Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Trì Nhân - Phẩm Mười - Hữu Vi Và Vô Vi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TRÌ NHÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI

HỮU VI VÀ VÔ VI  

Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Sao gọi là Bồ Tát phân biệt biết rõ về pháp hữu vi và vô vi?

Thế nào là pháp hữu vi và vô vi?

Đó là, Bồ Tát dùng sự hiểu biết chân chánh để thuận theo nghĩa lý và tìm hiểu pháp hữu vi và vô vi.

Thế nào là thuận theo nghĩa lý?

Thế nào là tìm cầu điều trên?

Đó là, không tạo tác pháp hữu vi, nếu có đối tượng để thấy thì tự nhiên biết tên gọi, có tạo tác nên gọi là hữu vi. Lại nữa, pháp hữu vi là hư giả, chuyển đổi.

Thế nào là thay đổi?

Do có tập hợp nên tự nhiên tan rã, kiến lập do hai nhân duyên mà nhân duyên vốn không cùng tận, tất cả mọi vật hiện có đều do nhân duyên sinh.

Hết thảy các pháp hoặc không tạo tác, tự tạo tác hay bảo người khác tạo tác đều tự nhiên sinh ra, đó là pháp hữu vi, cũng chính là pháp tự nhiên, không có sự xoay vần nên gọi là hữu vi.

Pháp hữu vi ấy không ở trong, không ở ngoài, cũng chẳng ở giữa, tồn tại huyễn hoặc, không hợp không tan, do tư tưởng hư vọng kiến lập, từ duyên vô minh sinh ra nghiệp ngu si mà có tất cả các pháp, chúng tự nhiên xoay vần, không thể tạo ra, từ pháp hữu vi mà nhận chịu tướng nghiệp, cũng do điên đảo, vì phàm phu do tối tăm nên duyên dựa vào danh tự ấy.

Lại nữa, bậc có trí tuệ thì thông đạt không thể chạm tới biên vực của hữu vi, không nương tựa vào hữu vi cũng chẳng phải hòa hợp mà có pháp. Đó gọi là trí tuệ.

Nhờ trí tuệ nên phân biệt được nẻo thật, có đối tượng tạo tác, bặt dứt tất cả sự tạo tác. Nhờ trí tuệ mà thấu rõ tất cả các hành đều trống rỗng, tạm bợ, các pháp này đều chẳng thật có, bao gồm cả tự nhiên cũng chẳng phải tự nhiên, từ ý niệm mà có ra hết thảy pháp hữu vi.

Vì sao?

Vì không nên làm theo nhân duyên hưu vi, hoặc biết rõ pháp vô vi là chưa từng chứa nhóm các duyên của pháp hữu vi, hiểu rõ vô vi như vậy mới thông đạt các pháp.

Thế nào là hiểu rõ?

Tất cả các pháp hữu vi đều chẳng thật có, là không có hình tướng, chúng không có giới hạn, chẳng có sự nhóm họp, bậc trí quan sát về điều này, không có pháp hữu vi là chỗ đạt đến sự sinh khởi rốt ráo.

Pháp hữu vi ấy cũng chẳng có đối tượng thọ nhận, đều chẳng khác biệt. Hữu vi và vô vi cũng không có gì khác nhau, đoạn trừ hết các nghiệp hữu vi, đó là hữu vi cũng là vô vi, đây là tướng hữu vi, đây là tướng vô vi.

Sao gọi là tướng hữu vi?

Nghĩa là, biết có sinh chắc chắn có chết, có nhóm họp thì phải xa lìa.

Thế nào là tướng vô vi?

Là không sinh, không diệt, không tập hợp cũng chẳng xa lìa, phàm phu không thể hiểu rõ được hai nghĩa này nên chẳng thể biết được hữu vi, do các pháp có tướng sinh khởi, tướng hoại diệt, cũng chẳng trụ vào tướng khác, do từ không có tướng mà sinh rồi trụ nơi tướng khác, nếu không có tướng ấy thì Như Lai đã giảng nói, từ tướng này sinh khởi, từ tướng này hoại diệt cũng trụ vào tướng này.

Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Như Lai đã giảng nói, tất cả các pháp đều là tướng hữu vi, vì có sự thành tựu, không có tướng sinh khởi, không có tướng hoại diệt, cũng chẳng có tướng tồn tại. Như Lai cũng giảng nói tướng vô vi không là tướng phải tướng quấy, không thể dùng tướng hữu vi ấy để hướng đến vô vi.

Vì phàm phu ít trí tuệ, Như Lai mới giảng nói các pháp, khi pháp hữu vi khởi lên thì phải diệt tận, chỉ có vô vi mới an lạc vì không tạo tác, không sinh, không diệt, cũng chẳng có chỗ trụ. Đó gọi là vô vi.

Từ đối tượng tích tập ấy mà có sự sinh diệt, nếu chẳng tích tập thì hoàn toàn rốt ráo, không hoạt động, không rốt ráo cũng chẳng trụ ở đâu khác, đó là hiểu biết chân chánh, là bậc có trí tuệ, không mong tích tập, biết có đối tượng sinh khởi thì có tan rã, không bám víu vào nơi nào khác.

Bồ Tát nào quan sát về pháp hữu vi và pháp vô vi thì nên quán như vậy, chúng không phải có cũng chẳng phải không, mà luôn thấy như thật, không thấy hữu vi và vô vi, hữu vi không thấy được vô vi.

Vô vi không thấy được hữu vi cũng chẳng thấy có vô vi nào khác mà tự biết là do ngã và ngã sở, có sự chân chánh là thấy được hạnh nghiệp hữu vi, không có hữu vi nào khác tức là thấy chân lý, mọi tư duy đều là vọng tưởng, pháp hữu vi và vô vi ấy hoàn toàn không có tưởng.

Hữu vi và vô vi không có tưởng phân biệt và các tưởng khác, bặt dứt các sự vướng mắc là thông đạt về vô vi, diệt trừ các duyên, biết chúng vốn thanh tịnh, không có nhân duyên, nhân ấy vốn thanh tịnh tức thấy chân lý. Do có thể thấu rõ như vậy nên không tạo tác, không chứa nhóm.

Bồ Tát nào có thể kiến lập hữu vi và vô vi như vậy thì hiểu rõ các pháp là không phải có cũng chẳng phải không, không duyên dựa vào hữu vi và vô vi mới có thể đạt được đạo quả giác ngộ.

Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Bồ Tát nào phân biệt năm ấm, hiểu rõ các chủng tánh, thông đạt sáu nhập, biết rõ mười hai nhân duyên, tường tận về bốn niệm xứ, năm căn, tám chánh đạo, thấu rõ về hạnh nghiệp thế gian và xuất thế gian.

Nhận biết rõ về pháp hữu vi và vô vi thì nhờ sự thông suốt này, vị ấy hiểu rõ cội nguồn của tất cả các pháp, giảng nói rộng rãi về các pháp, đạt được diệu lực của ý, biết tường tận chương cú của tất cả các pháp, bặt dứt sinh tử, tâm không hề tan hoại, có khả năng đạt đến đạo quả chánh chân vô thượng, thành Bậc Tối Chánh Giác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần