Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tòng đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm ý
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT TÒNG ĐÂU
THUẬT THIÊN HÀNG THẦN MẪU
THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM HAI MƯƠI BA
PHẨM Ý
Bấy giờ trong hội chúng có Bồ Tát tên Căn Liên Hoa, huệ thí vô ngại, thực hành bốn tâm bình đẳng kiên cố khó lay động, đi đứng nằm ngồi không mất oai nghi lễ độ. Từ vô số kiếp đến nay luôn tu hành phạm hạnh, thiền định không tán loạn, phân biệt rõ ràng về thiện ác, quán sát chúng sanh có tâm dâm nộ si hay không có tâm dâm nộ si.
Dù nhiều hay ít gì cũng đều biết rõ, dạo đi qua các cõi Phật, cúng dường phụng thờ Chư Phật Thế Tôn. Khéo dùng phương tiện thị hiện vô thường, vô ngã, vô thân, vô thọ mạng, vô nhân.
Đi biết đi, đứng biết đứng, có lòng từ bi thương xót hết thảy mọi loài.
Khi ấy Bồ Tát Căn Liên Hoa đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải sát đất, chấp tay thưa trước Phật: Lành thay, bạch Thế Tôn!
Ý của bốn đạo ở chỗ nào?
Ý hữu vi hay ý vô vi?
Ý là quả hay ý là phi quả?
Ý là hữu đối hay vô đối?
Ý có thể thấy hay không thể thấy?
Ý là quá khứ, vị lai, hiện tại hay chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại?
Ý là pháp của Tiên Nhân, hay chẳng phải pháp của Tiên Nhân?
Ý là pháp hữu vi hay là pháp vô vi?
Ý là pháp hữu lậu hay là pháp vô lậu?
Đối với quả báo ba pháp thì ý ở đâu?
Ý ở trong đen hay quả báo đen?
Ý ở trong trắng hay quả báo trắng?
Ý ở trong không đen không trắng, hay trong quả báo không đen không trắng?
Ý ở hành pháp thô, hay hành pháp tế?
Thế Tôn dạy Bồ Tát Căn Liên Hoa: Lành thay! Lành thay! Này Bồ Tát Căn Liên Hoa! Nghĩa mà ông hỏi là thương xót tất cả, khai hóa pháp tâm ý thức cho chúng sanh, thị hiện ánh sáng cho người mù tối. Nay ông hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ.
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:
Tối thắng không ai bằng
Thanh tịnh không vết dơ
Mặt đẹp như hoa sen
Không bị bụi làm dơ
Sống ở đời hữu vi
Bị khổ nạn ba cõi
Ta không, kia cũng không
Ý tịch không tâm thức
Như nước trong đồ đựng
Tùy theo tướng của vật
Quá khứ vốn chẳng có
Hiện tại hành thiện ác
Vị lai pháp sẽ hoại
Ý này vốn chẳng phải
Bồ Tát hành đại bi
Cũng hiện đối vô đối
Rửa trừ bệnh dơ nhớp
An ổn đạo cứu cánh
Người bị năm cái che
Khiến tâm bị chướng ngại
Như Trời chiếu thiên hạ
Thường bị năm việc che
Khói bụi trần Tu Luân
Bít lấp pháp căn môn
Ý vốn không thiện ác
Theo hành động đã tạo
Tịch diệt, không, vô pháp
Như nhánh nhiều trái, gãy
Ví như cây chuối ấy
Lột mãi không có lõi
Thân người do bốn đại
Tìm ý không ý căn
Ý ở trong ba đời
Ba đời không có ý
Phân biệt thức tâm pháp
Tìm cầu không thật có
Ý pháp không hình tướng
Không thể nói ý ấy
Tâm nghĩ rất nhiều điều
Sanh diệt không đứt đoạn
Quá khứ nghĩ thiện ác
Vị lai sẽ thọ báo
Hiện tại hành đã đủ
Ý tạo chẳng phải ai
Một niệm chín mươi ức
Nghiệp có thiện có ác
Chỉ một niệm tạo ra
Diệt trừ không thể hết
Huống chi ngày tháng kiếp
Nghiệp thiện ác đã tạo
Người trí sẽ hộ thân
Kiên cố không lay động
Như kẻ phạm tội kia
Bưng bát dầu đầy tràn
Nếu rớt một giọt dầu
Càng thêm bị tội lớn
Hai bên trỗi âm nhạc
Sợ chết không dám nhìn
Bồ Tát tu tịnh quán
Giữ ý như Kim Cang
Chê khen và não loạn
Tâm ý không lay động
Hiểu không xưa nay tịnh
Không kia, đây, chặng giữa
Pháp chân như bốn đế
Hướng đến cửa Niết Bàn
Những việc xưa ta tạo
Kết nối gốc thân căn
Chẳng tính thầy, đệ tử
Có thể tính đếm được
Vô số ức ngàn kiếp
Đem thân đền nợ tội
Thân voi ngựa lục súc
Không được sanh làm người
Dù được làm thân người
Bị điếc, đui, câm, ngọng
Phật hiện chiếu thế gian
Biên địa không thấy Phật
Khổ năm vạc nước sôi
Thuần ác không nghe thiện
Điên đảo theo tà pháp
Trong chân tánh đạo suy
Ta từ vô số kiếp
Giữ hạnh như bát dầu
Yêu thân tự giữ gìn
Đưa đến chỗ vô úy
Chín mươi sáu loại đạo
Như đom đóm trong đêm
Phật nhật chiếu thế gian
Trừ bỏ các tối tăm
Có Phật người đời vui
Có thuốc người bệnh vui
Có bảo người nghèo vui
Thành Phật Niết Bàn vui
Khổ hạnh nhẫn nhục vui
Ta không chấp sắc vui
Xan tham bố thí vui
Giữ giới không phạm vui
Được nghe Phật dạy vui
Tư duy thiền định vui
Hữu vô bình đẳng vui
Khó gặp được gặp vui
Địa ngục bát nạn khổ
Vô cứu đệ nhất khổ
Hạt giống mục nát khổ
Gieo mạ không lên khổ
Sanh Thiên rồi đọa khổ
Chánh kiến đảo điên khổ
Rồng Nan, bạt nan khổ
Quấn núi Tu Di khổ
Kiếp thiêu lửa cháy khổ
Trạo hối cầu Phật khổ
Nhất hạnh hướng nhất đạo
Nhất tâm không thối lui
Một thân tu đạo đức
Cuối cùng thành nhất thật
Tu nhất, không lìa nhất
Đoan nghiêm nhất biết nhất
Giữ nhất, không lìa nhất
Nên nói đi một mình.
Khi Thế Tôn nói kệ này, có mười sáu na do tha chúng sanh đạt được dấu đạo ban đầu, trừ bỏ trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, với vô sở trước nhập vào định tam muội.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba