Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Trì Nhân - Phẩm Hai - Phật Diệu Tuệ Siêu Vương
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT TRÌ NHÂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM HAI
PHẬT DIỆU TUỆ SIÊU VƯƠNG
Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Thuở xưa, cách đây vô lượng, vô số kiếp không thể tính kể, khi ấy, có Đức Phật hiệu là Diệu Tuệ Siêu Vương đầy đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Lúc Đức Phật ấy trụ thế, chúng Thanh Văn không thể tính kể, hàng Bồ Tát thì vô số, đều là bản nguyện của Đức Phật ấy khi còn học đạo đã phát ra. Cõi nước ấy thanh tịnh, công đức cao vời, không có ba cõi ác và tám nạn.
Chúng sinh an ổn, đủ phước đức, yên vui, tất cả đều lìa tham dục, diệt trừ năm ấm, ở thế gian không thể so sánh được, họ đều dùng các đạo phẩm để cùng nhau an lạc, dùng bốn thiền định để thực hành chánh niệm.
Đức Phật nói: Này Bồ Tát Trì Nhân! Đức Phật Diệu Tuệ Siêu Vương thọ tám mươi ức trăm ngàn kiếp. Chúng sinh trong cõi nước ấy sống đến ba mươi ức kiếp.
Lúc ấy, trong nước không có Vua cai trị muôn dân, mà chỉ có Đức Như Lai Diệu Tuệ Siêu Vương làm vị Pháp Vương, dân chúng đều tôn xưng Đức Phật ấy là bậc Đạo Vương Vô Thượng.
Hàng Bồ Tát của Đức Như Lai Diệu Tuệ Siêu Vương có khả năng làm tất cả như: Tiêu trừ lưới nghi khắp chúng sinh, khiến họ hoan hỷ, diễn nói kho tàng pháp không cùng tận của Bồ Tát.
Khi ấy, các Bồ Tát nghe Đức Phật giảng nói về diệu lực của pháp thanh tịnh như vậy xong, có năm trăm Bồ Tát nhất tâm siêng năng, ngày đêm ân cần, chẳng nghĩ đến ngồi, chẳng muốn ăn, suốt đời không nghĩ đến y phục, mà chỉ nghĩ đến đạo Pháp Vương chánh chân vô cực, tư duy về diệu lực của pháp thanh tịnh ở đời tượng pháp.
Nhờ cội gốc công đức về nhất tâm đã đạt được nên sau khi lâm chung, các vị ấy được sinh ra ở phương Đông, cách cõi nước của Đức Phật này tám ngàn ức cõi nước, đã sinh hoặc sẽ sinh đều chứng đắc pháp ấy, luôn ghi nhớ không quên, biết được đời trước, sáng suốt, thông minh, các căn lanh lợi, thấy khắp tất cả, suy xét biết rõ từ xưa đến nay.
Lại nữa, ở cõi nước ấy có Đức Phật hiệu là Vô Lượng Hoa Vương, đang giảng nói Kinh Pháp, năm trăm Bồ Tát này sinh đến cõi nước của Đức Phật ấy, đến năm mười sáu tuổi, các vị đều xin cha mẹ xuất gia, trừ bỏ các nghiệp, làm vị Sa Môn tu hành thanh tịnh, ở chỗ Đức Phật ấy siêng năng tu tập suốt sáu mươi ức năm.
Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Bấy giờ, năm trăm vị Bồ Tát ấy gặp được hai mươi ức Chư Phật, đều ở nơi các cõi nước Chư Phật ấy để siêng năng tu hành suốt ngày đêm, giống như ở chỗ Đức Như Lai Diệu Tuệ Siêu Vương.
Trải qua một vạn kiếp, năm trăm vị ấy được hai vạn Đức Phật thọ ký là sẽ chứng đắc đạo quả chánh chân vô thượng. Trong ức vạn kiếp, cúng dường phụng sự hai vạn Đức Phật xong, năm trăm vị ấy đều lần lượt thành Phật trong một kiếp.
Cho nên, này Bồ Tát Trì Nhân! Bồ Tát Đại Sĩ nào muốn mau thành tựu đạo quả chánh chân vô thượng, làm Bậc Tối Chánh Giác thì nên siêng năng tu học giống như vậy, dùng diệu lực của tuệ thanh tịnh nắm được điều cốt lõi của Kinh Điển, ngày đêm siêng tu, chớ nên biếng nhác, buông lung.
Vì sao?
