ theo phương tiện quyền xảo. Làm theo các hành vô khởi, thông tỏ nơi chốn kiến lập do vậy mà hội nhập với pháp giới theo diệu lý không chốn chấp trước.

Cũng tu tập an trụ tuệ hạnh nên đạt được trí tuệ thanh tịnh vô hạn. Cũng an trụ trí tuệ của Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, nên ở nơi khắp các cõi nước mà hiện mọi cảm ứng biến hóa.

Bồ Tát dùng những phương tiện ấy để an trụ nơi các pháp tam muội, thấu đạt một cách sung mãn mười cửa của biển pháp.

Những gì gọi là mười?

1. Hiện ra biển Phật sung mãn, làm chỗ dẫn dắt thuận hợp cho mọi biển pháp.

2. Do đã thâm nhập nơi biển pháp nên thực hiện được trọn vẹn biển trí tuệ.

3. An trụ nơi vùng ánh sáng chói lọi nên đối với các tình căn không còn có chỗ bám víu, vướng mắc.

4. Đem trí tuệ tạo sự cảm ứng lớn lao, lấy âm thanh để phu diễn diệu dụng của các pháp.

5. Nhớ nghĩ đến biển lớn của các căn, thuận hợp để có được trí tuệ theo phương tiện.

6. Thấu đạt biển tâm, quán sát thâu nhận tất cả mọi chủng loại sai biệt nên nhận biết được vô số tâm.

7. Có được biển hành hóa viên mãn vì đã thực hiện đầy đủ các nguyện lực.

8. Đạt được trọn vẹn hết thảy biển hạnh nguyện thiếu một pháp thứ chín.

9. Thành tựu rốt ráo tất cả đối với đạo giác ngộ.

Đó là mười. Bồ Tát như thế đã là hoàn thành trọn đủ tất cả biển đạo đức.

Bồ Tát lại có mười sự, do vậy mà được xem là Bậc Thượng Tôn.

Những gì là mười?

1. Bậc Thượng tôn vì đã dẫn dắt thuận hợp tất cả muôn loài.

2. Mong đạt đến quả vị tối thượng để chỉ dẫn giáo hóa chúng sinh.

3. Mong hướng tới Bậc Thượng Tôn nên đạt được các phạm hạnh.

4. Đạt đến diệu lực tối thượng vì mong đạt được trọn đủ các pháp.

5. Mong đạt sự thù thắng hơn đời đối với tất cả các cõi trong thế gian.

6. Dứt được hết mọi lỗi lầm nên đã chiến thắng các thứ ma oán.

7. Mong đem ánh sáng giác ngộ thông suốt, soi tỏ, hóa độ hết thảy các nẻo ác.

8. Mong đạt vô sở úy đối với mọi nơi chốn sinh khởi.

9. Luôn tôn kính đối với các pháp của Chư Phật.

10. Mong đạt được tự tại đối với mọi chúng sinh, vì luôn có sự dũng kiện.

Đó là mười pháp giúp cho Bồ Tát đạt tới Bậc Tối thượng.

Bồ Tát lại có mười sự, qua đó làm cho mọi cảnh giới của chúng sinh được hưng khởi.

Những gì là mười?

1. Chí nguyện xuất gia nhằm để hóa độ chúng sinh.

2. Dũng lực tu tập và hành hóa luôn tinh tấn hết mực, không hề bị thoái chuyển.

3. Mong được nương tựa nơi Chư Phật, thọ nhận các hạnh nguyện theo đó mà hành hóa.

4. Có được lực dụng vô hạn, khiến cho các pháp luôn được phát triển.

5. Đạt được diệu lực tịch tĩnh của pháp tam muội, nên ở nơi các pháp luôn được tự tại.

6. Tâm luôn kiên định tạo được lực dụng để dẫn dắt thích ứng.

7. Đối với diệu nghĩa tự tại, rõ cội nguồn của pháp lực là không.

8. Vì có được trí tuệ lớn nên lực dụng tuyên giảng các pháp luôn vô ngại.

9. Đạt được dụng dũng mãnh nên mọi nơi chốn của pháp đều được kiến lập.

10. Đạt được lực phân biệt nên ánh sáng giác ngộ vô lượng được nêu bày, ban bố khắp.

Đó gọi là mười lực nhờ đấy mà Bồ Tát đạt đến mười đại dũng lực.

Những gì là mười?

1. Dũng lực hết sức mạnh mẽ, không gì hơn.

2. Dũng lực không chút lỗi lầm.

3. Dũng lực vô lượng.

4. Dũng lực dốc chí tu tập.

5. Dũng lực an định, không bị dao động.

6. Dũng lực tịch tĩnh dứt mọi dấy khởi.

7. Dũng lực dứt mọi giận dữ.

8. Dũng lực của trí tuệ thường tại.

9. Dũng lực siêng năng tạo dựng.

10. Dũng lực của tâm từ bi vô bờ.

Đó là mười lực dũng mãnh.

Bồ Tát lại có mười lực.

Những gì là mười?

1. Lực thực hiện việc tu tập khế hợp.

2. Lực của trí tuệ thanh tịnh.

3. Lực của các pháp hết mực thanh tịnh.

4. Lực của Pháp Thân.

5. Lực của các cõi pháp.

6. Lực của ánh sáng chói lọi nơi các pháp.

7. Lực của pháp tình.

8. Lực của diệu lý vô sở hoại.

9. Lực của quá trình tu tập các hạnh lành.

10. Lực của sự tu học tinh tấn, thâm nhập.

Đó là mười đại lực.

Bồ Tát lại có mười lực.

Những gì là mười?

1. Lực của Bậc Đại Trượng Phu.

2. Lực của Bậc chánh hùng dũng.

3. Lực của Bậc Chánh đẳng Chánh Giác kiến lập.

4. Lực của chỗ gốc tu tập các đức từ nhiều đời trước.

5. Lực của sự ứng hợp nơi gốc công đức vô lượng.

6. Lực của Bậc Như Lai.

7. Lực của sự hội nhập thích ứng khắp thời, cõi.

8. Lực tích lũy vun đắp từ ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai.

9. Lực có được từ quá trình tu chứng các địa của Bồ Tát.

10. Lực đạt được từ nỗ lực tin tưởng hướng đạt thanh tịnh của Bồ Tát.

Đó là mười lực.

Bồ Tát lại có mười lực.

Những gì là mười?

1. Lực của Bồ Tát lìa dứt mọi dòng mọi nẻo lưu chuyển.

2. Lực của Bồ Tát thuận hợp mọi duyên.

3. Lực của Bồ Tát ở nơi tánh được tự tại.

4. Lực của Bồ Tát tu tập nội tánh đạt thanh tịnh.

5. Lực của Bồ Tát tu tập gốc các đức thông qua các hạnh nguyện.

6. Lực của Bồ Tát thực hành các pháp tối thượng.

7. Lực xuất phát từ thân không tham đắm.

8. Lực của Bồ Tát dùng mọi sự thật để đạt được những thành tựu.

9. Lực của Bồ Tát thâm nhập nơi trí tuệ phương tiện.

10. Lực của Bồ Tát tin tưởng hướng đến gốc thanh tịnh của các pháp.

Đó là mười.

Bồ Tát lại có mười lực.

Những gì là mười?

1. Lực có được từ sự an trụ khắp cõi thế, ung dung an lạc trong diệu lý vô trụ xứ.

2. Lực vô song đối với mỗi loài.

3. Lực không có gì để so sánh đối với hết thảy mọi cõi.

4. Lực có được từ việc dùng các đức hạnh giáo hóa chúng sinh.

5. Lực phát sinh từ trạng thái an định không điên đảo đối với mọi nẻo sinh tử.

6. Lực có được từ sự vượt qua mọi dòng sinh tử, đạt thanh tịnh như hoa sen.

7. Lực phát sinh từ nỗ lực hiện khắp nơi các nẻo dẫn dắt muôn loài, hàng phục hết thảy quân ma.

8. Lực dấy lên từ việc khiến đám ma quy thuận, thành tựu các pháp Đại Thừa.

9. Lực của sự hóa độ khắp ba cõi chứng đắc diệu lý vô sở xứ.

10. Lực của sự khuyến phát khắp mười phương cùng tinh tấn, không bị ngăn ngại.

Đó là mười.

Bồ Tát dùng vô số các pháp như thế để thực hiện việc đem đức giáo hóa đạt được những thành tựu viên mãn.

Lại nữa, Bồ Tát dấy khởi đầy đủ các hạnh nguyện, làm cho chúng càng thêm sáng tỏ, khiến chúng thêm hiển lộ, tỏa chiếu nhằm ứng hiện khắp nơi, thảy đều thành tựu. Đem trí tuệ luôn được tăng tiến đến mức bao la ấy hỗ trợ cho các hạnh nguyện kia để đạt được cõi thanh tịnh rộng lớn. Đó là mười nẻo thuận hợp với pháp tam muội thanh tịnh.

Mọi thể hiện các đức cũng như trí tuệ của Bồ Tát là không có giới mốc, không bị ngăn ngại. Hành động của Chư Bồ Tát ấy cũng không có hạn lượng, đức mà chư vị đó chuyên chở luôn vượt quá mọi lường tính, khó có thể nêu xưng.

Lại nữa, nơi chốn hành hóa của Chư Bồ Tát ấy khó có thể lường đoán. Cõi, xứ mà chư vị ấy thâm nhập cũng không thể đo, tính được. Mà trú xứ hưng hóa của chư vị Bồ Tát đó cũng vượt ngoài mọi ngằn mé. Sự thanh tịnh cả chư vị đó cũng chẳng thể nghĩ bàn, cả đến phạm vi tu chứng cũng là vô tận.

Lại nữa, các pháp của chư Thánh Hiền mà Bồ Tát tu tập cũng không thể diễn nói hết. Do không thể đạt được nên cũng không thể nghĩ về hạn lượng.

Nơi mà Chư Bồ Tát đó có thể đạt được, ấy là: Chốn Bồ Tát có thể nhân đó mà dấy khởi, nơi chốn ứng hiện sự hành hóa, nơi chốn sẽ đạt đến.

Lại nữa, Chư Bồ Tát ấy tỏ rõ mọi nơi chốn mình đi đến, nơi chốn có thể nhận thức thấu suốt, nơi chốn ánh sáng trí tuệ vượt qua, nơi chốn có thể tri kiến mọi tạo tác của các pháp, nơi chốn thích hợp sẽ đạt được, trú xứ của trí tuệ thực hiện hết thảy các pháp, nói chung là đều thông đạt. Đó là mười.

Sự an trụ ở nơi pháp đại tam muội ấy là vô số vô hạn, vô lượng, vô biên tế, vô tận, vô xưng hạn, vô tư nghì, vô ngã đắc mà đắc. Đó là mười.

Bồ Tát ở nơi pháp tam muội ấy nhập chánh thọ, nhập ở nơi mỗi mỗi các hành, hoặc nhập, hoặc khởi mà thảy nhận rõ các hành của pháp tam muội đó, thông đạt vô số các pháp tam muội, thông tỏ một cách đầy đủ các pháp tam muội, cũng như sự tăng giảm của pháp ấy, cả tính chất huyễn hóa của nó nữa. Bồ Tát đối với pháp tam muội ấy đều thông suốt.

Nơi chốn nhận thức và hành động, nguyên do tạo các hành, ngằn mé tận cùng, tính chất ung dung tự tại, các nẻo tịch tĩnh cùng những nhớ nghĩ về các hành của pháp đó, ví như cung điện nơi ao Vô Nhiệt của Long Vương, từ ao ấy có bốn con sông lớn chảy ra, nước luôn đầy ắp và trong vắt, chẳng chút cáu đục, trong sạch không bợn, thơm ngọt, tinh khiết.

Vòng quanh bốn mặt ao có bốn cửa sông từ đó chảy ra thành bốn con sông lớn. Nhánh thứ nhất gọi là sông hòa, nhánh thứ hai gọi là sông Bạt Xoa, nhánh thứ ba gọi là sông Xà, nhánh thứ tư gọi là sông Hằng.

Sông Hòa chảy ra phía Bắc, sông Bạt Xoa chảy vô phía Nam, sông Xà chảy xuống phía Đông, còn sông Hằng thì chảy lên hướng Tây. Bốn con sông đó, sông nào cũng chảy vòng trở lại, uốn khúc nhiều vòng quanh ao rồi theo hướng chính mà đem nước tràn bờ đổ ra biển cả.

Về dòng nước của các con sông lớn kia, chảy quanh ao bảy vòng, nơi quãng sông ấy có các thứ hoa sen màu xanh. Màu hồng, màu trắng, màu vàng, màu sắc và ánh sáng đều dùng các thứ châu báu tạo thành, tinh khiết, tươi trắng vi diệu, lần lượt tỏa chiếu rực rỡ, hiện rõ vẻ xinh tươi không chút ô uế.

Ở các quãng sông đó cảnh vật thật hài hòa: Chói lọi mà trong suốt, cành lá mỗi thứ mỗi vẻ, hiện ra như mỗi lúc một rõ hơn.

Cho dù họa sĩ đối cảnh ấy cũng khó vẽ nên tranh. Màu sắc chuyển động dịu dàng, rạng rỡ một cách trọn vẹn. Âm thanh thánh thót, lạ lùng thật là cảnh sắc của một trí tuệ kỳ diệu, tranh vẽ thật khó diễn tả hết được cái diệu lực của sắc màu ở đây. Phải dùng đến vô số câu thơ văn hay hoặc diễn qua lời nhạc.

Cành lá nối nhau lung linh trên mặt nước, vẻ đẹp như cứ tăng thêm, cùng với hương thơm, mùi lạ.

Lại dùng vô số các thứ châu báu để tô điểm. Khối sắc màu rạng rỡ ấy giống như mặt trời mới mọc chiếu soi xuống đền đài cung điện, ánh sáng cũng rực rỡ lắm màu. Nhưng màu sắc của các thứ hoa kia xen nhau, cùng chiếu vào nhau, tương phản nhau, còn rực rỡ hơn nữa, có thể làm át mất ánh sáng tinh ròng của mặt trời.

Nơi đám hoa đủ màu tại các quãng sông đó thường có Chư Thiên, lúc hiện lúc ẩn quanh quẩn mấy đoạn sông uốn khúc, chư vị cũng thường hay dạo khắp vùng kỳ hoa dị thảo ấy, mà đối với những thứ hoa kia thảy luôn cúi đầu chiêm ngưỡng.

Sắc hoa tươi thắm, rờ rỡ, mặt trời chiếu xuyên qua, màu vàng huyền diệu đó như không còn nữa. Nét tinh ròng của ánh sáng mặt trời như lay động đám hoa kia, cùng tạo ra vô vàn âm thanh kỳ lạ trên dòng nước chảy còn hơn cả kỹ nhạc của Chư Thiên.

Bồ Tát Đại Sĩ cũng như thế: Có đủ bốn thứ biện tài vô ngại từ đó tuôn ra muôn ngàn hạnh giải làm sung mãn biển lớn Phổ Trí.

Như mùi hương nơi dòng sông lớn kia có diệu sắc của chất bạc, từ cửa mã chảy ra, nơi đáy dòng sông đều có cát màu bạc.

Bồ Tát cũng như thế: Từ nơi trí thanh tịnh, mọi hành thuận hợp, theo miệng xuất ra mọi diệu nghĩa thích ứng, mọi hạnh nguyện của Chư Như Lai, hết thảy mọi diệu nghĩa của sự hành hóa, các pháp khéo hiện bày, các pháp của tuệ sáng tỏ, phân biệt nhận rõ trọn vẹn không chút ngăn ngại, tất cả được quy về biển trí.

Như con sông Hòa dài rộng kia có màu sắc kim cương, từ cửa Sư Tử chảy ra cát nơi đáy dòng sông cũng có màu sắc kim cương.

Bồ Tát cũng như thế: Phát ra màu sắc rực rỡ của các pháp, có được sắc kim cương của Phật mà tự an lạc, dùng màu sắc ấy chiếu sáng nơi khắp thế gian, dùng trí tuệ kim cương để tự an lạc, nhằm làm sung mãn biển trí vô tận.

Như hai con sông lớn ấy có màu sắc vàng ròng, tươi trong mà rực rỡ, cát nơi đáy dòng sông cũng có màu sắc vàng ròng ấy. Bồ Tát cũng như thế.

Từ các biện tài vô ngại mà phân phát, nêu bày, theo miệng mà xuất ra, tất cả chúng sinh nương tựa quy ngưỡng đối với tuệ thân mình, từ đó đem lại an lạc cho mọi loài trong khắp cõi đời. Dùng trí tuệ kim cương mà tạo ra cảnh giới ánh sáng để hóa độ khắp, luôn dốc thuận theo sự dẫn dắt của nhân duyên, khiến quy về nơi biển trí.

Lại như con sông lớn Bạt xoa, ánh màu sắc lưu ly, từ cửa Ngưu mà chảy ra, dòng chảy trong lành nên sắc màu cũng thanh khiết. Bồ Tát cũng như thế.

Dùng ánh sáng rực rỡ của biện tài vô tận mà tuôn trào. Đem các pháp vô ngại, với hàng ức na thuật trăm ngàn uy lực dũng mãnh, theo niệm mà tuôn mưa pháp đầy dẫy, cùng chảy về sông pháp, chuyển biến làm sung mãn nơi biển Phổ Trí, thành tựu đến tận cùng là biển Pháp Tạng của Chư Phật.

Như bốn con sông phát xuất từ bốn cửa nơi ao lớn kia, ở bốn mặt, các con sông đều uốn khúc chảy vòng rồi mới chảy ra biển. Bồ Tát cũng như thế. Thân hành, ý hành đều thuận hợp để quy về, cả thân khẩu ý đều hợp chuyển, tất cả đều được thực hiện một cách đầy đủ.

Cũng như dòng chảy của bốn con sông lớn kia rốt cuộc đều dổ ra biển, Bồ Tát cũng như thế: Dùng bốn thứ trang nghiêm mà quy về biển Phổ Trí.

Những gì là bốn?

1. Nhận thức lãnh hội về Chư Phật lấy đó làm sự trang nghiêm.

2. Lãnh hội thấu đạt về trí tuệ phân biệt của Phật.

3. Đem ánh sáng rực rỡ của các pháp Chư Phật mà làm sự trang nghiêm.

4. Thâm nhập, thực hiện các pháp Tổng trì mà không nghi hoặc.

Đó là bốn pháp trang nghiêm.

Lại có bốn pháp trang nghiêm nữa:

1. Dùng các pháp tu tập vượt bờ mà làm sự trang nghiêm.

2. Dùng các hạnh của Chư Bồ Tát mà làm sự trang nghiêm.

3. Dùng hạnh đại bi mà làm sự trang nghiêm.

4. Thực hiện đầy đủ công việc chuyển pháp luân khắp mọi chúng sinh, lấy đó làm sự trang nghiêm.

Như các con sông lớn ấy đều uốn khúc quanh hồ bảy vòng, dùng bốn thứ hoa sen màu xanh, hồng, vàng, trắng mà làm cho cảnh sắc thêm trang nghiêm.

Bồ Tát cũng như thế, đem tâm đại thừa, ở nơi cõi thế gian mà nêu giảng chánh pháp khiến cho những chúng sinh chưa được giáo hóa dấy khởi tâm hướng về đạo giác ngộ. Thực hiện các pháp tam muội chánh thọ, hàng trăm ngàn vạn ức na thuật pháp như vậy được thực hiện khắp cõi, khiến cho chúng sinh được thấy công đức của Phật nơi ba đời, được thấy các Cõi Phật thanh tịnh không chút cấu nhiễm.

Như mặt nước nơi ao lớn kia luôn trong lặng không xao động, dùng các hàng cây báu bao quanh.

Bồ Tát cũng như thế: Dùng các cõi trang nghiêm mà vây quanh quá trình tu tập của mình để đạt đến Chánh Giác, thể hiện sự an lạc tự tại.

Như nước nơi ao lớn ấy, vắng lặng, không chút xao động nên luôn trong suốt không chút cáu đục. Bồ Tát cũng như thế. Các vị Bồ Tát ấy dùng đạo đức chế ngự nơi tâm nên luôn được tĩnh tại an nhiên, trong lặng, đầy đủ vô số gốc của mọi công đức.

Như ở nơi ao Vô nhiệt, dùng các thứ châu báu làm bờ, trong ngoài đều chiếu khắp, thanh tịnh hết mực. Bồ Tát cũng như thế. Nơi tâm của Chư Bồ Tát ấy dùng mười thứ bảo tuệ trang nghiêm, cho đến trăm ngàn ức na thuật các hạnh, đạt tới trí tuệ nơi nguyện, tối thượng thông tỏ cội nguồn của mọi đức thanh tịnh.

Như nơi ao lớn ấy, trong ngoài đều trong lặng, đáy ao có loại cát màu vàng ròng, lại dùng các loại châu báu làm tăng thêm vẻ đẹp. Bồ Tát cũng như thế.

Đạt được trí tuệ thông suốt, do ý vô niệm nên thấu tỏ cảnh giới của Bồ Tát, dùng đức hạnh của Chư Bồ Tát để tự trang nghiêm, đối với các pháp đều vô ngại, rõ nơi chốn hành hóa của Chư Phật là không chốn trụ, nên cũng thông tỏ mọi hành, mọi hoàn cảnh.

Như Long Vương ở nơi ao lớn không hề bị sức nóng bức bách ấy, Bồ Tát cũng như vậy: Dẫn dắt thuận hợp tất cả những nỗi sợ hãi của chúng sinh ở đời, giúp họ nhận thấy rõ cùng khiến cho hết thảy các loài trong tận cùng thế gian đều được che chở, cứu giúp.

Như các dòng sông kia từ bốn cửa nơi ao rộng mà chảy đi theo các hướng. Giống như sự quy ngưỡng công đức của Chư Phật, chiếc thuyền nhỏ dần dần đi qua các bến nước mà về tới nơi biển rộng. Bồ Tát cũng như thế.

Dùng bốn dòng sông đại trí tuệ, vì Chư Thiên, Phạm Vương, cõi Ma, Sa Môn, Phạm Chí, cho tới tận cùng các cõi loài người, mà khiến cho tất cả cùng được thấm nhuần trí tuệ ấy. Con thuyền nhỏ dần dà nhập vào biển trí tuệ vô thượng của Phật. Bồ Tát cũng dùng bốn thứ lực để tự trang nghiêm.

Đó là:

1. Dùng trí tuệ của bản nguyện cứu giúp khắp thảy các loài trong thế gian.

2. Hướng trí tuệ không bị gián đoạn, hóa độ tất cả chúng sinh nơi mọi đường mọi nẻo.

3. Thực hiện viên mãn trí tuệ Ba La Mật Độ vô cực khiến chúng sinh được nương nơi hạnh nguyện của Bồ Tát, thuận theo chánh pháp thanh tịnh.

4. Hiểu rõ và nắm vững cội nguồn của hết thảy chúng sinh, thông tỏ các niệm, khiến tất cả quy về dòng chảy liên tục, nhập vào biển trí tuệ ba đời.

Đó là bốn lực. Bồ Tát trừ bỏ những nơi chốn ngưng trệ tức là thực hiện các hành nơi định tuệ của mình. Bồ Tát dùng vô số các pháp tam muội làm các bảo vật để tăng vẻ trang nghiêm, mong được thấy Chư Phật, dùng trí tuệ vô kiến hội nhập vào biển lớn của Chư Phật.

Bồ Tát thể hiện trí tuệ của tâm đại bi, mà nơi mọi hành động thể hiện ấy cũng bao hàm tâm đại từ, chỉ dẫn thích ứng đối với tất cả chúng sinh, không hề thoái chuyển, luôn dấy khởi tâm ấy hết mực, dùng vô số trí tuệ quyền xảo mà khiến cho tất cả quy về biển lớn của mười lực.

