Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Hành Phương Tiện Cảnh Giới Thần Thông Biến Hóa - Phần Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT HÀNH PHƯƠNG TIỆN
CẢNH GIỚI THẦN THÔNG BIẾN HÓA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẦN TÁM
Lúc bấy giờ, Vua Chiên Trà Bát Thọ Đề nghe các công đức chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai như vậy rồi thì rất là thích ý, vui mừng nhảy nhót, phát sinh lòng ái lạc đối với Tát Già Ni Kiền Tử.
Nhà Vua sở đắc vô lượng hoan hỷ, sở đắc không thể nghĩ bàn tưởng, sở đắc Thế Tôn tưởng, sở đắc thiện tri thức tưởng, sở đắc thị Bồ Đề tưởng, sở đắc độ đáo bỉ ngạn nhất thiết trí tưởng, sở đắc khải thỉnh tưởng, sở đắc niệm tưởng.
Vua lại sở đắc cái tưởng của Bồ Tát bất khả tư nghì giải thoát. Vua sở đắc các tưởng tâm như vậy rồi, đem chuỗi ngọc chân châu trị giá hàng trăm ngàn, lại còn đem áo quý giá vô thượng để cúng dường Tát Già Ni Kiền Tử.
Rồi ông tán thán lời như vậy: Lành thay, lành thay! Tát Già Ni Kiền Tử! Ông đã khéo nói pháp thứ lớp phương tiện.
Nhà Vua lại nói: Này Tát Già! Ông đã nói pháp thuận nhất thiết trí. Ông đã nói pháp đạt đến nhất thiết trí. Ông đã nói pháp ra khỏi sinh tử. Ông đã nói pháp diệt hết dơ bẩn kết sử. Ông đã nói pháp có thể phá hoại núi ma.
Ông đã nói pháp có thể làm khô biển ái. Ông đã nói pháp soi sáng rừng ngu si. Ông đã nói pháp khi giao hóa chúng sinh chẳng lầm lỗi.
Nhà Vua nói như vậy rồi, Tát Già Ni Kiền Tử nói với nhà Vua lời như vậy: Này Đại Vương! Uy nghi của Bồ Tát không bao giờ lại không điều phục các chúng sinh, không có nói pháp trái ngược với đại thừa.
Nếu chẳng có thể tăng thêm nhất thiết trí, nếu chẳng có thể hết tất cả kết sử, nếu chẳng có thể thị hiện lỗi hoạn sinh tử, nếu chẳng có thể đến với Niết Bàn, nếu chẳng có thể gần hạnh Bồ Tát, nếu chẳng có thể đạt đến tự lợi, lợi tha và đều có lợi cả… tất không hề có việc đó.
Này Đại Vương! Nếu có, khi tất cả vừa phát khởi ý bèn đạt đến tự lợi, lợi tha và đều lợi cả.
Khi Tát Già Ni Kiền Tử nói việc này thì Vua Chiên Trà Bát Thọ Đề đạt được đoạn nghi, rồi được bất hoại tín. Mười tám Vương Tử được cảnh giới của hoan hỷ tín hạnh. Tám ngàn Thiên Tử thu hoạch được tam muội tên là Trang nghiêm Phật hạnh.
Có một vạn ba ngàn Ni càn ngồi ở trong cung Vua này phát tâm đạo vô thượng chánh chân.
Tất cả đều cởi áo cúng dường Tát Già Ni Kiền Tử xong, nói lời như vậy: Chúng tôi nay được thiện lợi, được thấy Tát Già đại thiện nam tử, lại được nghe diễn thuyết pháp tùy thuận.
Họ lại nói: Thưa ngài Tát Già! Ngài nên cùng chúng tôi đến yết kiến Đức Thế Tôn. Đức Phật Như Lai này nay đang ở tại vườn của ta.
Tát già đáp: Tất cả đều hòa hợp lại cùng đến.
