Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Tứ ý đoạn - Phần Ba

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM HAI MƯƠI SÁU

PHẨM TỨ Ý ĐOẠN  

PHẦN BA  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn ở cùng năm trăm chúng đại Tỳ Kheo. Lúc ấy Thế Tôn muốn đến thành La Duyệt để nhập hạ, Tôn Giả Xá Lợi Phất cũng muốn đến thành La Duyệt để nhập hạ và một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử đều muốn thành La Duyệt để nhập hạ.

Nhưng Tỳ Kheo Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên nhập hạ xong sẽ nhập Niết Bàn. Bấy giờ Thế Tôn cùng các Tỳ Kheo Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên v.v… đi đến vườn trúc Ca Lan Đà ở thành La Duyệt để nhập hạ.

Khi ấy Thế Tôn bảo Xá Lợi Phất: Nay một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử vì các thầy mà nhập hạ ở đây. Nhưng Tỳ Kheo Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên sắp diệt độ.

Thế nào, Xá Lợi Phất, thầy có kham nhận thuyết Diệu Pháp cho các Tỳ Kheo chăng?

Nay Ta đau lưng muốn nghỉ một chút.

Xá Lợi Phất đáp: Xin vâng, Thế Tôn!

Bấy giờ Thế Tôn tự xếp y Tăng Già Lê Tăng Ca Lợi, nằm nghiêng bên phải, hai chân chồng lên nhau, chú tâm tỉnh sáng.

Tôn Giả Xá Lợi Phất bảo các Tỳ Kheo: Tôi lúc mới thọ giới, trải qua nửa tháng được tứ biện tài mà tác chứng nghĩa lý đầy đủ. Nay tôi sẽ thuyết và phân biệt nghĩa này để các Hiền giả biết, phân biệt rộng rãi rõ ràng. Hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ đó.

Các Tỳ Kheo đáp: Xin vâng.

Các Tỳ Kheo vâng lời dạy của Tôn Giả Xá Lợi Phất và Tôn Giả hỏi: Những gì là bốn biện tài mà tôi chứng được?

Nghĩa là nghĩa biện, tôi do đây chứng được. Nghĩa là pháp biện, tôi do đây chứng được. Nghĩa là ứng biện, tôi do đây chứng được.

Nghĩa là tự biện tôi do đây chứng được. Nay tôi sẽ phân biệt rộng rãi nghĩa này. Nếu bốn bộ chúng có ai hồ nghi, nay có tôi đây, hãy hỏi nghĩa ấy.

Nếu Chư Hiền lại có hồ nghi về Tứ Thiền, có thể hỏi, nay tôi sẽ nói. Nếu Chư Hiền lại có hồ nghi về Tứ đẳng tâm, nên hỏi, nay tôi sẽ nói.

Nếu Chư Hiền lại có hồ nghi về Tứ Y chỉ đoạn, nên hỏi nghĩa, nay tôi sẽ nói hoặc có hồ nghi về Tứ Thần Túc, Tứ Ý Chỉ, Tứ Đế hãy đến hỏi tôi nghĩa, tôi sẽ nói cho.

Nay nếu không hỏi, sau hối hận vô ích. Nay nếu hỏi tôi nghĩa các việc làm về pháp cao sâu của Thế Tôn, Vô Sở Trước, Chánh Ðẳng Giác, tôi sẽ nói cho, sau chớ có hối hận.

Lúc nay Tôn Giả Ðại Mục Kiền Liên đến giờ đắp y ôm bát muốn vào thành La Duyệt để khất thực.

Những Phạm Chí cầm gậy, xa thấy Mục Kiền Liên đi đến, liền bảo nhau rằng: Ðây là đệ tử của Sa Môn Cù Đàm, không ai hơn người này, chúng ta hãy vây hắn mà đánh chết đi. Rồi những Phạm Chí kia vây bắt Tôn Giả dùng ngói đá đánh chết ngất rồi bỏ đi. Thân thể Tôn Giả nát nhừ, xương thịt không còn sót chỗ nào, đau đớn khổ não không thể kể xiết.

Ðại Mục Kiền Liên tự nghĩ: Các Phạm Chí này vây ta, đánh xương thịt nát tan, bỏ ta mà đi. Nay thân thể ta chỗ nào cũng đau, hết sức nhức nhối, không còn khí lực để trở về vườn trúc được. Nay ta phải dùng thần túc để trở về Tinh Xá. Mục Kiền Liên liền dùng thần túc trở về Tinh Xá, đến chỗ Xá Lợi Phất, ngồi một bên.

Tôn Giả Mục Kiền Liên nói với Xá Lợi Phất: Phạm Chí cầm trượng vây tôi, đánh cho thịt xương nát bét, thân thể đau đớn thực không chịu nổi. Nay tôi muốn nhập Niết Bàn, nên đến từ giã Hiền giả.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Trong đệ tử của Thế Tôn, Hiền giả là thần túc bậc nhất, có oai lực lớn, cớ sao không dùng thần túc mà tránh đi?

Tôn Giả Mục liên đáp: Xưa tôi tạo hạnh rất sâu nặng, nên dẫn đi thọ báo trọn không tránh được. Chẳng phải khi không mà thọ báo này. Hôm nay thân tôi đau nhức quá nên đến từ giã Hiền giả để nhập Niết Bàn.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Có các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni tu Tứ thần túc, phần đông quảng diễn nghĩa này, nếu họ có ý muốn trụ lại một kiếp hay hơn một kiếp cho đến chẳng diệt độ thì có thể trụ lại một kiếp, hay hơn một kiếp cho đến chẳng diệt độ.

Sao Hiền giả lại không trụ lại diệt độ?

Tôn Giả Mục liên đáp: Ðúng thế, Hiền giả Xá Lợi Phất!

Như Lai nói: Nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni tu tứ thần túc, muốn trụ thọ qua mấy kiếp cũng có thể được. Nếu Như Lai trụ một kiếp thì tôi cũng trụ, nhưng hôm nay, Thế Tôn chẳng bao lâu sẽ nhập Niết Bàn.

Chúng sanh thọ mạng rất ngắn, hơn nữa, tôi không chịu nổi việc thấy Thế Tôn nhập Niết Bàn, và thân thể tôi rất đau đớn, muốn nhập Niết Bàn.

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất nói với Tôn Giả Mục liên: Nay Hiền giả hãy khoan một chút, tôi sẽ nhập Niết Bàn trước. Tôn Giả Mục liên im lặng, không đáp.

Tôn Giả Xá Lợi Phất đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên và bạch Phật: Nay con muốn diệt độ, cúi mong Thế Tôn cho phép. Thế Tôn im lặng, không đáp.

Tôn Giả Xá Lợi Phất hai ba phen bạch Thế Tôn: Nay chính là lúc con nên nhập Niết Bàn.

Thế Tôn bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Nay thầy vì sao chẳng trụ một kiếp, hay quá một kiếp?

Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Thế Tôn:

Chính con nghe từ Phật và tự vâng nhận: Chúng sanh thọ mạng rất ngắn, thọ nhất chẳng qua trăm tuổi. Vì mạng chúng sanh ngắn nên Như Lai thọ cũng ngắn. Nếu Như Lai trụ thọ một kiếp, thì con cũng sẽ trụ thọ một kiếp.

Thế Tôn bảo: Như lời Xá Lợi Phất, vì chúng sanh mạng ngắn nên Như Lai thọ cũng ngắn. Nhưng việc này cũng chẳng thể bàn. Sở dĩ như thế là vì quá khứ lâu xa vô số kiếp, có Phật tên Thiện Niệm Thệ Nguyện Như Lai, Chí Chân Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời. Vào thời đó, người ta thọ tám muôn tuổi, không có ai chết yểu.

Ðức Thiện Niệm Thệ Nguyện Như Lai ngay lúc thành Phật, ngay hôm đó liền hóa làm vô lượng Phật, lập cho vô lượng chúng sanh ở hạnh tam thừa, có người trụ ở địa vị bất thối chuyển.

Lại lập vô lượng chúng sanh ở bốn dòng tộc. Lại lập vô lượng chúng sanh ở cung Tứ Thiên Vương, Diễm Thiên, Ðâu Suất Thiên, Hóa Tự Tại Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, Phạm Ca Di Thiên, Dục Thiên, Sắc Thiên, Vô Sắc Thiên, cũng ở ngày này nhập Vô Dư Niết Bàn.

Nay Xá Lợi Phất nói: Vì chúng sanh thọ mạng ngắn nên Như Lai thọ mạng cũng ngắn.

Thế nào, Xá Lợi Phất, thầy nói rằng: Như Lai nếu thọ đến một kiếp, tôi cũng sẽ trụ đến một kiếp. Nhưng chúng sanh không thể biết thọ mạng của Như Lai dài ngắn. Xá Lợi Phất nên biết, Như Lai có bốn việc không thể nghĩ bàn, chẳng phải chỗ Tiểu Thừa có thể biết.

Thế nào là bốn?

Thế Giới bất khả tư nghì. Chúng sanh bất khả tư nghì. Long Cung bất khả tư nghì. Và Phật độ cảnh giới bất khả tư nghì. Như thế, này Xá Lợi Phất, có bốn bất khả tư nghì này.

Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch:

Ðúng vậy, Thế Tôn, có bốn bất khả tư nghì: Thế Giới, chúng sanh, Long Cung, Phật Ðộ, thực chẳng thể nghĩ bàn.

Nhưng đã lâu con hằng nghĩ rằng: Phật Thích Ca Văn trọn chẳng trụ một kiếp.

Lại, Chư Thiên đến bảo con rằng: Phật Thích Ca Văn tuổi đúng tám mươi, chẳng ở đời bao lâu nữa. Nay Thế Tôn chẳng bao lâu sẽ nhập Niết Bàn, con không cam thấy Thế Tôn nhập Niết Bàn.

Lại nữa, chính con nghe Như Lai nói rằng: Các đệ tử thượng túc của Chư Phật đời quá khứ, tương lai, hiện tại đều nhập Niết Bàn trước. Và đệ tử cuối cùng cũng nhập Niết Bàn trước, rồi sau chẳng bao lâu Thế Tôn sẽ diệt độ. Cúi mong Thế Tôn cho phép con diệt độ.

Thế Tôn bảo: Nay đúng lúc rồi. Tôn Giả Xá Lợi Phất liền ngồi trước Như Lai, chính thân, chính ý, buộc niệm ở trước mà nhập Sơ Thiền.

Từ Sơ Thiền dậy, nhập Nhị Thiền.

Từ Nhị Thiền dậy lại nhập Tam Thiền.

Từ Tam Thiền dậy lại nhập Tứ Thiền.

Từ Tứ Thiền dậy lại nhập không xứ, thức xứ, bất dụng xứ, hữu tưởng vô tưởng xứ.

Từ Hữu tưởng vô tưởng xứ dậy nhập diệt tận định.

Từ Diệt tận định dậy, Tôn Giả nhập hữu tưởng vô tưởng xứ.

Từ Hữu tưởng vô tưởng xứ dậy, nhập bất dụng xứ, thức xứ, không xứ.

Từ Không xứ dậy, nhập Tứ Thiền.

Từ Tứ Thiền dậy, nhập Tam Thiền.

Từ Tam Thiền dậy, nhập Nhị Thiền.

Từ Nhị Thiền dậy, nhập Sơ Thiền.

Từ Sơ Thiền dậy, Tôn Giả nhập Nhị Thiền.

Từ Nhị Thiền dậy, nhập Tam Thiền.

Từ Tam Thiền dậy, nhập Tứ Thiền.

Rồi Tôn Giả Xá Lợi Phất từ Tứ Thiền dậy, bảo các Tỳ Kheo: Ðây tên là Sư Tử Phấn Tấn tam muội.

Các Tỳ Kheo khen ngợi: Chưa từng có, rất là kỳ đặc.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nhập chánh định mau chóng như thế!

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy Thế Tôn rồi đi. Ngay khi ấy có nhiều Tỳ Kheo theo sau Tôn Giả Xá Lợi Phất.

Tôn Giả Xá Lợi Phất quay lại bảo: Chư Hiền muốn đi đâu?

Những Tỳ Kheo ấy đáp: Chúng tôi muốn đến cúng dường Xá Lợi của Tôn Giả.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Thôi, thôi, Chư Hiền, thế này là đã cúng dường rồi! Tôi có Sa Di săn sóc đủ rồi, các Hiền giả trở về chỗ mình tư duy hóa đạo, khéo tu phạm hạnh dứt hết khổ. Như Lai ra đời rất khó gặp được, đúng thời mới xuất hiện, giống như hoa Ưu Đàm Bát, đúng thời mới có. Như Lai cũng lại như thế, ức kiếp mới ra đời.

Thân người cũng lại khó được. Có lòng tin thành tựu cũng lại khó được. Muốn cầu xuất gia học Pháp Như Lai cũng lại khó được.

Tất cả các hành muốn khiến không diệt tận, đây cũng khó được. Hãy diệt hết ái dục, dứt hẳn không sót, diệt tận Niết Bàn. Nay có bốn pháp gốc ngọn mà Như Lai đã nói.

Thế nào là bốn?

Tất cả các hành vô thường, đó là pháp gốc ngọn đầu tiên mà Như Lai thuyết. Tất cả các hành đều khổ, đó là pháp gốc ngọn thứ hai Như Lai đã thuyết.

Tất cả các hành vô ngã, đó là pháp gốc ngọn thứ ba Như Lai đã thuyết. Niết Bàn là vĩnh tịch, đó là pháp gốc ngọn thứ tư Như Lai đã thuyết. Ðó là, này Chư Hiền, bốn Pháp gốc ngọn Như Lai đã nói.

Bấy giờ các Tỳ Kheo đều cùng rơi lệ: Nay Tôn Giả Xá Lợi Phất sao mau diệt độ vậy!

Tôn Giả Xá Lợi Phất bảo các Tỳ Kheo: Thôi, thôi, Chư Hiền!

Chớ nên buồn lo. Pháp biến đổi muốn khiến không biến đổi, việc này chẳng đúng. Tu Di Sơn Vương còn có biến đổi vô thường, huống là cái thân hột cải.

Tỳ Kheo Xá Lợi Phất mà tránh khỏi được hoạn này sao?

Thân Kim Cang của Như Lai chẳng lâu cũng sẽ nhập Niết Bàn, hà huống thân tôi. Nhưng các Hiền giả hãy tu hành pháp này, sẽ được hết khổ.

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất đến Tinh Xá, đến rồi thu xếp y bát, ra khỏi Vườn Trúc đi về quê cũ. Tôn Giả Xá Lợi Phất khất thực từ từ đến nước Ma Sấu.

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất dạo ở Ma Sấu, xứ mình sanh, thân mắc bệnh rất đau đớn, chỉ có Sa Di Quân đầu săn sóc, dọn dẹp dơ bẩn, làm sạch sẽ.

Thích Đề Hoàn Nhân biết tâm niệm Tôn Giả Xá Lợi Phất, ví như trong khoảng lực sĩ co duỗi cánh tay, từ Trời Ba Mươi Ba biến mất, đến nhà của Tôn Giả Xá Lợi Phất. Ðến rồi, vị ấy cúi lạy, lấy hai tay sờ chân Tôn Giả Xá Lợi Phất, tự xưng tên họ mà nói rằng.

Tôi là Thiên Vương Ðế Thích!

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Thích thay! Thiên Ðế, thọ mạng vô cùng.

Thích Đề Hoàn Nhân đáp: Nay tôi muốn cúng dường Tôn Giả Xá Lợi Phất.

Tôn Giả Xá Lợi Phất đáp: Thôi, thôi, Thiên Ðế! Thế này là đã cúng dường. Chư Thiên thì thanh tịnh, A Tu La, rồng, quỷ và Chúng Chư Thiên cũng thế. Nay tôi đã có Sa Di để sai khiến là đủ rồi.

Thích Đề Hoàn Nhân hai ba phen bạch Xá Lợi Phất: Nay tôi muốn tạo phước nghiệp, xin đừng trái nguyện. Nay tôi muốn cúng dường Xá Lợi của Tôn Giả. Tôn Giả Xá Lợi Phất im lặng chẳng đáp. Thích Đề Hoàn Nhân tự mình đổ phân chẳng từ hiềm khổ. Tôn Giả Xá Lợi Phất nhập Niết Bàn ngay đêm ấy.

Bấy giờ mặt đất sáu phen chấn động, có tiếng vang lớn, mưa các hoa Trời, kỹ nhạc trổi lên. Chư Thiên đầy nghẹt hư không. Chư Thiên Thần Diệu cũng rải hoa câu mâu đầu hoặc dùng hương bột Chiên Đàn mà trải lên trên.

Tôn Giả Xá Lợi Phất đã nhập Niết Bàn, Chư Thiên trên không kêu thương khóc lóc không nén được. Ở trong hư không, Dục Thiên, Sắc Thiên, Vô Sắc Thiên đều cùng rơi lệ như mưa phùn tháng xuân hòa xướng.

Lúc ấy cũng như thế: Nay Tôn Giả Xá Lợi Phất nhập Niết Bàn sao mau thay!

Bấy giờ Thích Đề Hoàn Nhân tụ tập tất cả các loại hương thơm để thiêu thân Tôn Giả Xá Lợi Phất.

Cúng dường các thứ xong, thu thập Xá Lợi và y bát giao cho Sa Di Quân đầu và bảo: Ðây là Xá Lợi và y bát của thầy ông. Hãy đến dâng lên Thế Tôn. Ðến rồi hãy đem nhân duyên này bạch cho Thế Tôn đầy đủ. Nếu Thế Tôn dạy gì, hãy vâng làm.

Quân đầu đáp: Ðúng vậy, Câu dực.

Sa Di Quân đầu đem y, ôm bát và Xá Lợi đến chỗ Tôn Giả A Nan và bạch: Thầy con đã diệt độ. Nay con đem Xá Lợi, y bát đến dâng Thế Tôn.

Tôn Giả A Nan thấy xong, rơi lệ và nói: Ông hãy cùng ta đến chỗ Thế Tôn, đem việc này cùng bạch Thế Tôn. Nếu Thế Tôn nói gì, chúng ta sẽ vâng làm.

Quân đầu đáp: Xin vâng, thưa Tôn Giả!

Tôn Giả A Nan dẫn Sa Di Quân đầu đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy Thế Tôn, rồi bạch:

Sa Di Quân đầu này đến chỗ con và bạch rằng: Thầy con đã diệt độ. Nay đem y bát dâng lên Như Lai. Hôm nay con tâm ý phiền não, khí tính mê hoặc, chẳng biết gì nữa. Nghe Tôn Giả Xá Lợi Phất nhập Niết Bàn, con buồn bã thương tâm.

Thế Tôn bảo: Thế nào A Nan, Tỳ Kheo Xá Lợi Phất dùng giới thân để nhập Niết Bàn sao?

Tôn Giả A Nan thưa: Không phải vậy, bạch Thế Tôn.

Thế Tôn bảo: Thế nào A Nan, thầy ấy dùng giới thân định thân, tuệ thân, giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân mà diệt độ chăng?

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Tỳ Kheo Xá Lợi Phất không dùng giới thân, định thân, tuệ thân, giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân mà diệt độ. Nhưng Tỳ Kheo Xá Lợi Phất hằng ưa giáo hóa, thuyết pháp không chán, giáo giới cho các Tỳ Kheo cũng không chán. Nay con nhớ ơn sâu của Tôn Giả Xá Lợi Phất quá nhiều, thế nên buồn bã.

Thế Tôn bảo: Thôi, thôi, A Nan, chớ ôm sầu lo!

Vật chẳng thường, muốn cho còn mãi, việc này chẳng đúng, hễ có sanh thì có chết.

Thế nào A Nan, Chư Phật thời quá khứ đều chẳng diệt độ sao?

Ví như cây đèn, dầu hết thì tắt.

Như từ Phật Bảo Tạng Ðịnh Quang đến nay, bảy Phật và chúng đệ tử đều chẳng Niết Bàn sao?

Như là Bích Chi Phật, xét kỹ các Ngài tiếng đồn cao xa, Ni Sa Ưu Ni Bát Sa Già La, Ưu Bát Già La, các Bích Chi Phật như thế chẳng diệt độ sao?

Ðại Quốc Thánh Vương của hiền kiếp tên Thiện Duyệt Ma Ha Đề Bà, Chuyển Luân Thánh Vương như thế nay ở đâu, há không phải đều chẳng nhập Niết Bàn sao?

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Tất cả hành vô thường,

Có sanh sẽ có chết,

Chẳng sanh lại không diệt

Diệt này tối đệ nhất.

Thế Tôn bảo A Nan: Nay thầy hãy đưa Xá Lợi của Xá Lợi Phất đến đây.

Tôn Giả A Nan đáp: Xin vâng, Thế Tôn!

Tôn Giả A Nan liền trao Xá Lợi vào tay Thế Tôn.

Thế Tôn cầm Xá Lợi rồi bảo các Tỳ Kheo: Ðây là Xá Lợi của Tỳ Kheo Xá Lợi Phất, là bậc trí tuệ, thông minh, tài cao, bao nhiêu loại trí: Trí không cùng, trí không bờ đáy, có trí mau chóng, có trí khinh tiện, có trí lợi cơ, có trí rất sâu, có trí xét kỹ, ít muốn, biết đủ, ưa ở chỗ vắng vẻ, có lòng dũng mãnh, việc làm không rối loạn, tâm không khiếp nhược, hay nhẫn nhục.

Trừ bỏ pháp ác, thể tánh nhu hòa, không ưa tranh tụng, hằng tu tinh tấn, hành chánh định, tập trí tuệ, niệm giải thoát, tu hành thân giải thoát tri kiến.

Tỳ Kheo nên biết, ví như đại thọ không có cành nhánh. Nay trong Tỳ Kheo Tăng, Như Lai là đại thọ, Xá Lợi Phất diệt độ rồi, Ta như cây không cành.

Nếu Xá Lợi Phất đi đến phương nào, phương đó liền gặp may mắn lớn lao, mong Xá Lợi Phất dừng lại ở phương đó. Sở dĩ như thế, vì Tỳ Kheo Xá Lợi Phất hay cùng ngoại đạo dị học luận nghị, ai cũng bị hàng phục.

Bấy giờ Ðại Mục Kiền Liên nghe Tôn Giả Xá Lợi Phất diệt độ, liền dùng thần thông đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy Phật rồi đứng một bên.

Tôn Giả Mục Kiền Liên bạch Thế Tôn: Nay Tỳ Kheo Xá Lợi Phất đã diệt độ. Nay con từ biệt Thế Tôn, con cũng muốn diệt độ. Thế Tôn im lặng chẳng đáp.

Như thế hai ba phen bạch Thế Tôn: Con muốn diệt độ. Bấy giờ Thế Tôn vẫn im lặng chẳng đáp. Tôn Giả Mục Kiền Liên thấy Thế Tôn im lặng chẳng đáp, liền cúi lạy Phật rồi lui đi.

Tôn Giả trở về Tinh Xá, thu xếp y bát, ra khỏi thành La Duyệt, tự đến quê mình. Bấy giờ có đông chúng Tỳ Kheo theo sau Tôn Giả Mục Liên. Chúng Tỳ Kheo cùng Tôn Giả Mục Liên đến thôn Ma Sấu, du hóa tại đó và mắc bệnh nặng.

Lúc ấy, Tôn Giả Mục Liên ở giữa đất trống trải, tòa mà ngồi, nhập Sơ Thiền.

Từ Sơ Thiền dậy, nhập Nhị Thiền.

Từ Nhị Thiền dậy, nhập Tam Thiền.

Từ Tam Thiền dậy, nhập Tứ Thiền.

Từ Tứ Thiền dậy, nhập không xứ, từ không xứ dậy, nhập thức xứ, từ thức xứ dậy, nhập bất dụng xứ.

Từ Bất dụng xứ dậy, nhập Hữu tưởng vô tưởng xứ.

Từ Hữu tưởng vô tưởng xứ dậy, nhập Hỏa Quang tam muội.

Từ Hỏa Quang tam muội dậy, nhập Thủy Quang tam muội.

Từ Thủy Quang tam muội dậy, nhập diệt tận định.

Từ Diệt tận định dậy, nhập Thủy Quang tam muội.

Từ Thủy Quang tam muội dậy, nhập Hỏa Quang tam muội.

Từ Hỏa Quang tam muội dậy, nhập hữu tưởng vô tưởng định.

Từ Hữu tưởng vô tưởng định dậy, nhập bất dụng xứ.

Từ Bất dụng xứ dậy, nhập Thức xứ, Không xứ, Tứ Thiền, Tam Thiền, Nhị Thiền, Sơ Thiền.

Từ Sơ thiền dậy, bay lên hư không, ngồi, nằm, kinh hành. Thân trên ra lửa, thân dưới ra nước. Hoặc thân dưới ra lửa, thân trên ra nước, làm mười tám cách biến hóa thần túc.

Bấy giờ Tôn Giả Mục Kiền Liên bay xuống tòa, ngồi kiết già, chính thân, chính ý, buộc niệm ở trước và nhập Sơ Thiền.

Từ Sơ Thiền dậy, nhập Nhị Thiền.

Từ Nhị Thiền đậy, nhập Tam Thiền.

Từ Tam Thiền dậy, nhập Tứ Thiền.

Từ Tứ Thiền dậy, nhập không xứ.

Từ Không xứ dậy, nhập thức xứ.

Từ Thức xứ dậy, nhập bất dụng xứ.

Từ Bất dụng xứ dậy, nhập hữu tưởng vô tưởng xứ.

Từ Hữu tưởng vô tưởng xứ dậy, nhập Hỏa Quang tam muội.

Từ Hoa quang tam muội dậy, nhập Thủy Quang tam muội.

Từ Thủy Quang tam muội dậy, nhập diệt tận định.

Từ Diệt tận định dậy, Tôn Giả trở lại nhập Thủy Quang tam muội, Hỏa Quang, Hữu tưởng vô tưởng xứ, Bất dụng xứ, Thức xứ, Không xứ, Tứ Thiền, Tam Thiền, Nhị Thiền, Sơ Thiền.

Lại từ Sơ thiền dậy, Tôn Giả nhập Nhị Thiền.

Từ Nhị Thiền dậy, nhập Tam Thiền.

Từ Tam Thiền dậy, nhập Tứ Thiền, từ Tứ Thiền dậy, ngay đó mà diệt độ.

Bấy giờ Tôn Giả Ðại Mục Kiền Liên đã diệt độ rồi, mặt đất chấn động rất lớn. Chư Thiên bảo nhau hiện đến, hầu hạ Tôn Giả Ðại Mục Kiền Liên, cúng dường tôn đức, hoặc đem các thứ hương hoa đến cúng dường.

Chư Thiên ở không trung xướng kỹ nhạc, gẩy đàn, ca múa dâng cúng lên Tôn Giả Mục Kiền Liên.

Lúc ấy Tôn Giả Ðại Mục Kiền Liên đã diệt độ, trong thôn Nan la đà trong vòng một do tuần, Chư Thiên đầy dẫy.

Bấy giờ lại có nhiều chúng Tỳ Kheo cầm các thứ hương hoa rải trên xác Tôn Giả Mục Kiền Liên.

Ðức Thế Tôn từ thành La Duyệt tuần tự khất thực cùng năm trăm Tỳ Kheo du hóa trong nhân gian, đến thôn Na La Đà cùng với năm trăm Tỳ Kheo.

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên diệt độ chưa bao lâu. Ðức Thế Tôn ngồi giữa đất trống, im lặng quan sát các Tỳ Kheo.

Im lặng quan sát các Tỳ Kheo xong, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nay Ta quan sát các thầy trong chúng này bị tổn giảm to lớn.

Vì sao thế?

Nay trong chúng này không có Tỳ Kheo Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Nếu phương nào có Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên đi đến phương ấy liền chẳng trống rỗng mà được nghe nay Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên ở tại phương này.

Sở dĩ như thế vì Tỳ Kheo Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên kham nhận hàng phục ngoại đạo ở đây.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Việc làm của Chư Phật rất kỳ đặc. Có hai đệ tử trí tuệ và thần túc nhập Niết Bàn. Nhưng Như Lai không sầu lo. Ngay cả hằng sa Như Lai đời quá khứ cũng lại có đệ tử trí tuệ, thần túc này và ngay đến Chư Phật ra đời ở tương lai cũng sẽ có đệ tử trí tuệ, thần túc này. Tỳ Kheo nên biết, thế gian có hai nghiệp thí.

Thế nào là hai?

Nghĩa là tài thí và pháp thí. Tỳ Kheo nên biết, nếu luận về Tài Thí, thì nên theo Tỳ Kheo Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên mà cầu. Nếu muốn cầu pháp thí, nên theo cầu ta. Sở dĩ như thế, vì nay ta, Như Lai không có tài thí. Hôm nay các thầy có thể cúng dường Xá Lợi của Tỳ Kheo Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên.

Bấy giờ Tôn Giả A Nan bạch Phật: Làm sao cúng dường được Xá Lợi của Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.

Thế Tôn bảo: Nên gồm các thứ hương hoa, ở ngã tư đường lập bốn Tháp.

Vì sao thế?

Nếu có dựng Tháp thì có bốn loại người này nên dựng Tháp.

Thế nào là bốn?

Chuyển Luân Thánh Vương nên dựng Tháp.

A La Hán lậu tận nên dựng Tháp.

Bích Chi Phật nên dựng Tháp.

Như Lai nên dựng Tháp.

Tôn Giả A Nan bạch Thế Tôn: Có nhân duyên gì mà Như Lai nên dựng Tháp?

Lại có nhân duyên gì nên dựng Tháp cho Bích Chi Phật, A La Hán lậu tận và Chuyển Luân Thánh Vương?

Thế Tôn bảo: Nay thầy nên biết, Chuyển Luân Thánh Vương thi hành thập thiện, tu mười công đức, cũng lại dạy người hành thập thiện công đức.

Thế nào là mười?

Tự mình không sát sanh, lại dạy người khác khiến không sát sanh.

Tự mình không trộm, lại dạy người khác khiến không trộm.

Tự mình không dâm, lại dạy người khác khiến không dâm.

Tự mình không ỷ ngữ, lại dạy người khác khiến không ỷ ngữ.

Tự mình không tật đố, lại dạy người khác khiến không tật đố.

Tự mình không tranh tụng, lại dạy người khác khiến không tranh tụng.

Tự mình chính ý, lại dạy người khác khiến không loạn ý.

Thân tự chính kiến, lại dạy người khác khiến hành chính kiến.

Tỳ Kheo nên biết, Chuyển Luân Thánh Vương có mười công đức này, nên xứng đáng dựng Tháp.

Tôn Giả A Nan bạch Thế Tôn: Lại do nhân duyên nào, nên dựng Tháp cho đệ tử Như Lai?

Thế Tôn bảo: A Nan nên biết, A La Hán lậu tận không còn thọ thân sau nữa. Trong sạch như Thiên kim. Ba độc, năm kiết sử không còn xuất hiện. Lại nữa, do nhân duyên này dựng Tháp cho đệ tử Như Lai.

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Do nhân duyên nào, Bích Chi Phật đáng được dựng Tháp?

Thế Tôn bảo: Có Bích Chi Phật không thầy tự ngộ, trừ các kiết sử, không thọ thân sau nữa. Thế nên đáng dựng Tháp.

Bấy giờ A Nan bạch Thế Tôn: Lại do nhân duyên nào xứng đáng dựng Tháp cho Như Lai?

Thế Tôn bảo: Ở đây, này A Nan, Như Lai có thập lực, tứ vô sở úy, kẻ không hàng phục bị hàng phục. Kẻ không độ được độ. Kẻ không đắc đạo khiến cho đắc đạo. Người không nhập Niết Bàn khiến nhập Niết Bàn. Mọi người thấy rồi hết sức hoan hỉ. Ðó là, này A Nan, Như Lai đáng được dựng Tháp. Như thế Như Lai đáng được dựng Tháp.

Bấy giờ A Nan nghe Thế Tôn dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường