Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Trì Nhân - Phẩm Một - Bốn Pháp

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TRÌ NHÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MỘT

BỐN PHÁP  

Nghe như vậy!

Thuở nọ, Đức Phật ngụ nơi vườn Trúc Ca Lân thuộc thành Vương Xá, cùng với chúng đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, hàng Bồ Tát không thể tính kể.

Tất cả các Bậc Đại Thánh đều đã đạt được thần thông, biện tài vô ngại, trí tuệ không giới hạn, các căn đều tịch tĩnh, thông suốt tất cả những pháp căn bản, tùy theo bệnh mà cho thuốc để cứu giúp chúng sinh, làm chiếc cầu pháp để thoát khỏi ba cõi.

Khi ấy, Đức Thế Tôn giảng nói Kinh Pháp cho vô số trăm ngàn chúng và quyến thuộc vây quanh.

Bồ Tát Trì Nhân liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, quỳ gối, thưa: Thưa Thế Tôn! Bồ Tát làm thế nào để kiến lập thệ nguyện, vun trồng vô lượng cong đức, hiểu rõ các pháp, thực hành hết thảy các pháp Ba la mật.

Thông đạt vô lượng phương tiện thiện xảo, giữ gìn tuệ căn bản không thể ví dụ, mặc áo giáp giới đức để truyền bá đạo lý chân chánh, giảng nói về ân đức và từ bi cho chúng sinh, che chở cho chúng sinh như hư không.

Không thể lường xét, tâm được thanh tịnh, đầy đủ đức hạnh, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, dùng các Ba la mật bao trùm khắp nơi?

Vì những chúng sinh muốn thực hành những hạnh nghiệp ấy để đạt đến nguồn gốc thù thắng của đạo lớn vô thượng, nên con mới thưa hỏi Đức Như Lai về những điều như vậy.

Con muốn thưa hỏi Đức Như Lai về sự hành hóa của hàng Bồ Tát Đại Sĩ, các vị đi khắp ba cõi để giáo hóa, siêng năng giữ gìn giới cấm, giảng pháp khắp nơi, tu tập về hạnh thanh tịnh, bất cứ ở đâu cũng đều tu tập trọn vẹn trí tuệ Ba la mật, dùng vô lượng phương tiện để giáo hóa đúng lúc.

Vì những chúng sinh có tâm hộ trì chánh pháp nhưng không thể tự thông đạt được nên con mới thưa hỏi Đức Như Lai.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát hiểu rõ các pháp, có thể giảng nói đúng lúc cho mọi người, tâm của các vị vững mạnh, không bỏ mất lực và niệm, đạt đến tuệ vi diệu, thông suốt tất cả các pháp, biết rõ nguồn gốc của chương cú, nghĩa lý, thường biết rõ thân mạng đời trước, không quên mất giữa chừng, thành tựu đạo chánh chân vô thượng và làm Bậc Tối Chánh Giác?

Đức Phật nói: Lành thay! Lành thay! Này Bồ Tát Trì Nhân! Vì muốn cho Chư Thiên và chúng sinh khắp mười phương được nhiều sự hộ niệm và được nhiều an ổn nên ông mới thưa hỏi Như Lai những ý nghĩa cốt yếu như vậy.

Ông đã vun trồng công đức không thể nghĩ bàn, vì đã phá tan mọi lưới nghi cho chúng sinh, vì tâm từ bi rộng lớn mà hiển bày ánh sáng lớn cho họ, đời hiện tại và vị lai ông nên tu tập tâm từ bi vô tận của các Bồ Tát để hiển bày đạo lớn khắp chúng sinh.

Phát thệ nguyện rộng lớn để cứu giúp tất cả, giáo hóa, cứu giúp chúng sinh thoát khỏi các tai nạn, có được nơi nương tựa, giúp đỡ chúng sinh vượt qua ngã và ngã sở, khiến họ không còn bị đọa vào ba cõi ác và thoát khỏi các khổ nơi địa ngục, rồi kiến lập đạo quả chánh chân vô thượng cho họ.

Ông cũng muốn cho chúng sinh thoát khỏi những tai nạn sinh, già, bệnh, chết, buồn rầu, khốn khổ… được an ổn lâu dài, ở đời vị lai, vào thời mạt pháp nên lưu truyền chánh pháp để làm tiêu tan sợ hãi cho chúng sinh, khiến họ không còn lo âu gì nữa.

Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Bồ Tát Trì Nhân và đại chúng yên lặng lắng nghe.

Đức Phật nói: Này Bồ Tát Trì Nhân! Bồ Tát có đầy đủ bốn pháp để quan sát những ngôn từ, lời dạy và để hiểu rõ các pháp, có thể dạy bảo cho mọi người đúng luc.

Những gì là bốn?

Đó là: Tâm ý luôn luôn chân chánh, chí nguyện trọn vẹn với đạo pháp chưa từng xao lãng, tánh hạnh nhu hòa, đĩnh đạc, từ bi và tâm luôn ứng hợp với những pháp thù thắng. Đó là bốn pháp.

Lại có bon pháp.

Những gì là bốn?

Phân biệt những ý nghĩa về đạo, thông suốt hết mọi chủng tánh. Thấu hiểu các hạnh và nẻo hướng đến của nghĩa lý. Giảng nói tất cả những sự cốt yếu của các pháp. Thông đạt nguồn gốc các phap, tùy lúc mà hóa độ. Đó là bốn pháp.

Lại có bốn pháp.

Những gì là bốn?

Hiểu rõ vô lượng sự hành hóa của các pháp, dùng hạnh vượt trên tất cả để xiển dương vô lượng giáo pháp, nên phân tích và hành hóa đúng lúc, vun trồng công đức vô tận để nhận biết rõ nhân duyên các pháp và đoạn trừ các tập. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp.

Những gì là bốn?

Nương nơi chánh hạnh mà đạt được đạo quả chánh chân vô thượng. Mau chóng đầy đủ diệt và đạo, thực hiện ba mươi bảy phẩm Trợ đạo. Thông đạt các pháp bằng trí tự nhiên không có nơi nương tựa. Biết rõ các phương tiện thiện xảo, thành tựu tâm từ bi rộng lớn. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp.

Những gì là bốn?

Tâm không còn nhơ uế, không ôm lòng tham tiếc, ganh ghét. Dùng tâm từ bi để cứu giúp chúng sinh, giới đức thanh tịnh, các hạnh đều trong sáng, luôn tinh tấn không hề biếng trễ, siêng tu thanh tịnh thành tựu đạo quả. Hiểu rõ, thuận theo các hạnh, chuyên tư duy về đạo. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp.

Những gì là bốn?

Tâm tánh thanh tịnh, các nguyện trong sáng. Vun trồng các công hạnh, oai đức thanh tịnh. Nhẫn nhục, nhu hòa, kiến lập pháp thù thang. Đạt được ánh sáng lớn chiếu soi khắp nơi, hiểu rõ ý nghĩa của Kinh Điển, hội nhập vào nẻo đạo. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp.

Những gì là bốn?

Sớm tối siêng tu để cầu nhất thiết trí, giữ tâm luôn định tĩnh, chánh niem. Thông đạt pháp môn giải thoát, thực hành theo tâm bi. Dùng tâm từ, hỷ, xả không bờ bến để giúp chúng sinh khỏi các tai nạn. Xiển dương nghĩa lý nơi chánh pháp và hiểu rõ về đạo. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp.

Những gì là bốn?

Nương theo trí tuệ để hành hóa trọn vẹn. Làm Bậc Thánh sáng suốt, thanh tịnh, có chí nguyện rộng lớn. Ưa thích đạt đến oai đức và tuệ không chướng ngại. Tâm luôn nghĩ đến sự cứu giúp, chưa từng bỏ hạnh ấy. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp để quan sát về ngôn từ, nghĩa lý và kiến lập thệ nguyện vững chắc.

Những gì là bốn?

Ý chí vững mạnh, mọi mong cầu đều đầy đủ. Tánh và hạnh an ổn, sự tu hành đều thành tựu. Sự hành hóa rốt ráo, nhớ nghĩ về đạo không gián đoạn. Tu theo bốn niệm xứ, thành tựu được đức độ mẫu mực. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp để quan sát về ngôn từ, nghĩa lý và kiến lập thệ nguyện vững chắc.

Những gì là bốn?

Ý luôn dùng đức để kiến lập, tâm luôn nhớ nghĩ đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo của Phật. Ý căn thông suốt, hiểu rõ những nơi từng sinh ra trong vô số kiếp thuở xưa. Ý nương vào bình đẳng và tuệ thanh tịnh của Bậc Thánh, không ai có thể phá hủy được, mau thành tựu quả vị Phật. Giữ gìn nhất thiết trí của Chư Phật. Đó là bốn pháp.

Lại có bốn pháp.

Những gì là bốn?

Biết rõ hết thảy phương tiện, đầy đủ trí tuệ. Thông đạt và siêng năng hiển bày tuệ chân chánh. Có nhân duyên nên được gần gũi và đạt đến quả vị Phật. Luôn tinh tấn hành hóa, chưa từng biếng trễ. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp để kiến lập chí nguyện kiên cố.

Những gì là bốn?

Thường siêng năng, không xa lìa Phật Đạo. Tâm tánh an hòa, có thể chế ngự được ý. Thông đạt các pháp, chưa từng buông lung, xiển dương đạo lý, các căn tịch tĩnh. Luôn ứng hợp với nghĩa lý Kinh Điển, không trái với lời Phật dạy. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp để kiến lập chí nguyện kiên cố.

Những gì là bốn?

Kiến lập giới thanh tịnh, sự tu hành không có tỳ vết. Không bị năm ấm ngăn che. Tâm không chấp thủ, chưa từng biếng nhác. Trừ sạch mọi tội lỗi diệt hết các phiền não. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp để kiến lập chí nguyện kiên cố.

Những gì là bốn?

Tâm không tán loạn, luôn cầu pháp chân chánh. Dùng phương tiện làm cho tâm an ổn, thuận theo tất cả các pháp. Biết rõ lúc nào là đúng thời, không bỏ phép tắc. Bất cứ sinh ra ở đâu cũng không tham sản nghiệp, chỉ thích làm vị Sa Môn. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp để kiến lập chí nguyện kiên cố.

Những gì là bốn?

Thường gần gũi bạn lành, xa lìa bạn ác. Ưa thích pháp sâu xa, chưa từng buông lung. Quy y Chư Phật và các Bồ Tát. Thưa hỏi về giới luật, thông đạt các pháp quán. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp để quan sát những ngôn từ và hiểu rõ các pháp cú.

Những gì là bốn?

Dung mọi phương tiện để hiểu rõ các đạo nghiệp. Thông suốt các pháp môn, nhân duyên và quả báo. Luôn đặt trí tuệ là trên hết, hiểu rõ Phật Đạo. Thông đạt, xiển dương nghĩa lý, chương cú của các pháp. Đó là bốn.

Bồ Tát lại có bốn pháp để quan sát về ngôn từ và hiểu rõ chương cú của các pháp.

Những gì là bốn?

Hiểu rõ, xiển dương những lời dạy chân thật. Mở bày các pháp, thông đạt tất cả. Phân tích các pháp, đầy đủ mọi phương tiện. Biết rõ các nghĩa lý, nguồn gốc do đâu mà có. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp để quan sát về nghĩa lý và ngôn từ.

Những gì là bốn?

Tu theo tuệ Bậc Thánh, hiểu rõ đạo nghiệp. Đạt được uy lực, ban bố các pháp. Mau thành tựu quả vị Phật và tuệ thanh tịnh. Dùng ánh sáng các Ba la mật chiếu soi khắp nơi. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp để thông đạt các pháp.

Những gì là bốn?

Hiểu rõ các tập, siêng năng tu hành. Diệt hết các nhân, không có điều gì mà không biết. Nhờ vào sự chứng đắc nên đạt được thần lực. Lúc nào cũng siêng năng tu tập, nghe nhận Kinh Điển chân chánh. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp để hiểu rõ các pháp.

Những gì là bốn?

Biết rõ vạn vật đều là vô thường. Nhận biết vạn vật vốn do các nhân mà thành. Biết chắc vạn vật đều trở về sự diệt tận. Hiểu rõ vô thường nên tu tập theo tám Chánh đạo. Đó là bốn. Lại có bốn pháp để thông đạt các pháp.

Những gì là bốn?

Thông suốt các hành đều do các tập chứa nhóm. Thấu đạt tất cả sự diệt tận của các tập. Đạt được nhân duyên về năng lực lớn không cùng tận. Nương vào phương tiện nên biết được sự hợp, tan của các hành. Đó la bốn.

Lại có bốn pháp để hiểu rõ các pháp.

Những gì là bốn?

Thông suốt hết mọi nẻo hướng đến của các nghĩa lý, ngôn từ. Hiểu thấu các nghĩa lý mà không nhờ người khác. Diễn nói hết thảy các pháp và tất cả mọi coi nguồn về tướng của trí tuệ. Khiến cho tất cả các pháp đều kiến lập nơi tuệ vô tướng. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp, dù sinh ra ở đâu cũng thường biết được đời trước của mình, nhớ nghĩ không quên, cho đến phát tâm chánh chân vô thượng.

Những gì là bốn?

Các căn sáng suốt, biết rõ pháp thiện, ác. Nhờ biết rõ ý niệm phải, trái của người khác nên tất cả các ấm đều được tiêu trừ. Sinh ở chỗ nào cũng luôn chánh niệm. Thường hướng đến đạo chánh chân vô thượng. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp làm cho tâm ý không quên mất đạo Chánh Giác.

Những gì là bốn?

Thường thực hành thiền định, thông đạt các phương tiện. Trí tuệ thông suốt, xem ánh sáng trí tuệ là trên hết. Biết rõ các pháp quán nên quan sát khắp nơi. Đạt được trí tuệ nên ánh sáng chiếu cực xa. Đó là bốn.

Lại có bốn pháp để tâm ý không quên mất đạo Chánh Giác.

Những gì là bốn?

Đạt được các pháp Tổng trì và tuệ không chỗ sinh. Chứng đắc tuệ siêu việt tột cùng nơi Bậc Thánh. Dùng tuệ diệt trừ để quan sát ba cõi. Dùng tuệ vô bờ để thấy khắp ba cõi. Đó là bốn pháp.

Lại có bốn pháp, dù sinh ra bất cứ đâu cũng thường biết được đời trước, không hề tán loạn, hướng đến Chánh Giác.

Những gì là bốn?

Nhờ đoạn trừ các kết sử nên không thể tán loạn, lời nói không bao giờ sai sót, tất cả các hạnh nghiệp đạt được đều là vô vi, đạt được hạnh như Phật và đạo lớn không cùng tận. Đó là bốn.

Khi ấy, Đức Phật nói kệ:

Người ấy đã thành tựu

Tâm, tánh thường sáng suốt

Chưa từng quên chánh pháp

Nhờ đạt được Chánh Giác.

Hiểu rõ tất cả pháp

Nhu hòa, tu từ bi

Biết các pháp là không

Thông đạt vô số hạnh.

Tu theo tuệ chân thật

Đầy đủ tuệ Bậc Thánh

Diệt trừ tâm nhơ uế

Chưa từng có ganh ghét.

Dùng phương tiện đúng lúc

Thông hiểu tuệ vô thượng

Chí nguyện rất rộng lớn

Cho đến thành Chánh Giác.

Tâm ý luôn tự tại

Ba mươi bảy trợ đạo

Tâm ấy đều thông suốt

Biết vô số đời trước.

Hiểu khổ từ đâu sinh

Đều do nguồn gốc tập

Tất cả đều sẽ diệt

Biết hết thảy vốn không.

Nhờ chánh pháp Bồ Tát

Giáo hóa khắp ba cõi

Khiến cho người tăm tối

Đều đạt đạo vô thượng.

Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Bồ Tát có năm pháp để thực hành về năng lực thanh tịnh, đạt được công đức như vậy.

Những gì là năm?

Nhờ bản tánh nhu hòa tuệ lực thanh tịnh nên các nguyện đều thanh tịnh, thần lực về tuệ sáng suốt của Bậc Thánh và cội gốc công đức đều thanh tịnh, năng lực của đạo vô lượng nên các thệ nguyện đều thanh tịnh, thần lực của tuệ này dứt bặt các nghiệp chướng nên thần lực của tuệ thanh tịnh. Đó là năm.

Lại có năm pháp khiến năng lực của tuệ được thanh tịnh.

Những gì là năm?

Nhờ năng lực ấy để xiển dương các oai nghi phép tắc, thành tựu các niệm khiến thần lực của tuệ thanh tịnh, nương vào phương tiện thiện xảo, hiểu rõ năng lực không tỳ vết, vì chúng sinh giảng rõ diệu lực của Bậc Thánh, muốn đạt được năng lực của thần thông nên siêng năng tu tập. Đó là năm.

Lại có năm pháp để làm năng lực của trí tuệ được thanh tịnh và đạt được tất cả những hạnh nghiệp công đức.

Những gì là năm?

Bố thí thanh tịnh gọi là diệu lực của trí tuệ. Cứu giúp chúng sinh chính là năng lực thanh tịnh. Kiến lập tâm từ rộng lớn là thần lực của trí tuệ thanh tịnh. Tâm bi rộng lớn là thần lực của trí tuệ thanh tịnh. Nhờ hỷ, xả không cùng tận nên là năng lực của trí tuệ thanh tịnh. Đó là năm.

Lại có năm pháp làm năng lực thanh tịnh, đạt được công đức.

Những gì là năm?

Giới của vị ấy thanh tịnh nên đạt được tuệ thuần nhất, nhờ thực hành giới cấm nên dùng tuệ để cứu giúp chúng sinh, nhẫn thanh tịnh nên không bao giờ sân hận, năng lực của tuệ thanh tịnh nên cứu giúp những người không có thế lực, lực học rộng hiểu nhiều thanh tịnh nên thông đạt tất cả. Đó là năm.

Lại có năm pháp để làm đầy đủ các công đức.

Những gì là năm?

Nhờ tu hành siêng năng nên đạt được chí nguyện về lực của trí tuệ, nhờ siêng năng tu tập nên tuệ thanh tịnh, có diệu lực của tuệ nhất tâm nên mau đạt được định ý, thông đạt tuệ thiền định, dùng tâm thanh tịnh rỗng lặng để quan sát ba cõi là không. Đó là năm.

Lại có năm pháp để đạt được công đức.

Những gì là năm?

Trí tuệ thanh tịnh nên học rộng hiểu nhiều không hề nhàm chán. Nhờ có được uy lực nên vượt trên thế lực. Mạnh mẽ, có oai lực, cứu giúp người yếu đuối. Nhờ uy lực nơi ánh sáng của Bậc Thánh nên hiểu biết thanh tịnh. Dùng thần lực của tuệ thanh tịnh để diễn đạt về hữu, vô, sinh tử và vô vi. Đó là năm.

Lại có năm pháp để thành tựu diệu lực ánh sáng của Bậc Thánh và đạt được công đức.

Những gì là năm?

Nương vào năng lực của trí tuệ để phân tích các pháp quán. Nhờ thông đạt các lực nên được thanh tịnh hoàn toàn. Có ánh sáng của tuệ giải thoát nhờ thành tựu diệu lực Bậc Thánh. Đạt được tuệ vô sinh nên có được năng lực về đạo. Nhờ nhất tướng và thật tướng đều thanh tịnh nên dùng năng lực của trí tuệ để quan sát thấy những vật sở hữu vốn là thanh tịnh. Đó là năm.

Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Hàng Bồ Tát Đại Sĩ nên luôn tu tập theo những pháp thanh tịnh như vậy.

Bấy giờ, Đức Phật nói kệ:

Năm Lực không gì sánh

Đạt được tuệ thanh tịnh

Tiêu trừ năm ấm cái

Tự nhiên đạt thần thông.

Bố thí, trì giới, nhẫn

Tinh tấn, nhất tâm, tuệ

Sáu độ vốn không tướng

Hành giả chẳng danh tự.

Đạo hạnh là tất cả

Không vướng mắc các cõi

Thoát ba cõi như huyễn

Đến nẻo không sinh tử.

Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Các Bồ Tát Đại Sĩ lại có ba pháp, tuy ở trong cõi đầy sắc tướng nhưng luôn dùng năng lực của pháp thanh tịnh để siêng năng tu tập trí tuệ.

Những gì là ba?

Ưa thích đạo pháp, siêng năng không mệt mỏi, tu hành không hề buông lung. Đó là ba.

Lại có ba pháp: Đối với sắc pháp luôn có tuệ lực thanh tịnh, mau thành tựu quả vị Phật, đạt đến nhất thiết trí.

Vì sao?

Vì siêng năng tu tập nên không buông lung, thành tựu các pháp, nhờ tâm thanh tịnh nên đạt đến năng lực của đạo, mau thành tựu tinh tấn. Tu hành theo từ bi và trí tuệ không hề thoái chuyển, nhờ không thoái chuyển nên xiển dương đạo pháp, thành tựu công đức.

Nhờ đã thành tựu công đức nên mau chứng đắc các pháp, thông đạt diệu lực của trí tuệ, nhờ thông đạt như vậy tức là bậc Như Lai ở thế gian, liền đạt được oai đức diễn nói không chướng ngại, chính là đã làm theo Đức Như Lai, đạt được trí tuệ của Bậc Thánh nên quan sát nơi Đức Như Lai, không bao lâu nữa sẽ chứng đắc đạo trí tuệ của Như Lai.

Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Thuở xưa, trải qua vô số kiếp, Như Lai đã thực hành nghiệp Bồ Tát và đã được Phật Đăng Quang thọ ký: Ở đời sau cùng, ông sẽ đạt được diệu lực của trí tuệ thanh tịnh và các Ba la mật giống như ta.

Có Bồ Tát nào đạt được tuệ này thì vị ấy cũng chuyển pháp luân như Như Lai hiện nay đang chuyển pháp luân, cũng gầm lên tiếng gầm của sư tử giống như vậy.

Nhờ đạt được tuệ này, vị ấy liền được tự tại đối với các pháp, đạt được tự tại rồi liền thành tựu đại đạo. Nếu muốn đạt đến trí tuệ không cùng tận này thì nên học pháp ấy, không bao lâu nữa sẽ chứng đắc quả vị Chánh Giác vô cực của Phật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần