Phật Thuyết Kinh Tập Nhất Thiết Phước đức Tam Muội - Phần Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT
KINH TẬP NHẤT THIẾT
PHƯỚC ĐỨC TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẦN SÁU
Ngài lại diễn nói tám thứ pháp môn khác khiến Đại Bồ Tát mau thành tựu trí tuệ.
Những gì là tám?
1. Tất cả pháp chỉ là danh tự.
2. Do dùng danh tự phân biệt tất cả các pháp, cho nên tất cả các pháp chỉ là âm thanh.
3. Dùng lời phân biệt khiến người hoan hỷ, cho nên phân biệt tất cả các pháp cũng rất cần yếu.
4. Tất cả các pháp đều có tướng quyết định cho nên tất cả các pháp đều có thể nói năng.
5. Do tự tại quơ múa trong hư không, cho nên tất cả các pháp đều có tướng riêng của nó.
6. Do xa lìa các tướng khác, cho nên tất cả các pháp sẽ hoàn toàn chấm dứt.
7. Do vốn không, cho nên tất cả các pháp chỉ có môn phân biệt.
8. Do từ phân biệt mà có, nên tất cả các pháp bình đẳng, do bình đẳng một vị cho nên rất thù thắng. Đây gọi là tám pháp môn mà trí tuệ mau được thành tựu.
Này Tối Thắng! Lại có tám chữ chủng tử môn, có thể thành tựu biện tài không cùng tận.
Những gì là tám?
1. Hết thảy pháp từ chữ A chủng tử môn.
2. Chỉ bày pháp vô sinh, cho nên hết thảy pháp từ chữ xà chủng tử môn.
3. Chỉ bày pháp đệ nhất nghĩa, cho nên hết thảy pháp từ chữ Na chủng tử môn.
1. Chỉ bày chữ Danh và Sắc, cho nên hết thảy pháp từ chữ Giá chủng tử môn.
2. Thị hiện điều phục hết thảy pháp, cho nên hết thảy pháp từ chữ Bà chủng tử môn.
3. Chỉ bày tất cả pháp đều vào bình đẳng, nên tất cả pháp từ chữ Đa chủng tử môn.
4. Chỉ bày pháp như là không hư hoại, nên hết thảy pháp từ chữ Ca chủng tử môn.
5. Diệt nghiệp khổ, nên hết thảy pháp từ chữ Ma chủng tử môn.
Đoạn trừ hết thảy pháp rốt ráo thành tựu nên gọi là tám chữ chủng tử môn, có thể thành tựu biện tài không cùng tận.
Vì vậy, này Tối Thắng! Đó là tám chữ chủng tử cú môn, tám kim cang cú môn.
Nếu hay chánh niệm tu hành, thường xa lánh chỗ ồn ào, hay khéo suy nghĩ, quán sát tu tập sẽ thành tựu công đức.
Này thiện nam! Đức Tịnh Danh Vương Như Lai giảng nói pháp xong rồi, phóng ra ánh sáng lớn soi khắp Thế Giới, làm chấn động cả đại địa, rồi ẩn mất không hiện, cùng với các Đại Bồ Tát trở về lại nước kia. Tất cả chúng sinh đều không biết khi Đức Phật thị hiện qua lại.
Này thiện nam! Khi đại tiên Tối Thắng thành tựu thánh biện, được Chư Thiên hầu hạ, Chư Thiên hộ vệ giữ gìn. Ông vì hàng phục ma đạo cho nên đi đến các xóm làng, thành ấp trong nước, vì các chúng sinh rộng phô bày diễn nói Kinh Tam Muội tập nhất thiết phước đức.
Trải qua một ngàn năm thường diễn nói pháp này, khiến cho tám vạn bốn ngàn chúng sinh an trú Thanh Văn thừa. Tám vạn bốn ngàn chúng sinh an trú Duyên Giác thừa. Tám vạn bốn ngàn chúng sinh an trú Đại Thừa.
Tám vạn bốn ngàn chúng sinh làm Vua Chuyển Luân. Tám vạn bốn ngàn chúng sinh làm Đế Thích Hoàn Nhân. Tám vạn bốn ngàn chúng sinh được làm Phạm Vương. Tám vạn bốn ngàn chúng sinh tu hành tâm từ. Tám vạn bốn ngàn chúng sinh tu hạnh tâm bi. Tám vạn bốn ngàn chúng sinh tu hạnh tâm hỷ.
Tám vạn bốn ngàn chúng sinh tu hạnh tâm xả. Vô lượng chúng sinh được sinh lên Trời. Khi ấy, đại tiên Tối Thắng sau đó mạng chung liền vãng sinh đến cõi Phổ Vô Cấu của Đức Phật Tịnh Danh Vương và tám vạn bốn ngàn Thiên Tử cũng sinh về cõi ấy.
Này thiện nam! Ý ông nghĩ thế nào?
Vị tiên Tối Thắng thời ấy đâu phải người nào lạ. Ông chớ có nghi, đó là thân trước của ta. Ta vốn như vậy vì muốn cầu pháp, kỉnh pháp mà nói lời thành thật, liền cảm ứng đến Đức Phật Tịnh Danh Vương thị hiện đến chỗ ta. Vì vậy nên biết, nếu có Bồ Tát cung kính cầu pháp, thì đối với người này Phật không Niết Bàn, pháp cũng không diệt.
Vì sao?
Này Tịnh Oai! Nếu có Bồ Tát chuyên chí muốn thành tựu chánh pháp, tuy ở cõi khác mà cũng thường được thấy Phật, nghe chánh pháp.
Này Tịnh Oai! Nếu Đại Bồ Tát muốn cầu chánh pháp, Kinh pháp sẽ khiến các núi cao, cây lớn, rừng rậm, từ đó phát ra tiếng nói pháp trong pháp tạng, các pháp Đà La Ni và các quyển Kinh tự có trong tay.
Này Tịnh Oai! Nếu có các Bồ Tát kính pháp, muốn nghe pháp, nếu có Chư Thiên đã từng thấy Phật, đi đến chỗ Phật, theo Phật nghe pháp, Đức Phật vì họ diễn nói đầy đủ.
Này Tịnh Oai! Nếu các Bồ Tát có tâm hoằng dương chánh pháp mà thọ mạng sắp hết, Chư Thiên, Thế Tôn sẽ tăng thêm thọ mạng cho vị ấy. Do năng lực của Phật gia trì muốn sống ngàn năm vẫn sống được. Hai ngàn, ba ngàn, bốn ngàn, năm ngàn, cho đến sống trọn một kiếp, hoặc kém một kiếp, tùy ý đều được toại nguyện.
Này Tịnh Oai! Nếu có Bồ Tát vì kỉnh pháp, muốn nghe pháp, sẽ không già, không bệnh, được sức nhớ lâu, đạt đến trí tuệ, được vô ngại biện tài.
Nếu có Bồ Tát vì kỉnh pháp, muốn nghe pháp, được thấy Phật rồi xa lìa các kiến chấp thành tựu chánh kiến.
Này Tịnh Oai! Nếu có Bồ Tát vì kỉnh pháp, muốn nghe pháp, tất cả chúng sinh không thể xâm hại.
Vì vậy, này Tịnh Oai! Đây là đại chúng sinh, nên cần siêng tu đa văn, trang nghiêm, sẽ được công đức vượt qua công đức nêu trên.
Này Tịnh Oai! Nếu có Bồ Tát an trụ cả ba pháp này, sẽ dùng phước để trang nghiêm, phước làm trụ cột rộng lớn, phước luôn tăng trưởng, phước không cùng tận, phước không nghĩ bàn, không thể biết hết được ranh giới của phước này.
Này Tịnh Oai! Có thể dùng một sợi lông nhúng vào biển cả để lấy ra từng giọt nước, có tính được số giọt nước của biển lớn hay không?
Không thể biết hết được, vì vậy Bồ Tát dùng trang nghiêm phước tụ, tịnh giới, đa văn, tuệ tụ, cũng không thể lường được ranh giới của nó.
Này Tịnh Oai! Có thể nêu ba ngàn đại thiên Thế Giới những cỏ cây núi rừng và các chúng sinh mà có thể biết được trọng lượng nặng nhẹ của nó, thật không thể nêu được số lượng, cũng như vậy Bồ Tát trang nghiêm giới đa văn tuệ tụ, không thể biết ranh giới của nó.
Như vậy gọi là đã giải thích và trình bày trí trang nghiêm.
Khi ấy, Lực sĩ Tịnh Oai bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Bố thí trang nghiêm, tịnh giới trang nghiêm, đa văn trang nghiêm là ba loại trang nghiêm.
Thứ nào là tối cao?
Thứ nào là tối thắng.
Đức Phật dạy: Này Tịnh Oai! Trong ba loại trang nghiêm này, đa văn trang nghiêm rất đáng khen ngợi, rất thù thắng tôn quý cao thượng không còn loại nào hơn.
Này thiện nam! Như núi Tu Di bỏ vào trong đó một hạt cải, cũng như vậy, phước của bố thí và phước của trì giới gom lại chỉ bằng hạt cải, còn phước của đa văn trang nghiêm cũng như núi Tu Di.
Này thiện nam! Như một con chim nhỏ ở trong hư không, thí và giới trang nghiêm cũng như vậy, đa văn trang nghiêm rộng như hư không.
Này thiện nam! Dùng bố thí để trang nghiêm có thể thành tựu hai việc.
Những gì là hai?
1. Không còn bần cùng.
2. Được phước lộc lớn.
Dùng tịnh giới để trang nghiêm cũng thành tựu hai việc.
Những gì là hai?
1. Xa lìa đường ác.
2. Được sinh cõi lành.
Này thiện nam! Dùng đa văn để trang nghiêm cũng thành tựu hai việc.
Những gì là hai?
1. Có khả năng trừ bỏ hết thảy tà kiến.
2. Có thể tu tập tất cả trí tuệ dùng để trang nghiêm.
Này thiện nam! Bố thí trang nghiêm là quả báo hữu lậu. Tịnh giới trang nghiêm cũng là quả báo hữu lậu.
Này thiện nam! Đa văn trang nghiêm là quả báo vô lậu.
Vì vậy, này thiện nam! Vị Đại Bồ Tát nên siêng năng tinh tấn tu trí tuệ đa văn.
Khi Đức Phật giảng nói về pháp của phước bố thí, tịnh giới, đa văn để trang nghiêm, có ba ngàn chúng sinh vốn đã gieo trồng căn lành, liền phát tâm cầu đạo chánh chân vô thượng. Năm ngàn vị Thiên Tử đối với các pháp đã xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Lực sĩ Tịnh Oai đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Khi ấy, Lực sĩ Tịnh Oai bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Đại Bồ Tát thành tựu bao nhiêu pháp để mau đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Đức Phật dạy: Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu bốn pháp sẽ mau đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Những gì là bốn?
1. Hiểu rõ thân cũng như ảnh tượng trong gương.
2. Hiểu biết ngôn ngữ nói năng như là tiếng vang.
3. Hiểu rõ tâm như huyễn hóa.
4. Hiểu các pháp không hai.
Này Tịnh Oai! Nên biết Bồ Tát thành tựu bốn pháp này sẽ mau đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát thành tựu bốn pháp sẽ mau thành tựu pháp nhẫn vô sinh.
Những gì là bốn?
1. Dùng tâm từ bi che chở khắp hết thảy chúng sinh mà không tưởng có chúng sinh.
2. Hiểu rõ các pháp vốn không mà không chấp thấy có chỗ hiểu.
3. Quán thấy Phật thanh tịnh, không dùng nhục nhãn mà an trú nơi tuệ nhãn.
4. Khéo phân biệt tâm mà không thấy tâm, không nương gá tâm.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu bốn pháp này mau đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát thành tựu bốn pháp sẽ mau được pháp nhẫn vô sinh.
Những gì là bốn?
1. Không bỏ hết thảy chúng sinh.
2. Xa bỏ các kiến chấp.
3. Hộ trì tịnh giới.
4. Lòng sạch tất cả các kiết sử.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu bốn pháp như vậy sẽ mau đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát thành tựu bốn pháp sẽ mau đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Những gì là bốn?
1. Có sức nhẫn nhục.
2. Pháp Phật tăng trưởng thù thắng.
3. Siêng tu hành tinh tấn.
4. Hiểu rõ pháp vắng lặng.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu bốn pháp này sẽ mau đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát thành tựu bốn pháp sẽ mau đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Những gì là bốn?
1. Được thiền mà không chấp theo thiền.
2. Dùng trí tuệ phân biệt mà không rơi vào hý luận.
3. Thành tựu các pháp phương tiện giáo hóa chúng sinh.
4. Tăng trưởng các hạnh tu và khéo rõ biết các hạnh tu.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu bốn pháp như vậy sẽ mau đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát thành tựu bốn pháp sẽ mau được pháp nhẫn vô sinh.
Những gì là bốn?
1. Dùng tâm đại từ cứu các chúng sinh.
2. Do tâm đại bi không chán sinh tử.
3. Do tâm đại hỷ thích ưa chánh pháp.
4. Do tâm đại xả đoạn trừ tất cả tham ái.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu bốn pháp này sẽ mau đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát thành tựu bốn pháp sẽ mau đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Những gì là bốn?
1. Biết được ba pháp môn giải thoát.
2. Biết rõ về ba cõi.
3. Vượt qua ba cõi.
4. Tin hiểu pháp tánh vốn vô sinh.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu bốn pháp này sẽ mau đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Khi Đức Phật diễn nói về nhiều loại bốn pháp như vậy, Lực sĩ Tịnh Oai đạt được pháp nhẫn vô sinh, hoan hỷ mừng rỡ bay lên hư không cao bằng bảy cây Đa La.
Khi ấy, ba ngàn đại thiên Thế Giới có sáu cách chấn động. Lúc này, hàng Trời, người đều vui vẻ hòa nhạc, Trời mưa hoa rơi xuống như mây, ánh sáng lớn soi khắp Thế Giới này.
Khi ấy, Đức Thế Tôn mỉm cười, theo pháp thường của Chư Phật khi mỉm cười sẽ có trăm ngàn ánh sáng màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía v.v… từ mặt xuất hiện, chiếu khắp vô lượng, vô biên Thế Giới, trên quá Cõi Trời Phạm Thế, rồi ánh sáng ấy quay về nhiễu quanh thân Phật ba vòng từ đảnh đầu mà vào.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Sáu Mươi - Phẩm Nhân Duyên Của A Nan
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Pháp Trang Nghiêm
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bốn - Phẩm Ngạ Quỷ - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Hai - Hai Pháp - Phẩm Sáu - Phẩm Người