Vì cội nguồn tu học của Chư Phật đều nhờ vào siêng năng, lấy không buông lung làm nguồn gốc thì đạt đến đạo quả Tối Chánh Giác, đầy đủ các đạo phẩm.
Thuở xưa, Như Lai luôn siêng năng như vậy nên mới được gặp mười hai ức Chư Phật Thế Tôn, sinh ở chỗ nào cũng được diệu lực về ý, thông suốt hết từ xưa đến nay, biết rõ hết thảy đời trước, bất cứ gần hay xa đều thấy hết. Đó là nhờ Như Lai siêng năng học pháp này, không hề buông lung, ngày đêm siêng tu, chưa từng biếng trễ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng tâm từ không thể cùng tận cùng với tâm bi rộng lớn quan sát khắp bốn phương, rồi từ trong Tam Muội Chánh thọ hóa hiện Chư Phật đầy khắp tam thiên đại thiên Thế Giới. Tất cả Chư Phật đều giảng nói Kinh Pháp, dứt trừ nghi ngờ của chúng sinh, những ai được nghe pháp đều hoan hỷ, Chư Phật lại giảng nói pháp cho hàng Bồ Tát.
Khi ấy, Đức Thế Tôn lại dùng thần thông hiển hiện oai đức khiến các chúng Bồ Tát trong vườn Trúc đều thấy được chư Như Lai khắp mười phương đang giảng nói Kinh Pháp nơi cõi nước mình.
Lúc ấy, tất cả chúng Bồ Tát đều từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về Đức Phật kính và lễ khen ngợi: Thật là điều chưa từng có! Oai đức, thánh tuệ của Chư Phật Thế Tôn là không thể nghĩ bàn. Đạo pháp thù thắng siêu tuyệt, cao vời vô lượng, giống như hư không, chẳng thể nắm giữ.
Đức Như Lai liền bảo các Bồ Tát: Điều này chưa phải là khó. Như Lai Chí Chân không thể giới hạn, không thể ví dụ.
Vì sao?
Này thiện nam! Thông đạt tất cả các pháp giới thì không có điều gì mà không thông suốt, Như Lai Chí Chân đã thông đạt tất cả pháp giới.
Như Lai dùng công đức thần thông bằng một sợi lông để biến hóa thì đã không thể lường xét được, ánh sáng chiếu đến các Thế Giới khắp mười phương nhiều như số cát trong Sông Hằng, trong ánh sáng ấy đều phát ra âm thanh diễn nói Kinh Pháp. Dù cho nơi mỗi lỗ chân lông của Như Lai phát ra trăm ngàn ức thần thông biến hóa thì cũng chẳng phải là khó.
Vì sao?
Vì công đức thần thông của Như Lai Chí Chân không có giới hạn, luôn cao vời như vậy.
Lại nữa, này thiện nam! Như Lai biết được tâm chúng sinh nên thuyết pháp cho họ. Trong thời tượng pháp, ít có chúng sinh tin ưa như thế, cũng không siêng năng tu tập mong được an lạc, pháp vô lượng này cũng thật là hiếm có. Vì sao nay Như Lai xuất hiện ở đời năm trược.
Những gì là năm trược?
Một là chúng sinh nhiều xấu ác, không biết nghĩa lý.
Hai là sáu mươi hai tà kiến dấy khởi mạnh mẽ, không chấp nhận lời dạy về đạo pháp.
Ba là chúng sinh có nhiều tham dục, phiền não dấy khởi, không biết lìa bỏ.
Bốn là mạng sống ngắn ngủi, thuở xưa, con người sống đến tám vạn bốn ngan năm mới chấm dứt, ngày nay tuổi thọ khoảng chừng một trăm, hoặc dài hơn, hoặc ngắn hơn.
Năm là tiểu kiếp sắp hết, ba tai nạn sẽ nổi lên làm hại tất cả.
Nếu ở trong đời ác năm trược này mà có một người tin ưa nghĩa lý sâu thẳm của thời tượng pháp và có thể tin nhận về tuệ chân chánh của Phật như vậy thì đó là điều rất khó, chưa từng có, huống nữa là tin ưa, nghe nhận và thọ trì theo sự hành hóa của Phật.
Này chư thiện nam! Thuở xưa, từ vô số kiếp, Như Lai đã mặc áo giáp công đức lớn, suốt ngày đêm luôn tu tập theo các hạnh tinh tấn, nhẫn nhục, nhân đức, từ bi… nếu thấy chúng sinh ở chỗ nguy hiểm, tai nạn khổ sở, không ai cứu giúp.
Luôn lo sơ đọa vào các cõi ác thì Như Lai nguyện sinh đến các cõi ấy để dẫn dắt, làm lợi ích cho họ, cứu giúp các chúng sinh bị tai nạn khiến được gặp chánh đạo. Công đức của Như Lai Chí Chân không thể lường xét, như hư không một mình không có bạn nhưng mạnh mẽ, bao trùm khắp mười phương.
Bản nguyện của Chư Phật đời quá khứ cũng đều thanh tịnh. Những ai có thể tin ưa, hoan hỷ và thọ trì nghĩa lý của vô lượng pháp sâu xa, vi diệu như vậy là đều nhờ thuở xưa, vị ấy đã từng được giáo hóa nên hôm nay mới tin nhận, hoan hỷ.
Trong hiện tại, chúng sinh ít có niềm tin đối với những pháp mà Như Lai đã hiển bày như mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật và tuệ về không, vô… người ưa thích tu tập những pháp này thật là hiếm thấy. Nếu có thể hiểu được pháp này, đó là nhờ oai đức, thần thông biến hóa và công đức mạnh mẽ của Như Lai.
Chư Phật này dùng năng lực của trí tuệ, phương tiện thiện xảo ngày đêm giáo hóa chúng sinh, siêng tu không biếng trễ, đều do thuở xưa luôn luôn nhất tâm, không bỏ pháp này, thường thực hành tâm từ lớn, tu tập tâm bi không cùng tận, dùng tâm hỷ, xả rộng lớn để cứu giúp chúng sinh.
Lại nữa, này thiện nam! Các vị học hạnh Bồ Tát nhưng ít có tâm thương xót, ở trong đời năm trược mà thành tựu đạo quả Tối Chánh Giác, vì chúng sinh đời năm trược mà giáo hóa thì thật là khó, cũng thật là hiếm có, nên làm theo sự giáo hóa của Như Lai trong hiện tại.
Vì sao?
Thuở xưa, Như Lai rất mực siêng năng tích chứa công đức, mỗi kiếp đều tự mình bố thí đầu mắt, da thịt, các chi phần, vợ con, nước thanh, tùy tùng, xe cộ… không hề luyến tiếc, kể cả thân mạng cũng chẳng tham tiếc.
Vì biết ba cõi không thể nương tựa, chỉ có đạo mới có thể nương nhờ, dùng năng lực không cùng tận, thực hành phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sinh, khiến họ có thể chứng đắc đạo quả chánh chân vô thượng.
Nhớ lại thuở xưa, trong một ngày, Như Lai đều bố thí vô lượng, cho hết thân mạng mà không hề luyến tiếc, đều do thương xót, nhớ nghĩ đến chúng sinh nên giáo hóa khiến họ từ nơi tối tăm thấy được ánh sáng của đạo.
Cũng nhớ về thuở xưa, cách đây vô số kiếp, thấy những chúng sinh đói khát, không có thức ăn nước uống, Như Lai liền bố thí đầy đủ theo khả năng của mình như: Cắt da thịt của mình để nấu nướng rồi đem cho họ, không tạo ra các tai nạn, tâm không sân hận, chỉ tu hành theo tâm bi rộng lớn, thương xót chúng sinh, thực hành theo tâm từ không bờ bến.
Do đó, nên tư duy như vậy: Luôn tu tập siêng năng, giáo hóa chúng sinh như vậy, siêng năng chứa nhóm công đức như vậy thì sẽ chứng đắc đạo quả bồ đề vô thượng.
Này các vị! Nên siêng năng tu học pháp vi diệu như vậy, tu tập đạo pháp không cùng tan như vậy, cũng nên tu hành hạnh Bồ Tát và giáo hóa chúng sinh giống Như Lai thuở xưa, vì họ mà diễn nói Kinh Pháp, thì sẽ được giải thoát giống Như Lai trong hiện tại.
Lúc ấy, trong hiền kiếp có một ngàn Đức Phật đều khen ngợi hạnh nguyện thuở xưa của Như Lai, mỗi vị đều khen: Đức Như Lai Năng Nhân thuở xưa tu hành siêng năng, không thể lường xét, không thể ví dụ, trí tuệ cao vời, đầy đủ các Ba la mật, ở trong đời năm trược, nhiễu loạn này để giáo hóa chúng sinh, công đức không cùng tận, không thể tính kể.
Do đó, này các vị! Có chúng sinh nào siêng năng tu hành như vậy, ưa thích tu tập, không hề buông lung thì người ấy sẽ mau thành tựu quả vị Chánh Giác.
Lại nữa, Như Lai đạt được đạo quả chánh chân vô thượng, thành Bậc Tối Chánh Giác, lúc sắp diệt độ cũng giáo hóa vô lượng chúng sinh. Nếu có thể siêng năng tu tập như vậy thì nên theo lời dạy mà thực hành, không nên biếng trễ, nên kiến lập chùa, tháp ở nơi có Xá Lợi của Phật dù bằng hạt cải, sẽ chứng đắc hạnh nghiệp diệt độ của Phật.
Vì sao?
Chư Phật khởi tâm từ bi vì các chúng Bồ Tát đời vị lai mà bố thí, cũng vì các Bồ Tát tu hành Phật Đạo nên đã từng giáo hóa, do nhân duyên này mà hiển bày đại đạo. Lại nữa, vì tâm từ bi nên Như Lai sinh vào trong tám nạn, cũng vì tâm bi rộng lớn nên ban bố Xá Lợi khắp nơi.
Nếu có thể thâu lấy Xá Lợi lớn bằng hạt cải và râu tóc của Như Lai rồi kiến lập Chùa, tháp để cúng dường thì sau khi Như Lai diệt độ, người ấy sẽ gặp được Xá Lợi, tâm rất vui mừng, rồi chọn nơi chốn để xây Chùa Tháp, tôn trí Xá Lợi.
Tùy theo tâm nguyện của chúng sinh mà khởi tâm bi rộng lớn, nên biết đời trước người ấy đã tu hành pháp Bồ Tát, luôn đem tâm bình đẳng đối với chúng sinh nên đạt được những mong ước, Xá Lợi lưu truyền khắp nơi.
Chư Phật đã chứa nhóm công đức, ánh sáng không có giới hạn, cao vời như vậy, vì thương xót chúng sinh nên khởi tâm bi rộng lớn, vì đời mạt pháp mà kiến lập tâm từ không cùng tận đối với tất cả chúng sinh.
Có Bồ Tát nào ở thời tượng pháp mà ưa thích, siêng năng tu tập không buông lung, cho đến phát nguyện vào thời mạt pháp cũng hoằng hóa, giữ gìn, đọc tụng Kinh Điển, hoặc giảng nói cho người khác khiến kinh này được lưu truyền rộng rãi tức là đã kien lập quả vị Bồ Tát.
Hoặc có thể giữ gìn, đọc tụng, giảng nói cho người khác, dùng Kinh Điển này để khai hóa các Bồ Tát khiến các vị tu học, đọc tụng và tiếp tục lưu truyền mãi.
Vì sao?
Vì Kinh Điển này còn tồn tại ở thế gian thì chánh pháp của Phật còn hiện hữu mãi, nên xem như Như Lai còn ở đời.
Này các vị! Thuở xưa, Như Lai vốn đã dùng phương tiện như vậy để giáo hóa chúng sinh, thuyết giảng Kinh Điển, là để dìu dắt chúng sinh trong đời năm trược về sau mới giảng nói Kinh Điển này.
Này các vị! Nếu ở cõi nước, đô thành, huyện ấp, xóm làng nào có lưu truyền Kinh Điển này, hoặc có người thọ trì, đọc tụng, giảng nói cho người khác như: Học giả, thiện nam… thì nên thấy như Phật còn ở đời, khi sắp lâm chung, sẽ được Như Lai đến chỗ người ấy, vì Như Lai còn hiện hữu, không hề diệt độ.
Vì sao?
Này các vị! Chẳng phải Như Lai đã từng nói: Phật là pháp thân, nếu thấy pháp thân tức thấy Như Lai, không nên dùng sắc thân để quan sát Như Lai. Nếu tin nhận, nghe thấy, thọ trì Kinh Điển này thì thấy Như Lai. Đã nghe pháp rồi như pháp mà tu hành mới gọi là thấy Phật.
Nghe giảng nói chánh pháp, thuận theo pháp mà hội nhập đạo gọi là thấy Phật. Như Lai chưa từng dùng pháp để phát sinh ra pháp, dùng chủ thể thực hành pháp mà diễn nói Kinh Điển, không ôm vọng tưởng để mong cầu các pháp mới gọi là thấy Như Lai, không chấp thủ đối với tất cả các pháp mới gọi là thấy Như Lai. Thiện nam nào không chấp vào các pháp đó là thấy Như Lai.
Vì sao?
