Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tòng đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Phẩm Mười Năm - Phẩm Chúng Sanh Nhập Lục đạo
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT TÒNG ĐÂU
THUẬT THIÊN HÀNG THẦN MẪU
THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI NĂM
PHẨM CHÚNG SANH NHẬP LỤC ĐẠO
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nhập vô lượng biến quán định ý, quán sát đại chúng còn có điều nghi ngờ. Muốn giải nghi, Ngài hiện chân thật bằng cách nhấn ngón chân phải xuống đất. Ngay lúc đó hiện ra chúng sanh trong lục đạo đứng xếp hàng ngay thẳng.
Thế Tôn nói với đại chúng: Các ông có thấy chúng sanh trong lục đạo này không?
Đại chúng đều thưa: Bạch Thế Tôn, thấy ạ! Khi ấy, trong đại chúng có Bồ Tát tên Tự Tại đã đắc vô lượng pháp môn Hư Không tạng, có trí huệ biện tài ứng đối vô ngại. Đây là vị đứng đầu trong mười sáu Thánh Tử của hiền kiếp này. Bồ Tát đi khắp mười phương cõi để thi hành Phật Sự.
Bồ Tát đứng dậy, trịch bày vai phải, chân phải sát đất, chấp tay bạch trước Phật: Bạch Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn! Con rất muốn nghe nói về quả báo hành nghiệp của chúng sanh trong sáu đường. Những điều con hỏi hơi cạn cợt, cúi xin Ngài chỉ dạy. Khi ấy, giữa đại chúng Thế Tôn mỉm cười với khuôn mặt hiền hòa.
Theo thường pháp của Chư Phật Như Lai, Phật không phải cười suông, mà cười thì đều có nhân duyên: Như nếu có chúng sanh nào sanh vào Trời Phạm Thiên thì khi ấy Phật mỉm cười.
Có ai sắp làm Chuyển Luân Thánh Vương thì Phật mỉm cười.
Có ai làm ngục tốt hoặc làm Vua Diêm La thì khi đó Phật cũng cười.
Có ai thọ thân ngạ quỷ, Phật cũng cười.
Có ai làm Vua loài súc sanh, Phật cũng cười.
Bấy giờ, nơi giữa miệng Thế Tôn phóng ra ánh sáng năm màu, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, rồi thâu ánh sáng trở lại nhập vào đỉnh đầu và Ngài dạy Bồ Tát Tự Tại: Những điều ông hỏi chính là điều mà do oai thần của Như Lai ứng tiếp, cũng là do Chư Phật mười phương hộ trì nên có thể đưa ra câu hỏi như vậy. Nay ta sẽ phân biệt rõ ràng cho ông về nhân duyên hành nghiệp của chúng sanh trong sáu đường. Ông hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ.
Bồ Tát Tự Tại thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Con xin được muốn nghe.
Phật dạy Bồ Tát Tự Tại: Ông hãy đưa mắt nhìn về phương Đông, có Cõi Trời Phạm, Trời Đại Phạm, Trời Thanh Tịnh Phạm và cho đến Trời Sắc Cứu Cánh.
Các chúng Trời này đầu tiên tu hành phạm hạnh đều có chủng tử Phật, tu các công đức. Vì tham phước báo, đắm nhiễm, chìm theo năm dục nên đạo quả theo nhân duyên mà đều thọ thân Trời, tính phước của Phạm Thiên rất nhiều.
Nay Ta sẽ nói rõ ràng cho ông: Như Chuyển Luân Vương có bảy báu tùy tùng đầy cả ba ngàn đại thiên thế giới.
Bảy báu đó là:
1. Voi báu: có ba mươi hai ngà, màu lông trắng tinh, chân đạp trên hoa sen và có thể bay được.
2. Ngựa báu: thân màu xanh biếc, lông cổ bờm ngựa màu đỏ, có thể bay được. Đi đến đâu đều không bị chướng ngại và biết tâm niệm của người.
3. Châu báu: ánh sáng thấu triệt khắp nơi, chiếu khắp cả hư không, cho đến chiếu khắp bốn thiên hạ.
4. Luân báu xe báu: xe có ngàn căm, điêu khắc chạm vẽ không hình nào giống hình nào. Báu thứ tư này không có thức.
5. Ngọc nữ báu: Là người đẹp nhất trong phái nữ, tánh hạnh dịu dàng, đoan trang thùy mị, hiếm có ở thế gian, không cao không thấp, không trắng không đen. Thân có mùi thơm Ưu Đàm Bát La Liên Hoa, miệng có mùi thơm ngưu đầu Chiên Đàn, cung kính, khiêm nhường, từ tốn, biết tâm ý của Thánh Vương.
6. Thần báu giữ kho: Khi Vua cần báu thì tay cầm thần khí cụ giơ lên hư không mà viết thì thành báu, lấy hay thôi tùy Vua.
7. Chủ binh báu: Khi Thánh Vương xuất hành cần bốn bộ binh.
Vua bảo chủ binh báu rằng: Nay ta muốn đi xem xét đất nước. Hãy mau tập hợp binh chúng trước cung điện của ta. Chớ để trễ giờ. Nhận lệnh Vua, chủ binh báu quay nhìn về phía Đông thì binh voi đã tập hợp thẳng hàng ở phía Đông. Liếc mắt nhìn về phía Nam thì binh mã đã tập hợp thẳng hàng ở phía Nam.
Quay nhìn lại phía Tây thì binh xa đã tập hợp thẳng hàng ở phía Tây. Quay nhìn phía Bắc thì bộ binh đã tập hợp thẳng hàng ở phía Bắc.
Chuyển Luân Thánh Vương tùy ý cỡi voi, hoặc ngựa đến Phất Can Tiệp Châu, Uất Đàn Viết, Đề Câu Da, Vi Đề, dạo đi khắp bốn phương nhưng chân không đạp đất. Qua trăm năm, ngàn năm, ngàn trăm năm hưởng phước tự nhiên. Thân của Chuyển Luân Thánh Vương khắp cả bốn thiên hạ nhưng không bằng thân Đế Thích.
Vì sao?
Vì nơi Đế Thích thống lãnh có cung điện bảy báu, có quyến thuộc, ngọc nữ ngồi trong điện đường bảy báu, hưởng thú voi Cõi Trời. Nhìn Đông quên Tây, nhìn Nam quên Bắc, khoái lạc không thể tả.
Dù thân Đế Thích như vậy nhưng cũng không bằng Thiên Vương thứ sáu. Thân có ba mươi tướng, thần đức tự tại, tùy theo tâm niệm biến hóa đủ thân hình, binh chúng tùy tùng không thể đếm xuể, công đức phước nghiệp bố thí vô ngại.
Như hạng Lục Thiên Vương khắp bốn thiên hạ nhưng không bằng một Đại Phạm Thiên Vương, có công đức rộng lớn, trông coi ba ngàn Đại Thiên Quốc Độ. Chúng Phạm Thiên nhiều vô lượng, không thể tính đếm, sống rất lâu, hơn một hiền kiếp thọ mạng mới hết.
Bấy giờ, Thế Tôn dạy Bồ Tát Tự Tại: Ông đưa mắt nhìn về phương Nam thì sẽ thấy vô số Chuyển Luân Thánh Vương đứng sắp hàng ở phía Nam. Công đức của Chuyển Luân Thánh Vương rất nhiều, như đã nói ở trên.
Họ giữ năm giới, mười điều thiện, cung kính phụng thờ bậc Hiền Thánh, giữ giới của Tiên Nhân, bát trai thanh tịnh, căn tướng hợp nhau, thương xót mọi người, không có tâm làm tổn hại, hưởng quả báo phước ấy khó lường, cho nên được kế thừa ngôi vị Chuyển Luân Vương.
Phật dạy Bồ Tát Tự Tại: Ông đưa mắt nhìn về phương Tây thì thấy Sư Tử Vương đứng thẳng ở phía Tây, theo sáu việc, đứng bất động, lông trắng tinh, ngực vuông vức. Đó là do phước báo đức hạnh của kiếp trước. Mặc dù thọ thân súc sanh nhưng phân biệt rõ về thiện ác.
Chân đạp hoa sen không dính bụi đất. Không bao giờ sát sanh, ăn thịt uống máu. Một khi Sư Tử Rống lên thì loài bay trên không đều rơi xuống đất, loài thú chạy phải nép mình.
Trong năm giới, sư tử cũng không phạm quá ba, cho nên đạt được phước báo như vậy. Mặc dù đọa làm súc sanh nhưng khi chuyển xả thân đều được thành đạo.
Phật dạy Bồ Tát Tự Tại: Ông quay nhìn về phía Bắc thấy ngạ quỷ ở cung điện bảy báu, quyến thuộc tùy tùng đều ăn tự nhiên pháp vị Cam Lồ. Tuy gọi là ngạ quỷ nhưng đều theo ủng hộ loài người để tu thiện.
Nó cũng có thần túc đi đến các Cõi Phật, Lễ Kính Chư Phật, vâng giữ chánh pháp, đứng biết đứng, đi biết đi, cảm động tùy thời, không tuân giữ thường pháp, dạo qua cõi Ta Bà này để cùng hội họp với chúng thiện. Không bao lâu chuyển xả thân thì thành đạo.
Phật dạy Bồ Tát Tự Tại: Ông quay nhìn xuống dưới thấy Vua Diêm La lấy năm việc để cai trị, luôn luôn chân chánh.
Năm việc đó là gì?
Trước mặt tội nhân chất vấn hỏi: Trong nhân gian có Phật, có Pháp, có Tăng Tỳ Kheo, có cha, có mẹ không?
Tội nhân trả lời: Thưa Đại Vương thật có.
Khi ấy Thánh Vương nói kệ hỏi:
Gông cùm, xiềng xích sắt
Vạc dầu, trụ đồng cháy
Nước dương đồng, kềm, xoa
Đền trả không bao lâu
Tự tạo gốc nhân duyên
Nghiệp báo chẳng phải ai
Cả cha mẹ, anh em
Chẳng ai thế chịu khổ
Ta muốn học xuất gia
Giữ giới không vi phạm
Hành chánh pháp bình đẳng
Ngày vẫn ba lần nấu.
Hỏi năm việc xong, Vua Diêm La liền ra lệnh và giao phó cho ngục tốt tùy theo tội nặng nhẹ mà sử trị. Trong số tội nhân ấy, ai nghe tiếng Phật Pháp thì tội diệt phước sanh, trở lại làm người, tu hành thanh tịnh. Đó gọi là báo ứng của chúng sanh trong lục đạo.
Nghe Phật dạy xong, Bồ Tát Tự Tại lạy sát chân Phật rồi trở về vị trí cũ. Khi ấy, trong hội chúng có tám ngàn ức chúng sanh ở chỗ không vui, đọa trong sáu đường đều phát vô thượng tịch diệt không vô và xa lìa sanh tử.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba