Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Hai Mươi Ba - Thọ Ký Quảng Quả Thiên
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nhật Xưng, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH CHA CON GẶP NHAU
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nhật Xưng, Đời Tống
PHẨM HAI MƯƠI BA
THỌ KÝ QUẢNG QUẢ THIÊN
Lúc đó trong hội có tám ức Quảng quả Thiên Tử, thấy các A Tu La cho đến Biến tịnh Thiên Tử ở chỗ Thế Tôn bày ra các thứ cúng dường dâng lên Như Lai, lại nghe Như Lai thọ ký cho họ thành Phật, tâm rất hoan hỷ thật chưa từng có.
Các Thiên Tử suy nghĩ: Đức Như Lai đã nói tất cả các pháp ở trong ba tế cầu không thể được, tất cả các căn đều không thể nói. Nếu ai hiểu rõ pháp giới ấy thì có thể thông đạt tất cả các pháp. Nếu có thể biết rõ tất cả các pháp thì có thể chứng được bốn đế chân thật.
Đó là: Khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Như Thế Tôn nói, tất cả các pháp thảy đều vắng lặng, không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả, không tưởng, không tác. Thiên Tử chúng con đối với pháp này tâm được quyết định không sinh nghi hoặc.
Thưa Thế Tôn! Vì các chúng sinh vốn vắng lặng cho nên không có khổ, nên biết như vậy.
Vì sao?
Vì chúng sinh không cho nên khổ đế cũng không. Do không cho nên tập đế cũng không.
Vì sao?
Vì không có nhân này cho nên không có quả kia.
Thưa Thế Tôn! Do tập không cho nên diệt đế cũng không.
Vì sao?
Nếu không có tập đế thì không có đoạn tập. Do không diệt cho nên đạo đế cũng không.
Vì sao?
Vì không có đạo này cho nên không có đoạn tập.
Thưa Thế Tôn! Nghiệp phiền nao kia không thể được, đoạn phiền não diệt cũng không thể được. Vì diệt không thể được cho nên đạo cũng không thể được, chưa có đạo này thì không có quả kia. Bốn Thánh đế này chỉ là phân biệt giả danh thi thiết mà có. Do không có cho nên không thể nói là quá khứ, hiện tại và vị lai.
Vì sao?
Vì quá khứ đã diệt, hiện tại không dừng trụ, vị lai thì chưa đến. Đối với ba tế đều không thể được, dựa vào thế tục tế mà có đủ các tướng. Nếu ba tế không có thì nó không sinh cũng không diệt, không tướng, không làm, không thí, không nhận, không nói, không nghe, không có nói pháp, không người giác ngộ.
Do vì ba đời chưa từng có hoặc pháp hoặc không đều không thể nói. Chúng sinh điên đảo không thể hiểu được, không nhân, không duyên, không danh, không tướng, không có nêu ra, không chỗ hướng đến. Vì lìa tự tánh cho nên đều không thể được. Kia không thể được thì đây cũng không thể được.
Vì sao?
Vì chúng sinh giới vốn không có. Nếu mỗi mỗi pháp kia đều không thể được thì không có nhiễm tịnh, không làm, không chứng, không địa vị phàm phu, không địa vị Thanh Văn, không địa vị Duyên Giác, không địa vị Bồ Tát, không địa vị Như Lai, không địa vị không phải không địa vị.
Đây là vô tướng tịch tĩnh chân như. Nếu nói hữu biểu, hữu vị hạn lượng thì gọi là Như Lai. Đó là dựa vào thế tục tế mà nói chứ không phải trong Thắng nghĩa đế nói có Như Lai.
Vì sao?
Vì pháp không được. Nếu Đức Như Lai tuyên nói rộng lớn sắc giới cho đến thức giới, như vậy ý giới cho đến pháp giới. Nếu không pháp giới, không nơi nương tựa, cũng không nêu ra, không bốn đế, khong năm căn, không duyên sinh.
Thưa Thế Tôn! Tất cả pháp kia tùy theo nơi nào mà an bố kiến lập đủ mọi danh tự nhưng không thể hoại tánh của pháp giới ấy.
Thưa Thế Tôn! Như địa giới tùy theo phương xứ nào kiến lập danh tự cũng không hoại bản tánh của địa giới ấy. Như vậy thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, lập thành danh tự khác cũng lại như vậy.
Thưa Thế Tôn! Nếu người chứng nhập pháp giới ấy thì mới có thể hiểu được hai mươi hai căn.
Đó là: Nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, nữ căn, nam căn, mạng căn, khổ căn, lạc căn, ưu căn, hỷ căn, xả căn, ý căn, tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, vị tri đương tri căn, dĩ tri căn, cụ tri căn.
Thưa Thế Tôn! Hoặc nhãn, thể của nhãn không thể được. Hoặc căn, thể của căn không thể được.
Vì sao?
Vì nhãn lìa tự tánh không thể thấy. Nếu tự tánh pháp không có thì không phải vật. Do không phải vat cho nên không thể làm. Nếu không thể làm thì không sinh. Nếu không sinh thì không diệt. Do không sinh diệt thì không thể nói là quá khứ, hiện tại, vị lai. Ở trong ba đời không có sinh diệt. Đó tức là không phải nhãn cung không phải nhãn căn thì làm gì có tác dụng thế tục nêu ra.
Thưa Thế Tôn! Ví như trong hư không không có vật, chỉ là cuồng ngu của trẻ con, chỉ là giả danh mà thôi. Trong Thắng nghĩa đế cho đến hư không, chỗ lập danh tự cũng không thể được. Như vậy, cho đến nhãn và nhãn căn ở trong thắng nghĩa cũng lại không có.
Thưa Thế Tôn! Như vậy sắc uẩn không có phần lượng, không có nắm giữ, cũng không phải hiểu rõ.
Vì sao?
Vì tự tánh của sắc không thể được. Nếu các pháp không phải thi tác thì không tích tụ. Do không tích tụ cho nên gọi là uẩn. Cũng như thế gian xây dựng nhà ở, cung điện, lầu gác, cửa, tường vách, lan can, vườn rừng, khe rạch, tường thành bao quanh, nhiều vật tích tụ lại gọi là thành ấp. Nên biết, ấp ấy xưa nay không có.
Vậy lại dùng pháp nào mà gọi là tích tụ?
Do không tích tụ cũng không có uẩn, thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Nếu hiểu rõ được các uẩn, sở tạo tịnh sắc, nắm giữ tự tánh đều không thể được. Nên biết, địa giới, tánh địa giới rốt ráo thanh tịnh. Cho đến phong giới, tánh phong giới đều rốt ráo thanh tịnh.
Vì sao?
Vì lìa tự tánh. Sao lại nói có quá khứ, hiện tại, vị lai, sinh diệt các tướng. Thế nên, sắc uẩn không thể phân biệt. Thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể phân biệt.
Thưa Thế Tôn! Nếu nhãn xứ tự tánh không phải có, xưa nay thanh tịnh, cũng không có khổ chỉ là thế tục giả danh, hiển thị danh và thể ấy đều không thể được.
Vì sao?
Vì thật ra không có một pháp nhỏ nào được gọi là nhãn, cũng không có một pháp nhỏ nào gọi là xứ. Như vậy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tự tánh không có, xưa nay thanh tịnh khổ và tên khổ đều không thể được.
Thưa Thế Tôn! Lại nhãn giới kia không có pháp nhỏ nào có thể được.
Vì sao?
Vì nhãn lìa nhãn tánh, hoặc giới lìa giới tánh, cho đến pháp giới cũng lại như vậy. Do lìa tự tánh cho nên không có vật. Do không vật cho nên không phải sở tác. Không có sở tác thì không có sinh, nếu không sinh thì không diệt. Nếu không sinh không diệt thì không quá khứ, hiện tại, vị lai kiến lập đặt ra.
Nên biết, các pháp vốn lìa tự tánh. Nếu Phật lìa tự tánh thì không có danh tướng, không có tác dụng, không thể nói, không khen ngợi, không thọ ký.
Các Thiên Tử nói vậy rồi, người trong hội nghe tâm sinh vui thích hoan hỷ phấn khởi quyết định được thiện lợi.
Lúc đó, Thiên chủ từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Phật bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Có Tam Ma Địa tên là vô lượng nghĩa môn.
Nếu Đại Bồ Tát nào hay tu tập Tam Ma Địa này thì có thể được vô lượng biện tài như: Tương tục biện tài, tương ưng biện tài, chánh thuyết biện tài, vô trước biện tài, bất mậu biện tài, vi mật biện tài, thậm thâm biện tài, thiện xảo biện tài, mỹ diệu biện tài, chánh luận biện tài.
Được các biện tài thù thắng vi diệu như vậy, mỗi mỗi đều hiểu rõ vô lượng pháp môn, đầy đủ chánh kiến, đạt các pháp tánh, xả bỏ phan duyên, diệt trừ si ám, hiểu pháp môn tổng trì nghĩa thù thắng thậm thâm, hiểu rõ uẩn, hiểu rõ xứ, hiểu rõ giới, hiểu rõ các căn, hiểu rõ bốn đế.
Hiểu rõ duyên sinh, hiểu rõ chúng sinh, hiểu rõ không chúng sinh, hiểu rõ có tưởng, hiểu rõ không tưởng, hiểu rõ có hình, hiểu rõ không hình, hiểu rõ ngã, hiểu rõ vô ngã, hiểu rõ không, hiểu rõ bất không, hiểu rõ tướng, hiểu rõ không tướng, hiểu rõ nguyện, hiểu rõ không nguyện, hiểu rõ xuất ly, hiểu rõ không xuất ly, hiểu rõ hữu vi, hiểu rõ vô vi.
Đối với lời dạy của Như Lai không thể nêu ra, chỉ là giả danh thế tục phân biệt không phải ngôn thuyết, không phải không ngôn thuyết, không phải nghĩ bàn, không phải không nghĩ bàn, không thấy, không phải không thấy, không nghe, không phải không nghe, không giác, không phải không giác, không biết, không phải không biết, không liễu biệt, không phải không liễu biệt, không ngộ, không phải không ngộ.
Không được, không phải không được. Không đối, không phải không đối. Không chứng, không phải không chứng. Không phải trắng, không phải đen. Không phải sáng, không phải tối. Không phải cạn, không phải sâu, không phải sạch, không phải dơ. Không phải yên, không phải động.
Không phải buộc, không phải mở, không phải thuận, không phải nghịch, không phải nhiễm, không phải tịnh, không phải đến, không phải đi, không phải sinh, không phải diệt, không phải trí, không phải ngu, không phải thành, không phải hoại, không phải đạo, không phải không đạo, không phải chấp.
Không phải lìa chấp, không phải chúng sinh, không phải không chúng sinh, không phải thọ giả, không phải không thọ giả, không phải ngã, không phải vô ngã, không phải có, không phải không có, không phải không, không phải không không, không phai tướng, không phải không tướng.
Không phải nguyện, không phải không nguyện, không phải xuất ly, không phải không xuất ly, không phải hữu vi, không phải vô vi, không phải đoạn, không phải thường, không phải tà, không phai chánh, không phải chân, không phải giả, không phải thật, không phải vọng.
Không phải trụ, không phải không trụ, không phải y chỉ, không phải không y chỉ, không phải giải thoát, không phải lìa giải thoát, không phải giam sát, không phải hiện chứng, không phải luân hồi, không phải Niết Bàn, không phải cảnh giới phàm phu, không phải cảnh giới Thanh Văn, không phải cảnh giới Duyên Giác, không phải cảnh giới Bồ Tát, không phải cảnh giới Phật, không phải cảnh giới, không phải không cảnh giới.
Nếu hiểu rõ pháp giới như vậy thì mới có thể hiểu được mười hai duyên sinh. Đó là vô minh duyên hành, hành duyên thức, cho đến ưu, bi, khổ, não là khổ tụ lớn.
Thưa Thế Tôn! Tánh vô minh kia không thể được.
Vì sao?
Vì lìa tự tánh. Nếu lìa pháp tự tánh thì không phải vậy. Do không phải vật cho nên rốt ráo thanh tịnh, cũng không sinh diệt, không phải nhiếp ba đời, không danh, không tướng, không thể hiển thị, cũng không ký biệt, chỉ là vì thành thục người ngu dị sinh giả danh an lập sinh các hý luận, ở trong thắng nghĩa thật, không thể được.
Thưa Thế Tôn! Nếu vô minh không có tự tánh thì làm sao có thể sinh chi hành kia?
Do vô minh không cho nên chi hành cũng không cho đến không có sinh duyên lão tử.
Thưa Thế Tôn! Nếu pháp không sinh thì làm sao có già. Nếu không có già thì cũng không có bệnh và chết. Ba đời Chư Phật bồ đề chỉ dựa theo danh tự thế tục đế mà đặc ra, chứ trong thắng nghĩa đế không nói như vậy.
Điều mà gọi là vô minh tức là bồ đề, các chi hữu cũng là Bồđề. Như vậy, hiểu rõ mười hai duyên sinh tức là hiểu rõ pháp giới chân thật.
Thưa Thế Tôn! Như Lai không sinh, tất cả pháp không sinh. Thế nên pháp không sinh tức là Như Lai. Như Lai không diệt, tất cả pháp không diệt. Vì tất cả pháp không diệt nên gọi là Như Lai.
Thưa Thế Tôn! Như Lai không tướng, tất cả pháp cũng không tướng. Thế nên pháp không tướng tức là Như Lai.
Nói tóm lại, như vậy không danh, không tướng, không dơ, không sạch, không thương, không ghét, pháp giới không thể biết cũng lại không thể tri.
Thưa Thế Tôn! Chân như tức là Như Lai, tất cả các pháp tức là chân như. Thế nên tất cả pháp tức là Như Lai.
Thưa Thế Tôn! Thật tế tức là Như Lai, tất cả các pháp tức là thật tế. Thế nên tất cả các pháp tức là Như Lai.
Thưa Thế Tôn! Tùy theo pháp sở hữu tức là Như Lai, trong pháp ấy có tất cả pháp. Thế nên tất cả pháp tức là Như Lai.
Thưa Thế Tôn! Nếu có người nói Như Lai chứng Chánh Đẳng Chánh Giác thì nên biết người nay chấp trước kiến.
Vì sao?
Vì Như Lai không hai, bồ đề cũng không hai. Do không hai cho nên không có sở đắc.
Thưa Thế Tôn! Nếu có người nói Như Lai chuyển pháp luân vô thượng thì nên biết người này chấp trước kiến.
Vì sao?
Vì thật ra không có một pháp nhỏ nào Như Lai được. Do tánh các pháp không phải tùy chuyển.
Thưa Thế Tôn! Nếu có người nói Như Lai hóa độ vô lượng chúng sinh thì nên biết người này chấp trước kiến.
Vì sao?
Vì thật không có chúng sinh mà Như Lai hóa độ.
Thưa Thế Tôn! Nếu có người nói Như Lai duyên hết nhập Bát Niết Bàn thì nên biết người này là chấp trước kiến.
Vì sao?
Vì pháp tánh thường trú chẳng phải sinh diệt. Nếu có chúng sinh ở cho ta mà nói pháp yếu như vậy, ai có khả năng tin hiểu thì nên biết người này không còn thoái chuyển đối với Chánh Đẳng Chánh Giác.
Thưa Thế Tôn! Giả sử pháp giới có sự biến đổi ấy, nếu thiện nam, thiện nữ thâm tín pháp này mà còn thoái chuyển đối với bồ đề thì không có điều đó.
Lúc đó, các Quảng quả Thiên Tử ở trước Như Lai nói về pháp thắng nghĩa mà mình đã chứng rồi đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, nhất tâm chắp tay dùng kệ khen Phật:
Quy mạng Mâu Ni đại Thánh Chúa
Đầy đủ thắng tuệ không ai bằng
Thương xót các hữu tình thế gian
Thường nói đệ nhất nghĩa như vậy.
Thánh tựu vô lượng công đức tụ
Cứu vớt luân hồi các nhân khổ
Tự mình thông đạt tánh các pháp
Lại hay khai thị các quần mê.
Tự tánh năm uẩn vốn không có
Nên biết chỉ người cuồng ngu ấy
Ví như bôi keo trên thân khỉ
Không trí nghi hoặc không thể thoát.
Tìm cầu thể uẩn không thể được
Không chỗ nương tựa dứt phan duyên
Đem anh lạc trang sức hư không
Người trí từ đó được giải thoát.
Lại nữa, Như Lai nói như vậy
Tự tánh các nhập thảy đều không
Cũng như tiếng vang trong hang sâu
Tìm tiếng vang đó có từ đâu.
Ngu si phàm phu do đó trói
Đối pháp chân đế không biết rõ
Như đem châu báu trang nghiêm gió
Người trí quán đó không đắm trước.
Bậc nhất thiết trí nói như vậy
Các giới xưa nay thường vắng lặng
Như nắm hư không chỉ có tên
Lừa dối trẻ ngu thật không được.
Phàm ngu vọng tưởng chấp là có
Do đối thắng nghĩa không thể hiểu
Lần lượt luân hồi trong ba cõi
Ví như khách buôn lần biển cả.
Lại nữa, Như Lai nói lời này
Tự tánh các căn thường thanh tịnh
Như các hình bóng hiện trong gương
Tìm mãi rốt cuộc vốn không có.
Vô trí nghi hoặc không thể hiểu
Mê pháp chân thật vọng sinh ái
Như cá vực sâu dính vào lưới
Do bị trói buộc thoát từ đâu.
Chúng sinh vốn không, pháp cũng không
Nương nghĩa chân thắng không thể được
Như hình sĩ phu dựa vào vách
Người trí quán biết không có ngã.
Người ngu chấp trước sinh vui thích
Đều do không đạt nơi Chánh Giáo
Tự tánh nhân duyên không chỗ nương
Như loài noãn sinh ra khỏi trứng.
Pháp duyên sinh trong sát na có
Mới khởi liền diệt không chắc chắn
Như người trong mộng thọ ngũ dục
Thức dậy tìm cầu có vui gì.
Hữu tình vô thỉ vọng phân biệt
Luôn bị cảnh giới nó trói buộc
Nếu hay thông đạt pháp tánh không
Như loài phi cầm thoát lồng lưới.
Các pháp vắng lặng lìa ngôn thuyết
Phật đối với đó chứng pháp tánh
Các pháp vắng lặng xưa nay không
Phật hay như vậy về vắng lặng.
Các pháp tịch tĩnh lìa các tướng
Phật hay tuyên xướng đệ nhất nghĩa
Phật đối ba cõi không đắm trước
Như Lai do vậy hiện thế gian.
Phật đối các pháp lìa lo sợ
Do không khởi lên tưởng tự tha
Rộng tuyên Chánh Giáo phá quần mê
Nên xứng bac khéo dắt chúng sinh.
Phật đối các pháp lìa phân biệt
Mà hay trợ hiển đệ nhất nghĩa
Là môn phương tiện của Như Lai
Không phải cảnh giới của phàm phu.
Hoặc có chúng sinh nói như vậy
Như Lai đã chứng đại bồ đề
Hoặc co chúng sinh nói như vậy
Như Lai hay chuyển diệu pháp luân,
Hoặc có chúng sinh nói như vậy
Như Lai đã độ hà sa chúng
Hoặc có người nói lời như vậy
Phật thoát luân hồi đã từ lâu,
Nhiêu ích vô lượng chúng sinh rồi
Nhập vào tịch tĩnh đại Niết Bàn
Đều là phàm phu sở chấp kiến
Luôn bị lũ ma nó dắt dẫn.
Đối pháp thắng nghĩa không biết rõ
Do không rõ nên không biết Phật
Nếu có người đạt chánh pháp này
Người này quyết định được bồ đề,
Rộng hay cứu độ các thế gian
Đầy đủ công đức tụ tối thắng
Pháp tốt đẹp vắng lặng như vậy
Thể tức chân như không biến đổi.
Chỉ có Mâu Ni mới chứng biết
Ta đã thông đạt nghĩa thật tướng
Nay Quảng quả các Thiên Tử này
Đối pháp thậm thâm tâm quyết định
Cung kính chắp tay không duyên ngoại
Đang đứng trước Phật rộng tuyên nói.
Khi ấy, Đức Thế Tôn biết Quảng quả các Thiên Tử rốt ráo ngộ nhập đệ nhất nghĩa đế và có khả năng tăng trưởng các căn lành, liền từ trong miệng phóng ra ánh sáng lớn.
Thấy tướng này rồi, Tôn Giả Mã Thắng chắp tay hướng lên Đức Phật dùng kệ thưa hỏi:
Đầy đủ phước trí Vô Thượng Sĩ
Nhân gì hiện thần biến tướng này
Thuở xưa con từng nghe lời Phật
Nếu phóng tịnh quang là đại lợi.
Như Lai hiện tướng lạ này rồi
Hay khiến chúng hội tâm thư thái
Các hàng Trời, Người, A Tu La
Đều nguyện đích thân nghe Phật noi.
Hôm nay Mâu Ni vì cớ gì
Trong miệng bỗng phóng quang thanh lương
Đại chúng chắp tay đứng trước Phật
Chiêm ngưỡng dung nhan không tạm rời.
Phật là vô lượng Thiên Nhân Sư
Nguyện mau nói tướng hy hữu này
Tất cả Tịch tuệ ở thế gian
Nếu nghe Phật nói trừ do dự.
Nay đây các vị Trời Quảng quả
Mỗi mỗi tự biết việc thành Phật
Họ không sở chứng cũng không tu
Người nào làm gì được cái gì.
Tám thứ tiếng Phạm âm Như Lai
Chúng sinh nghe rồi đều ham thích
Tùy thuận chánh lý làm như pháp
Đều hay hộ trì lời Phật dạy.
Các hội chúng con sinh khát ngưỡng
Muốn ở chỗ Phật đích thân nghe
Nếu được Phật nói nhân tu xưa
Trời Người tăng trưởng các thien lợi.
Các Thiên Tử ấy đã gieo trồng
Quyết định thành tựu nhất thiết trí
Sẽ độ vô lượng chúng sinh khổ
Khiến ngộ chân như tự tánh pháp.
Khi ấy, Đức Thế Tôn vì Tỳ Kheo Mã Thắng nói kệ rằng:
Hay thay, Mã Thắng hỏi việc này
Ta sẽ vì ông phân biệt nói
Vì lợi Quảng quả các Trời Người
Ở trong đại chúng hiện điềm này.
Như Lai đầy đủ nhất thiết trí
Có ba nguyên nhân phóng ánh sáng
Tùy thuận quán sát cơ duyên ấy
Hiện việc thần biến tốt đẹp này.
Hoặc có người ưa trụ Niết Bàn
Hoặc người tiểu trí cầu Thanh Văn
Hoặc lại có người thích im lặng
Chí cầu Duyên Giác quả bồ đề,
Hoặc làm Đạo Sư cho thế gian
Cầu Phật bồ đề lợi hàm thức
Nếu ta quán sát thiện căn ấy
Tùy theo ham thích mà đặt ra.
Nếu người cầu Thanh Văn được độ
Vì những hạng ấy phóng hạ quang
Vì người cầu Duyên Giác giải thoát
Phóng quang trung phẩm mà tế độ.
Mã Thắng nên biết tối thượng quang
Là thọ ký Chư Thiên thành Phật
Như vậy thứ lớp hạ trung thượng
Hiển thị ba thừa được chứng quả.
Nếu vì Thanh Văn phóng ánh sáng
Quang ấy phóng rồi nhập vào chân
Nếu vì Bích Chi Phật tịnh quang
Hiện rồi liền nhập vào nơi rún.
Nếu vì người cầu đạo vô thượng
Quang ấy nhập vào đảnh của Phật
Tùy theo thắng liệt mà nêu ra
Nay thọ ký Chư Thiên thành Phật.
Tỳ Kheo Mã Thắng nên biết rõ
Ta nay lại nói tướng ánh sáng
Nếu như ánh sáng càng tăng rộng
Uyển chuyển trên không quay bên phải.
Ngang bằng thân Phật trang nghiêm khắp
Rực rỡ cũng như đống vàng ròng
Biến hiện ánh sáng tịnh như vậy
Nên biết ký biệt quốc độ Phật.
Nếu quang phóng rồi như cái lọng
Che phủ phía trên thân Như Lai
Có quang như hoa trụ hư không
Rực rỡ hiển phát tướng đoan nghiêm.
Hoặc quay ba vòng vào thân Phật
Đây là ký biệt Phật thọ mạng
Nên biết Như Lai hiện các tướng
Khéo ứng quần cơ tâm vui tin.
Nay đây quảng quả các Thiên Tử
Đầy đủ tám mươi câu chi số
Đã trải qua vô lượng số kiếp
Phụng thờ cúng dường các Đức Phật.
Thường ưa nói pháp thắng nghĩa này
Hóa lợi hàm thức không mệt mỏi
Thệ cầu vô thượng đại bồ đề
Dũng mãnh siêng tu không thoái chuyển.
Trải qua ba mươi sáu ức kiếp
Tu đủ phước tuệ trồng căn lành
Cứu độ vô biên các hữu tình
Đều khiến lìa khổ được an vui.
Về sau đều sẽ được thành Phật
Cùng đồng danh hiệu Na La Diên
Kiếp ấy tên là Thắng kim chàng
Đều ở cõi khác thành Chánh Giác.
Mỗi Đức Như Lai hiện thế gian
Quốc độ thanh tịnh trang nghiêm đẹp
Thân Phật cũng như mặt trời sáng
Đầy đủ trí sáng công đức tụ.
Các Như Lai ấy thọ lâu dài
Trụ thế quá hơn vô số kiếp
Mỗi mỗi hóa độ các Thanh Văn
Số ấy quá nhiều không hạn lượng.
Giả sử thầy toán và học trò
Tỷ dụ tính đếm không thể biết
Hóa chúng Bồ Tát cũng vô biên
Bằng chúng Thanh Văn có khác gì.
Như vậy các chúng Bồ Tát này
Tu hành đồng với Chư Phật trước
Do nhờ tâm bồ đề kiên cố
Đều được thành tựu nhất thiết trí.
Các Như Lai ấy hóa duyên xong
Chánh Pháp tồn tại mãi thế gian
Trong mười hai na do tha kiếp
Vì các Phật Tử thường giữ gìn,
Nên chánh pháp ấy lưu bố mãi
Có người phát đại tâm bồ đề
Số lượng cũng như hằng hà sa
Mỗi mỗi siêng tu hạnh Bồ Tát.
Như vậy Phật kia diệt độ rồi
Những người chứng ngộ quả Thanh Văn
Thảy đều cầu hướng vào Niết Bàn
Cũng như củi hết lửa liền tắt.
Đại chúng hôm nay nghe Phật nói
Đều phát địa tâm sinh tin hiểu
Hoan hỷ đang đứng ở trước Phật
Nhất tâm đảnh lễ chân Như Lai.
Cúng dường vô lượng không ai bằng
Dâng lên Điều Ngự Thiên Nhân Sư
Đều phát tâm tinh tấn dũng mãnh
Như cứu đầu cháy cầu thoát khỏi.
Siêng tu thắng tuệ Ba la mật
Thường ưa thân cận Bậc Pháp Sư
Đây là môn chân thật tối thượng
Tỳ Kheo các ông khéo tu học.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh ðoạn Tận ái - Phần Sáu - Duyên Theo Chiều Nghịch
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh ðoạn Tận ái - Phần Mười Bốn - đoạn Tận Luân Hồi sự Tụ Tập
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát đẳng Mục Hỏi Về Tam Muội - Phẩm Hai - Bồ Tát đẳng Mục Nói Về Hành định
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng đảnh Vương - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Như Lai Hưng Hiển - Phần Mười