Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tùng đâu Thuật Thiên Giáng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ Kinh Bồ Tát Xử Thai - Phẩm Mười Hai - Ngũ đạo Tầm Thức
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH BỒ TÁT TÙNG
ĐÂU THUẬT THIÊN GIÁNG THẦN
MẪU THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ
KINH BỒ TÁT XỬ THAI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI HAI
NGŨ ĐẠO TẦM THỨC
Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn thị hiện chỗ thức sẽ đi đến là: Hướng đến thức đạo, thức tục, thức hữu vi, thức vô vi, thức hữu lậu, thức vô lậu, thức hoa, thức quả, thức báo, thức vô báo, thức Trời, Rồng, Quỷ Thần, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân và Phi Nhân, trên đến thức nơi Cõi Trời thứ hai mươi tám, dưới đến thức ngục Vô Cứu.
Khi ấy, Đức Thế Tôn ở trong thai hiện dây móc xích bằng hài cốt đầy khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới.
Phật bảo A tư đà: Ông có thể phân biệt thức của hài cốt này không?
A tư đà thưa: Không phân biệt được.
Vì sao?
Vì chưa được thấu triệt, sức tu hành chưa đạt.
Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Trong Cõi Trời này ông chưa đắc thần thông chăng?
Bồ Tát Di Lặc bạch: Có điều thành tựu, có điều chưa thành tựu.
Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Ông hãy quan sát dây móc xích hài cốt để cho tất cả chúng sinh biết nơi thức đến. Hãy phân biệt, xác định rõ ràng để không còn nghi ngờ.
Khi ấy, Bồ Tát Di Lặc liền đứng dậy, cầm gậy thần bảy báu kim cương gõ vào dây móc xích hài cốt để nghe tiếng của xương cốt.
Lúc này, Bồ Tát Di Lặc bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người này qua đời vì nội kết sân giận quá nhiều nên thức đọa làm loài rồng.
Lại gõ vào xương và nói: Người này kiếp trước hành đầy đủ mười điều thiện nên được sinh lên Cõi Trời.
Lại gõ vào xương nói: Người này đời trước phá giới phạm luật nên sinh trong địa ngục.
Cứ như vậy, Bồ Tát gõ xương: Hữu lậu vô lậu, hữu vi vô vi, trên là hai mươi tám tầng Trời, dưới đến địa ngục Vô Cứu và biết nơi thức đi đến, biết quả báo thiện ác, hành quả báo của nghiệp trắng đen. Trong đó chỉ có một toàn thân Xá Lợi là không hề bị hư hao.
Khi ấy, Bồ Tát Di Lặc lấy gậy gõ vào để suy tìm thức này nhưng không biết thức của ai.
Gõ như vậy ba lần, Bồ Tát Di Lặc thưa Phật: Thần thức của người này con không thể biết được.
Chẳng lẽ Như Lai nhập Niết Bàn rồi sao?
Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Ông là người vào đời vị lai sẽ tiếp nối quả vị Phật, sẽ được thành Phật, đắc đạo vô thượng, vậy sao gõ vào Xá Lợi mà không biết thức của ai?
Bồ Tát Di Lặc bạch: Phật không thể nghĩ bàn, không thể hạn lượng, vì chẳng phải cảnh giới của chúng con để có thể lường xét. Nay con có điều nghi ngờ, cúi xin Đức Thế Tôn hãy nói thần thức của năm đường để cho hết thảy mọi người được biết chỗ thiện ác mà họ đến để không còn ai nghi ngờ gì cả. Với Như Lai, nay Xá Lợi này không có hư hao, xin Như Lai hãy nói thức ấy để chúng con biết.
Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đều lưu hành Xá Lợi, chẳng phải cảnh giới của các ông phân biệt.
Vì sao?
Vì Xá Lợi này tức là Xá Lợi của ta, làm sao có thể tìm kiếm thần thức của Như Lai được, nay ta phân biệt rõ cho ông về thức thượng, trung, hạ của Như Lai. Dù là Bồ Tát nhưng đều khác nhau.
Bồ Tát Sơ trụ chưa tạo được sức căn đức mà chỉ đắc thần thông.
Bồ Tát Nhị trụ thì dùng thiên nhãn nhìn biết nơi thức hướng đến là thoái hay địa bất thoái. Cũng nhìn thấy người ở Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc, hoặc nhìn thấy chúng sinh ở vô số hằng hà sa Cõi Phật phương Đông cúng dường Chư Phật, phụng thờ không bị chướng ngại. Còn biết kiếp số mà họ thọ ký là một kiếp, hai kiếp, cho đến trăm ngàn ức kiếp.
Hoặc có Bồ Tát ở địa Tam trụ nhìn thấy Xá Lợi thì biết nơi thức đi đến là Niết Bàn hữu dư hay Niết Bàn vô dư. Như Lai không thấy chỗ đi đến của hành thức, tứ trụ.
Bồ Tát Tứ trụ thấy thức pháp của Sơ Trụ, Nhị Trụ, Tam Trụ, nhưng không thấy chỗ đi đến thức pháp Xá Lợi của bậc Ngũ Trụ.
Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Bồ Tát Ngũ trụ phân biệt phẩm hạ. Đối với Lục trụ thì thấy hoặc không thấy nơi thức đi đến.
Bồ Tát Bất Thoái Chuyển lên đến Nhất sinh bổ xứ thì không biết ý nghĩa của Như Lai khi cất bước chân. Bồ Tát kế thấy Bát Trụ, Thất Trụ, Lục Trụ nhưng lại không biết ý nghĩa của Nhất sinh bổ xứ khi cất bước chân, huống chi là muốn gõ vào móc xích xương cốt để phân biệt. Việc này không thể làm được.
Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Ông nên biết điều này, mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn chỉ có Phật mới biết ý nghĩ theo thần thức của Phật.
Khi ấy, Đức Thế Tôn dùng kệ nói với đại chúng:
Luân hồi vực năm đường
Thần thức ấy rất khổ
Tai, mũi, thân tâm dơ
Không thể nào xa lìa.
Thức tưởng kết thêm cấu
Lấy đao trí tuệ chặt
Tuệ chiếu chỗ tối tăm
Được đến trường vô úy.
Thức Phật đều thấy pháp
Những bộ xương Xá Lợi
Giả sử nát như bụi
Rất nhỏ không thể thấy.
Như Lai biết rõ ràng
Pháp thiện ác báo ứng
Thức Phật rất vi diệu
Chẳng phải, chẳng không phải.
Vừa nói độ vạn ức
A tăng kỳ chúng sinh
Di Lặc lại thành Phật
Cũng sẽ bỏ Xá Lợi.
Vốn do mẹ sinh ra
Thai pháp cũng như nay.
Nghe Phật nói xong, Đại Bồ Tát Di Lặc đi nhiễu quanh Phật bảy vòng, đầu mặt lạy sát chân Ngài rồi trở về chỗ cũ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Mười Năm
Phật Thuyết Kinh đao Lợi Thiên - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật - Phần Mười Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ngoại đạo - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Mười Hai Nhân Duyên
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bốn Mươi