Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Hai Mươi Mốt - Phẩm Tướng Như Pháp Trụ Của Bồ Tát

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT THIỆN GIỚI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống  

PHẨM HAI MƯƠI MỐT

PHẨM TƯỚNG NHƯ PHÁP TRỤ

CỦA BỒ TÁT  

Bồ Tát chân thật có năm tướng. Vì đầy đủ năm tướng, gọi là Bồ Tát chân thật.

Năm tướng đó là: Tâm thương xót. Nói năng mềm mỏng. Dõng cảm mạnh mẽ. Không tham lam. Giải nói nghĩa sâu.

Năm pháp như vậy có năm thứ khả năng phân biệt.

Năm khả năng là: Tánh. Nhân duyên. Quả công đức. Thứ lớp. Nhiếp thủ.

Tánh thương xót có hai: Một là chí tâm. Hai là như pháp.

Sự chí tâm là: Đem lại an ổn cho nhiều người.

Như pháp là: Đại Bồ Tát đem lại cho chúng sanh sự vui như vui của mình. Đây là tánh thương xót.

Tánh nói năng mềm mỏng: Mở lời chào hỏi trước người, nói năng vui vẻ, nói năng tránh xa điều ác, nói lợi ích người. Đây gọi là tánh nói năng mềm mỏng.

Tánh dõng cảm mạnh mẽ: Tâm của Bồ Tát không sợ điều gì. Dõng mãnh, quả cảm, có thể phá tướng sợ hãi của người. Đây là tánh dõng cảm mạnh mẽ.

Tánh không tham lam: Thí tất cả! Thí tất cả! Thí tất cả! Thí rồi không hối. Thí trong sạch. Đây gọi là tánh không tham lam.

Tánh giải nói nghĩa sâu: Bốn trí vô ngại của Bồ Tát, gọi là tánh giải nói nghĩa sâu.

Nhân duyên sự thương xót:

Gồm có năm duyên:

Chúng sanh chịu khổ.

Chúng sanh làm ác.

Chúng sanh buông lung.

Chúng sanh tà kiến.

Chúng sanh ưa vui theo đuổi phiền não.

Chúng sanh chịu khổ: Nghĩa là luôn luôn chịu khổ, cho đến không một khoảnh khắc an vui. Đó gọi là chịu khổ.

Lại có chúng sanh tuy chẳng chịu khổ nhưng thân, miệng, ý tạo mười nghiệp ác, như làm mười nghề ác chẳng hạn. Như thế gọi là chúng sanh làm ác.

Lại có chúng sanh chẳng chịu khổ não, chẳng làm nghề ác nhưng ưa tham đắm năm thứ dục lạc, đam mê chơi bời, tham ái rồi thân chẳng tu pháp lành. Đây gọi là buông lung.

Lại có chúng sanh chẳng chịu khổ não, chẳng làm nghề ác, cũng chẳng buông lung, nhưng cầu giải thoát lại thấy biết sai lầm, thật chẳng phải nhân nhận thức là nhân, thật chẳng phải quả nhận thức là quả. Đây gọi là hạng tà kiến, như những ngoại đạo chẳng hạn.

Lại có chúng sanh chẳng chịu khổ não, chẳng làm nghề ác, chẳng có buông lung, chẳng theo tà kiến nhưng đủ sức trói buộc bởi các phiền não, vì phiền não làm chướng cho nên chẳng tu pháp lành.

Trên đây gọi là nhân duyên của sự thương xót. Do nhân duyên này mà tâm thương xót của Bồ Tát càng được tăng trưởng.

Nhân duyên nói năng mềm mỏng:

Gồm có năm:

Lời nói hay khéo thăm hỏi trước người.

Lời nói hay khéo hoan hỷ.

Lời nói hay khéo không sợ.

Lời nói hay khéo trong sạch.

Lời nói hay khéo giáo hóa.

Năm nhân duyên này như đã nói trong phẩm Ái ngữ thuộc tứ nhiếp pháp.

Nhân duyên dõng cảm mạnh mẽ:

Gồm có năm: Như đã nói ở phần đầu trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo.

Tức là: Các khổ sanh tử. Các hành vi ác nghiệp của chúng sanh.

Vô lượng đời làm lợi ích chúng sanh, cho nên chịu vô lượng khổ. Hết lòng giữ vững giới cấm của Bồ Tát. Hết lòng nghe nhận những pháp sâu diệu.

Nhân duyên không tham lam:

Gồm có năm:

Không phân biệt bố thí.

Vui vẻ bố thí.

Dốc lòng bố thí.

Trong sạch bố thí.

Đúng pháp được của bố thí.

Năm nhân duyên chẳng tham như đã nói rộng ở phẩm Bố thí độ.

Nhân duyên giải nói nghĩa sâu:

Gồm có năm: Nói nghĩa rất sâu trong các Khế Kinh, giải nói nghĩa Không của Đại Thừa, nói về thân trung ấm, giải nói nghĩa thoái chuyển, về ngã, về ngã sở, về Phật Tánh, Bồ Tát tánh, Như Lai tánh, giải nói về nghĩa Niết Bàn của ba thừa, nói về các sự cấu tạo của sắc, giải nói mười hai nhân duyên. Đây gọi là nghĩa rất sâu trong các Khế Kinh.

Có thể nói về nghĩa lý tỳ ni, như nói: Đây gọi là phạm, đây chẳng phải phạm, có thể sám hối, không thể sám hối, là nhẹ, là nặng, là tánh trọng, là giá trọng… như thế là nói nghĩa rất sâu của tỳ ni.

Nói nghĩa tạng Luận:

Dụ như nói rằng: Đức Phật lúc ấy vì các chúng sanh, Ngài dạy những điều gọi là vi phạm. Vì số người khác Phật nói giới khinh thành ra giới trọng, hoặc nói giới trọng thành ra giới khinh.

Nói như vậy là để cho một người được phép sám hối, cho đến để cho nhiều người được phép sám hối… đây gọi là nói nghĩa rất sâu của tạng luận.

Có thể tự giải nói nghĩa chân chánh.

Có thể biết tên gọi của tất cả pháp.

Quả công đức của sự thương xót: Tâm từ của Bồ Tát vì tất cả chúng sanh, vì hoặc ác tâm mà tu từ tâm, luôn luôn lợi ích chúng sanh, tâm không hối hận. Vì luôn tu tập cho nên hiện đời được sự an vui.

Bởi vậy Phật nói: Thành quả công đức của lòng từ bi, độc chẳng thể hại, đao kiếm chẳng làm tổn thương, ngủ không ác mộng, Chư Thiên thường theo ủng hộ bên mình. Khi bỏ thân này rồi sanh lên sơ thiền. Đây gọi là quả công đức của tâm thương xót.

Quả công đức của sự nói năng mềm mỏng: Đại Bồ Tát tu hành cách thức nói năng mềm mỏng. Tu hành như vậy có thể phá trừ bốn lỗi của miệng.

Lối nói mềm mỏng, tự lợi, lợi tha có thể làm cho chúng sanh yêu thích, vui nghe. Đây gọi là thành quả công đức nói năng mềm mỏng.

Quả công đức của sự dõng cảm mạnh mẽ: Bồ Tát ngay khi hiện tại hay phá biếng lười, cảm thọ một niềm hoan hỷ an lạc, sự vui đối với tâm cảnh vắng lặng, hộ trì giới cấm, tâm không hối hận, tự mình tư nhẫn và giáo hóa người tu hạnh nhẫn nhục, tu các khổ hạnh, trang nghiêm đạo bồ đề, tâm không thoái chuyển.

Đây gọi là thành quả công đức của sự dõng cảm mạnh mẽ.

Còn hai thành quả công đức: Chẳng tham lam và giải nói nghĩa sâu, như đã nói ở trước.

Thứ lớp: Thứ lớp là thế nào?

Đại Bồ Tát trước hết dùng tâm thương xót điều phục chúng sanh.

Kế đó nói năng mềm mỏng để phá nghiệp ác của chúng sanh. Thấy những chúng sanh chịu lấy ác nghiệp, Bồ Tát không chút sợ sệt mà sanh tâm cứu vớt. Đó chính là sự dõng cảm mạnh mẽ. Vì điều phục chúng sanh mà thực hành thí, kế đó nói về sự không tham lam và nói nghĩa sâu xa.

Nhiếp thủ:

Đại Bồ Tát tùy thuận năm tướng trên đây, nhiếp hết sáu pháp Ba la mật.

Tướng thương xót nhiếp về thiền Ba la mật và bát nhã Ba la mật.

Tướng dõng cảm mạnh mẽ nhiếp về tinh tấn Ba la mật, nhẫn nhục Ba la mật và bát nhã Ba la mật.

Tướng chẳng tham lam nhiếp về bố thí Ba la mật. Giải nói nghĩa sâu nhiếp về bát nhã Ba la mật và bố thí Ba la mật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần