Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Mười - Dược Vương Như Lai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP HOA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI
DƯỢC VƯƠNG NHƯ LAI
Phật bảo các Tỳ Kheo: Đạo pháp chỉ có một chứ không có hai thừa, nghĩa là đạo vô thượng chánh chân từ xưa tới nay không có hai chánh.
Thí như các sông ngòi ở bốn phương chảy về biển hiệp thành một vị. Như mặt trời tỏa chiếu soi sáng khắp nơi, chưa từng tăng giảm.
Nếu thiện nam muốn đạt đến Chánh Giác, liễu ngộ không có ba đường ác, không có quá khứ, vị lai, hiện tại, thì phải học và thọ trì Kinh Chánh Pháp Hoa, phân biệt không tuệ, không có tưởng về sáu pháp Ba la mật, chẳng dùng hương, hoa, kỹ nhạc cúng dường mà là cúng dường vậy.
Các ông phải liễu ngộ ba giải thoát, đến được trí tuệ vô cực của tam đạt trí mới là cúng dường.
Vì sao?
Bởi vì từ xưa, trong vô lượng kiếp lâu xa khó tính đếm, về trước bấy giờ có Đức Phật Hiệu là Dược Vương Như Lai Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Thế Giới tên là Đại Tịnh, kiếp tên là Tịnh Trừ. Dược Vương Như Lai thọ hai mươi trung kiếp. Các chúng Thanh Văn có ba mươi sáu ức.
Bồ Tát Đại Sĩ có mười hai ức. Khi ấy có vị Chuyển Luân Thánh Vương tên là Bảo Cái cai quản bốn khu vực. Vua có một ngàn người con tuấn tú, dũng mạnh, có bảy vị bề tôi Thánh Đức hàng phục địch quân.
Vua ấy cúng dường Đức Dược Vương Như Lai đủ suốt trong năm trung kiếp.
Vua cùng với quyến thuộc, tất cả đều hết lòng phụng kính Đức Phật Dược Vương.
Sau năm trung kiếp vua bảo với một ngàn người con: Ta đã cúng dường hầu hạ Như Lai, các con cũng phải tuân theo nề nếp đó.
Khi ấy, các người con nghe lời vua cha dạy, lại cúng dường Đức Dược Vương Như Lai trong năm kiếp, dâng cúng đồ thượng diệu, thích hợp an lành.
Trong đó, có một thái tử tên là Thiện Cái ở nơi vắng vẻ một mình suy nghĩ: Nay chúng ta cúng dường Đức Như Lai, nhưng có cách nào đặc thù hơn cách này chăng?
Trên Hư Không có một vị trời nương oai thần của Phật nói với Thái Tử: Thiện nam, nay muốn biết chăng?
Có một pháp cúng dường tôn quý vô cùng.
Thái Tử hỏi: Pháp cúng dường ấy gọi là gì?
Vị Trời đáp: Thái tử nên đến hỏi Đức Dược Vương Như Lai.
Ngài sẽ giảng rõ cho Thái tử.
Thiện Cái liền đi đến chỗ Dược Vương, cúi đầu sát đất bạch với Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp cúng dường thuận hợp với Kinh Điển phải như thế nào?
Thế Tôn dạy: Pháp cúng dường thuận hợp với Kinh Điển thâm diệu uyên áo mà Như Lai đã nói là khai hóa cho tất cả chúng sinh khó lãnh hội, khó hiểu biết ở thế gian, xuất gia xả lợi, có chí cầu kho báu của Bồ Tát, ở trong chốn vắng vẻ xa xôi, dùng ấn tổng trì mà quán chiếu, nỗ lực tinh tấn không thoái chuyển, thể đạt trí tuệ vô cực của sáu Pháp Ba la mật, thiết tha nắm trọn đạo phẩm của Phật, chẳng khởi pháp nhẫn, mở cánh cửa, đi sâu vào chánh điển.
Có tâm đại từ bi đối với chúng sinh, hàng phục quân ma, lìa các kiến chấp, thấu hiểu, diễn đạt thông suốt mười hai nhân duyên, không chấp ngã, không chấp nhân, không chấp thọ, chẳng chấp mạng, có chí mong cầu các pháp không, vô nguyện, vô tướng, chẳng duyên với các hành.
Ở nơi Đạo Tràng mà chuyển pháp luân, khuyên dạy các chúng Trời, Rồng, Kiền Đạp Hòa,… khiến không ai là không quy ngưỡng, khai mở kho chánh pháp, bảo hộ Hiền Thánh, tuyên dương, hiển bày các hạnh Bồ Tát, giải thoát hoàn toàn các khổ, không chấp ngã, chẳng chấp thân.
Vì chúng sinh vi phạm cấm giới nên lập ra các phương tiện. Các ma và dị đạo rơi vào kiến chấp điên đảo, tham đắm hữu vi, thường ôm lòng sợ sệt nên phải kêu than. Công đức của Chư Phật khiến họ diệt sinh tử, được dứt trừ tai họa và được yên ổn giải thoát.
Cần phải tán thán Chư Phật trong quá khứ, vị lai và hiện tại như thế, và phải phân tích thấu đáo sắc tượng vi diệu, tổng trì tất cả cội nguồn các pháp và pháp nhẫn. Mở bày, tuyên thuyết, xiển dương các cảnh giới, tùy phương tiện mà cúng dường chánh pháp. Đó là cúng dường pháp.
Đối với các kinh, tâm chí luôn trụ trong pháp nhẫn, diễn bày Kinh Điển, theo đó lặp đi lặp lại nhiều lần, giảng giải pháp yếu, không có các tà kiến, không khởi niệm tin chấp vào quan điểm: Không từ đâu sinh , thể nhập lý nhân duyên, thấy rõ vô ngã, vô nhân nên không sân hận, không tranh cãi, không kiện tụng.
Thấy rõ lý vô ngã, vô thọ, y cứ vào nghĩa lý ngôn từ mà trí không vướng mắc vào sự hiểu biết, không buông thả, chế ngự tâm thức, trụ tâm vào pháp vô sở trụ.
Biết nghĩa lý mục đích, nhờ đó chỉ rõ nghĩa lý sai lầm, gạn lọc, làm lưu thông các pháp chướng ngại, chẳng gây cho người nghe thấy sự ỷ lại vào Chân Đế mà quay về đúng như pháp vô trước, vô nhập.
Đoạn trừ tâm niệm vướng mắc, ỷ lại diệt các ngu si. Sinh, lão, bệnh, tử đều trừ sạch, luôn quán mười hai nhân duyên, gặp những kiến chấp sai lầm không rơi vào vòng điên đảo. Đó là sự cúng dường pháp của các thiện nam.
Vương tử Thiện Cái vừa nghe Đức Phật Dược Vương giảng về sự cúng dường pháp xong, ngay khi ấy đạt được pháp nhẫn nhu thuận, liền cởi áo trên thân mình choàng lên thân Phật, rồi thưa với Đức Thế Tôn: Bạch Thế Tôn!
Cúi xin Thánh ân chứng minh cho sự lập nguyện của con: Sau khi Như Lai diệt độ, con nguyện hộ trì chánh pháp, cúng dường làm hưng thạnh chánh pháp, hàng phục quân ma và sẽ tiếp nối giáo pháp trong tương lai.
Khi ấy Đức Phật biết tâm niệm của vương tử, vào đời tương lai sẽ là thành trì giữ gìn chánh pháp, nên bảo với chúng Tỳ Kheo: Vương Tử Thiện Cái đó trong đời Phật hiện tại, có lòng tin vững chắc, xuất gia hành đạo, luôn tinh tấn tu học, làm phát khởi cội nguồn của các công đức, chẳng bao lâu sẽ thành tựu năm phép thần thông, có sức tổng trì và biện tài vô ngại.
Sau khi Phật diệt độ, vị ấy sẽ đạt được đầy đủ sức thần thông tổng trì vô sở úy và ở trong mười trung kiếp, sẽ chuyển pháp luân, truyền bá Kinh pháp mà Đức Như Lai Dược Vương đã dạy.
Do Tỳ Kheo Thiện Cái hộ trì chánh pháp, giáo hóa suốt trong một đời, nên ngàn ức người đều phát tâm vô thượng chánh chân, không thoái chuyển. Vô lượng người trụ bậc Thanh Văn, Duyên Giác, vô số người được sinh Thiên.
Các Tỳ Kheo muốn biết vua Bảo Cái lúc ấy là ai chăng?
Đâu phải ai xa lạ, mà chính là Phật Bảo Diệm, Bậc Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác hiện nay.
Ngàn người con của vua chính là ngàn Đức Phật xuất thế ở trong hiền kiếp này. Vị đầu tiên là Đức Như Lai Câu Lâu Tần, vị thành Phật sau cùng tên là Hân Lạc. Còn Thái Tử Thiện Cái chính là thân ta hiện nay.
Do vậy các Tỳ Kheo nên biết rằng tất cả sự cúng dường không vượt qua sự cúng dường pháp, vì Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều do đó mà thành.
Nếu thiện nam, thiện nữ muốn được cúng đường mười phương Chư Phật, thì nên thọ trì Kinh Chánh Pháp Hoa, đọc tụng, tuyên thuyết, chỉ bày cho tất cả chúng sinh phân biệt rõ là chỉ có một thừa, không có ba thừa.
Khi ấy Phật nói bài tụng:
Giả sử có người
Muốn hiểu đại pháp
Khai hóa tất cả
Đều đạt chánh pháp,
Thì nên thọ trì
Kinh Pháp Hoa này
Chỉ bày xa gần
Cho người chưa nghe.
Như các dòng sông
Đều xuôi về biển
Hợp thành một vị
Chẳng có gì khác,
Thanh Văn, Duyên Giác
Và Bồ Tát đạo
Tất cả quy về
Vô thượng chánh chân.
Ví như nhật nguyệt
Chiếu khắp trần gian
Trăm loại lúa, thuốc
Gai gốc, cỏ cây,
Pháp Phật cũng thế
Dùng tuệ vô cực
Chiếu soi tam giới
Đều vào một nghĩa.
Xưa có Đức Phật
Hiệu là Dược Vương
Và vị Thánh Vương
Tên là Bảo Cái
Năm kiếp cúng dường
Đức Phật Dược Vương
Tất cả đồ dùng
Không hề thiếu thốn.
Rồi bảo ngàn con
Khiến cúng dường Phật
Ngàn con vâng lời
Lòng đều mừng vui
Cúng dường Đức Phật
Cũng đủ năm kiếp
Ăn uống giường nằm
Phướn lọng, kỹ nhạc.
Thái tử Thiện Cái
Nơi vắng, tự nghĩ:
Có pháp cúng nào
Hơn pháp cúng này?
Trên không, trời bảo
Cúng pháp hơn hết.
Chàng liền thưa hỏi:
Cúng pháp là gì?
Vị trời trả lời
Nên đến hỏi Phật.
Thái tử hỏi Phật
Phật giảng đầy đủ
Tạng pháp thâm diệu
Cú nghĩa khó hiểu:
Không, vô tướng, nguyện
Thể nhập chánh tuệ
Đại từ, đại bi
Hàng phục chúng ma
Sáu mươi hai kiến
Tự nhiên trừ được.
Các việc vô thường
Khổ, không, phi thân
Vô ngã, vô nhân
Vô thọ, vô mạng
Thuận theo sẽ được
Chẳng khởi pháp nhẫn
Chuyển bất thoái luân
Chiếu soi các pháp
Mười hai nhân duyên
Triển chuyển tương sinh
Rõ pháp vốn không
Không có thỉ, chung.
Khi ấy Thiện Cái
Đạt tâm nhẫn thuận
Sau khi Phật diệt
Giữ thành chánh pháp
Tinh tấn không lười
Chứng đắc ngũ thông
Tổng trì biện tài
Khai hóa tất cả
Cả ngàn ức người
Đều trụ đại đạo
Mười bốn vạn tỷ
Thanh Văn, Duyên Giác
Số người vô lượng
Được sinh cõi trời
Vì vậy ngợi khen
Cúng pháp là nhất
Giả sử có người
Muốn cúng dường pháp
Thì nên thọ trì
Kinh Chánh Pháp Hoa
Hiểu rõ Như Lai
Khéo dùng phương tiện
Không có hai thừa
Đều quy về một.
Lúc bấy giờ, nhân có Đại Sĩ Dược Vương và các vị Bồ Tát, Đức Phật bảo với tám vạn Bồ Tát: Hãy quán sát bốn bộ chúng này, có vô số ức Trời, Rồng, Quỷ, Thần, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Kiền Đạp Hòa, Ma Hưu Lặc, Nhân Phi Nhân, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, hiện tại mắt thấy tai nghe Như Lai nói Kinh này.
Tất cả người trong hội chúng dù nghe một câu kệ, một bài tụng, chỉ phát khởi một ý niệm hoan hỷ tán trợ, ta đều thọ ký cho bốn bộ chúng sẽ đắc đạo vô thượng chánh chân.
Đức Phật bảo Bồ Tát Dược Vương: Nếu sau khi Như Lai diệt độ, người nào nghe một bài tụng bốn câu của Kinh này, mà trong khoảnh khắc khởi tâm tán thán thì ta cũng thọ ký sẽ đắc đạo vô thượng chánh chân. Phải biết người đó trong quá khứ đã từng hầu hạ trăm ngàn Đức Phật, đã theo trăm ngàn ức Đức Phật phát tâm lập nguyện.
Những bậc như thế vì thương xót chúng sinh nên đời sau cũng theo Kinh này mà thọ trì, đọc tụng, dù một bài tụng, biên chép trên tre, lụa vẫn khắc ghi nhớ mãi không quên. Hoặc nghe âm thanh đọc tụng cung kính quán sát liền biết là văn cú cao tột của Như Lai Thánh Tôn.
Hoặc dùng hương hoa, gấm lụa, tràng phan, phát tâm cúng dường quyển Kinh ấy, chắp tay hướng về Kinh, cúi đầu làm lễ thì người ấy được gọi là chỗ quy ngưỡng của thế gian.
Lại bảo Bồ Tát Dược Vương: Nếu thiện nam, thiện nữ nào có thể thọ trì một bài tụng, khuyến khích, hỗ trợ, hoan hỷ khi nghe tên kinh, hoặc được nghe tên kinh rồi học tập tìm hiểu, thì Đức Thế Tôn sẽ lần lượt thọ ký cho thiện nam, thiện nữ ấy tương lai sẽ thành Bậc Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.
Vì sao?
Những ai vâng theo Kinh này đọc tụng, sao chép, xem, nghe cúng dường tràng phan, hương hoa, lụa là và các thứ hương xông, thì phải biết các thiện nam, tín nữ ấy sẽ thành đạo vô thượng chánh chân. Sau khi diệt độ, nếu gặp Như Lai, thì sẽ trải tình thương đến khắp Chư Thiên và loài người, theo sở nguyện của mình mà tâm được tự tại, thường sinh vào cõi người mong muốn diễn nói Kinh này. Người ấy vốn đã lập hạnh vi diệu.
Do việc đã làm, sẽ sinh vào cõi Phật nghiêm tịnh, thường quán sát nhân duyên để giảng Kinh pháp. Phải biết hạng người này thương xót chúng sinh, nên sau khi Phật diệt độ sẽ sinh vào chốn này.
Nếu có người làm trái với lời dạy của Như Lai, thì thiện nam ấy sẽ khuyên bảo người ấy làm Phật Sự theo và lời dạy của Thế Tôn.
Có người giảng thuyết lời dạy của Như Lai nhưng những điều giảng giải ấy, nếu chẳng thông suốt thì người ấy tiếp tục tìm hiểu. Giả sử có người lánh tình hung hiểm, thường ôm lòng độc hại, chỉ khởi niệm bôi nhọ vị ấy thì tội lỗi khó lường.
Nếu trong một kiếp phỉ báng Như Lai, hủy báng vị ấy, thì tội lỗi bằng nhau không khác. Khi vị thiện nam giảng Kinh này, nếu có trẻ con thọ trì kinh ấy nhưng có bạch y.
Sa Môn dùng lời lẽ thô ác nói với chúng, đem điều bất như ý gán cho chúng, khiến chúng nghe lời nói ác cho là thật, rồi sai lầm loan truyền tiếng oán than, thì sẽ mang tội ác, giống như có ý hại Đức Như Lai.
Nếu thiện nam, thiện nữ nào thọ trì, đọc tụng Kinh này mà không du hóa, giảng thuyết cho người khác thì sẽ có lỗi. Nếu có thọ trì Kinh này thì phải dùng y phục, thức ăn ngon, hương hoa, đèn lửa, trân châu tốt đẹp mà cúng dường và tôn phụng các thiện nam, thiện nữ ấy là bậc đại bảo, xứng đáng được đảnh lễ.
Vì sao?
Chính vì có thể một lần được nghe Kinh Điển này.
Nếu ai nghe Kinh Điển này mà cúng dường thì do đó sẽ có chí nguyện vô thượng chánh chân.
Khi ấy Phật nói bài tụng:
Nếu muốn trụ Phật đạo
Chí ngưỡng mộ công đức
Nên cúng dường những ai
Đã thọ trì Kinh này
Nếu ưa pháp thông tuệ
Tùy hỷ theo nghe pháp
Nên thọ trì Kinh này
Và cúng dường người trì.
Người nói Kinh pháp này
Thương xót các chúng sinh
Lớn tiếng giữa cõi đời
Đến giáo hóa muôn loài,
Nếu ai trì Kinh này
Trọn đời luôn tinh tấn
Tâm dũng mãnh tự đến
Thương xót các chúng sinh
Muốn sinh đâu tùy ý
Rốt sau vào cõi đời
Theo duyên ấy được gặp
Kinh Điển tối thượng này
Và sẽ được cúng dường
Hương hoa của Trời, người
Y phục và tàng lọng
Thường cúng cho Pháp Sư
Luôn kính người ấy
Như cung kính Phật
Chắp tay làm lễ
Thánh đạo tự nhiên
Vào đời sau chót
Gặp được Kinh này.
Phật diệt độ rồi
Thọ trì đọc tụng
Phải luôn cúng dường
Như tôn phụng Phật
Các loại đồ ăn
Đầy đủ vị ngon
Phòng ốc giường nằm
Vô số y phục
Một lần được nghe
Cung phụng như thế
Người ấy sẽ được
Như Lai thọ ký
Ta khiến vị ấy
Sinh vào nhân gian
Đến đời sau cùng
Gặp được Kinh này
Giả sử người nghe
Biên chép thọ trì
Thì ngay khi ấy
Phật hiện trước mặt
Phỉ báng Như Lai
Trọn cả một kiếp
Trong lòng ôm hận
Sắc mặt biến đổi
Kẻ ấy liền gặp
Vô số họa vương.
Giả sử có người
Thọ trì Kinh này
Rồi phân biệt nói
Vì người giảng giải
Mà ai phỉ báng
Thì bọn người này
Tội còn nặng hơn
Không thể kể xiết.
Giả sử có người
Hiện tiền khen Phật
Hai tay chắp lại
Trọn trong một kiếp
Thanh tịnh chí thành
Tôn vinh Phật đạo
Ức trăm ngàn vạn
Người nào tán tụng
Ca ngợi Pháp Sư
Khởi tâm hoan hỷ
Người ấy được phước
Chẳng thể cùng tận,
Do đã tán dương
Đức bậc trí sáng
Người ấy được phước
Hơn hẳn người trên.
Rồi có người đến
Cúng dường người học
Ở trong mười tám
Ngàn muôn ức kiếp
Người ấy cúng dường
Món ăn trân quý
Hương hoa cõi trời
Nhẹ mềm đẹp đẽ
Trong vô số kiếp
Mười tám ngàn muôn
Vui vẻ hòa nhã
Chịu khổ hiến cúng
Nếu có một lần
Nghe được Kinh này
Được vui lợi ích
Không gì sánh kịp.
Phật bảo Bồ Tát Dược Vương: Ta đã có lần tuyên bố là Kinh Điển mà ta đã nói trước, sau nhiều vô lượng, Kinh Điển vừa nói và đang nói cũng rất nhiều, so với tất cả các pháp thế gian thì danh vị rõ ràng bao quát, cao cả đệ nhất.
Những người không tin, không ưa trong khắp thiên hạ, đối với Như Lai Chánh Giác không hủy hoại được, chúng ở trong chỗ vắng, theo rình hại Pháp Sư thọ trì Kinh này, nhưng được oai lực của Như Lai hộ trì, nên chúng không thể phá hoại được, chính là nhờ đời trước đã từng được nghe Kinh này.
Đức Như Lai hiện còn, có người nghe Kinh này, nhưng phần nhiều phỉ báng, huống là sau khi Như Lai diệt độ, khó mà gặp được.
Nếu ai có chí nguyện mong cầu thì sẽ được che chở.
Quán thấy thiện nam, tín nữ như thế.
Các Đức Như Lai hiện tại ở Thế Giới khác đều chiếu cố.
Do tự thân ghi nhớ những pháp đã được nghe nhờ sức tin tưởng, sức thiện căn, sức chí nguyện, nên họ được ở một chỗ trong nhà Như Lai, đó là do cùng loại phước đức nên được như thế.
Cầu nước cam lộ của Như Lai, đặt trọn niềm tin vào tay Phật, đó chính là do hạnh nguyện dời trước mà đạt được. Sau khi Phật diệt độ, nếu có người tin tưởng Kinh Chánh Pháp Hoa này mà thọ trì, sao chép, cúng dường, làm theo, vì người khác giảng thuyết thì phước đức cũng bằng như thế.
Phật bảo Bồ Tát Dược Vương: Nếu có người thường giảng dạy, sao chép, đọc Kinh này thì ở chỗ người ấy, nên lập Chùa thờ Phật, dùng nhiều châu báu xây dựng cho cao rộng, to lớn, không cần phải thờ xá lợi Phật.
Vì sao?
Vì trong ấy đã chứa tất cả xá lợi của Như Lai. Nơi nào có nói Kinh pháp này thì nên phúng tụng, ca vịnh, sao chép.
Sao chép trên tre, lụa thành quyển Kinh rồi, nên cung phụng như là Chùa tháp Phật, hướng về làm lễ, cúng dường tất cả hương hoa, các loại hương thơm, hương xông, đờn cầm, đờn sắc, không hầu, tràng phan, lọng gấm.
Nếu có chúng sinh nào muốn có Chùa Phật để cung kính lễ bái thì nên gần gũi Kinh pháp vô thượng này.
Lại bảo Dược Vương: Có nhiều Bồ Tát xuất gia hành đạo và phàm phu bạch y hành pháp Bồ Tát không thể gặp được Kinh Điển ấy để đọc tụng, sao chép, cúng dường. Có vị hành hạnh Bồ Tát, hiểu rõ quyền nghi, giả sử được nghe cảnh giới Phật, pháp hạnh và việc làm của Bồ Tát mà tin tưởng ưa thích, thâm nhập pháp ấy, diễn đạt rõ ràng, liền nhận được sự cúng dường.
trên tòa ngồi, sắp đạt đến đạo vô thượng chánh chân. Nếu có người gặp bậc Bồ Tát ấy, thâm nhập ý nghĩa này thì phước đức không thể kể xiết.
Ví như một người quá khát tìm nước, bỏ nơi đất bằng mà đào tìm nước nơi gò cao, ngày ngày ra công đào xới nhưng chỉ thấy đất khô. Trải qua nhiều ngày tháng nhưng mạch nước ngầm vẫn xa xăm, nên không có nước. Lại vào thời gian khác, người ấy đào đất rất sâu mới thấy nước bùn, dơ bẩn không thế uống được.
Người ấy phải làm sao?
Người ấy không chán nản, đào xuống thêm nữa thì có nước.
Khi ấy, người kia thấy hiện tượng tốt thì không còn hồ nghi, không còn do dự nữa, tự nhủ: Ta bỏ công sức, trải qua ngày tháng, bây giờ mới gặp được nước.
Cũng như vậy, này Dược Vương, nếu có Bồ Tát nghe Kinh Điển này mà không thọ trì, tụng đọc, học hỏi thì cách đạo vô thượng chánh chân còn rất xa vậy.
Những v ị tu tập Bồ Tát hạnh ấy, nếu nghe Kinh Chánh Pháp Hoa này mà đọc tụng, chuyên cần tu tập, tâm luôn ghi nhớ và theo đó thực hành, thì mới mau thành tựu quả vị Tối Chánh Giác.
Tất cả Bồ Tát, nếu có vị nào không chịu thọ trì, đọc tụng, tu hành Kinh này thì không thể đạt được đạo vô thượng chánh chân, thành Bậc Tối Chánh Giác.
Vì sao?
Trước đây ta đã từng tuyên bố thế này: Nếu có người không ưa thích Kinh này thì còn cách các Đức Như Lai rất xa. Kính này là đầu mối của Đạo pháp, là cội nguồn trí tuệ, thành tựu cho chư Bồ Tát.
Nếu có Bồ Tát nghe Kinh này kinh hãi sợ sệt và không ưa thích thì nên biết vị ấy là Bồ Tát sơ học. Nếu không kinh sợ thì đó là vị tu hạnh Bồ Tát đã lâu. Nếu Thanh Văn gặp được Kinh pháp này mà kinh hãi sợ sệt thì kẻ ấy có tâm kiêu mạn, phóng túng.
Phật nói với Dược Vương: Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có Bồ Tát Đại Sĩ muốn đem Kinh này nói cho bốn bộ chúng, thì phải mặc áo Như Lai, ngồi Tòa Sư Tử của Thế Tôn, sau đó mới tuyên thuyết Kinh này cho bốn bộ chúng.
Thế nào là mặc áo Như Lai?
Đó là tâm nhẫn nhục, nhu hòa, an ổn. Như vậy gọi là mặc áo Như Lai. Các thiện nam phải tu tập tâm ấy.
Thế nào là ngồi Tòa Sư Tử của Thế Tôn?
Hiểu rõ tất cả pháp đều là không tịch, an trú vô tướng, vô nguyện, đó gọi là ngồi Tòa Sư Tử của Thế Tôn.
Các thiện nam phải an trụ vào chỗ ngồi như thế rồi mới đem Kinh pháp này rộng nói phân biệt cho hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Trời, Rồng, Quỷ, Thần. tâm vị ấy dũng mãnh không khiếp nhược, chí theo đạo lớn giảng bày cho bốn chúng.
Vị thiện nam ấy, nếu ở Thế Giới tại phương khác, hóa làm người và quyến thuộc hay Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di truyền bá pháp này, nhưng nếu có người nghe mà không ưa thích thì ta liền làm cho họ vui vẻ , khiến họ ưa thích. Nếu ở chỗ vắng vẻ, đồng trống có Trời, Rồng, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, ta sẽ sai hóa nhân nói Kinh pháp cho họ.
Tuy ta ở quốc độ khác, cũng tự hiện thân khiến mọi người trông thấy.
Nếu người thọ trì Kinh Điển này mà chẳng nhớ hiểu nghĩa kinh, quên mất thứ tự thì ta sẽ khiến cho người tụng đọc, học hỏi, nương vào oai thần của ta mà thấu đạt được thứ tự, ý nghĩ.
Khi ấy Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Dứt bỏ hết khiếp nhược
Nên lắng nghe Kinh này
Pháp này khó gặp được
Người tin cũng khó gặp
Như người muốn tìm nước
Đào tìm ở gò cao
Dù luôn luôn gắng sức
Chỉ thấy đất khô thôi.
Vị ấy thấy tự nghĩ
Nước ấy còn rất xa.
Tiếp tục đào sâu xuống
Lại gặp đất khô cằn
Sau đó đào càng sâu
Dần thấy đất ướt hiện
Khi đó lòng hết nghi
Nay đã gần tới nước.
Ai không nghe Kinh này
Chẳng thường luôn tu hành
Người ấy cách xa đạo
Cách tuệ Phật cũng thế,
Kinh này rất cao vời
Rõ các việc Thanh Văn
Nghe kinh tối cao này
Nghe rồi suy nghĩ nghĩa
Thì được gần đạo lớn.
Người trí thành Thánh tuệ
Giống như thấy đất ướt
Mới biết là có nước
Nên vào nhà của Phật
Mặc áo của Như Lai
Ngồi Thánh Tòa Như Lai
Người trí nói điều này
Lòng từ là vào nhà
Nhẫn, nhu hòa là áo
Hiểu Không, Tòa Sư Tử
Rồi nói không sợ sệt
Bị dao, ngói, đá đánh
Bị người khác nhục mạ
Vì để nói pháp này
Ta đều nhẫn lời ấy
Dạo trong ngàn ức cõi
Thân ta vẫn kiên trì
Số kiếp chẳng nghĩ bàn
Vì chúng sinh phân biệt
Sau khi Phật diệt độ
Vì chúng trừ oán kết
Khiến nhiều các hóa nhân
Để nói Kinh Điển này
Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni
Thiện tín nam và nữ
Nên cúng những vị ấy
Và những vị đến nghe
Đá, gậy đánh, mắng nhiếc
Ôm hận, nói lời ác
Nếu có điềm dữ này
Hóa nhân sẽ răn dạy.
Giả sử ở một mình
Phúng tụng và tu tập
Chẳng bị tiếng hung dữ
Đến thẳng chốn an tịnh
Tại đó người ấy tu
Ngày đêm chỉ một mình
Ta sai người đến cùng
Làm bạn, thuyết Kinh này.
Người ấy biện tài
Không gì vướng mắc
Nhiều tài, thấu rõ
Thuận theo các pháp
Khiến người hân hoan
Ức trăm ngàn vạn
Giống sự kiến lập
Của Chư Phật thánh
Giả sử có người
Chẳng nương pháp ấy
Thì gọi họ là
Các nghịch Bồ Tát
Người học, du hành
Hoặc ngồi tại chỗ
Được thấy Chư Phật
Như cát Sông Hằng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thập Nhị Nhân Duyên - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Vô Hành - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh Phổ Hiền Mạn Noa La
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bạt Ca Lê