Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tùng đâu Thuật Thiên Giáng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ Kinh Bồ Tát Xử Thai - Phẩm Ba Mươi Hai - địa Thần

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH BỒ TÁT TÙNG

ĐÂU THUẬT THIÊN GIÁNG THẦN

MẪU THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ

KINH BỒ TÁT XỬ THAI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA MƯƠI HAI

ĐỊA THẦN  

Khi ấy, trong chúng hội có Bồ Tát tên Thiện Nghiệp, từ tòa ngồi đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chấp tay thưa Phật: Con có điều nghi ngờ, muốn thưa Như Lai nhưng không dám.

Phật bảo Bồ Tát Thiện Nghiệp: Ông cứ hỏi tự nhiên. Ta sẽ phân biệt rõ ràng cho ông.

Bồ Tát Thiện Nghiệp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Trong sáu đại chúng thần, vị nào là tối diệu nhất?

Địa, thủy, hỏa, phong, không hay là thức?

Đức Phật liền dùng thần túc làm cho Địa Thần ấy từ dưới đất vọt lên, đứng trên đất. Thủy thần từ dưới nước vọt lên, đứng trong nước. Hỏa thần từ trong lửa vọt lên, đứng trong lửa. Phong thần từ gió vọt ra, đứng trong gió. Không thần từ hư không vọt ra, đứng trong hư không.

Thức thần từ thức vọt ra, đứng trong thức.

Phật bảo Bồ Tát Thiện Nghiệp: Ông hãy đích thân đến hỏi sáu vị thần này đi.

Bồ Tát Thiện Nghiệp hỏi Địa Thần: Trong sáu đại, ông là tối diệu phải không?

Địa Thần trả lời: Trong sáu thần, tôi là tối thắng.

Vì sao?

Vì tôi sinh ra vạn vật, nào núi, sông, đá, tường, cây, cỏ, hoa quả v.v… tất cả đều nương vào tôi mà đứng. Tất cả chúng sinh loài hữu tình cũng nhờ tôi mà được tồn tại.

Do đó tôi là tối thắng nhất.

Bồ Tát Thiện Nghiệp hỏi Thủy Thần: Trong sáu thần, ông là tối diệu phải không?

Thủy thần trả lời: Trong sáu thần, tôi là tối diệu.

Vì sao?

Vì nếu không có nước thì đất bị khô cạn, không được thấm nhuần, cây cỏ, hoa quả đều bị khô héo. Loài chúng sinh thuộc hữu tình sẽ bị chết khát. Vì thế, tôi là tối thắng.

Bồ Tát Thiện Nghiệp lại hỏi Hỏa Thần: Trong sáu thần, ông là tối thắng phải không?

Hỏa thần trả lời: Trong sáu thần, tôi là tối thắng.

Vì sao?

Vì nếu không có lửa thì chất nuôi dưỡng vạn vật phát triển làm sao chín được. Nếu gặp sương, mưa đá, băng lạnh, điện chớp… tất cả chúng sinh loài hữu tình sẽ bị chết cóng. Vì thế, tôi là tối thắng.

Bồ Tát Thiện Nghiệp lại hỏi Phong Thần: Trong sáu thần, ông là tối thắng phải không?

Phong thần trả lời: Trong sáu thần, tôi là tối thắng.

Vì sao?

Vì nếu không có gió thì thân, rễ, mầm, cây cối, hoa quả v.v… không thể nào phát triển được. Tất cả chúng sinh hữu tình tới lui, lay động đều nhờ vào gió của tôi. Vì thế tôi là tối thắng.

Bồ Tát Thiện Nghiệp lại hỏi Không Thần: Trong sáu thần, ông là vi diệu phải không?

Không thần trả lời: Trong sáu thần, tôi là vi diệu.

Vì sao?

Vì núi sông, tường đá, cây cối, hoa quả v.v… tất cả chúng sinh hữu tình tới lui, qua lại tôi đều dung nạp để tất cả được hòa nhau, qua lại thông suốt. Vì thế tôi là tối thắng.

Bồ Tát Thiện Nghiệp lại hỏi Thức Thần: Trong sáu thần, ông là tối thắng phải không?

Thức thần trả lời: Trong sáu thần, tôi là tối thắng.

Vì sao?

Vì năm thần trên là đầy tớ của tôi. Tôi là Vua của họ. Đi tới, qua lại, đẹp hay xấu, nên tránh biết để tránh, nên đến biết để đến. Họ đều là đui mù, chỉ có tôi là mắt sáng. Vì thế tôi là tối thắng.

Bấy giờ, Địa Thần thưa với Bồ Tát Thiện Nghiệp: Điều này không đúng.

Vì sao?

Vì luôn bị thần thức lừa gạt, không chỉ cho đường tắt. Ngã muốn được cứng rắn thì lại cho mềm mại. Khi ngã cần mềm mại thì lại đưa cứng cỏi. Ngã muốn đến phương Nam, lại dẫn đến phương Bắc. Trong các lũ giặc không gì bằng thức thần. Tự mình xưng là Vua, điều này không như thế được.

Thủy thần thưa với Bồ Tát Thiện Nghiệp: Những gì thức thần nói đều không đúng.

Vì sao?

Vì nước có khả năng thấm nhuần, làm vạn vật phát triển. Tánh ngã cần lạnh, lại đưa cho ngã nóng. Đốt lửa làm tiêu băng giá, không còn tánh lạnh nữa, đó là do thức lừa gạt. Do đó nên thức nói không đúng.

Hỏa thần thưa với Bồ Tát Thiện Nghiệp: Thức nói không đúng gì cả.

Vì sao?

Vì lửa có thể làm cho vật chín, cũng cho ánh sáng và cây cối, hoa quả theo thời gian mà phát triển, nếu không có lửa thì thức nương vào đâu?

Do đó mà thức nói không đúng.

Phong thần thưa với Bồ Tát Thiện Nghiệp: Thức nói không đúng.

Vì sao?

Vì vạn vật phát triển, đi tới qua lại, lay động mà thức ngăn chận không cho ngã chuyển động. Do đó mà thức nói không đúng.

Không thần thưa với Bồ Tát Thiện Nghiệp: Thức nói cũng không đúng.

Vì sao?

Vì pháp không của tôi thì không có vật nào là không được dung nạp. Dung nạp vạn loại tới lui, qua lại, thông suốt, không chướng ngại. Tất cả đều là không của tôi.

Nếu không có không của tôi thì thức nương tựa vào đâu?

Do đó mà thức nói không đúng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn hỏi Bồ Tát Thiện Nghiệp: Những gì mà sáu đại này bàn luận là có cú nghĩa hay không có cú nghĩa?

Có vị nghĩa hay không có vị nghĩa?

Có tự nghĩa hay không có tự nghĩa?

Bồ Tát Thiện Nghiệp thưa: Bạch Thế Tôn! Tánh của năm đại đều bằng nhau.

Vì sao?

Vì nếu địa giới nhiều mà thủy giới ít thì không thành tựu.

Nếu thủy giới nhiều mà hỏa giới ít thì không thành tựu.

Nếu hỏa giới nhiều mà phong giới ít thì không thành tựu.

Nếu phong giới nhiều mà không giới ít thì không thành tựu.

Nếu không giới nhiều mà thức giới ít thì không thành tựu.

Nếu năm thức bằng nhau, thức không phân biệt được thì không thành tựu.

Bấy giờ, Bồ Tát Thiện Nghiệp nói kệ:

Pháp thức thần không hình

Lấy năm đại làm nhà

Phân biệt nghiệp thiện ác

Đến đi, chân ngụy khác.

Thức chỉ chỗ đường lành

Đi đến đường an ổn

Thức là Vua thứ sáu

Các đại khác không bằng.

Phật bảo Bồ Tát Thiện Nghiệp: Những gì ông hỏi đều là do thần lực của Như Lai.

Khi ấy, trong chúng hội có một trăm bảy mươi ức chúng sinh hiểu biết pháp thâm diệu và tất cả đều phát tâm cầu đạo chánh chân vô thượng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần