Phật Thuyết Kinh Bồ Tát đẳng Mục Hỏi Về Tam Muội - Phẩm Sáu - Bồ Tát đẳng Mục Nói Về Trí Tuệ Phương Tiện Nơi Pháp đại định
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT ĐẲNG MỤC
HỎI VỀ TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM SÁU
BỒ TÁT ĐẲNG MỤC NÓI VỀ TRÍ TUỆ
PHƯƠNG TIỆN NƠI PHÁP ĐẠI ĐỊNH
Lại nữa, chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ Tát Ma Ha Tát đối với tất cả thân tướng của chúng sinh, thân tướng Phật, đều thấu đạt về lẽ bình đẳng ấy.
Thân này là do thân kia mà có, nên luôn quán tưởng Như Lai nơi vô số cõi nước như số lượng vi trần, đối với hết thảy Chư Như Lai ấy phải dốc tâm cúng dường. Hết thảy các loại hoa, hết thảy các thứ châu báu trong tận cùng các cõi đều dùng để cúng dường. Tất cả các thứ châu báu cúng dường ấy tung rãi lên trên cao tạo nên tất cả những thứ trang sức đem cúng dường.
Lớp lớp nơi chốn kinh hành cúng dường. Dùng vô lượng vô tận tất cả ngọc báu ma ni xây dựng tháp, Tinh Xá mà cúng dường với khả năng có thể cúng dường được. Vượt quá mọi chỗ tạo tác làm ra của Chư Thiên cúng dường, đều là uy thần của Phật. Hết thảy Cõi Phật thanh tịnh thảy thảy đều cúng dường, đều là chỗ Phật luôn hộ niệm, tiếp dẫn.
Nên đem tất cả những thứ ấy cúng dường Phật, cúng dường, đảnh lễ ngay chân Chư Phật. Chư Như Lai kia đều là sự ứng hóa từ pháp thân vô tận. Chính từ những sự cung kính chí tâm đó làm khởi điểm mà tìm cầu, tham vấn các pháp của Chư Phật, nguyện nêu bày các pháp bình đẳng, phu diễn các pháp lớn, hội nhập các hạnh nguyện cốt yếu của Chư Phật, thể hiện nơi tâm đại bi.
Hòa nhập nơi các diệu lực của hạnh nguyện thuận hợp vô hạn, đi vào các nẻo chính yếu của mọi chúng sinh, nhớ nghĩ đến Chư Phật.
Thông tỏ cội nguồn của mọi tích chứa vun đắp, nhưng cũng không vướng mắc nơi cái biết cái ngộ về lẽ hưng khởi của Phật cũng như lẽ biến diệt của Chư Như Lai. Ví như tâm dấy khởi các niệm, không rõ nơi dấy phát mà cũng chẳng biết chốn trở về. Bồ Tát cũng không tỏ được điểm khởi hay nẻo diệt của Như Lai.
Cũng như vào lúc ban ngày dưới ánh mặt trời, hiện ra bóng dáng dợn nắng như sóng nước, chẳng do từ bóng Mặt Trời mà có, cũng không phát ra từ bóng của suối nước, cũng chẳng ở nơi đất hiện lên.
Hoặc từ bóng của rặng núi cong phía Đông kia hắt lại, cũng chẳng có, cũng chẳng không, cũng chẳng thiện hay bất thiện, chẳng trong lành hay đục ngầu, cũng chẳng có thể uống hay có thể làm cho ô nhiễm được. Bóng dáng ấy chẳng có cũng chẳng không, chẳng mùi vị cũng chẳng thể ngửi nếm, chỉ có hình tượng như dòng nước.
Do nhân duyên đó mà dấy niệm, như dợn nắng theo sông nước nên mới dấy tưởng nhớ về bóng dáng sông nước ấy. Dứt bỏ tưởng niệm đó thì đối với gần mà cho là xa, nhưng cũng không có nơi chốn bị hủy hoại. Bóng dáng dợn nắng theo sông nước, rốt lại là cũng không thể định được nơi chốn.
Bồ Tát cũng như vậy. Đối với Như Lai, không dấy niệm, cũng không nhận thức về điểm khởi lên hay biến diệt của Như Lai: Đem hình tướng mà tưởng Chư Phật là có, dùng vô tướng để lìa mọi tưởng niệm.
Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Chư vị Bồ Tát Đại Sĩ thực hiện như thế gọi là Pháp tam muội Thanh Tịnh, theo nẻo chánh thọ của pháp tam muội ấy mà luôn thức tỉnh, không bao giờ để mất pháp tam muội kia.
Ví như người sáng suốt trong lúc ngủ say, đối với mọi nơi chốn hành động trong giấc mộng đều biết là không có nhân duyên và khi thức giấc thì đều biết rõ ràng là như thế.
Bậc Bồ Tát Đại Sĩ cũng vậy, thất Chư Phật mà quên đi cái nhận thức ấy thì mới nắm giữ được các pháp của Chư Phật, biết được chốn an tọa đông đảo của Chư Như Lai, cho đến các Cõi Phật thanh tịnh, thấu đạt nghĩa lý.
Phân biệt thông tỏ yếu chỉ của các pháp, làm hiển lộ một cách rộng khắp lý nhân duyên nơi các pháp, cùng làm rõ những nẻo thanh tịnh của Phật chủng cùng uy thần của Chư Phật, cũng là diễn rộng mọi biện tài của Chư Phật.
Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Đó là trí tuệ phương tiện từ pháp tam muội lớn của Chư Bồ Tát Đại Sĩ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Tám Mươi Chín - Phẩm đàm Vô Kiệt
Phật Thuyết Kinh Na Tiên đàm đạo - Phần Bốn - Thần Thức Tái Sanh
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hiếu Dưỡng
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Hai - Phẩm Xá Lợi Tử - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Quảng Thuyết Bát Lực