Khi ấy, Đại Vương cùng quyến thuộc, đại thần, thần dân thiết lập Đại trang nghiêm.
Lúc bấy giờ Đại Vương Xướng lệnh đi khắp trong thành như vậy: Nếu ai không đến chỗ Đức Như Lai sẽ bị chết chém.
Cả thành, tất cả nam tử, nữ nhân, đồng nam đồng nữ nghe lệnh Vua rồi, ai nấy đều mang các thứ hoa thơm, hương xoa, bột hương, các thứ kỷ nhạc… ra đến bên ngoài thành ưu thiền rồi đưng hướng về khu vườn mà đợi Đại Vương.
Lúc bấy giờ, Vua Bát thọ đề cùng với Tát Già Ni Kiền Tử, các Đại thần, Vương Tử, binh chúng, thể nữ nội cung, thần dân trong nước… cỡi xe vây quanh.
Đại Vương Uy Đức, Vua Đại Thần Lực, Vua đại biến Hóa, Vua Đại Du Hý, tràng phan bảo cái giương lên, trăm ngàn thứ âm nhạc, ca múa, xướng kỹ, sáo địch nhịp nhàng, tạo ra các thứ diệu âm. Voi ngựa mua vui, trăm ngàn bình tốt đẹp xếp hàng ở phía trước. Xe voi, xe ngựa dùng vàng mạ trang trí. Chín mươi tám ức dân chúng vây quanh, tự hướng về khu vườn để đến chỗ Đức Thế Tôn.
Đến nơi, họ đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi quanh bên phải ba vòng, rồi đứng qua một bên. Tát Già Ni Kiền Tử cùng quyến thuộc đảnh lễ dưới chân Đức Phật rồi đều đi quanh vô lượng trăm ngàn vòng xong, họ đứng thẳng, chắp tay nhìn Đức Phật không nháy mắt.
Lúc bấy giờ, Xá Lợi Phất thấy Tát Già Ni Kiền Tử đứng trước Đức Phật, nhìn Đức Phật không chớp mắt liền suy nghĩ: Tát Già Ni Kiền Tử vì nhân duyên gì đến đây?
Nghĩ như vậy rồi nói với Tát Già Ni Kiền Tử: Này Tát Già! Ông vì duyên cớ gì mà đến chỗ Đức Như Lai?
Vì muốn gặp Đức Như Lai hay vì muốn nghe pháp?
Tát già Ni Kiền Tử đáp: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Ta nay chẳng thấy Phật, chẳng vì nghe pháp.
Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Ta nay chẳng dụng tất cả pháp nên đến chỗ Đức Như Lai.
Vì sao vậy?
Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Vì thấy sắc chẳng gọi là thấy Như Lai, thấy thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng gọi là thấy Như Lai. Chẳng thấy địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại thì gọi là thấy Như Lai. Chẳng thấy bằng ngã mới gọi là thấy Như Lai.
Chẳng thấy chúng sinh, chẳng thấy thọ mạng, chẳng thấy dưỡng dục mới gọi là thấy Như Lai. Chẳng thấy trượng phu mới gọi là thấy Như Lai. Chẳng thấy ngã thắng, ngã sở thắng mới gọi là thấy Như Lai. Chẳng thấy tướng mới gọi là thấy Như Lai.
Này Đại Đức Xá Lợi Phất! Chẳng thấy tất cả tướng ấy mới gọi là thấy Như Lai. Chẳng thấy chấp trước mới gọi là thấy Như Lai. Thấy không có vật mới gọi là thấy Như Lai. Thấy được tánh nên gọi là thấy Như Lai.
Thấy đến bản tế nên gọi là thấy Như Lai. Mắt thấy sắc lìa dục mới gọi là thấy Như Lai. Tai nghe tiếng không bị sai khiến mới gọi là thấy Như Lai. Mũi ngửi hương chẳng hòa hợp mới gọi là thấy Như Lai. Lưỡi nếm vị không biết mới gọi là thấy Như Lai. Thân chạm xúc không đắm trước mới gọi là thấy Như Lai. Thấy pháp, ý không phân biệt mới gọi là thấy Như Lai.
Xá Lợi Phất nói: Bằng những tướng như thế để thấy Như Lai thì làm sao thấy được Như Lai?
Tát già đáp: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Không phải dùng chủng nên đến với Như Lai, chẳng dùng tánh nên đến với Như Lai. Phi tướng, phi vô tướng. Phi pháp, phi vô pháp.
Phi thật, phi bất thật. Phi cảnh giới, phi bất cảnh, phi tư duy, phi bất tư duy. Phi phân biệt, phi bất phân biệt. Phi hữu vi, phi vô vi. Phi vật, phi bất vật. Phi tụ, phi tán. Phi sắc, phi thọ. Phi tưởng, phi hành, phi thức. Phi thủ, phi bất thủ, nên gọi là thấy Như Lai.
Xá Lợi Phất nói: Này Tát Già! Ông dùng những tướng như vậy để thấy Đức Như Lai.
Này thiện trượng phu, vậy làm sao thấy được Như Lai?
Tát già đáp: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Tôi chẳng phải dùng sắc để thấy được Như Lai, chẳng rời khỏi sắc để thấy được Như Lai, cũng chẳng hủy hoại sắc để thấy được Như Lai. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.
Không phải nhờ đến thức để thấy được Như Lai, chẳng rời khỏi thức để thấy được Như Lai, cũng chẳng hủy hoại thức để thấy được Như Lai. Không phải phần hiện thế thấy Như Lai. Không phải phần quá khứ thấy Như Lai.
Không phải dùng phần ấm thấy Như Lai, không phải dùng phần giới để thấy Như Lai. Ta dùng như vậy thấy được Như Lai. Ta thấy tất cả lời nói không phải lời nói gọi là thấy Như Lai. Ta không phải thấy, không phải chẳng thấy. Không phải hữu, không phải chẳng hữu.
Không phải phân biệt, không phải chẳng phân biệt. Không phải nhớ tưởng, không phải tranh, không phải não, không phải khởi, không phải lấy, không phải bỏ, không phải hý luận, không phải tác tưởng, không phải chẳng tác tưởng, không phải tác vật, không phải chẳng tác vật, không phải động phát, không phải chẳng động phát.
Không phải tác kiến, không phải không tác kiến. Không phải cảnh giới kiến, không phải chẳng cảnh giới kiến. Không phải ngôn ngữ, không phải chẳng ngôn ngữ để thấy được Như Lai. Rời khỏi tất cả sở hữu lời nói, đàm luận, âm thanh gọi là thấy được Như Lai, cũng không có sở kiến.
Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Bồ Tát thấy Như Lai như thế, ta cũng như thế thấy Như Lai.
Xá Lợi Phất nói: Ông dùng như thế để thấy Như Lai.
Ông lại nghe Thuyết Pháp như thế nào vậy?
Tát già đáp: Này Đại Đức Xá Lợi Phất! Nếu ta nghe Đức Như Lai nói pháp mà phát sinh pháp tưởng thì không phải là pháp tưởng.
Vì sao vậy?
Này Đại Đức Xa lợi phất! Tất cả lời nói sở hữu của Bồ Tát đều phát xuất từ pháp nhưng không chấp trước, cũng chẳng sinh trưởng.
Vì sao?
Vì rời pháp tưởng vậy.
Xá Lợi Phất hỏi: Này Tát Già! Nay ông chẳng cầu nghe pháp thì đến với Như Lai làm gì vậy?
Tát già đáp: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất!
Tôi không phải cầu pháp, không phải chẳng cầu pháp mà lại đến với Như Lai ư?
Vì sao?
Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Phàm cầu pháp ấy gọi là chẳng cầu đến tất cả các pháp.
Này Đại Đức Xá Lợi Phất! Phàm cầu pháp thì chẳng chấp trước nơi Phật mà cầu, chẳng chấp trước nơi Pháp mà cầu, chẳng chấp trước nơi Tăng mà cầu, chẳng biết khổ cầu, không phải đoạn tập cầu, không phải tu đạo cầu, không phải chứng diệt cầu. Không phải qua Dục Giới, qua Sắc Giới, Vô Sắc Giới cầu. Không phải sinh tử cầu, không phải Niết Bàn cầu.
Này Đại Đức Xá Lợi Phất! Đại Đức phải biết đối với tất cả các pháp toi đều chẳng cầu, nên tôi đến chỗ Đức Như Lai.
Xá Lợi Phất hỏi: Vì nhân duyên gì nên ông nói như vậy?
Tát già đáp: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Tất cả các pháp không nhân duyên nên ta nói như vậy. Hơn nữa, pháp giới tánh không có nhân duyên, không phải không nhân duyên, đều không thể nắm bắt được vậy.
Xá Lợi Phất hỏi: Nay ông lưu chuyển ở các đường vậy ư?
Tát già đáp: Này Đại Đức Xá Lợi Phất! Nếu có đường thì tôi lưu chuyển, nếu có sinh thì tôi có sinh, nếu có chết thì tôi có chết.
Này Đại Đức Xá Lợi Phất! Tất cả các pháp khong mất đi, không sinh tử.
Xá Lợi Phất hỏi: Này Tát Già! Như Đức Phật đã nói: Này các Tỳ Kheo, sinh lão bệnh tử thì sao?
Tát già đáp: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Tất cả chúng sinh y chỉ nơi hữu đạo và kiêu mạn vay. Vì phá cái y chỉ đó nên Đức Như Lai Thế Tôn nói ra như thế. Tánh chân như của pháp không có sinh, lão, bệnh, tử như vậy.
Xá Lợi Phất nói: Lành thay, lành thay! Này ông Tát Già! Ông nói nghĩa đại thừa biết phân biệt.
Tát già đáp: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Nay tôi có thể biết thế nào là nghĩa, thế nào là phân biệt chăng?
Xá Lợi Phất nói: Này thiện nam! Ta không nói mà ta nay muốn nghe thôi.
Này thiện nam! Ông phải diễn thuyết cho chúng ta nghe thế nào là nghĩa, thế nào là phân biệt.
Tát già đáp: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Nghĩa ấy là không lời nói. Nếu có lời nói thì gọi là phân biệt. Lại nữa, nghĩa ấy là chẳng thể nói, nếu có lời noi thì gọi là phân biệt. Lại nữa, nghĩa ấy gọi là mặc nhiên, nếu có lời nói gọi là phân biệt.
Lại nữa, nghĩa ấy là không lay động, không các hý luận, không có phân biệt, không có trang nghiêm, không phải hữu, không phải vật, không có ngã tưởng, không phải dũng, chẳng thể lấy, chẳng thể thấy, không có chỗ ở, rời xa tất cả chỗ ở, lời nói.
Lại nữa, phân biệt ấy nghĩa là sổ quán không lường đến tận lòng kẻ khác. Lại nữa, nghĩa ấy gọi là biện nghĩa. Phân biệt ấy nghĩa là biện pháp, biện từ, ưa biện thuyết.
Này Đại Đức Xá Lợi Phất! Đó gọi là lược nói về nghĩa và phân biệt.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn tán thán Tát Già Ni Kiền Tử: Hay thay, hay thay! Này thiện nam, đúng như lời ông đã nói!
Khi ông Tát Già nói pháp này thì ba ngàn Thiên Tử đắc được vô sinh pháp nhẫn. Hai vạn chúng sinh nghe được đại biện này đã phát đạo tâm Vô Thượng chánh chân.
Lúc bấy giờ, Đại Đức Mục Liên bạch Đức Thế Tôn: thiện nam Tát Già này mặc y phục ngoại đạo Ni Kiền Tử đó đã hóa độ được bao nhiêu chúng sinh rồi?
Đức Phật bảo Mục Liên: Nếu nghe việc này thì tất cả Trời, Người đều sẽ mê hoặc, chỉ trừ những vị Đại Bồ Tát.
Này Mục Liên! Ông hãy lắng nghe, ta nay diễn thuyết về việc Tát Già Ni Kiền Tử giáo hóa một phần chúng sinh dưới đủ các hình thức ăn mặc và dáng vẻ oai nghi.
Này Mục Liên! Tát Già thiện nam tử này đã ăn mặc y phục ngoại đạo giáo hóa chúng sinh nhiều như số vi trần, khiến họ phát đạo tâm Vô Thượng chánh chân.
Thiện nam tử này mặc y phục dưới dạng Di Lặc hóa độ được số chúng sinh nhiều như vi trần trong bốn thiên hạ, phát đạo tâm vô thượng chánh chân. Bằng hình tướng xuất gia ở các đạo khác, thiện nam tử này đã hóa độ được số chúng sinh nhiều gấp tám mươi tư lần số cát Sông Hằng, khiến họ phát đạo tâm vô thượng chánh chân.
Thị hiện hình dáng Thanh Văn, thiện nam tử này đã hóa độ được số chúng sinh nhiều bằng mười lần số cát Sông Hằng. Thị hiện Thanh Văn thừa rồi, sau đó mới hóa độ, khiến họ phát đạo tâm vô thượng chánh chân.
Làm dáng vẻ Duyên Giác, thiện nam tử này đã hóa độ được số chúng sinh lại nhiều hơn thế. Ăn mặc hình thức Bồ Tát, thiện nam tử này giáo hóa số chúng sinh nhiều hơn thế nữa.
Thiện nam tử này còn làm dáng vẻ Đế Thích, dáng vẻ Phạm Vương, dáng vẻ Chuyển Luân Vương, dáng vẻ bốn Vua hộ thế, dáng vẻ Khẩn Na La, dáng vẻ A Tu La, dáng vẻ Ca Lâu La, dáng vẻ Ma Hầu La.
Dáng vẻ người, dáng vẻ không phải người, dáng vẻ người nam, dáng vẻ người nữ, dáng vẻ Đồng Tử, dáng vẻ đồng nữ, dáng vẻ Địa Thiên, dáng vẻ tức hóa sinh thiên, dáng vẻ người tiên, dáng vẻ Bà La Môn tuổi trẻ, dáng vẻ Tỳ Kheo, dáng vẻ Tỳ Kheo Ni, dáng vẻ Ưu Bà Tắc, dáng vẻ Ưu Bà Di…
Này Mục Liên! thiện nam Tát Già như thế giáo hóa được chúng sinh rất nhiều.
Lúc bấy giờ, ngài Mục Liên bạch Đức Thế Tôn: Bạch Thế Tôn! Tát Già Ni Kiền Tử phụng sự cúng dường bao nhiêu Đức Như Lai vậy?
Đức Phật bảo Mục Liên: Giả sử hư không kia còn có biên giới, nhưng không thể có được giới hạn các loại hình cúng dường phụng sự các Đức Phật Như Lai của thiện nam Tát Già.
Này Mục Liên! Giả sử khiến ta có được biên giới của địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, chúng sinh giới, nhưng không thể có được giới hạn việc thiện nam Tát Già này phụng sự cúng dường các Đức Phật Như Lai.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Thanh Tịnh
Phật Thuyết Kinh Vô Cấu Xưng - Phẩm Pháp Môn Bất Nhị
Phật Thuyết Kinh Chứng Khế đại Thừa - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Trí ấn - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Tứ ý đoạn - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bất Không Quyến Sách Thần Biến Chân Ngôn - Phẩm Tám - Phẩm Quán đỉnh Bí Mật
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Ba - Pháp Hội Phật Thuyết Nhân Xử Thai