Như bốn dòng sông dài kia, từ nơi ao rộng vô nhiệt chảy qua các vùng đất rồi đổ vào biển cả vô tận. Bồ Tát cũng như thế. Thực hành các đại nguyện của Bậc Đại Sĩ, gồm đủ các hạnh Bồ Tát, thành tựu được hết thảy trí tuệ lớn lao vô tận mà sự thực hành ấy cũng vô tận, thường được thấy Chư Phật đạt được an lạc.

Như bốn dòng sông lớn ấy, chảy qua nhiều nơi và về đến biển rộng chớ không quay trở lại, mà cũng không hề bị đứt đoạn. Bồ Tát cũng thế.

Nguyện lực của Bồ Tát là vô ngại, được tu tập đầy đủ theo ánh sáng rực rỡ nơi hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, được nhập vào các nẻo đường giác ngộ, các nẻo pháp của Phổ Trí. Dùng vô niệm, dứt mọi chấp bám vướng mắc để tu tập theo hạnh nguyện của Như Lai.

Như bốn con sông lớn ấy, dòng chảy cứ tuôn mãi về biển cả, trải qua bao kiếp không hề có nơi chốn dừng nghỉ hoặc tỏ ra mệt mỏi.

Bồ Tát cũng như thế: Tu tập, hội nhập vào các hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền, trải qua vô số kiếp tu hạnh Bồ Tát, không hề lười nhác hay mệt mỏi, đem mọi sự thành tựu ấy quy về biển lớn của Chư Như Lai, quy về nơi hành vô tưởng.

Như các dòng sông lớn kia chảy luôn đi chứ không quay trở lại! Dùng các thứ bảo vật làm ánh sáng, dùng cát màu vàng ròng làm sự tỏa chiếu, dùng cát bạc làm vẻ rực rỡ, dùng cát vàng làm sắc óng ánh, dùng cát lưu ly để làm lộ vẻ sặc sỡ.

Ánh sáng của mặt trời chiếu xuống, vẻ sáng rỡ của nó như bị đoạt mất. Mọ nơi chốn tạo tác, không chốn nào bị phiền nhiễm. Cái vẻ sáng rỡ của mấy con sông đó hầu như không thể dùng ví dụ để diễn tả. Đó là sự hội tụ, là nơi chốn hợp thành của các thứ châu báu.

Chư Bồ Tát ấy cũng như thế. Ở nơi Pháp Thân thì luôn đạt tự tại.

Kiến lập các pháp tam muội, nơi mỗi mỗi lỗ chân lông trên thân tướng, không thể lường tính về giới hạn, hiện khắp ánh hào quang của Chư Phật, qua đó thấy rõ các cõi nước, các chúng hội, Đạo Tràng, được nghe pháp và dốc tâm phụng trì, thông tỏ vô số thân hành của Như Lai.

Cùng các Cõi Phật, các hội trường của Như Lai, nghe nêu giảng các pháp, đạt đến cái đắc của vô đắc, tiêu trừ hàng ức na thuật kiếp vọng tưởng liên tục, lại cũng không có cái niệm ngắn ngủi.

Nơi các lỗ chân lông trên thân tướng đó, số lượng cũng không giảm, cùng với các cõi nước, chúng hội, Đạo Tràng của Như Lai, cũng như đối với lớp lớp cảnh giới của con người chẳng thể phân biệt nơi chốn.

Vì sao như thế?

Là vì đã hội nhập vào pháp giới, dùng để lý giải diệu lý vô ngã, cũng chẳng rơi vào nẻo đoạn diệt.

Bồ Tát hành vô số pháp tam muội, tu tập vô số hạnh, hiện ra khắp các trú xứ của Chư Phật, tạo ra vô số nơi chốn kiến lập cùng vô số cảm ứng biến hóa của Chư Phật, chỉ ra chỗ quy về nơi các hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền.

Bồ Tát làm theo các chốn hành hóa thanh tịnh của Bậc Bồ Tát, nhằm đạt được mười lực của Như Lai không chút ngăn ngại, tu tập các hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, kiến lập đầy đủ, viên mãn, thông đạt mọi cảm ứng biến hóa vượt qua các ngăn che, hạn mức.

Bồ Tát như vậy là dùng tâm đang hiện nhập chánh thọ mà giác ngộ, có thể hiện thân tướng hết sức dài lớn, nhưng không bị kẹt ở chỗ mình đi vào, cũng chẳng bị vướng mắc nơi tất cả các hành động, dùng để lìa khỏi khoảng phân biệt hữu vô. Vì hết thảy chúng sinh nên hiện những nơi chốn hưng khởi của Cõi Phật.

Bồ Tát ở nơi pháp giới không còn thấy sự phân biệt cõi nước, nơi chốn xứ sở, không trụ vào một hạn định nào, cũng chẳng trụ vào không vướng mắc của hai nẻo, dốc tu tập để hội nhập vào ánh sáng của trí tuệ giác ngộ, vui thích, ngưỡng mộ trí tuệ an định, tịch tĩnh, luôn khiêm tốn.

Bồ Tát thông tỏ và gắn bó với mọi loài chúng sinh, ở nơi các cõi ma vẫn đạt được thanh tịnh, đều thực hiện trọn vẹn mọi nẻo tạo nên lớp lớp tưởng của các cõi nước, tất cả thảy đều thấu đạt, chẳng dừng lại ở nơi chốn sinh ra các tưởng mà đều cố vượt qua giới hạn của mọi chủng loại hình tượng màu sắc, lãnh hội thấu đáo về chúng nhưng không bị chúng làm cho ô nhiễm.

Bồ Tát thể hiện viên mãn mọi khía cạnh của trí tuệ phương tiện, đạt được sự thanh tịnh thường tại, dứt hết mọi tưởng niệm, chứng đạt mọi địa. Ví như hư không, do đã lìa mọi cõi nên đối với các cõi thảy dung nạp không có sự phân biệt. Bồ Tát hành hóa nơi các cõi nước cũng như vậy.

Nhận rõ các cõi nước để tu tập, hóa độ chúng sinh, vĩnh viễn lìa bỏ tất cả vọng tưởng của chúng sinh, hội nhập hết thảy pháp giới để dứt trừ mọi tưởng chấp về pháp, chiêm ngưỡng Chư Phật không hề chán, nương tựa quy ngưỡng mong được thấy Chư Phật, thấu đạt các pháp tam muội, phân biệt các hành động theo phương tiện, lãnh hội tính chất thanh tịnh của cội nguồn hết thảy các pháp mà không vướng chấp.

Bồ Tát lãnh hội câu lời chánh pháp vô tận, có được trí tuệ từ vô lượng biện tài, nhưng cũng tỏ ngộ là không câu, không chữ, đạt được mọi nẻo của âm thanh cùng bản chất thanh tịnh của chúng, tiếp cận nẻo vô đắc của cõi pháp mênh mông, thể hiện mọi chủng loại loài hình sắc.

Bồ Tát tạo sự dẫn dắt thích ứng trong mọi cảnh giới, rõ cội nguồn của các pháp là thanh tịnh, đem tâm đại từ bi làm cứu cánh để tế độ tất cả chúng sinh trong các cõi, không tạo nhân sinh tử cũng như không tạo ra nơi chốn để nhân ấy phát sinh.

Rõ gốc của mọi cõi đều thanh tịnh, tỏ nơi chốn an trụ trong giới pháp mà không có chỗ dấy khởi, rõ mọi nẻo sinh tử mà không chỗ trụ, ba cõi đều thanh tịnh, ngộ mọi hành của Như Lai, nơi lớp lớp các pháp đều vô niệm. Bồ Tát thực hành theo phương tiện vô số biện thuyết, tuyên giảng các pháp thanh tịnh, đạt đến rốt ráo các pháp hành.

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ Tát Đại Sĩ ở nơi pháp giới đạt được mọi trang nghiêm của bậc tối tôn tối đại.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần