Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Trì Nhân - Phẩm Sáu - Các Nhập

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TRÌ NHÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM SÁU

CÁC NHẬP  

Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Thế nào là Bồ Tát thông suốt các nhập?

Ở đây, Bồ Tát quan sát và hiểu rõ ngọn nguồn của mười hai nhập.

Thế nào gọi là quán?

Nghĩa là, đối tượng có thể quan sát là không thấy chỗ hội nhập của mắt, mắt không thành tựu, đều không thật có.

Vì sao?

Chỗ hội nhập của mắt đều từ duyên đối và điên đảo mà sinh khởi.

Sự trói buộc của sắc và duyên khởi hòa hợp có hai nhân duyên: Một là nhãn nhập, hai là theo đối. Vì phát sinh ra sắc nên gọi là nhãn nhập.

Như vậy, mắt và sắc có hai chỗ nương tựa, chấp giữ, là chỗ nhập của mắt và sắc. Sắc chính là đối tượng của mắt, mắt thấy sắc, rồi chấp huyễn làm tướng, cho nên gọi là các nhập, chính là chứa nhóm và chấp giữ.

Mắt không lệ thuộc sắc, sắc cũng không lệ thuộc mắt. Sắc không lệ thuộc sắc, mắt cũng không lệ thuộc mắt, hết thảy đều từ duyên khởi. Do sắc và duyên nên gọi là sắc nhập. Mắt thấy đối tượng là duyên nên gọi là có tướng, nên gọi nhập là nghiệp.

Thế nào gọi nhập là nghiệp?

Do lấy điên đảo làm lợi ích cứu cánh nên không thể nắm bắt được nhập, mắt và các sắc. Người có trí tuệ sáng suốt không tìm cầu các nhập nên thấy được chân lý. Do điên đảo hợp thành nên phàm phu thiếu trí tuệ cho là có hai tướng. Mắt thâu nhận sắc, liền hiển bày sự chân thật của nhập.

Hiểu rõ chân lý sắc là đối tượng của mắt, không ở bên trong, không ở bên ngoài cũng không phải ở giữa. Mắt và các sắc không có quá khứ, hiện tại hay vị lai, chỉ hiện bày mắt thấy sắc, do hiện bày mắt thấy sắc nên có tham muốn, nắm bắt. Phàm phu ít trí tuệ thì không thể biết sự vận hành này.

Bậc có trí tuệ biết rõ là rỗng không, không thật có, do tư tưởng điên đảo nên thành cac nhập, các nhập là thật tướng sao cho là có?

Nhập ấy không có tướng, đều từ duyên khởi, cho nên gọi là các nhập. Như Lai đã giảng nói các nhập là trống rỗng, đều từ điên đảo, tạm có do nhân duyên, không có sự tạo tác cũng chẳng khiến người tạo tác. Mắt không thể gọi là sắc, sắc không thể gọi là mắt, cũng không có đối tượng nhận biết, hết thảy đều vắng lặng.

Mắt, sắc và các nhập đều cùng tịch tĩnh, không có người tạo ra, tư nhân duyên sinh khởi. Phàm phu ít trí tuệ nên tâm luôn điên đảo, chỉ có bậc Hiền Thánh mới thấu đạt được, chúng vốn không hề sinh ra cũng chưa từng diệt, không đến, không đi. Mắt không thể xa rời mắt, mắt không nghĩ là mắt, sắc cũng không bỏ sắc, liền biết là thật tướng vì sắc không nghĩ là sắc.

Vì sao?

Vì hết thảy đều không, hết thảy đều tịch tĩnh nên thông đạt thật tướng. Mắt không nương vào mắt, sắc không biết là sắc, vì là thật tướng.

Thật tướng của mắt và sắc thì không thể thành tựu. Mắt không cầu nơi mắt cũng không tập hợp hay tan rã, hết thảy đều rỗng lặng. Mắt không chứa nhóm mắt, cho rằng ta là đối tượng của mắt.

Sắc không chứa nhóm sac, sắc là ngã sở, huyễn là thật tướng. Mắt, sắc đều là rỗng không nên gọi là thật tướng, chỉ tạm nói mà thôi. Tai  thanh, mũi  hương, lưỡi  vị, thân  xúc, tâm  pháp cũng không thể nắm bắt, đều là không thật có, cũng chẳng có đối tượng thành tựu.

Vì sao?

Vì từ nhân duyên sinh khởi, ở chỗ điên đảo, do hai nhân duyên mà kiến lập, từ tâm pháp khởi lên các nhập, cho nên gọi là các nhập.

Do pháp nhân duyên nên tạm có các nhập, pháp không lệ thuộc tâm, tâm không lệ thuộc pháp, pháp không lệ thuộc pháp, tâm không lệ thuộc tâm mà lệ thuộc đều từ duyên khởi, kiến lập các pháp. Nhờ tâm thấy tướng, không thể nhập vào pháp, bậc trí thông đạt điều này, nếu tìm cầu nguồn gốc các nhập mà thấy được chân lý thì đều là điên đảo hợp thành.

Phàm phu ít trí tuệ nên thấy có hai tướng. Pháp không ở bên trong, bên ngoài cũng không ở giữa, tâm không thể nhập vào pháp, pháp cũng không thể nhập vào tâm, không có quá khứ, hiện tại hay vị lai, tất cả đều từ duyên sinh. Người thiếu trí tuệ không thể hiểu rõ, chỉ có bậc trí mới thông đạt điều ấy.

Vì sao?

Tất cả đều không thật có, vì ở nơi thật tướng, không hoàn toàn thể nhập vào pháp cũng không có tướng chân thật nên không thành tựu, chỉ hiện hữu giả tạm mà thôi.

Như vậy, này Bồ Tát Trì Nhân! Bồ Tát nào hiểu rõ mọi đối tượng của các nhập thì liền thông đạt tất cả mười hai nhập, không còn vướng mắc, lệ thuộc, đoạn trừ các nhập.

Do tạo lập các nhập và các phân biệt khiến không còn đối tượng sinh khởi, hiểu rõ về tướng không, giống như chỗ hòa hợp của các dòng nước, cho nên nói là nước luôn len lỏi vào khắp mọi nơi. Mười hai nhân duyên này cũng lại như vậy.

Cho rằng trong, ngoài đều từ duyên sinh như dòng nước ấy đến và tồn tại ở nhiều nơi, tuy nói thật tướng không thể nắm bắt được xứ sở nhưng do bị kiến chấp trói buộc nên các nhập ấy mới hướng đến phiền não. Phàm phu không thể đoạn trừ phiền não nên gọi là nhập môn, mắt lệ thuộc sắc và tai, mũi, miệng, thân và tâm cũng vậy, không có nơi nương tựa.

Bồ Tát Đại Sĩ thông đạt thật tướng, hiểu rõ các nhập, nhờ hiểu rõ các nhập nên trừ sạch mọi kết sử.

Này Bồ Tát Trì Nhân! Như vậy gọi là Bồ Tát thông suốt các nhập.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần