Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Sáu - Phẩm Bốn - Phẩm Pháp Giới - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ SÁU
PHẨM BỐN
PHẨM PHÁP GIỚI
PHẦN MỘT
Bấy giờ, Tối Thắng từ chỗ ngồi đứng dậy, che vai bên trái, gối phải quỳ sát đất, chấp tay cung kính bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào tu học bát nhã Ba la mật đa sâu xa thông suốt pháp giới?
Phật Bảo Trời Tối Thắng: Lành thay! Lành thay!
Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Thật khéo tác ý! Ta sẽ phân biệt giảng thuyết cho ông.
Trời Tối Thắng bạch: Cúi xin Thế Tôn Giảng thuyết, chúng con mong muốn được nghe.
Phật Bảo Tối Thắng: Thiên Vương nên biết! Các Đại Bồ Tát học bát nhã Ba la mật đa sâu xa có diệu tuệ nên gần gũi bạn lành, phát khởi sự siêng năng tinh tấn, lìa các chướng ngại phiền não, tâm được thanh tịnh, cung kính tôn trọng, muốn tu tập hạnh không, xa lìa các kiến, tu đạo như thật, thông suốt pháp giới.
Thiên Vương nên biết! Các Bồ Tát này có diệu tuệ nên gần gũi bạn lành, vui mừng kính thờ, tưởng như Phật. Vì gần gũi nên xa lìa các biếng nhác, diệt trừ tất cả pháp ác bất thiện, tăng trưởng căn lành.
Ðã diệt phiền não, xa lìa pháp chướng ngại, thân, ngữ, ý nghiệp đều được thanh tịnh. Do thanh tịnh nên liền sanh kính trọng. Vì tâm kính trọng, tu tập hạnh không. Vì tu tập hạnh không, nên xa lìa các kiến. Vì xa lìa các kiến nên tu hành chánh đạo. Tu hành chánh đạo nên có thể thấy pháp giới.
Trời Tối Thắng bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là pháp giới?
Phật Bảo Trời Tối Thắng: Thiên Vương nên biết! Pháp Giới chính là tánh chẳng hư vọng.
Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là tánh chẳng hư vọng?
Này Thiên Vương! Tức là tánh chẳng đổi khác.
Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là tánh chẳng đổi khác?
Này Thiên Vương! Tức là chân như của các pháp.
Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là chân như của các pháp?
Thiên Vương nên biết! Chân như sâu xa vi diệu chỉ có thể dùng trí để biết, chẳng phải ngôn ngữ diễn nói được.
Vì sao?
Vì chân như các pháp vượt qua văn tự, lìa phạm trù ngữ ngôn. Tất cả sự diễn đạt chẳng thể diễn đạt nổi. Lìa các hý luận, dứt các phân biệt, không đây, không kia.
Lìa tướng, vô tướng, xa lìa suy tìm, vượt cảnh tầm tứ, không có tưởng, không có tướng, vượt khỏi hai cảnh, xa lìa người ngu, vượt khỏi cảnh ma, xa lìa các chướng hoặc, chẳng phải thức thông suốt được, trụ không chỗ trụ.
Vắng lặng Thánh trí và cảnh hậu đắc trí vô phân biệt, không ngã và không ngã sở, cầu chẳng thể được, không thủ, không xả, không nhiễm, không đắm, thanh tịnh Ly Cấu, tối thắng đệ nhất, tánh chẳng biến đổi. Hoặc Phật ra đời hay chẳng ra đời, tánh tướng vẫn thường trụ.
Thiên Vương nên biết! Đó là pháp giới. Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, tu chứng pháp giới, hành nhiều trăm ngàn hạnh khổ khó hành, làm cho các hữu tình đều được thông suốt.
Này Thiên Vương! Đó gọi là thật tướng bát nhã Ba la mật đa, chân như Niết Bàn, tướng vô phân biệt, chẳng có cõi để nghĩ bàn. Cũng gọi là chơn không và trí nhất thiết, trí thất thiết tướng, pháp giới không hai.
Bấy giờ, Trời Tối Thắng bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Làm sao có thể chứng đắc pháp giới như thế?
Phật Bảo Tối Thắng: Thiên Vương nên biết! Bát Nhã Ba la mật đa xuất thế và trí hậu sở đắc vô phân biệt có thể chứng, có thể đắc.
Kính bạch Thế Tôn! Nghĩa chứng và đắc có gì khác?
Thiên Vương nên biết! bát nhã Ba la mật đa xuất thế có khả năng thấy đúng như thật nên gọi là chứng, hậu trí thông suốt nên gọi là đắc.
Trời Tối Thắng bạch Phật: Như Phật đã dạy, văn, tư, tu tuệ đâu chẳng thông suốt thật tướng bát nhã Ba la mật đa, mà lại nói có bát nhã Ba la mật đa xuất thế và trí hậu sở đắc vô phân biệt có khả năng chứng đắc?
Phật dạy: Chẳng phải vậy! Vì sao?
Vì thật tướng bát nhã Ba la mật đa sâu xa vi diệu, văn tuệ thô thiển, cạn cợt, chẳng thể thấy được. Vì là thắng nghĩa nên tư tuệ chẳng thể lường được. Vì là pháp xuất thế nên tu tuệ chẳng thể hành được.
Thiên Vương nên biết! Thật tướng bát nhã Ba la mật đa sâu xa vi diệu, phàm phu, Nhị Thừa chẳng thể thấy được.
Vì sao?
Vì hạng kia như mù bẩm sanh, chẳng thấy các sắc. Như trẻ con mới sinh bảy ngày chẳng thấy Mặt Trời. Thấy còn chẳng thể, huống là có thể chứng.
Này Thiên Vương! Ví như mùa hè nóng bức, có người đi về phương Tây, ở giữa đồng hoang, lại có một người từ phương Tây đi đến, hỏi người trước mặt: Tôi nay bị nóng khát, biết chỗ nào có nước trong và bóng mát làm ơn chỉ giúp.
Người kia đáp: Từ đây đi về hướng Ðông, sẽ có hai đường: một là phía bên trái, hai là phía bên phải, nên theo đường bên phải, lần hồi đi tới có ao suối nước trong và bóng cây mát mẻ.
Này Thiên Vương! Ý ông thế nào?
Người nóng khát kia chỉ nghe tên suối và cây mát như thế, suy nghĩ việc đi đến thì có thể trừ nóng khát, được mát mẻ ngay chăng?
Bạch Thế Tôn! Chẳng được. Người kia đến nơi, vào ao tắm rửa, uống nước, nghĩ dưới gốc cây mới khỏi nóng khát và được mát mẻ.
Phật dạy: Này Thiên Vương! Đúng như vậy! Đúng như vậy! Văn tuệ, tư tuệ, tu tuệ chẳng thể thông suốt thật tướng bát nhã Ba la mật đa.
Thiên Vương nên biết! Nói về đồng nội tức dụ cho sanh tử, người dụ cho hữu tình, nóng dụ cho các phiền não, khát dụ cho tham ái. Người phương Ðông đến, dụ cho các Bồ Tát, đường bên trái dụ cho chẳng phải chánh đạo, đường bên phải dụ cho đạo trí nhất thiết.
Các chúng Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa biết rõ con đường thẳng đến sanh tử. Suối dụ cho bát nhã Ba la mật đa, cây dụ cho đại bi. Các Đại Bồ Tát hành hai pháp nên xa lìa phàm phu và đạo Nhị Thừa.
Thiên Vương nên biết! bát nhã Ba la mật đa sâu xa tuy không hình tướng mà khéo nói nên khiến các hữu tình có thể chứng, có thể đắc.
Thiên Vương nên biết! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa có thể biết đúng như thật: Lực, Vô sở úy, Bất cộng pháp, không. Cũng biết đúng như thật các giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn là không.
Cũng biết đúng như thật nội không, ngoại không, và nội ngoại không, không không, đại không, thắng nghĩa không v.v… mặc dù biết tất cả pháp đều không, nhưng biết tướng không cũng bất khả đắc, chẳng thủ tướng không, chẳng khởi thấy không, chẳng chấp tướng không, chẳng nương tựa không. Như vậy, Bồ Tát vì chẳng thủ trước nên chẳng rơi vào không.
Thiên Vương nên biết! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên xa lìa các tướng, nghĩa là hoàn toàn chẳng thấy các tướng trong ngoài, lìa tướng hý luận, lìa tướng phân biệt, lìa tướng tìm cầu, lìa tướng tham đắm, lìa tướng cảnh giới, lìa tướng phan duyên, lìa tướng năng tri và sở tri.
Trời Tối Thắng lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các chúng Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, có thể quán các pháp vô tướng như thế thì làm thế nào để quán Phật Bạc Già Phạm?
Phật dạy: Này Thiên Vương! Cảnh giới Chư Phật chẳng thể nghĩ bàn.
Vì sao?
Vì lìa cảnh giới vậy. Tất cả hữu tình suy lường Phật cảnh thì tâm phát sanh cuồng loạn, chẳng biết đây kia.
Vì sao?
Vì tánh đồng Hư Không, chẳng thể suy lường, cầu chẳng thể đắc, lìa cảnh suy tầm. Các chúng Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa còn chẳng thấy có cảnh phàm phu v.v… có thể suy lường được, huống là cảnh giới Phật. Cũng chẳng nương tựa tất cả diệu nguyện.
Mặc dù hành các pháp bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, nhưng đối với quả kia hoàn toàn không chấp đắm, đối với các công đức cho đến Niết Bàn cũng chẳng nương tựa, chấp trước.
Vì sao?
Vì lìa ngã và ngã sở, không hai, không khác, vì tự tánh xa lìa vậy.
Khi Phật thuyết pháp môn bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thế, làm cho Thế Giới tam thiên đại thiên này chấn động sáu cách, núi Diệu Cao Vương, núi Mục chơn lân đà, núi Đại Mục chơn lân đà, núi Kim Cang Luân Vi, núi Ðại Kim Cang Luân Vi, núi Hương, núi Bảo, núi Hắc, núi Ðại Hắc, tất cả đều chấn động, vô lượng trăm ngàn các chúng Bồ Tát đều cởi thượng y trải làm chỗ ngồi cho Phật, tòa đó cao rộng như núi Diệu Cao.
Vô lượng trăm ngàn các Thiên Vương, Đế Thích, Phạm Thiên, Hộ Thế v.v… chấp tay cung kính rải cúng các thứ hoa đẹp, đó là hoa Diệu Âm, hoa đại Diệu Âm, hoa Cát Tường, hoa đại Cát Tường, hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía.
Khi ấy, núi Thứu Phong cao rộng bốn mươi do tuần, hoa chất đầy khắp đến tận đầu gối Như Lai.
Vô lượng Thiên Tử ở giữa Hư Không trổi các nhạc Trời và xướng lên thế này: Lại thấy Phật xuất thế. Lại nghe Chuyển Pháp Luân.
Lành thay! Tất cả loài hữu tình Châu Thiệm Bộ siêng tu công đức, trồng nhiều thiện căn nên được nghe bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thế, huống là tương lai có người có thể tin. Nên biết, tất cả hữu tình như thế đều đi nơi cảnh giới Chư Phật Như Lai.
Lại có vô lượng trăm ngàn Long vương dùng Thần lực bủa giăng mây lớn cùng khắp, rưới mưa hương rảy thấm núi Thứu Phong và cùng khắp Thế Giới tam thiên đại thiên. Những người nghe pháp chỉ biết thấm nhuận hương, chẳng thấy bị thấm ướt. Vô lượng Long nữ đều ở trước Phật chấp tay khen ngợi.
Lại có vô lượng Thần Kiền Đạt Phược dùng âm nhạc để cúng dường Phật. Các chúng Dược Xoa rải cúng các thứ hoa đẹp. A Tố Lạc v.v... cung kính cúng dường.
Vô số Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở vô lượng, vô biên Cõi Phật trong mười phương, tướng lông giữa chặng mày đều phóng hào quang sáng, chiếu soi những chốn tối tăm ở Thế Giới tam thiên đại thiên này. Hào quang đó đều sáng rực rỡ khắp núi Thứu Phong.
Làm việc đó xong, đều trở về Thế Giới của mình, nhiễu quanh bên phải ba vòng và nhập vào nơi đảnh Phật. Vô lượng trăm ngàn chúng Bà La Môn và Sát Đế Lợi, Trưởng Giả, Cư Sĩ đều đem các thứ hương xoa, hương bột, phan, phướn, lọng, hoa để cúng dường Phật.
Bấy giờ, trong hội có bảy mươi hai ức Đại Bồ Tát đắc vô sanh pháp nhẫn, vô lượng trăm ngàn các loài hữu tình xa trần lìa cấu, sanh tịnh Pháp Nhãn, vô lượng trăm ngàn các loài hữu tình đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Bấy giờ, Trời Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật đa sâu xa đã tuyệt ngữ ngôn, lìa các văn tự, Đại Bồ Tát làm sao hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa và thuyết cho các hữu tình pháp như thế?
Phật Bảo Tối Thắng: Thiên Vương nên biết! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa và thuyết cho các hữu tình pháp như thế là tu tập Phật Pháp, nhưng đối với các Phật Pháp hoàn toàn chẳng thể đắc.
Vì thành thục các Ba la mật đa nhưng đối với các Ba la mật đa, hoàn toàn chẳng thể đắc. Vì thanh tịnh Bồ Đề, nhưng đối với Phật Bồ Đề rốt ráo chẳng thể đắc. Vì ly diệt Niết Bàn nhưng đối với ly diệt Niết Bàn hoàn toàn bất khả đắc.
Vì bốn quả Sa Môn, nhưng đối với bốn quả Sa Môn hoàn toàn chẳng thể đắc. Vì Độc Giác Bồ Đề, nhưng đối với Độc Giác Bồ Đề hoàn toàn chẳng thể đắc. Vì dứt trừ ngã, thủ, nhưng đối với ngã, thủ hoàn toàn chẳng thể đắc. Đại Bồ Tát này hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, tâm chẳng phân biệt tất cả pháp tướng.
Năng phân biệt và sở phân biệt đều chẳng thể đắc. Tùy thuận bát nhã Ba la mật đa mà chẳng trái sanh tử. Mặc dù ở sanh tử mà chẳng trái bát nhã Ba la mật đa, tùy thuận pháp tướng.
Trời Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm sao tùy thuận pháp tướng sâu xa, chẳng trái thế tục?
Phật dạy: Này Thiên Vương! Bồ Tát tùy thuận bát nhã Ba la mật đa sâu xa, chẳng xa lìa sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chẳng xa lìa Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc. Chẳng xa lìa pháp nhưng không chấp trước. Tùy thuận bát nhã Ba la mật đa, chẳng xa lìa đạo.
Vì sao?
Vì đầy đủ năng lực đại phương tiện thiện xảo vậy.
Trời Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Cái gì gọi là Bồ Tát phương tiện thiện xảo?
Phật dạy: Này Thiên Vương! Đó là Bốn Vô Lượng. Các Đại Bồ Tát đầy đủ tâm đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả nên thường có thể lợi ích an vui trong việc giáo hóa hữu tình, đó là Bồ Tát phương tiện thiện xảo.
Kính bạch Thế Tôn! Vì sao bốn thứ này nói là Đại?
Thiên Vương nên biết! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa đầy đủ từ không biên giới, từ không phân biệt, từ các pháp tánh, từ chẳng ngưng nghỉ, từ không não hại, từ lợi ích lớn, từ bi tánh bình đẳng, từ bi lợi lạc khắp, từ bi xuất thế gian. Những loại như thế v.v… gọi là đại từ.
Thiên Vương nên biết! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, thấy các hữu tình đủ các thứ khổ, không có nơi quay về nương tựa, vì muốn cứu giúp nên phát tâm Bồ Đề, siêng cầu chánh pháp.
Đã tự mình đắc rồi, giảng thuyết cho các hữu tình:
Những người tham lam thì dạy tu bố thí.
Người không giới, phá giới thì dạy thọ trì giới.
Người tánh hung ác, dạy hành nhẫn nhục.
Người lười biếng, trễ nãi, dạy hành tinh tấn.
Người tâm tán loạn, dạy hành tịnh lự.
Người ngu si, dạy học diệu tuệ.
Vì độ hữu tình nên dù gặp phải các thứ việc khó khăn rất khổ nhọc, nhưng hoàn toàn không rời bỏ tâm đại bồ đề. Những việc làm như thế gọi là ðại bi.
Thiên Vương nên biết! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, nghĩ: Ba cõi lửa cháy dữ dội, ta đã ra khỏi nên sanh hoan hỷ.
Dây sanh tử ràng buộc từ lâu, ta đã cắt đứt vĩnh viễn nên sanh hoan hỷ. Ở trong biển sanh tử tìm tòi chấp thủ, chấp tướng, ta đã ra khỏi hẳn nên sanh hoan hỷ.
Cờ kiêu mạn dựng từ vô thỉ, ta đã bẻ gãy nên sanh hoan hỷ.
Dùng trí Kim cang phá núi phiền não, làm cho tiêu tan hết nên sanh hoan hỷ.
Ta đã tự an ổn, lại an ổn cho người. Kẻ ngu si tối tăm, kẻ tham, sân, mạn v.v… phiền não trói buộc, ngủ lâu nơi thế gian, nay mới được thức tỉnh nên sanh hoan hỷ.
Ta nay đã thoát khỏi tất cả nẻo ác, lại có thể cứu giúp hữu tình trong nẻo ác, làm cho được ra khỏi, nên sanh hoan hỷ.
Hữu tình từ lâu ở trong sanh tử mê lầm, chẳng biết đường ra, ta nay cứu giúp chỉ dạy đường chánh, làm cho đến được thành trí nhất thiết, an vui hoàn toàn nên sanh hoan hỷ.
Các việc làm như thế v.v… gọi là Đại hỷ.
Thiên Vương nên biết! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, đối với tất cả sắc mà mắt đã thấy, tiếng mà tai đã nghe, mùi mà mũi đã ngửi, vị mà lưỡi đã nếm, xúc mà thân đã chạm, pháp mà ý đã rõ, chẳng đắm, chẳng lìa mà khởi tâm xả. Những việc làm như thế gọi là đại xả.
Thiên Vương nên biết! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, thành tựu bốn vô lượng lớn như thế, do đó gọi là phương tiện thiện xảo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Tám - Pháp Hội Thắng Man Phu Nhân - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bốn Mươi Tám - phẩm Thành Biện
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi - Kinh Bóng Vàng đáy Nước
Phật Thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân Tồi Ma Oán địch Pháp