Vì Như Lai Chí Chân không trụ nơi ngôn từ về pháp hay phi pháp nên không thể dùng pháp để quán thấy Như Lai.
Vì sao?
Vì Như Lai đã từng đưa ra ví dụ: Giống như bị trói vào chiếc bè nên pháp còn phải trừ bỏ huống nữa là phi pháp. Do đó, phải bỏ cả pháp và phi pháp mới gọi là thấy Như Lai.
Vì sao?
Vì Như Lai Chí Chân đều trừ bỏ các pháp, không hề giảng nói các pháp, cũng chẳng có xứ sở, không có đối tượng để sinh khởi cũng chẳng có danh hiệu huống nữa là giảng nói về các xứ sở.
Vì sao?
Vì Như Lai đã xa lìa tất cả các pháp. Nếu có thể quan sát như lời dạy của Như Lai thì thấy được Như Lai, vì Chư Phật vốn đã đoạn trừ tất cả các pháp mới được chứng đắc đạo quả Chánh Giác.
Do đó, tất cả các pháp đều hư vọng không chân thật, thấy tất cả các pháp vốn là không, vốn thanh tịnh, quan sát chân thật như vậy mới thấy Như Lai.
Lại nữa, này các vị! Không thủ đắc các pháp thì không có các pháp, gọi là không buông lung.
Người nào không thấy có pháp cũng không thấy có phi pháp, do không thấy có pháp cũng chẳng có phi pháp nên mới hiểu rõ được nghĩa này. Nhờ hiểu được nghĩa này mới thấy bản tánh thanh tịnh, do quan sát bình đẳng chính là thấy Như Lai, thấy pháp như vậy cũng là thấy Như Lai.
Quan sát Như Lai như vậy sau đó đạt được giác ngộ bình đẳng. Nếu quan sát Như Lai theo cách nào khác, thì đó là quán sai lệch. Người nào quán sai lệch rồi, gọi là quán hư dối, chẳng phải là quan sát chân thật.
Lại nữa, này các vị! Cho là chân thật tức bặt dứt hết thảy âm thanh, ngôn từ. Không thật, không dối cũng chẳng phải chân thật hay hư dối, trừ sạch tất cả các nghiệp sở hữu, hoàn toàn không chấp thủ vào hết thảy đối tượng thọ nhận mới thấy Như Lai.
Vì sao?
Vì Như Lai Chí Chân không chấp giữ các pháp, nếu có đối tượng sinh khởi thì khiến được sinh khởi, diệt trừ tất cả sự chấp giữ các pháp gọi là tự nhiên, do thông đạt về tự nhiên nên quan sát như vậy gọi là quan sát Chư Phật, nếu thấy như vậy là đã theo lời dạy của Như Lai.
Những ai quán Phật như thế đều hội nhập tất cả các pháp vốn không, đã thông đạt tất cả các pháp vốn không, nên biết rõ hết thảy cũng vốn không, liền hiển bày đạo pháp, phân biệt các hành vốn đều thanh tịnh, tất cả các pháp đều trở về không.
Tất cả các pháp đều là pháp Như Lai thì được tự nhiên hội nhập vào đạo, biết tất cả các pháp đều thể nhập vào cảnh giới Như Lai, tất cả các pháp giới đều không thể nghĩ bàn liền thành Bậc Tối Chánh Giác.
Cho nên, này các vị! Chư Phật đã giảng nói, tất cả các pháp đều là cảnh giới của Như Lai, cũng không có cảnh giới nào là cảnh giới của Như Lai.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp đều có cảnh giới, nhưng suy xét thì các pháp ấy không có cảnh giới, đó là cảnh giới của Như Lai. Tất cả các pháp đều là cảnh giới mà không thấy có các cảnh giới mới gọi là có cảnh giới, cảnh giới ấy cũng là cảnh giới của Như Lai.
Tất cả các hạnh của chúng sinh đều không có cảnh giới mà có thể hiểu rõ cảnh giới thanh tịnh chân thật, tuy biết pháp ấy nhưng hoàn toàn không thể thông đạt, chỉ có Như Lai Chí Chân mới thông suốt tất cả, cho nên gọi là không có cảnh giới. Cảnh giới của Như Lai là cảnh giới không chấp thủ, gọi là cảnh giới của Như Lai.
Vì sao?
Vì Chư Phật đã giảng nói về tận cội nguồn chân thật của các cảnh giới, nhưng không thấy có các cảnh giới mới gọi là cảnh giới của Như Lai. Tất cả các cảnh giới đều là cảnh giới của Như Lai.
Nếu biết rõ không có cảnh giới cũng chẳng phải không có cảnh giới, thông suốt hết thảy, đó gọi là chứng đắc, không chấp thủ vào cảnh giới thì đó là cảnh giới của Như Lai.
Này các vị! Thông đạt tất cả các pháp là không có cảnh giới, đó là cảnh giới của Như Lai, là hội nhập nghĩa lý nơi nẻo đạo, quan sát các pháp như vậy chính là đạt đến cảnh giới của Như Lai, an lạc nhưng không thấy đối tượng an lạc là cảnh giới của Như Lai, không hề chấp giữ cũng chẳng yêu ghét.
Vì sao?
Vì biết không có cảnh giới gọi là cảnh giới Phật, cho nên nói: Không có cảnh giới, đó là cảnh giới của Như Lai.
Do tất cả các pháp không thể nắm giữ nên không có xứ sở, đối với tất cả các pháp không có đối tượng chấp thủ nên gọi là cảnh giới Như Lai. Khi được thể nhập vào tuệ nhưng tất cả các pháp đều không có đối tượng thể nhập, do đó, không có sáu pháp môn cũng không có đối tượng hội nhập.
Vì sao?
Này các vị! Không có các pháp môn cũng không có đối tượng hội nhập nên chẳng có sự thấy.
Vì sao?
Vì Như Lai Chí Chân không thủ đắc các pháp cũng chẳng có đối tượng để hội nhập, không có đối tượng thấy cũng không có đối tượng thuyết giảng, không có thiện, ác, thô tế, vi diệu, ngôn từ hay gốc ngọn. Đó gọi là hội nhập vào tất cả các pháp, thể nhập vào chỗ không hình tướng, không có sự ứng hợp nào mà chẳng ứng hợp, đối với tất cả các pháp.
Không siêng năng cũng chẳng biếng trễ, không hợp lại cũng chẳng tan rã, đó gọi là pháp môn tất cả các pháp, gọi là pháp môn không tên gọi, pháp môn không ngôn từ.
Pháp Môn không có đối tượng hội nhập, pháp môn không chấp thủ, pháp môn không thể trao truyền, pháp môn vô sinh, pháp môn hoàn toàn tịch tĩnh… không nhờ những pháp môn này để có thể biết được các pháp.
Nếu thấy được pháp thì chẳng phai nhờ pháp môn, vì pháp môn hoàn toàn tịch tĩnh, nên không phải do pháp môn mới có thể thông đạt được pháp. Nếu thấy pháp mà không nương pháp môn thì có thể chứng đắc các pháp, cũng chẳng có đối tượng để xuất hay nhập.
Vì sao?
Tất cả các pháp đều không có pháp môn, mà pháp môn cũng chẳng thể nắm bắt, tất cả các pháp đều là pháp môn tạm có, tất cả các pháp vốn thanh tịnh, tất cả các pháp môn không thể nghĩ bàn, tất cả các pháp không thể đoạn trừ cũng chẳng phải không thể đoạn trừ, không có giới hạn.
Này các vị! Do đó, hết thảy các pháp đều không thể thủ đắc, là hư dối, không thật có, tất cả các pháp môn không thể lường, không thể xét. Pháp môn bản tế ấy không thể cùng tận, không thể diệt trừ, nắm bắt được bản tế hoặc thấu hiểu về bản tế thì chính là nghĩa chân thật.
Thiện nam, thiện nữ nào thông đạt được những pháp môn này thì đã thể nhập vào tất cả các pháp môn, có khả năng giảng nói theo tâm nguyện của chúng sinh.
Khi ấy, Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Có Bồ Tát Đại Sĩ nào muốn dùng phương tiện để hiểu rõ tất cả các pháp, phân biệt rành rẽ ý nghĩa các pháp, muốn thành tựu đầy đủ năng lực của ý.
Tùy theo thời nghi mà thể nhập các pháp, sinh ở chỗ nào tâm cũng không đoạn dứt, hoặc dùng tâm tịch tĩnh để chứng đắc đạo quả chánh chân vô thượng thì nên tu tập, thể nhập vào pháp môn này, nếu đạt được ánh sáng của pháp môn này thì nên siêng năng tu tập pháp ấy để mau chóng trở về nơi nương tựa.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chiến đấu - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Chín Mươi - Phẩm Chúc Lụy
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba - Phẩm Thiện Hiện - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vi Nựu
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ngoại đạo - Phần Một