Phật Thuyết Kinh Bổn Sư - Phẩm Ba - Phẩm Pháp Ba - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường

  

PHẬT THUYẾT KINH BỔN SỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Huyền Trang, Đời Đường  

PHẨM BA

PHẨM PHÁP BA  

PHẦN BA  

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế này.

Các Tỳ Kheo nên biết! Ở nơi thế gian này tử, con có ba loại.

Thế nào là ba?

Một là đẳng tử, hai là thắng tử và ba là liệt tử.

Thế nào gọi là đẳng tử?

Nghĩa là có một loại cha mẹ do giới đức mà tạo thành điều thiện hay lìa sát sanh, lìa trộm cướp, lìa dục tà hạnh, lìa vọng ngữ, lìa uống các loại rượu sanh ra giải đãi.

Người con cũng đầy đủ giới đức, thành thục điều phục các thiện pháp, hay lìa sát sanh, lìa trộm cướp, lìa dục tà hạnh, lìa vọng ngữ là lìa uống các thứ rượu sanh ra giải đãi. Cho nên đây gọi là đẳng tử.

Còn thế nào gọi là thắng tử?

Nghĩa là có một loại cha mẹ phạm giới làm các điều ác, vui việc giết hại, làm việc trộm cướp, làm việc tà hạnh, làm việc nói dối và uống những thứ rượu say sinh ra buông lung.

Người con có thể trì giới điều phục thuần phục các pháp lành, hay lìa sự giết hại, lìa sự trộm cướp, lìa sự tà hạnh, lìa sự nói dối, lìa việc uống các thứ rượu say sinh ra giải đãi. Cho nên có tên là thắng tử.

Thế nào gọi là liệt tử?

Nghĩa là có một loại cha mẹ đầy đủ giới đức, điều phục thiện pháp hay lìa sát sanh, hay lìa trộm cướp, hay lìa tà hạnh, hay lìa nói dối và hay lìa uống các thứ rượu sinh ra giải đãi.

Còn người con thì phạm giới, làm các việc ác, vui việc sát sanh, làm việc trộm cướp, làm việc tà hạnh, làm việc nói dối và làm việc uống rượu sinh ra những giải đãi. Nên có tên là liệt tử. Như thế đó trong thế gian này có tên gọi cho người con có ba loại như thế.

Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:

Thế gian người có trí

Có loại đẳng, thắng tử

Chẳng vui là liệt tử

Làm tổn hại gia môn

Nên biết trong ba ấy

Một liệt hai làm thắng

Đức Phật đã nói rằng

Các Hiền Thánh cũng vậy

Hai kia tin giới luật

Trí huệ chẳng ngăn ngại

Như Trời trong trăng sáng

Nơi đâu cũng sáng sủa

Nên gần gũi cúng dường

Chư Phật đều xưng dương

Xa lìa các trần cấu

Việc làm chẳng sợ hãi.

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế này.

Các Tỳ Kheo nên biết! Có một loại Tỳ Kheo tôn trọng chánh pháp vui theo chánh pháp, thực hiện theo chánh pháp, siêng năng hành trì, thường thích hành pháp.

Như thế Tỳ Kheo, tùy niệm chánh pháp, thường vui và xa rời tham, không có căn lành, chẳng tham thiện căn, tu hành đầy đủ, thường hay vui vẻ đoạn trừ sân bất thiện căn, vô sân thiện căn, tu cho viên mãn.

Thường vui để đoạn trừ si bất thiện căn, tu bốn niệm trụ, lại làm cho đầy đủ, tu bốn niệm trụ, chứng được viên mãn rồi, tu bốn chánh đoạn, lại làm cho viên mãn, tu bốn chánh đoạn, được viên mãn rồi, tu bốn thần túc, lại làm cho viên mãn rồi, tu bốn thần túc.

Được đầy đủ rồi tu tập ngũ căn, làm cho viên mãn rồi, tu tập ngũ căn, làm cho viên mãn rồi tu tập ngũ lực. Làm cho viên mãn rồi, tu tập ngũ lực, được viên mãn rồi tu thất giác chi, làm cho viên mãn rồi, tu thất giác chi, được viên mãn rồi tu bát thánh đạo, làm cho viên mãn rồi tu bát thánh đạo, được viên mãn rồi thì được sáng và giải thoát. Tất cả đều được viên mãn.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:

Tôn trọng pháp thường vui

Làm cho pháp lưu hành

Nơi pháp thường hay nhớ

Hay chẳng lùi chánh pháp

Chánh niệm tu thiện niệm

Chẳng nhớ làm việc ác

Hành pháp định hay siêu

Đời này đời khác vui

Pháp giúp người hành pháp

Như lúc mưa có dù

Hành pháp giúp lợi lạc

Chẳng thể đọa tam đồ.

Ta đã từng nghe Đức Thế Tôn nói lời như thế này.

Các Tỳ Kheo nên biết! Thế gian này lược nói có ba loại tầm tư.

Các Tỳ Kheo hữu học! Khi chưa chứng được thì mong cầu chứng được vô thượng an lạc, hay làm cho thoái thất.

Thế nào là ba?

Thứ nhất là thân cận tương ưng với tầm tư, hai là sự lợi dưỡng tưng ứng với tầm tư, ba là đố thắng tương ứng với tầm tư. Như thế lược nói có ba loại tầm tư. Các Tỳ Kheo hữu học, kẻ chưa được tâm muốn cầu được vô thượng an lạc thì phải làm cho mất đi.

Cho nên các ngươi phải biết học như thế này. Ta nay vì chẳng khởi sự gần gũi tương ưng với tầm tư, chẳng khởi lợi dưỡng tương ưng với tầm tư, chẳng khởi đố thắng tương ưng với tầm tư.

Này các Tỳ Kheo! Nên biết như thế.

Lúc ấy Đức Thế tôn sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:

Nương tối tăm tầm tư

Lược nói có ba thứ

Học cầu vô thượng lạc

Làm chướng tất vô ngại

Nương gần gũi tương ưng

Lợi dưỡng và đố thắng

Đến vui lớn tịnh lớn

Cuối cùng không có nghịch

Bỏ thân thuộc lợi dưỡng

Và đố thắng tầm tư

Nhiếp chỉ quán khuyên tu

Sớm dứt được sự khổ.

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế này.

Các Tỳ Kheo nên biết! Lược nói có ba pháp. Có học Tỳ Kheo kẻ chưa được tâm muốn cầu vô thượng an lạc thì phải nên làm cho mất đi.

Thế nào là ba?

Một là Tỳ Kheo vui mừng theo công việc như nghiệp tham ái, đắm trước vào nghiệp.

Hai là các Tỳ Kheo vui mừng theo nói chuyện, tham ái việc đàm thoại, đắm trước nơi câu chuyện.

Ba là các Tỳ Kheo vui theo sự ngủ nghỉ, tham ái và ngủ nghỉ, đắm trước vào ngủ nghỉ.

Như thế có ba pháp.

Các hữu học Tỳ Kheo kẻ chưa được tâm muốn cầu được pháp vô thượng an lạc thì phải làm cho mất đi. Cho nên các ngươi phải nên biết, ta sẽ vì những nghiệp không vui, chẳng nghiệp vì ái, chẳng nghiệp vì đắm trước.

Ta sẽ vì chẳng vui nói chuyện, chẳng ưa đàm thoại, chẳng đắm trước nói chuyện, ta sẽ vì chẳng vui ngủ nghỉ, chẳng thích ngủ nghỉ, chẳng đắm trước ngủ nghỉ. Các Tỳ Kheo các ngươi nên học như thế.

Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:

Lúc cầu quả vô thượng

Có ba pháp nên lùi

Nghiệp vui, ái, đắm trước

Nói chuyện và ngủ nghỉ

Hữu học các Tỳ Kheo

Nếu đủ ba pháp này

Cuối chẳng thể chứng đắc

Được quả tam bồ đề

Nếu muốn cầu chứng mau

Được chứng tam bồ đề

Phải ít nói và ngủ

Siêng năng tu chỉ quán.

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế này.

Các Tỳ Kheo nên biết! Có ba loại pháp hòa hợp hiện tiền làm cho tịnh tín các thiện nam tử sanh vô lượng phước.

Thế nào là ba?

Một là lòng tin thanh tịnh hòa hợp với nhau hay làm cho những người con trai sanh ra nhiều phước.

Hai là làm cho hòa hợp với nhau làm cho lòng tin thanh tịnh của các thiện nam tử sanh ra vô lượng phước.

Thứ ba là phước điền hòa hợp với nhau có thể làm cho lòng tin thanh tịnh của các thiện nam tử sanh ra vô lượng phước.

Cho nên có tên là Ba pháp hòa hợp hiện tiền làm cho phát khởi lòng tin thanh tịnh của các thiện nam tử sanh ra vô lượng phước.

Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:

Ba pháp hợp hiện tiền

Hay sanh vô lượng phước

Nghĩa tịnh tín cho đồ

Và chân tịnh phước điền

Đủ huệ cùng giới đức

Hay điều phục ba độc

Tu sa môn phạm hạnh

Tên chân tịnh phước điền

Đầy huệ đầy lòng tin

Giữ gìn như của quý

Phụng thí phước điền tốt

Tất sẽ được quả lớn

Thân có bốn oai nghi

Nương Tam Bảo Tứ Đế

Chánh thiện chẳng dơ nhớp

Tên là tâm lành vậy

Với trí sáng bố thí

Pháp thí là hơn cả

Tâm tịnh nói chánh pháp

Chư Phật đều xưng tán.

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế này.

Các Tỳ Kheo nên biết! Những người có trí nên biết ba loại pháp chẳng bền chắc, dễ dàng như thế.

Thế nào gọi là ba?

Một là tiền tài chẳng bền chắc, hai là của cải chẳng bền chắc và ba là thân thể chẳng bền chắc.

Tài sản của cải thân thể là ba điều chẳng bền chắc của mạng người. Của cải làm cho thân mệnh không bền chắc giống như tài sản.

Nghĩa là kẻ tịnh tín thiện nam tử hoặc thiện nam tử như pháp siêng năng lao dịch bằng chân tay, ra sức đổ mồ hôi mới có được những tài sản quý giá, nên tự chính thân mình cung phụng cho cha mẹ, cho vợ con, nô tỳ, bạn bè quyến thuộc, ngày đêm gặp gỡ.

Vui vẻ sinh sống mà khi gặp Sa Môn hoặc Bà La Môn giữ gìn giới đức hay điều phục thiện pháp, siêng tu phạm hạnh, trừ khử giải đãi, kiên nhẫn nhu hòa, thẳng ngay đường tốt, bỏ các đường tà, chí thú Niết Bàn. 

Giữ tâm thanh tịnh, hoan hỷ cung kính như biết như nên giữ gìn bố thí, xa cầu vô thượng an lạc Niết Bàn. Hoặc hy vọng tương lai được quả vui Trời người. Đó có tên là của cải chẳng bền, tài sản chẳng bền.

Thế nào là thân mệnh chẳng bền?

Nghĩa là có kẻ tịnh tín thiện nam tử hoặc Thiện Nữ Nhân thành tựu chánh kiến hay lìa sát sanh, cứu cánh viên mãn, chẳng phạm hạnh thanh tịnh, lìa sự trộm cắp, cứu cánh viên mãn, chẳng phạm thanh tịnh, lìa sự tà dâm, cứu cánh viên mãn, chẳng phạm thanh tịnh.

Lìa sự nói dối, cứu cánh viên mãn, chẳng phạm thanh tịnh. Lìa sự uống rượu sanh buông lung, cứu cánh viên mãn, chẳng phạm thanh tịnh, như thế các loại có tên là thân thể chẳng bền chắc.

Thế nào là đời sống chẳng bền chắc?

Nghĩa là ở trong pháp của ta, các Thánh đệ tử hiểu biết như thật về khổ đế, hiểu biết như thật về tập đế, hiểu biết như thật về khổ diệt đế. Hiểu biết như thật và có thể hướng đến khổ diệt đạo đế. Cho nên ở đây có tên là ba loại không bền chắc, ba loại dễ thay đổi.

Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:

Như đời có người trí

Bị mất mà chẳng quý

Kẻ chánh kiến cũng thế

Tất cả đều thay đổi

Biết được tiền, thân, mệnh

Chẳng tịnh chẳng bền chắc

Cầu thanh tịnh bền chắc

Ra khỏi thế gian vui

Trên đời tiền, thân, mệnh

Ở đời rất bền chắc

Chứng thường lạc Niết Bàn

Đó là pháp chắc thật.

Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế này.

Các Tỳ Kheo nên biết! Căn có ba loại, tánh này sâu xa, hiển hiện sâu xa, tánh này khó thấy, hiển hiện khó thấy.

Sao gọi là ba?

Một là chưa biết sẽ được biết gốc.

Hai là biết gốc, ba là biết đầy đủ gốc.

Vì sao có tên chưa biết sẽ được biết gốc?

Nghĩa là trong pháp của ta các Thánh Đệ Tử y nơi chưa thấy biết các khổ Thánh Đế mà thấy mà biết, phát sanh muốn vui, làm cho siêng năng, nhiếp tâm giữ tâm thì việc chưa thấy biết khổ tập Thánh Đế, làm cho thấy cho biết phát sanh được niềm vui, siêng năng tinh tấn nhiếp tâm thọ trì.

Nơi chưa thấy biết về khổ diệt Thánh Đế, làm cho thấy, biết phát sanh niềm vui siêng năng tinh tấn nhiếp tâm thọ trì. Nơi chưa thấy biết có thể đến khổ diệt chân đạo Thánh Đế. Vì sự thấy biết phát sanh niềm vui, siêng năng tinh tấn nhiếp tâm thọ trì. Cho nên có tên là chưa biết sẽ được biết cái gốc.

Sao lại có tên là biết cái gốc?

Nghĩa là trong pháp của ta các Thánh Đệ Tử, hiểu rõ như thật, đây là khổ Thánh Đế, đây là tập Thánh Đế, đây là khổ diệt đế, đây là thú khổ diệt chân đạo Thánh Đế. Đây là biết gốc gác.

Thế nào là biết đầy đủ gốc gác?

Nghĩa là trong pháp của ta, các Thánh đệ tử, các lậu đã tận đắc chân vô lậu, tâm thiện giải thoát, huệ thiện giải thoát, hay biết chân chánh, ta sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, chẳng thọ thân nữa, cho nên có tên là biết gốc gác đầy đủ.

Như vậy có tên là gốc có ba loại. Tánh này rất sâu xa, hiển hiện sâu xa. Tánh này khó thấy, hiển hiện khó thấy.

Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:

Ở nơi chánh pháp ta

Thánh đệ tử hữu học

Thuận tu con đường chánh

Đây là căn thứ nhất

Biết rõ khổ tập đế

Và khổ tập khổ diệt

Hay vui khổ diệt đạo

Đây là gốc thứ hai

Gốc thứ ba nên biết

Các lậu đều hết sạch

Chứng được chân vô lậu

Tâm sáng thiện giải thoát

Biết ta đã hết sanh

Các phạm hạnh đã lập

Việc làm cũng đã xong

Chẳng thọ thân sau nữa

Thân tâm thường tịch tĩnh

Lành giữ gìn các căn

Giữ gìn thân sau cùng

Hàng phục các ma chướng.

Ta từ Đức Thế tôn đã được nghe như thế này.

Các Tỳ Kheo nên biết! Lược nói có ba loại Bổ Đặc Già La chúng sanh vì nghĩa lợi mà nên thân cận.

Thế nào là ba loại?

Một là có loại chúng sanh thành tựu giới kém định kém và huệ kém.

Hai là có một loại chúng sanh thành tựu tất cả giới định huệ.

Ba là có một loại chúng sanh thành tựu thắng giới, thắng định và thắng huệ.

Trong đó có loại chúng sanh thành tựu giới định huệ đều kém, làm sao được lợi ích mà nên thân cận?

Nghĩa là loại chúng sanh này chẳng có hy vọng cầu cứu, chỉ có lòng từ, khuyên nên tinh tấn.

Vì đây là lợi lạc cho nên gần gũi. Trong đó có một loại chúng sanh thành tựu tất cả giới định huệ, vì sự lợi ích mà nên thân cận.

Nghĩa là loại chúng sanh này suy nghĩ rằng họ đang vì ta mà nói giới tương tự, ta đương vì họ mà nói giới tương tự, hỗ tương nhau nghe làm cho được tương tục, làm được nhiều việc cho nên suy nghĩ rằng họ đương vì ta mà nói về định tương tự và ta đương vì họ mà cũng nói định tương tự.

Hỗ tương nhau nghe, làm cho tương tục, đã làm nhiều việc và suy nghĩ rằng họ đương vì ta mà nói huệ giống nhau và ta đương vì họ mà cũng nói huệ giống nhau. Hỗ tương nhau nghe làm cho được liên tục, đã làm nhiều việc.

Vì nghĩa này mà lợi lạc nên phải gần gũi. Trong ấy lại có một loại chúng sanh thành tựu thắng giới thắng định thắng huệ.

Vì sao lợi ích mà nên thân cận?

Nghĩa là loại chúng sanh này suy nghĩ rằng ta đương vì kia mà nương vào nơi giới uẩn, nếu chưa viên mãn thì làm cho viên mãn. Nếu ta đã đầy đủ thì nhập vào chánh niệm, kiên cố giữ gìn, liền suy nghĩ rằng ta đương vì kia mà nương vào định uẩn.

Nếu chưa đầy đủ làm cho đầy đủ. Nếu đã đầy đủ thì nhiếp vào chánh niệm kiên cố giữ gìn, liền suy nghĩ rằng ta sẽ nương vào kia nơi huệ uẩn. Nếu chưa đầy đủ thì làm cho đầy đủ.

Nếu đã đầy đủ thì làm cho chánh niệm và kiên cố giữ gìn. Vì nghĩa này nên thân cận, cho nên có tên là lược nói ba loại chúng sanh nên thân cận gần gũi.

***  

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần