Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thực Hành Phương Tiện - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống

 

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT THỰC HÀNH PHƯƠNG TIỆN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống  

PHẦN NĂM  

Lại nữa Đại Vương! Với Sa Môn Cồ Đàm thành tựu mười tám pháp bất cộng.

Đại Vương! Thế nào là mười tám pháp bất cộng.

Này Đại Vương! Đó là Phật Như Lai không lẫn lộn.

Miệng không nói những lời không đáng nói.

Không bị mất chánh niệm.

Không có tư tưởng khác.

Không lúc nào là tâm không định.

Không lúc nào là không biết về mình.

Bỏ dục không giới hạn.

Luôn luôn tiến bước không bao giờ lùi.

Chánh niệm không thay đổi.

Tất cả thân nghiệp đều do trí huệ dẫn đầu mà làm việc.

Tất cả khẩu nghiệp cũng đều do trí huệ dẫn đầu mà thực hiện.

Tất cả ý nghiệp cũng đều do trí huệ dẫn đầu mà thực hiện.

Nhìn thấy quá khứ một cách thông suốt.

Nhìn thấy vị lai một cách thông suốt.

Nhìn thấy hiện tại một cách vô ngại thông suốt.

Này Đại Vương! Đây có tên là Như Lai thành tựu mười tám pháp bất cộng.

Do vậy nên không ai có thể qua được.

Cho nên nói kệ rằng:

Thế Tôn chẳng lầm lẫn

Miệng luôn nói lời ngay

Niệm này chẳng thể mất

Cho nên chẳng ai trên

Chẳng có tưởng nào khác

Biết ngay tâm chẳng loạn

Tùy thời chẳng cho sanh

Tất cả trí chẳng trên

Muốn luôn được giảm theo

Việc tốt luôn chẳng ngừng

Niệm này chẳng để mất

Kia chẳng thể sanh khởi

Huệ chẳng bao giờ giảm

Hiểu không thể giới hạn

Nghĩa hiểu biết không dừng

Trí kia chẳng có buồn

Tất cả các thân nghiệp

Khẩu nghiệp và ý nghiệp

Tất cả đều tự lực

Tự biết chẳng mất được

Biết rằng trong quá khứ

Trí kia chẳng chướng ngại

Vị lai cũng chẳng sao

Hiện tại chẳng có gì

Những công đức như thế

Đó Sa Môn Cồ Đàm

Lại chẳng có gì hơn

Ta chẳng thể nói cùng.

Lúc ấy Bàn Trà Bát Thụ Đề Vương nghe qua công đức bất khả tư nghì công đức của Như Lai rồi, thấm nhuần hiểu biết, hoan hỷ ca tụng kính ngưỡng.

Rồi đến chỗ Tát Giá Ni Kiền Tử được rất nhiều hoan hỷ, được bất khả tư nghì ý tưởng, được niệm nơi Thế Tôn, được ý tưởng của thiện tri thức.

Lại có thêm tư tưởng giác ngộ. Được qua bên kia tất cả tri kiến. Được tư tưởng khải thỉnh. Được niệm tưởng, lại được ý tưởng bất khả tư nghì của Bồ Tát giải thoát.

Sau khi được những ý tưởng như thế từ tâm rồi, lại dùng trăm ngàn trân châu anh lạc giá trị cùng các loại y phục vô giá cúng dường Tát Giá Ni Kiền Tử rồi mới thán lên lời rằng: Lành thay! Lành thay! Tát Giá Ni Kiền Tử đã vì phương tiện mà thuyết pháp theo thứ lớp.

Lại nói rằng: Tát Giá nói những việc ấy tất cả đều thuận theo trí tuệ.

Việc thuyết pháp kia tất cả đều đạt đến tất cả trí.

Việc thuyết pháp kia cốt thoát ly sanh tử.

Nên biết rằng việc thuyết pháp kia làm cho các kiết sử không còn nữa.

Nhờ việc thuyết pháp ấy mà phá được những tật đố.

Việc thuyết pháp ấy như đánh trống lớn.

Việc thuyết pháp như thế hay phá hoại những ma đại kiêu mạn cao như núi.

Việc thuyết pháp kia làm khô đi biển ái dục.

Việc thuyết pháp kia như ánh sáng chiếu vào đường ngu si.

Việc thuyết pháp ấy nhằm giáo hóa chúng sanh không mất đi chánh niệm.

Sau khi Vua nói lời ấy rồi Tát Giá Ni Kiền Tử đáp lại lời Đại Vương như vậy: Bồ Tát uy nghi chẳng thể chẳng điều phục được chúng sanh, chẳng có sự thuyết pháp nào mà nghịch với Đại Thừa.

Nếu chẳng phải vì tăng trưởng tất cả trí.

Nếu chẳng phải vì trừ các kiết sử.

Nếu chẳng phải vượt qua biển sanh tử.

Nếu chẳng phải nên đến Niết Bàn.

Nếu chẳng phải gần gũi các Bồ Tát.

Nếu chẳng phải vì tự lợi lợi tha và đầy đủ cho kẻ khác thì chẳng có nơi nào như vậy cả.

Này Đại Vương! Nếu có một ý tưởng gì đó mới phát sanh cho đến việc tự lợi lợi tha này được đầy đủ vậy. Sau khi Tát Giá Ni Kiền Tử nói lời ấy rồi Bàn Trà Bát Thụ Đề Vương được đoạn khỏi nghi ngờ lòng tin được bất hoại. Cả mười sáu Vương Tử khác cũng sinh tâm hoan hỷ kính tin. Tám ngàn Thiên Tử được tam muội có tên là Trang Nghiêm Phật Hạnh.

Trong Vương cung ấy có mười ba ngàn Ni Kiền Tử đang ngồi, phát ư vô thượng tâm Chánh Giác.

Tất cả đều cởi áo để cúng dường Ni Kiền Tử, sau đó mới nói lời rằng: Chúng tôi hôm nay được nhiều lợi ích.

Vì thấy được Tát Giá Đại Thiện Nam Tử.

Lại nghe diễn thuyết theo pháp mà tùy thuận.

Lại nói rằng: Tát Giá! Thật đầy đủ, nếu muốn thấy Thế Tôn thì Như Lai hiện tại đang ở nơi vườn của ta.

Tát Giá đáp rằng: Tất cả đồng đến vậy.

Lúc bấy giờ Đại Vương cùng với tất cả quyến thuộc đại thần nhân dân rất là cung kính.

Từ ngoài thành, Đại Vương nói lớn rằng: Ngoại trừ những kẻ phạm tội sát, trong thành tất cả các nam tử và nữ nhân, đồng nam đồng nữ sau khi nghe lệnh của Vua rồi hãy tắm gội sạch sẽ, tẩm hương hoa vào tóc vào mình sau đó ra khỏi thành, hướng về nơi vườn và chờ Đức Vua.

Lúc ấy thì Bát Thụ Đề Vương cùng với Tát Giá Ni Kiền Tử cùng với các Đại Thần, Vương Tử, binh lính. Nội cung dâm nữ cùng với nhân dân lên ngựa đi quanh.

Đại Vương oai đức. Vua có thần lực lớn. Nhà Vua biến hóa, Nhà Vua vui tươi, kích động bảo cái phan lọng với trăm ngàn âm nhạc ca múa xướng lên, ống tiêu, ống địch phát ra nhiều tiếng hay lạ. Hằng trăm thớt voi ngựa dẫn đoàn ra đi. Dùng những loại vàng bạc để trang trí xe voi xe ngựa.

Có chín mươi tám ức người vây quanh vượt qua và hướng về nơi Đức Thế Tôn. Đến rồi đảnh lễ dưới chân Đức Phật rồi đi nhiễu bên phải ba vòng, đoạn đứng lại nhìn thẳng. Tát Giá Ni Kiền Tử cùng với quyến thuộc cũng đảnh lễ dưới chân Phật rồi đi nhiễu qua phía phải rất nhiều vòng như thế, đứng yên chắp tay nhìn Phật không động.

Lúc ấy Đại Đức Xá Lợi Phất thấy Tát Giá Ni Kiền Tử đến trước Phật và dùng mắt để chiêm ngưỡng Phật không cử động.

Sau khi thấy việc ấy rồi liền mới suy nghĩ rằng: Vì lý do gì mà Tát Giá Ni Kiền Tử lại đến đây vậy?

Sau khi nghĩ như vậy rồi mới hỏi Tát Giá Ni Kiền Tử: Này Tát Giá! Vì lý do gì mà đến nơi Như Lai vậy?

Tát Giá Ni Kiền Tử đáp rằng: Vì muốn nghe thấy Như Lai thuyết pháp vậy.

Đại Đức Xá Lợi Phất nói: Tôi chẳng thấy Phật cũng chẳng hề nghe pháp.

Đại Đức tiếp: Tôi nay chẳng dùng tất cả pháp để thỉnh cầu nơi Như Lai.

Vì sao vậy?

Ngài tiếp: Thấy sắc chẳng phải thấy. Đó là Như Lai. Thấy thọ tưởng hành thức lại chẳng có tên, thì mới thấy được Như Lai.

Chẳng thấy đất nước gió lửa, mới có thể thấy Như Lai.

Chẳng thấy có cái ta, mới thấy được Như Lai.

Chẳng thấy chúng sanh, chẳng thấy thọ mạng.

Chẳng thấy dưỡng dục, mới có thể thấy Như Lai.

Chẳng thấy trượng phu, mới có thể thấy Như Lai.

Chẳng thấy chỗ ta được, chỗ được thuộc về ta, mới có thể thấy Như Lai.

Chẳng thấy nơi tướng, mới có thể thấy Như Lai.

Ngài Xá Lợi Phất tiếp:

Chẳng thấy tất cả tướng, mới có thể thấy Như Lai.

Chẳng thấy sự chấp trước, mới có thể thấy Như Lai.

Thấy chẳng có một vật nào, mới có thể thấy Như Lai.

Thấy được bản tánh của chính mình, tức thấy Như Lai.

Thấy nhãn sắc lìa ham muốn, mới thấy được Như Lai.

Thấy việc tai nghe không còn lời nói, mới thấy được Như Lai.

Thấy mùi thơm nơi mũi không hòa hợp, mới thấy được Như Lai.

Thấy mùi vị nơi lưỡi không còn nữa, mới thấy được Như Lai.

Thấy thân khi va chạm không còn cảm giác nữa, mới thấy được Như Lai.

Thấy ý không còn phân biệt nữa, lúc ấy mới thấy Như Lai.

Ngài Xá Lợi Phất nói: Này Tát Giá! Đó là cách thấy Như Lai vậy.

Thế nào là thấy Như Lai vậy?

Tát Giá đáp rằng: Đại Đức Xá Lợi Phất, chẳng có loại nào thấy hết, tức thấy Như Lai. Cũng chẳng phải tánh mà thấy Như Lai. Phi tướng phi vô tướng, phi pháp phi vô pháp, phi thật phi bất thật, phi cảnh giới phi bất cảnh giới. Phi tư duy phi bất tư duy.

Chẳng phân biệt cũng chẳng phải chẳng phân biệt.

Chẳng phải hữu vi cũng chẳng phải vô vi.

Chẳng phải vật cũng chẳng phải chẳng vật.

Chẳng nhóm họp, chẳng chia ly.

Chẳng sắc, chẳng thọ, chẳng tưởng, chẳng hành, chẳng thức.

Chẳng giữ lấy, chẳng phải chẳng giữ lấy.

Tức là có thể thấy Như Lai.

Ngài Xá Lợi Phất nói: Này Tát Giá! Những việc như thế có thể thấy Như Lai.

Này Bậc Trượng Phu! Thế nào là việc có thể thấy được Như Lai ư?

Tát Giá đáp rằng: Đại Đức Xá Lợi Phất! Tôi chẳng dùng sắc để thấy Như Lai, cũng chẳng lìa sắc để thấy Như Lai.

Lại cũng chẳng làm cho sắc mất đi để thấy Như Lai.

Thọ tưởng hành thức cũng lại như thế.

Chẳng dùng thức để thấy Như Lai.

Chẳng lìa thức để thấy Như Lai.

Lại chẳng hoại thức để thấy Như Lai.

Chẳng phải phân biệt hiện tại để thấy Như Lai.

Chẳng phải phân biệt đời trước để thấy Như Lai.

Chẳng phải phân biệt cõi âm để thấy Như Lai.

Chẳng phải phân biệt cảnh giới để thấy Như Lai.

Tôi đã thấy Như Lai như vậy đó.

Tôi thấy tất cả lời nói chẳng phải lời nói, tức thấy Như Lai.

Tôi chẳng thấy lại chẳng phải chẳng thấy.

Chẳng phải có mà cũng chẳng phải chẳng có.

Chẳng phải phân biệt mà cũng chẳng phải chẳng phân biệt.

Chẳng suy nghĩ, chẳng tranh luận, chẳng não phiền, chẳng khởi lên, chẳng giữ, chẳng bỏ, chẳng hí luận.

Chẳng làm sự suy nghĩ mà cũng chẳng phải chẳng làm sự suy nghĩ.

Chẳng tạo nên vật mà cũng chẳng phải chẳng tạo nên vật.

Chẳng phải có động tác mà cũng chẳng phải chẳng có động tác.

Chẳng thấy việc có làm mà cũng chẳng thấy chẳng có việc có làm.

Chẳng thấy không có cảnh giới mà cũng chẳng phải chẳng thấy không có cảnh giới.

Chẳng có ngôn ngữ mà cũng chẳng phải chẳng có ngôn ngữ. Ấy là thấy Như Lai vậy.

Lìa tất cả lời nói đàm luận, âm thanh, tức thấy Như Lai vậy.

Lại cũng chẳng thấy gì cả.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Chư Bồ Tát thấy Như Lai như thế, thì tôi cũng lại thấy Như Lai như vậy.

Ngài Xá Lợi Phất nói rằng: Ta đây cũng thấy Như Lai như vậy đó.

Nhưng ngươi vì sao muốn nghe thuyết pháp vậy?

Tát Giá đáp rằng: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Nếu tôi nghe được Như Lai thuyết pháp.

Từ pháp ấy sẽ sinh ra tưởng hoặc chẳng tưởng.

Vì sao vậy?

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Chư Bồ Tát đều từ lời nói ấy mà sinh ra pháp. Cũng chẳng chấp trước lại chẳng sanh suy nghĩ.

Vì sao vậy?

Vì lìa pháp suy nghĩ vậy.

Ngài Xá Lợi Phất nói rằng: Này Tát Giá! Chẳng phải vì muốn nghe pháp mà đến Như Lai sao?

Tát Giá đáp rằng: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Tôi chẳng cầu pháp mà cũng chẳng phải chẳng cầu pháp nên mới đến Như Lai.

Vì sao vậy?

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Phàm kẻ cầu pháp có nghĩa chẳng cầu tất cả pháp.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Phàm kẻ cầu pháp chẳng đến trước Phật để cầu chẳng đến pháp để cầu, chẳng đến trước Tăng để cầu.

Chẳng biết khổ công để cầu.

Chẳng mất niềm tin mà cầu.

Chẳng phải vì tu đạo mà cầu.

Chẳng phải không còn sự hiểu biết mà cầu.

Chẳng qua khỏi Dục Giới, qua khỏi Sắc Giới, qua khỏi Vô Sắc Giới mà cầu.

Chẳng cầu sanh tử.

Chẳng cầu Niết Bàn.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất!

Hãy nên biết rằng: Tôi chẳng phải cầu một pháp nào cả mà đến nơi Như Lai.

Ngài Xá Lợi Phất bảo: Vì nhân duyên gì mà nói lời như thế?

Tát Giá đáp rằng: Lại tánh của pháp giới chẳng có nhân duyên. Chẳng phải chẳng có nhân duyên, lại cũng chẳng được vậy.

Ngài Xá Lợi Phất nói rằng: Nay ngươi đang lưu chuyển vào con đường nào?

Tát Giá thưa rằng: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Nếu có con đường nào đó tức có tôi lưu chuyển.

Nếu có sự sanh ra nào đó. Tức tôi có sanh.

Nếu có việc ra đi nào đó. Tức tôi có chết.

Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Tất cả các pháp đều chẳng đến cũng chẳng phải mất còn.

Ngài Xá Lợi Phất nói rằng: Này Tát Giá!

Như Phật đã dạy: Này các Tỳ Kheo! Sanh già bệnh chết vậy.

Tát Giá đáp rằng: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Tất cả chúng sanh đều nương vào con đường hay nơi kiêu mạn. Phá hoại sự nương nhờ đó, Đức Như Lai Thế Tôn mới dạy như thế. Phật Pháp, Như Lai tánh chẳng có sự sanh già bệnh chết như thế.

Ngài Xá Lợi Phất đáp rằng: Lành thay! Lành thay!

Tát Giá! Nay ngươi đang nói Đại Thừa hay phân biệt nghĩa vậy.

Tát Giá đáp rằng: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất!

Nay tôi muốn biết nghĩa ấy là thế nào?

Vì sao gọi là phân biệt?

Ngài Xá Lợi Phất nói rằng: Này Thiện Nam Tử! Ta đã chẳng nói ta nay muốn nghe.

Này Thiện Nam Tử! Ta đang diễn thuyết.

Nghĩa này thế nào?

Phân biệt những gì? 

Tát Giá đáp rằng: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Nghĩa là chẳng có lời nào để nói nữa.

Nếu có lời nói tức có phân biệt.

Lại cũng có nghĩa là chẳng thể nói gì cả.

Nếu có lời nói tức có phân biệt.

Lại cũng có nghĩa chẳng nói lời nào, mà có lời nào tức có phân biệt.

Lại cũng có nghĩa, chẳng có sự động tịnh, không có những hí luận, chẳng có phân biệt, chẳng có trang nghiêm.

Chẳng có vật nào, chẳng có điều tôi nghĩ đến.

Chẳng dũng mãnh, chẳng thể lấy, chẳng thể thấy.

Chẳng thể ở yên, lìa xa tất cả những lời nói về nơi ở yên.

Lại có kẻ phân biệt rằng: Sự suy nghĩ nhiều, đến đi nơi tâm người khác.

Lại có nghĩa rằng vì tên gọi mà có sự phân biệt.

Kẻ phân biệt có nghĩa là lời nói pháp ấy vui hay không vui.

***

 

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần