Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Bảy - Phẩm điều Phục
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT THIỆN GIỚI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẨM BẢY
PHẨM ĐIỀU PHỤC
Thế nào là sự điều phục của Bồ Tát?
Sự điều phục có sáu:
Tánh điều phục.
Chúng sanh được điều phục.
Hạnh điều phục.
Phương tiện điều phục.
Sự điều phục được chín chắn.
Ấn điều phục chín chắn.
Tánh điều phục: Có hạt giống lành cho nên tu pháp lành, tu pháp lành cho nên phá hoại hai chướng. Tu pháp lành nên thân tâm trong sạch.
Vì thân tâm trong sạch, cho nên nếu gặp thiện hữu tri thức hoặc chẳng gặp thiện hữu tri thức Chư Phật, Bồ Tát, cũng có thể phá hoại hai chướng phiền não, sở tri. Như ung nhọt đã mùi, nếu gặp thầy thuốc hay không gặp thầy thuốc cũng được trừ lành.
Lại ví như đồ sành đã được nung chín, đến lúc tùy ý sử dụng, hay như trái Yêm Ma La, lúc đem ăn được. Gọi là đã chín.
Tất cả chúng sanh cũng vậy, tu tập đạo mầu xong xuôi là muốn chứng vô thượng bồ đề, gọi là đã chín chắn.
Như thế mệnh danh là tánh điều phục.
Chúng sanh được điều phục:
Có bốn:
Một là: Có tánh Thanh Văn được đạo Thanh Văn.
Hai là: Có tánh Duyên Giác gọi là Duyên Giác.
Ba là: Có tánh Phật được Phật Đạo.
Bốn là: Có tánh Trời, người, được sự vui Cõi Trời, cõi người.
Đây gọi là chúng sanh được điều phục.
Hạnh điều phục: Có sáu:
Một là: Căn điều phục.
Hai là: Thiện căn điều phục.
Ba là: Trí tuệ điều phục.
Bốn là: Bực hạ điều phục.
Năm là: Bực trung điều phục.
Sáu là: Bực thượng điều phục.
Căn điều phục là: Do nhân duyên điều phục các giác quan nên được sống lâu, tướng tốt, giòng họ danh giá, tự do, có sức mạnh, tiếng nói thanh tao, thân người nam, không ai hơn nổi.
Người thành tụ đầy đủ quả báo này tức được trụ vô thượng bồ đề, thường vì chúng sanh mà tu tập hạnh khổ, tâm của vị ấy lúc ban sơ đã không lo buồn hối hận. Đây là căn điều phục.
Thiện căn điều phục: Tánh không ham thích gây tạo nghiệp dữ, năm món cái nhẹ mỏng, các giác quán ác lần lần yếu ớt, thích chịu sự trong sạch và nói lời thuần thiện. Đây gọi là thiện căn điều phục.
Trí tuệ điều phục: Đại Bồ Tát nhờ tập trí tuệ cho nên tâm hạnh khoáng đạt, khéo thọ trì đọc tụng Kinh Điển, hiểu nghĩa thiện ác, tư duy phân biệt và vì người khác giảng nói rộng rãi.
Do tu tập trí tuệ, nên đảm nhiệm được đạo vô thượng bồ đề. Nếu có thể đầy đủ sự điều phục về căn, về thiện căn và trí tuệ, là có thể sạch món sở tri chướng trí chướng.
Nếu đủ sự điều phục về căn, có thể sạch báo chướng. Nếu đủ sự điều phục về thiện căn và trí tuệ, có thể sạch sở tri chướng và phiền não chướng.
Bực Hạ điều phục: Có hai:
Một là chẳng ở trong vô lượng đời tu tập pháp lành.
Hai là chẳng ưa suy tầm căn lành trí tuệ. Đây là sự điều phục của bậc hạ.
Bực Trung điều phục: Trong vô lượng đời tu tập pháp lành, được thiện căn điều phục, song chưa được trí tuệ.
Gọi là sự điều phục của bậc trung.
Bậc Thượng điều phục: Đủ ba việc trên căn, thiện căn, trí tuệ, gọi là điều phục của bậc thượng.
Phương tiện điều phục có hai mươi hai:
Một là giới tăng trưởng.
Hai là nhơn hiện tại.
Ba là vào hàng ngũ xuất gia.
Bốn là mới phát.
Năm là chẳng phải mới phát.
Sáu là xa điều tịnh.
Bảy là gần điều tịnh.
Tám là sự trang nghiêm.
Chín là sự dốc lòng.
Mười là thí thức ăn.
Mười một là thí giáo pháp.
Mười hai là thị hiện thần thông làm sanh lòng tin.
Mười ba là nói pháp làm sanh lòng tin.
Mười bốn là nói tạng thâm mật, rộng phân biệt pháp.
Mười lăm là trang nghiêm bậc hạ.
Mười sáu là trang nghiêm bậc trung.
Mười bảy là trang nghiêm bậc thượng.
Mười tám là nghe pháp.
Mười chín là tư duy tu tập.
Hai mươi là nhiếp giữ.
Hai mươi mốt là quở trách.
Hai mươi hai là chẳng đợi thỉnh và đợi thỉnh nói pháp.
Giới tăng trưởng là gì?
Đủ hạt giống giới lành, vì đủ hạt giống lành cho nên sang đời khác căn lành lại được tăng trưởng. Do hạt giống pháp tu tập hiện tại nên hạt giống pháp vị lai thêm lớn. Đây gọi là giới tăng trưởng.
Nhơn hiện tại?
Trong đời hiện tại nói pháp không lộn, nghe pháp không lầm, đúng như pháp thọ trì làm cái nhân. Do nhân đời trước làm tăng trưởng nhân hiện tại, do nhân hiện tại làm tăng trưởng cái nhân vị lai.
Lại nữa, nhân hiện tại làm tăng nhân hiện tại. Đây gọi là nhân hiện tại.
Vào hàng ngũ xuất gia: Gần gũi thiện hữu Chư Phật, Bồ Tát, lòng tin được pháp sanh. Được tín tâm rồi bỏ lìa việc đời, thọ trì tu hành pháp xuất thế. Pháp xuất thế ấy là giới Bồ Tát.
Nếu chẳng thọ giới để gọi là danh tự Sa Môn, thì chẳng gọi là xuất gia, dứt điều tham dục mới gọi là xuất gia. Người chẳng thọ trì giới Bồ Tát, chẳng được gọi là rốt ráo dứt hẳn điều tham dục.
Dứt tất cả sự yêu thương, luyến mến gọi là xuất gia. Cảm thọ sự vui rốt ráo, gọi là xuất gia. Ưa giản dị hành đạo gọi là xuất gia, thêm lớn Phật Pháp gọi là xuất gia, vui giữ giới cấm gọi là xuất gia. Đây gọi là hàng ngũ xuất gia.
Mới phát?
Khi mới phát tâm chẳng ưa sanh tử, vì chẳng ưa sanh tử nên lòng tin được mạnh. Tu tập về đạo cho nên tăng trưởng Phật Pháp. Đây gọi là mới phát.
Chẳng phải mới phát?
Từ lúc phát tâm trở về sau, gần gũi Chư Phật và đệ tử Phật, thọ trì giới cấm, đọc tụng biên chép, rộng vì người tuyên nói, cho đến khi tăng trưởng pháp lành thượng thượng. Đây gọi là chẳng phải mới phát.
Xa điều tịnh?
Như chẳng thọ và giữ giới Bồ Tát, chẳng hay đọc tụng, biên chép giải nói, chẳng theo sự dạy bảo của thầy, lười biếng, nhát nhúa, trải qua vô lượng kiếp không thể chứng vô lượng bồ đề. Gọi là xa điều tịnh.
Gần điều Tịnh?
Thọ trì giới cấm của Bồ Tát, đọc tụng, biên chép, vì người giải nói, thuận theo thầy dạy, siêng tu tinh tấn, có thể mau chứng vô thượng bồ đề. Đây gọi là gần điều tịnh.
Sự trang nghiêm như thế nào?
Dốc lòng siêng cầu Phật Đạo, vì bồ đề mà trì giới Bồ Tát. Vì sợ bậc Sư Trưởng, Hòa Thượng, vì sợ tiếng đồn đãi cho nên giữ giới Bồ Tát. Đây gọi là sự trang nghiêm.
Sự dốc lòng ra sao?
Đối với pháp của Phật, dốc lòng buộc niệm, không tâm bất nhẫn, không lưới nghi ngờ, hộ trì chánh pháp, dùng luận tạng Bồ Tát giáo hóa chúng sanh.
Đối với đức thầy, Hòa Thượng, tôn túc kỳ cựu là những vị đức độ, rất mực cung kính, siêng năng cúng dường Tam Bảo không hề thôi nghĩ. Tin sâu Tam Bảo là thường trụ bất kiến. Đây gọi là sự dốc lòng.
Thí thức ăn?
Đại Bồ Tát gặp người đói khát, liền đem món ăn, thức uống cấp giúp. Tất cả món cần dùng khác cũng vậy, đều cung cấp theo chỗ cần cầu của người, như chỗ tu ở trước bố thí. Đây gọi là thí thức ăn.
Sự thí pháp?
Bồ Tát hoặc dùng một câu, một bài kệ, nửa bài kệ cho đến một bộ, một Tạng, rộng vì chúng sanh diễn nói nghĩa lý, vì đạo bồ đề mà dạy họ thực hành thiện nghiệp. Đây gọi là thí pháp.
Thị hiện thần thông làm sanh lòng tin là sao?
Đại Bồ Tát vì thương xót chúng sanh mà thực hiện sức đại thần thông, vì muốn khiến chúng sanh tâm được thanh tịnh, vì biết lòng tin của chúng sanh đã tịnh, vì thấy rõ về tịnh tâm trang nghiêm của chúng sanh, vì làm cho chúng sanh phát tâm vô thượng bồ đề. Đây gọi là thị hiện thần thông làm sanh lòng tin.
Nói pháp làm sanh lòng tin?
Bồ Tát tự biết mình chưa lợi ích hoàn toàn nhưng vì người khác mà diễn nói Kinh Pháp, lại cũng biết rằng do sự lợi tha có thể diệt tội của mình, cho nên diễn nói Pháp Phật.
Lại nữa, tự biết rằng: Vì người khác nói pháp, tức cũng được thêm lớn việc tu thiện của mình. Đây gọi là nói pháp làm sanh lòng tin.
Nói tạng thân mật rộng phân biệt pháp là thế nào?
Đại Bồ Tát dùng sức phương tiện, luôn luôn vì chúng sanh mở bày tạng pháp sâu kín của Như Lai, để chúng sanh hiểu rõ ý nghĩa. Vì tăng thêm cội lành cho kẻ có trí mà nói nghĩa sâu thêm. Đây gọi là nói tạng thâm mật rộng phân biệt pháp.
Trang nghiêm bậc hạ: Sự trang nghiêm của bậc hạ căn, bậc này chẳng hay dốc lòng thực hành những hạnh cao tột của bậc Thánh Hiền. Đây gọi là trang nghiêm của bậc hạ.
Trang nghiêm của bậc trung?
Bực trung dầu chí tâm tu tập Thánh hạnh, nhưng không xuyên thực hành, gọi là trang nghiêm của bậc trung.
Trang nghiêm bậc thượng?
Bậc Thượng chí tâm vừa thường xuyên thực hành, gọi là trang nghiêm của bậc thượng.
Nghe pháp?
Hoặc lúc tu học Phật Pháp vô thượng thì dốc lòng nghe pháp, chọn lựa trong mười hai phần Kinh mà thọ trì, đọc tụng, biên chép, giải nói. Đây gọi là nghe pháp.
Tư duy tu tập là gì?
Đã nghe pháp rồi, thân tâm lặng lẽ, suy tư nghĩa lý để phá bỏ lòng nghi. Tu tập ba pháp định huệ, xả. Đây gọi là tư duy tu tập.
Nhiếp giữ?
Bởi không tâm tham lẫn, cho nên vì người pháp nói pháp, nhận nuôi đệ tử, khéo vì chúng răn dạy, cho chúng áo bát, bệnh cấp thuốc thang, biết chúng khởi phiền não, tùy bịnh chỉ pháp đối trị v.v… đây gọi là nhiếp giữ.
Quở trách: Nếu tự thấy biết mình khởi phiền não liền khởi trách thân tâm. Khởi phiền não tức chẳng thể tự lợi, lợi tha. Tội nhẹ xem như tội trung. Tội trung xem như tội nặng. Giống như người loạn tâm té xuống hố sâu, sau khi bị rơi không để rơi nữa. Nếu phiền não khởi lên phải mau điều phục.
Thấy đệ tử khởi phiền não nhỏ nhặt phải nên quở trách, chẳng nên nhận sự lễ lạy cúng dường của chúng, dầu là cúng dường nước tắm hay dâng đưa nhành dương. Nếu đệ tử phạm tội nặng, nên làm Yết Ma tẩn xuất. Quở trách như vậy gọi là tự lợi, lợi tha. Đây gọi là quở trách.
Chẳng đợi thỉnh và đợi thỉnh thuyết pháp: Chẳng đợi thỉnh là thế nào?
Vì lợi ích tu tập mà thọ trì, đọc tụng, giải nói nghĩa sâu, vì phá những phiền não phát khởi, vì thêm những pháp lành của chúng sanh thực hành cho nên nói ra giáo pháp. Chỗ mình thọ trì thế nào, thì cũng đúng như sự thọ trì ấy mà nói giáo pháp, như pháp an trụ.
Vì sao thế?
Nếu Bồ Tát không như pháp trụ, chúng sanh sẽ xem thường và nói như sau: Ông chẳng đúng như pháp trụ, làm sao dạy người?
Ông nay mới nên theo người thọ pháp, vì sao trở lại thuyết pháp cho người?
Đây gọi là chẳng đợi thỉnh nói pháp.
Đợi thỉnh mới nói là sao?
Như tự gìn giữ giới cấm, siêng tu tinh tấn, đầy đủ căn lành thích ở chỗ rảnh rang lặng lẽ, thường được mọi người cung kỉnh, nói ra những gì người người tin nhận, biết nghĩa, biết lời và khéo nói pháp yếu.
Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, nam nữ Cư Sĩ nói như vậy: Cúi mong Đại Sĩ vì điều phục chúng sanh mà mở cửa cam lộ. Đây gọi là không đợi thỉnh và đợi thỉnh thuyết pháp.
Hai mươi hai việc như trên ai điều phục?
Ấy là sáu bậc Bồ Tát, trụ sáu địa vị. Các Bồ Tát như thế, có thể giáo hóa điều phục chúng sanh.
Sáu địa là những địa nào?
Một là dốc lòng nhớ nghĩ về hạnh bồ đề.
Hai là vì đạo bồ đề mà lóng sạch tâm ý.
Ba là đúng pháp an trụ.
Bốn là thiền định.
Năm là rốt ráo.
Sáu là thành tựu đạo bồ đề.
Sự điều phục được chín chắn: Vì muốn điều phục chúng sanh không tánh quyết định, Bồ Tát nói về sự vui Cõi Trời, Cõi người, làm cho họ không thoái đọa. Vì hạng có căn tánh, nói pháp điều phục làm cho họ thêm lớn căn lành. Đây gọi là sự điều phục được chín chắn.
Ấn điều phục chín chắn: Hàng Thanh Văn trong vô lượng đời tu tập căn lành, gọi là ẩn điều phục chín chắn bậc hạ, sự trang nghiêm bậc hạ. Hạng này không thể phá hoại ác báo trong ba đường ác, hiện tại chẳng được bốn quả Sa Môn và Niết Bàn. Đây gọi là ấn điều phục chín chắn bậc hạ.
Sao gọi là ấn điều phục chín chắn bậc trung?
Nếu được tâm trung bình, sự trang nghiêm trung bình và căn tánh trung bình, phá ba đường ác nhưng hiện tại chẳng được bốn quả Sa Môn hay Niết Bàn. Đây gọi là ấn điều phục chín chắn bậc trung.
Ấn điều phục chín chắn bậc thượng?
Có tâm bậc thượng, sự trang nghiêm bậc thượng, và căn tánh bậc thượng, phá ba đường ác, hiện tại chứng bốn quả Sa Môn và Niết Bàn. Đây gọi là ấn điều phục chín chắn bậc thượng. Duyên Giác cũng vậy, song có hai điều hơn Thanh Văn.
Một là hơn về đường lối tu tập.
Hai là, hơn vì không thầy mà ngộ đạo.
Đại Bồ Tát trụ bậc thứ nhất chuyên lòng nhớ nghĩ về hạnh bồ đề gọi là ấn điều phục chín chắn bậc hạ. Trụ bậc thứ hai vì đạo bồ đề mà lóng sạch tâm ý là ấn điều phục chín chắn bậc trung. Đúng pháp an trụ là ấn điều phục chín chắn bậc thượng.
Bực Bồ Tát sơ tâm còn nhỏ yếu, sự trang nghiêm cũng vậy, đọa vào ba đường ác. Sau khi tu hành trải qua một A tăng kỳ kiếp thứ nhất, trong vô số kiếp A tăng kỳ thứ nhất này chưa thể đầy đủ sự bất động vô thượng và chưa trong sạch được ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Đây gọi là ấn điều phục bậc hạ.
Ấn điều phục bậc trung thuộc Bồ Tát tâm lượng bậc trung, sự trang nghiêm bậc trung. Bực này không còn đọa ba đường ác, vì tu hành đã trải qua A tăng kỳ kiếp thứ hai, tuy được trong sạch không động chuyển và khéo tu tập ba mươi bảy trợ đạo, nhưng chưa đầy đủ hoàn toàn sự vắng lặng tối đại về ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Đây gọi là ấn điều phục chín chắn bậc trung.
Ấn điều phục chín chắn bậc thượng?
Đại Bồ Tát tâm lượng bậc thượng, sự trang nghiêm bậc thượng, không còn đọa ba đường ác, sự tu hành đã trải qua A tăng kỳ kiếp thứ ba, thiện nghiệp đầy đủ và thanh tịnh, không bị động chuyển được đại tịch tịnh về ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
Đây chính là Bồ Tát Vô Thượng Đạo vậy. Bực này được gọi là đại tịnh, bất động, thuần thiện, tối đại tịch tịnh. Đây gọi là ấn điều phục chín chắn bậc thượng.
Ấn điều phục chín chắn bậc hạ có ba: Hạ hạ, hạ trung, hạ thượng.
Ấn điều phục bậc trung có ba: Trung hạ, trung trung, trung thượng.
Ấn điều phục bậc thượng cũng có ba: Thượng hạ, thượng trung, thượng thượng.
Đại Bồ Tát đầy đủ những sự điều phục như thế, luôn luôn nuôi lớn Phật Pháp, giáo hóa chúng sanh, điều phục các căn, trí tuệ mạnh lành và có thể vì khắp chúng sanh mà mở bày giáo pháp ba thừa.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Hai - Phẩm Hành - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Bốn - đại Phẩm - Chuyện Bầy Ngạ Quỷ Ganapeta
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Một - Phẩm Thí Dụ - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Ba - Phẩm Người - Phần Ba - Chất Chứa
Phật Thuyết Kinh A Di đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật đàn Quá độ Nhân đạo - Phần Bốn