Phật Thuyết Kinh đại Thừa Trí ấn - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trí Cát Tường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA TRÍ ẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trí Cát Tường
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một hôm, Đức Thế Tôn vào đại thành Vương Xá, lần lượt khất thực, thọ nhận của tín thí đầy đủ, trở về rừng Ca Lan Đà thọ thực. Thọ thực xong, Đức Thế Tôn ngồi kiết già, cùng đông đủ chúng đại Tỳ Kheo và các Đại Bồ Tát, trăm vạn vị, vui vẻ vây quanh.
Các đại chúng ấy, đều đắc Đà La Ni, bình đẳng, vô ngại, tâm ngộ tổng trì, đắc Tam Ma Địa, an trú trong pháp môn giải thoát tánh không, vô tướng, vô nguyện, đầy đủ vô lượng công đức thù thắng. Luận bàn về suy nghĩ của các vị, thì không ai có thể bì kịp.
Được mọi sự hiểu biết, an trụ vắng lặng trong pháp môn như thế. Đối với những phân biệt thảy đều bình đẳng, không theo những thứ đẹp vui ở thế gian, biết rõ thức tánh sai biệt của chúng sinh. Với tất cả mọi lúc đều biết được cái tốt cái ác, lìa các sự ghét thương, chỉ một vị bình đẳng.
Bấy giờ, lông trắng giữa chặng mày của Đức Thế Tôn, chợt phóng ra những tia sáng lớn, cả chúng hội ấy đều kinh ngạc, cung kính chắp tay chiêm ngưỡng Như Lai, mắt không tạm rời.
Đức Thế Tôn bảo đại chúng: Các ông phải nên buộc tâm suy nghĩ, an trụ, nơi cảnh giới hiểu biết của Như Lai. Đối với ngã, ngã sở, tốt xấu, phân biệt đều phải xa lìa. Đối với chính mình thì khen chê xét nét khổ vui.
Xét biết tất cả chúng sinh đều do duyên nhiễm ô mà thọ tướng sai khác, giong ruổi theo sự tốt đẹp, vui sướng, sớm tối không rời, dùng đủ các sức phương tiện đều làm cho đoạn trừ. Quán sát các chúng sinh, mỗi loại đều tạo ra những nghiệp không tốt, thuận theo lời chỉ bảo của người khác, cùng nhau xua đuổi.
Ở chung với các đồng phận, làm những việc không có ý nghĩa, lợi ích. Do vậy, tâm thức của hữu tình ngu muội, nên đối với cảnh chân thật, không hiểu biết gì cả, mất tâm thánh thiện, chạy theo bạn bè xấu ác, không hiểu, không suy nghĩ thấu triệt thắng pháp sâu xa. Chân thật nghĩa đế mà khởi lên các phân biệt, rồi cho là chân thật. Không lựa chọn, thiếu hiểu biết mà tâm vẫn tin chắc.
Đối với lời dạy và những hạnh tốt của Đức Phật thì không sinh tâm ưa thích. Giả sử có tu tập điều lành cũng không hợp với chánh lý. Chấp có, chấp không, chấp có và không làm cứu cánh. Ta dùng sức Như Lai Trí ấn Tam Ma Địa để có khả năng biết rõ. Các ông phải nên lưu tâm, thương xót các hữu tình ấy.
Nghe Đức Phật nói, cả đại chúng đều ca ngợi sức mạnh thắng định của Như Lai, đều có khả năng biết rõ tất cả những sai khác như thế.
Khi nói lời ấy xong, Đức Thế Tôn liền nhập vào Như Lai Trí Ấn Tam Ma Địa. Cả đại chúng đều thấy Như Lai nhâp vào thắng định ấy.
Đối với thân tướng và các thứ tướng của Phật, lúc này khắp chúng hội bỗng nhiên không còn trông thấy, không biết được cả đến pháp y và cận thân y mà Như Lai đang mặc, cũng không thấy, không biết. Bốn tướng oai nghi của Như Lai cho đến tất cả tướng chuyển động, cũng đều không thể thấy, không thể biết. Như Lai có được âm thanh sai biệt cũng không thể nghe, không thể hiểu rõ.
Vì sao?
Vì Như Lai an trụ trong sức thắng công đức của Trí Ấn Tam Ma Địa như thế, tâm không lay chuyển, không thể nào so lường được.
Lại nữa, do sức thắng định của Như Lai mà đối với các ngoại cảnh, đủ các thứ trang nghiêm mà khắp cả chúng hội đều không thể thấy, cũng không thể biết rõ. Với các chỗ trú là cõi nước thanh tịnh cũng đều không thể thấy, không thể biết rõ.
Vì sao?
Vì Như Lai an trụ trong sức thắng công đức của Như Lai Trí Ấn Tam Ma Địa, tâm không chuyển động, không thể so lường được.
Lúc đó, đối với hình tướng của Đức Phật, đại chúng đã không thấy gì, nên mỗi vị đều nương vào sức oai thần của Phật mà ca ngợi công đức của thắng định, nhưng trong thân tâm mong cầu lìa xa các sự sợ hãi.
Khi đó, lại từ trong định, Như Lai phóng ra những tia sáng lớn, chiếu khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới. Trong lúc ấy, các thứ ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, các vì sao, điện, lửa, dược châu đều bị che lấp.
Lại ở trong định, phát ra mùi hương thơm lạ, hương thơm ấy vi diệu đến nỗi những hương thơm chiên đàn, trầm thủy ở thế gian không thể sánh bằng.
Lúc ấy, Trời Sắc, Trời Vô Sắc, Phạm Vương, Đế Thích và các Trời, Người, bốn chúng, tám bộ, núi Đại thiết vi, núi Tiểu thiết vi, núi Tu Di là chúa các núi, dưới nước, trên đất bằng, cõi hư không, nơi tối tăm, tất cả hữu hình đều thấy ánh sáng ấy và khen là chưa từng có. Họ đến rừng Ca Lan Đà để tìm ánh sáng ấy. Những thứ có được như hương, hoa, y phục, nón quý, chuỗi ngọc đều đem cúng dường.
Nhìn thấy các vị Bồ Tát và chúng Thanh Văn ở trong hội, giống như hoa sen nở rộ ở trong ao báu. Mùi hương lạ, thơm phưng phức tỏa khắp trong chúng hội. Khi Trời, Người ngửi thấy mùi hương thơm ấy thì mỗi vị đều có được trí tuệ sáng suốt.
Lại ở trong hư không, có y phục, chuỗi ngọc vô cùng tốt đẹp, rũ xuống khắp nơi, làm trang nghiêm thêm sự cúng dường. Khi ấy, cả đại chúng đều vui vẻ, cung kính lễ bái, lui ngồi một bên.
Bấy giờ, ở phương Đông, trải qua một câu chi Khắc già sa số, mỗi một sa số là một câu chi, tất cả Như Lai trú ở cõi nước phương ấy đều là phân thân của Đức Thích Ca để giáo hóa lợi sinh. Cũng vậy, các Đức Như Lai đều tập họp chúng hội, các Đại Bồ Tát vô số A tăng kỳ không thể tính đếm. Các Bồ Tát ấy chứng ngộ bình đẳng sẽ đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, sắc tướng của các vị đầy đủ sự tốt đẹp, chúng hội Trời, Người đều không sánh bằng.
Bấy giờ, tất cả Như Lai phân thân, mỗi Đức Như Lai đều bảo các Bồ Tát: Này Thiện Nam! Thế Giới Ta Bà, có Phật Thế Tôn, hiệu là Thích Ca Mâu Ni Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác, xuất hiện ở đời, hóa độ hữu tình, lìa các tội nhơ, trải qua vô lượng thời, giảng nói chánh pháp, chỉ bày tri kiến sâu xa khó hiểu của Phật.
Có Đà La Ni môn tên là: Như Lai Trí ấn Tam Ma Địa Tam Ma Bát Để.
Nay ta vì các ông ca ngợi vắn tắt: Này các thiện nam! Các ông hãy lắng nghe! Các Đại Bồ Tát ở trăm ngàn kiếp, tu hành đầy đủ sáu pháp Ba la mật đủ trí tuệ lớn, phước đức vô lượng, chứng ngộ việc tu tâp, thường không lười biếng, vĩnh viễn lìa tội nhơ, xả bỏ những duyên xấu ác, trụ trong Tam ma địa, được trí tuệ Phật, tâm không lay chuyển. Vì tâm không động, nên tỏ rõ các pháp.
Nếu có hữu tình nào, gần gũi Như Lai và Đại Bồ Tát, huân tu trí tuệ, ba nghiệp cung kính, dùng thắng pháp tài, thực hành các pháp cúng dường, trải qua vô lượng thời. Cũng không bằng trong khoảng một sát na, an trụ nơi thắng Tam Ma Địa như thế, công đức đạt được, không thể so lường, thường sinh nơi tốt đẹp nhất ở các cõi nước của Chư Phật.
Lúc các Đức Phật nói những lời ấy xong, liền an trụ trong thiền định, dùng sức thần thông, tóm thâu các Bồ Tát đưa đến Thế Giới Ta Bà, hiện ra đồng một thân vào thành Vương Xá lần lượt khất thực, thọ của tín thí đầy đủ. Các vị đi đến rừng Ca Lan Đà, mới phân chia thức ăn ra, cúng dường chúng hội. Cả chúng hội đều được no đủ. Ăn uống đã xong, dọn dẹp y bát, ngồi kiết già. Các Đức Phật và các Bồ Tát từ tất cả cõi nước đến, cũng lại như vậy không hai, không khác.
Lại nữa, ở phương Nam trải qua một câu chi Khắc già sa số, mỗi sa số là một câu chi, tất cả Chư Phật, ở các cõi nước phương ấy, cũng tóm thâu các Bồ Tát ở nước ấy, đem đến nhóm hội cũng như vậy. Như phương Đông và phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn hướng, trên, dưới, tất cả Chư Phật và các Đại Bồ Tát đều đến nhóm hội cũng như vậy.
Bấy giờ, Đức Thích Ca Mâu Ni Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác, thấy tất cả các Đức Phật phân thân đều đã đến nhóm hội, tâm tướng vui mừng. Chỉ Đức Phật với Đức Phật mới thấy nhau mà thôi.
Lúc ấy, các Như Lai đồng nhập Trí ấn Tam Ma Địa Tam Ma Bát Để như thế, tâm ý tĩnh lặng, không một chút động loạn. Do tâm không động, sáng rõ các pháp, không hai không khác. Thân tướng của các Đức Phật cũng không hiện ra.
Lúc đó, thấy Chư Phật ở khắp mười phương đều đến nhóm hội đã dùng sức định thù thắng, làm cho thân tướng không hiện. Khiến Trời, Người, đại chúng trong hội ấy đều vừa kinh ngạc, vừa vui mừng, bèn sửa sang y phục, chắp tay, theo chiều bên phải nhiễu quanh ba vòng, dùng hoa sen quý và các thứ hoa đẹp đủ màu sắc đem cúng dường.
Ngay lúc nhóm hội, các Đại Bồ Tát ở vô lượng Thế Giới, tâm của các Ngài đều đã được thanh tịnh đều có đủ con mắt chánh pháp, ở tất cả thời, tâm tướng chứng được sự vắng lặng, các vị đều sẽ đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Thấy Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác, cùng các Đức Như Lai, an trụ trong Trí ấn Tam Ma Địa Tam Ma Bát Để như thế, do sức thắng định mà các tướng đều ẩn mất. Do chí nguyện mong cầu mà lòng các Ngài vô cùng vui vẻ. Dùng sức tinh ý, không rời khỏi chỗ ngồi với sự hiểu biết sẵn có, nhập vào cảnh giới Phật, đắc Đà La Ni Môn.
Khi ấy, các Bồ Tát bảo cả đại chúng ở Thế Giới Ta Bà này: Này thiện nam! Các ông phải nên tha thiết mong cầu công đức của Phật. Đối với các hữu tình, nên để tâm thương xót.
Nên biết rằng, các Đại Bồ Tát ở trong trăm ngàn kiếp, hành sáu pháp Ba la mật, đủ trí tuệ lớn, phước đức vô lượng, đối với tất cả pháp đều hiểu biết rõ, lìa các hý luận, ở sâu trong thiền định, không quên mất, không ngu muội, đạt được các tánh tướng. Đối với thắng pháp ấy, phải nên mong cầu.
Lúc ấy, Thanh Văn, Duyên giác cả tam thiên đại thiên Thế Giới, có đủ trí tuệ lớn đắc đại thần thông, bỏ bờ sinh tử, lìa sự trói buộc của phiền não, tự chính mình tu chứng Niết Bàn tròn đầy.
Chúng đại Tỳ Kheo và các Tể Quan, Bà La Môn, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di… đều đi đến pháp hội của Đức Thích Ca Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác và của các Đức Phật phân thân, ở rừng cây Ca Lan Đà thuộc thành lớn Vương Xá này, nhiễu quanh trăm ngàn vòng, cung kính lễ bái, mỗi người đều dùng hoa sen thượng diệu đủ màu sắc. Hoa ấy ngàn cánh, có xen lẫn bảy báu có đến vô lượng số để cúng dường.
Lại có tám mươi câu chi na dữu đa số chúng các Đại Bồ Tát. Các Bồ Tát ấy đều ở cõi nước phương khác, được các Đức Phật, Như Lai sai đến, có sức dũng mãnh lớn không sợ sinh tử, có đại từ bi, không thích Niết Bàn đều dùng thần lực, nhập vào đại thiền định, hiện các oai nghi.
Các vị ở các cõi nước ấy, chỉ trong khoảng thời gian khảy móng tay đã đến pháp hội Đức Thích Ca Mâu Ni Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác, tại rừng cây Ca Lan Đà trong thành Vương Xá với ba nghiệp cung kính.
Dùng âm thanh vi diệu, thanh tịnh, tôn trọng, ca ngợi. Thấy thân Chư Phật ẩn mất không hiện, lòng khao khát chiêm ngưỡng Thế Tôn, bèn nhiễu quanh chúng hội, đảnh lễ sát đất lui sang một phía đồng ngồi kiết già trên hoa sen báu.
Lại có ba ức các chúng Tỳ Kheo, thích tu tự lợi cầu giải thoát, nương theo oai lực Như Lai Trí ấn Tam Ma Địa đi đến nhóm hội. Lúc ấy, tam thiên đại thiên Thế Giới ở phương khác, Đế Thích, Phạm Vương, Trời Đại Tự Tại, Tịnh Cư Thiên Tử, Mặt Trời, Mặt Trăng.
Các vì sao và tất cả Trời, Rồng, Dược Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ma Hổ La Già, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Nhân Phi Nhân… đều cùng với quyến thuộc, thấy ánh sáng của Đức Phật, cùng nhau đi đến nhóm hội, số chúng đông như thế.
Ví như có người, đem mỗi sợi tóc cắt nhỏ như vi trần, số tóc một người cho đến số tóc của ngàn vạn người, cũng cắt như thế, rồi đếm một sợi tóc vi trần là một chúng sinh thì số chúng sinh đến dự pháp hội lại hơn cả số tóc vi trần kia.
Bấy giờ, Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên, Ma Ha Câu Hy La, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Ca Diếp Ba, Ma Ha Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử, Ma Ha Tu Bồ Đề… biết các đại chúng, tuy ở trong hội, nhưng không nhìn thấy sắc thân và chỗ trú của Như Lai.
Khi ấy, Tôn Giả Xá Lợi Phất từ tòa ngồi đứng dậy đến trước Bồ Tát Diệu Cát Tường Đồng Chân thưa: Thưa Nhân Giả! Hôm nay, Đức Thế Tôn nhập vào Như Lai Trí ấn Tam Ma Địa, nhưng tại sao chúng tôi không thấy thân và chỗ trú của Như Lai?
Lúc đó, Đồng chân Bồ Tát Diệu Cát Tường bảo Xá Lợi Phất: Thanh Văn các vị, đầy đủ trí tuệ, được các giải thoát, thường tu phạm hạnh, lìa các sợ hãi, tất cả Trời, Người đều luôn cung kính. Các vị, phải nên tự chính mình, nương vào môn Tam Ma Địa mà mình đã đạt được, dùng sức trí tuệ mà quán sát sắc thân và chỗ trú của Như Lai.
Ngay lúc ấy, Xá Lợi Phất… liền nhập vào môn Tam Ma Địa mà mình đã được, dùng sức trí tuệ, quán sát tìm kiếm sắc thân và chỗ trú của Như Lai ở khắp vô số cõi nước trong tam thiên đại thiên Thế Giới. Dùng hết thần lực nhưng đều không thể thấy thân và chỗ trụ của Như Lai!
Xá Lợi Phất vội thưa với Đồng Chân Bồ Tát Diệu Cát Tường: Thưa Nhân Giả! Chúng tôi nương vào Tam Ma Địa của mình, dùng sức trí tuệ, quán sát tìm kiếm sắc thân và chỗ trụ của Như Lai, nhưng hoàn toàn không thấy gì cả. Cúi xin Nhân Giả, phân biệt chỉ bày để cho chúng tôi đều thấy.
Đồng chân Bồ Tát Diệu Cát Tường liền bảo Xá Lợi Phất: Thanh Văn các vị tuy đầy đủ trí tuệ và thần thông, nhưng đối với Như Lai Trí ấn Tam Ma Địa thì không đủ khả năng suy nghĩ. Cho nên đối với thân và chỗ trú của Phật, các vị không đủ khả năng để thấy được.
Vì sao?
Vì Thanh Văn các vị, dùng tâm sai biệt, để quán xem sắc thân và chỗ trụ của Như Lai. Do sự phân biệt này, mà các vị bị chướng ngại. Thân Như Lai ấy, chẳng phải là đối tượng quán thấy của tâm phân biệt. Bởi vì, thân các vị tức là thân Như Lai. Nơi các vị trú tức nơi Như Lai trú. Cho đến thân của tất cả hữu tình cũng tức là thân Như Lai, nơi tất cả hữu tình trụ, cũng tức là nơi Như Lai trụ.
Không và có chỉ là một tướng, ta và người là không hai. Không bỏ hữu vi mà chúng vô vi. Không lìa vô vi mà ngô hữu vi. Dùng tâm như thế, để quán xem thân và chỗ trụ của Như Lai như vậy mới thấy được.
Các vị đã dùng tâm có phân biệt, mà muốn thấy cảnh giới vô tướng của Như Lai, thì dù trải qua vô lượng vô số kiếp, cũng không thế thấy được.
Lúc ấy, chúng hội xúc động, buồn rầu, lìa tâm phân biệt, an trụ trong chánh niệm, thân tâm trong ngoài giống như hư không vắng lặng mà trụ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bản Duyên - Phẩm Hai - Phẩm Nhất Thiết Thí
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Chín Mươi Năm - Kinh đôi Chim Bồ Câu
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Một - Bố Thí độ Vô Cực - Kinh Số tám
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Nhất Hướng Xuất Sinh Bồ Tát
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Sáu Mươi Ba - Phẩm Thích đề Hoàn Nhân
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Tám - Tám Pháp - Phẩm Hai - Phẩm Lớn - Phần Năm - Các Cấu ô Uế
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Xóm Ngựa - Phần Ba - Hộ Trì Các Căn