Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Ba - Phẩm địa Ngục - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BA

PHẨM ĐỊA NGỤC  

TẬP BA  

Lại nữa, Tỳ Kheo kia quan sát chốn Úy thứu của đại địa ngục Hắc thằng.

Chúng sinh do nghiệp gì, sinh vào chốn kia?

Tỳ Kheo thấy có người vì nhân duyên tham tài vật mà giết người khác, hoặc trói buộc, hoặc bỏ đói, hoặc chiếm đoạt đồ ăn uống. Người kia vì tạo ra nhân duyên của nghiệp ác ấy, khi thân hoại mạng dứt, đọa vào chốn ác Úy thứu trong địa ngục Hắc Thằng, chịu đại khổ não.

Nơi địa ngục ấy, nền sắt thiêu đốt, khắp nơi đều là màu nước, rộng mười ngàn do tuần, bốc cháy khắp chốn. Có cỏ Cật lê sắt, người trong địa ngục kia, nổi giận cầm gậy đánh, ngày đêm luôn chạy, đao gông, xe, cung, nỏ tên hực cháy đuổi theo sau, chùy sắt tìm đâm khiến kẻ tội nhân luôn luôn tháo chạy.

Người Diêm Ma La tay cầm đao sắt, gông sắt, tên sắt bốc cháy chém, đập, bắn họ, chỉ có sự hành hạ ở nơi ấy, đói khát bức bách, mạng sống hầu như chấm dứt, không ai cứu vớt, không chỗ quay về, hơi thở muốn dứt, chỉ có thân mạng mà thôi, bị người khác nắm giữ chịu đủ các khổ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Nhiều người cùng theo nhau

Gây ra nghiệp bất thiện

Sau, lúc nghiệp ác chín

Có sinh chịu quả báo.

Các lửa, đao, oan độc

Tuy hại còn chịu được

Nếu tự tạo nghiệp ác

Sau chịu khổ hơn thế.

Thân thuộc đều chia lìa

Chỉ nghiệp là không bỏ

Thiện ác đời vị lai

Lúc nào cũng theo đuổi.

Hoa nở ở nơi nào

Mùi hương tỏa nơi đó

Nếu gây nghiệp thiện, ác

Theo đuổi cũng như vậy.

Loài chim nương cây rừng

Sáng đi chiều tụ về

Chúng sinh cũng như vậy

Đời sau gặp trở lại.

Hủy việc tốt người khác

Tự lấy, lấn hiếp người

Tùy tạo nghiệp ác gì

Người kia bị si dối.

Nếu không hướng Niết Bàn

Lại không hướng Cõi Trời

Nhân ngu si thứ nhất

Từ tối lại vào tối.

Người kia tự tạo nghiệp ác như vậy, chịu khổ nơi địa ngục, trải qua vô lượng trăm ngàn năm, lưu chuyển trong địa ngục, đến khi nghiệp ác tiêu trừ họ mới được ra khỏi.

Sau đó lại sinh trong loài súc sinh, sinh trong cõi ngạ quỷ, nếu sinh trong loài người, thì làm người chăn nuôi, như giữ lạc đà và giữ các loại súc vật khác, như trâu, lừa, ngựa, làm việc của voi của chó, thường đuổi lừa, lạc đà, nơi nào cũng chăn súc vật để nuôi mạng sống của mình. Nếu làm vi binh, thì làm chủ soái vi binh, bần cùng chết yểu, tạo nghiệp xấu ác, những nghiệp nhân còn lại nên chịu quả báo tương tự.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia quan sát chốn Đại địa ngục Hắc Thằng, quan sát khắp mười sáu biệt xứ giống như trong địa ngục Hoạt.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia quan sát địa ngục Hoạt, quan sát địa ngục Hắc thằng. Đã quan sát rồi, biết pháp nghiệp báo, tất cả nghiệp ác, quả báo luôn chắc chắn, có làm có nhóm tụ, có nhóm tụ mà không làm, làm mà không nhóm tụ. Có làm có nhóm tụ thì quyết định chịu quả báo. Có nhóm tụ mà không làm thì không quyết định chịu quả báo.

Làm mà không nhóm tụ thì không quyết định chịu quả báo. Tỳ Kheo ấy thấy nghe biết về ba loại nghiệp ác và quả báo của nghiệp. Biết như thật rồi, lại càng nhàm chán xa lìa, quan sát sự trói buộc của nghiệp, lần lượt trói buộc với nhau, lại quan sát vô lượng các thứ chuyển động duyên dựa của tâm.

Tỳ Kheo kia quan sát thấy các chúng sinh tâm được tự tại rồi, lại quan sát tiếp các địa ngục khác, Tỳ Kheo thấy, nghe, biết: địa ngục thứ ba tên là địa ngục Hợp.

Chúng sinh do nghiệp gì mà sinh ở nơi ấy?

Đó là làm tích tụ nghiệp ác bất thiện như thiêu nấu chúng sinh.

Tỳ Kheo thấy, nghe, biết: Chúng sinh tạo tác ba loại nghiệp ác, nên phải sinh vào chốn địa ngục Hợp để chịu quả báo ác. Ba loại ấy là sát sinh, trộm cướp, tà hạnh. Ba loại nghiệp ác bất thiện như vậy nên sinh nơi địa ngục Hợp.

Do nghiệp ác kia là loại thượng nên sinh vào địa ngục căn bản như thế. Nghiệp ác bậc trung, bậc hạ thì sinh vào chốn khác. Có ba loại quả chịu khổ là thượng, trung, hạ. Do lúc tạo nghiệp vì tâm lực có khác, nên khi thọ mạng có thượng, trung, hạ. Lại lúc tạo nghiệp, tâm lực duyên dựa có thượng, trung, hạ, nên ở chốn kia chịu khổ cũng có thượng, trung, hạ.

Có ba loại định nghiệp: Thân có ba loại nghiệp. Khẩu, ý cũng có ba loại, đó là thượng, trung, hạ. Lại có ba loại, đó là sinh nơi Cõi Dục, sinh nơi Cõi Sắc, sinh nơi Cõi Vô Sắc. Lại có ba loại, đó là quá khứ, hiện tại và vị lai. Lại có ba loại, đó là hiện thọ, sinh thọ và hậu thọ. Lại có ba loại, đó là thiện, bất thiện và vô ký.

Lại có ba loại, đó là hiện phược, trung phược, dị sinh xứ phược. Lại có ba loại, đó là nhân phi nhân phược, phi nhân nhân phược, tự xứ tự phược, nghĩa là bỏ thân người trở lại được thân người. Tạo nghiệp địa ngục uy lực của nghiệp ấy tương tự với việc đã làm sinh ra nghiệp tương tự.

Như Tỳ Kheo được thần thông giải thoát, cũng có ba loại: Một là làm. Hai là không làm. Ba là bị ràng buộc làm. Gọi là làm là từ lúc đầu làm Sa Môn. Nói bị ràng buộc làm là về sau tiếp tục bị ràng buộc làm. Nói không làm là cho đến chứng quả A La Hán. Lại nữa, làm là làm Sa Môn, rồi thực hành hạnh Sa Môn. Lại bị ràng buộc làm là ở chốn này chết rồi sinh ở chốn khác.

Lại có ba loại:

Một là sự ràng buộc của Thiền.

Hai là chẳng phải sự ràng buộc của Thiền.

Ba là không bị ràng buộc của quả báo.

Sự ràng buộc của Thiền là bị Sơ Thiền, Nhị Thiền ràng buộc, chẳng bị bậc Tam Thiền, chẳng bị bậc Tứ Thiền ràng buộc. Chẳng chịu sự ràng buộc của thiền là Thí, Giới…

Không bị ràng buộc vào quả báo là A La Hán, các lậu đã hết, quyết định thọ nghiệp, không bị quả báo. Tỳ Kheo kia quan sát lưới nghiệp ràng buộc nơi biển thế gian, lần lượt làm nhân sinh ra hành nghiệp, quả báo, không có người tạo ra, không có người thọ nhận, chẳng phải là không có nhân duyên, chỉ có nghiệp lực. Tỳ Kheo kia tư duy như vậy, phá trừ ma quân, tu tập pháp thiện. Lại hơn phần trên, quán nghiệp nhân, quả báo nơi địa ngục Hợp.

Tại sao chúng sinh sinh nơi Đại địa ngục Hợp căn bản?

Tỳ Kheo thấy có người thích làm, làm nhiều việc: Sát sinh, trộm cướp, tà hạnh. Các nghiệp như vậy đều ưa làm, làm nhiều, tạo nghiệp đó nên sinh trong địa ngục căn bản và các nơi khác. Người kia ở trong địa ngục Căn bản chịu đại khổ não như lúc trước đã tạo nghiệp. Nếu người trộm cướp và tà hạnh, thì người đó đều gọi là người tà hạnh.

Thế nào gọi là tà?

Làm sai sự thật, lại phân biệt sai, nếu người tà hạnh đối với vợ của bậc tôn quý thì người kia sinh vào chốn Đại địa ngục Hợp chịu nhiều khổ não. Nói là khổ tức như mỏ sắt nóng của chim thứu móc ruột của họ, rồi treo lên ngọn cây để chim mổ ăn. địa ngục đó có con sông lớn tên Thiêu thiết câu, nơi ấy có móc sắt đều đỏ rực, người Diêm Ma La bắt tội nhân ném xuống sông, rơi trên móc sắt.

Lại, trong sông kia có đao nóng hực, tội nhân ở đó chịu đủ loại khổ não không gì sánh bằng, không thể thí dụ. Nơi kia chịu khổ do móc sắt thiêu đốt, đó là dùng móc sắt thiêu đốt đánh đâm vào thân. Người Diêm Ma La bắt tội nhân nơi địa ngục ném vào sông kia, đè xuống cho chìm, lần lượt chìm hết, đã chìm rồi kêu la gào thét.

Trong sông chẳng phải là nước mà là nước đồng sôi, làm nổi tội nhân kia cũng như làm nổi khúc cây, lưu chuyển không dừng, thiêu nổi như vậy, chịu mọi khổ não. Nơi sông móc sắt kia đã thiêu nổi rồi, tội nhân ở địa ngục hoặc có người thân đỏ rực như mặt trời mới mọc. Hoặc có người thân chìm mất như tảng đá nặng. Hoặc có người mắc vào bờ sông không chìm.

Hoặc có tội nhân thân như áo nhúng nước vào nước. Hoặc có người bị mỏ sắt chim thứu nóng mổ ăn như ăn cá. Hoặc có người thân như biển lớn. Hoặc thân họ cũng như một khối sinh tô. Có người bị gạch sắt đánh vào. Hoặc có người thân bị bổ ra trăm ngàn mảnh như cát tung tóe. Hoặc có người ở trong sông như nước đồng sôi. Hoặc có người bị tro nóng thiêu đốt thân. Hoặc có người bị kềm sắt liên tục đâm vào thân.

Hoặc có người bị chẻ thân hình ra như sợi tơ nhỏ, hoặc bị kéo lại mà đánh. Hoặc có người bị kéo đầu, khiến đầu họ lúc chúc xuống, lúc ngước lên rồi cứ bị đánh. Hoặc có người bị bỏ vào trong vạc nước sôi, lửa nấu họ như nấu đậu. Hoặc có người ở trong vạc lần lượt đảo lộn lên xuống mau chóng. Hoặc có người bị bỏ vào bên hông vạc nóng, đưa tay lên Trời mà gào thét.

Hoặc có người chạm sát nhau gào thét chịu khổ não dữ dội rất lâu, không chủ không ai cứu, trong đó có nhiều quạ, chim thứu mỏ nóng, chồn, chó… ở trên nền đất nóng, không giết mà ăn, chịu khổ nơi chỗ vắng vẻ không cùng thấy nhau. Tất cả nhân duyên chịu khổ gồm đủ loại, họ chịu vô lượng trăm ngàn loại khổ, tự tâm lừa dối. Mười điều bất thiện vốn do tà hạnh mà ra, do nhân duyên sát sinh mà ra, do nhân duyên trộm cắp mà ra.

Lại nữa, người Diêm Ma La dùng chày sắt lửa cháy hực, đánh đập tội nhân kia, tội nhân sợ bỏ chạy, quay nhìn bốn hướng, mong người đến cứu, nói lớn: Người nào cứu tôi!

Tôi sẽ về nơi đâu?

Chạy nhìn khắp bốn hướng, chày lửa cháy rực vẫn tiếp tục đánh rồi bỏ vào sông lửa hực cháy, như cây bị thiêu đốt. Hoặc ở nơi núi cao, kẽ đá, trong hang động… chốn rất hiểm ác, chịu đủ loại khổ.

Đó là treo trên ngọn cây, ném xuống biển, rơi vào chỗ móc sắt, thân họ bị cắt xẻ đến trăm ngàn lần như vậy. Người Diêm Ma La bắt tội nhân nơi địa ngục, bỏ vào rừng lá đao, lá đao vô số, lửa cháy hừng hực thiêu đốt nhưng tội nhân này chợt thấy trên cây kia có người nữ xinh đẹp, thấy như vậy liền sinh ái nhiễm.

Người nữ kia xõa tóc óng mượt lộng lẫy, dùng hương bột xoa thân, hương thơm xông thân, hình sắc trang điểm rất đẹp lại yểu điệu, ngón tay nhỏ dài, vui vẻ mỉm cười, lại dùng các loại châu báu trang sức nơi thân, đủ loại quyến rủ. Tất cả kẻ phàm phu ngu si thấy thế thì tâm say mê.

Người nơi địa ngục kia đã thấy người nữ xinh đẹp trên cây như vậy rồi, tất sinh tâm tham ái suy nghĩ: Người đó ta vốn đã thấy trong cõi người, người đó vốn lúc trước đã có! Người trong địa ngục bị chính mình lừa dối, cho nên thấy như vậy. Thấy như vậy rồi liền trèo lên cây, lá cây như đao, cắt thịt nơi thân của họ.

Đã cắt thịt rồi, lại cắt gân của họ. Đã cắt gân rồi, lại chặt xương của họ. Đã chặt xương của họ rồi, lại phá tủy của họ. Bị cắt khắp tất cả thân hình mới lên được trên cây, sắp gần người nữ thì tâm chuyển, luôn suy nghĩ rằng bị tâm mình lừa dối, ở trên cây kia phải chịu khổ như vậy. Đã ở trên cây lại thấy người nữ ở dưới đất.

Người kia thấy vậy nhưng người nữ lại dùng đôi mắt quyến rũ nhìn lên người kia, âm thanh ngọt ngào, trước dùng lời dịu dàng nói: Nhớ nhân duyên của ông nên tôi đến nơi này, nay ông vì sao không đến gần tôi, vì sao không ôm lấy tôi?

Địa Ngục như vậy là do nghiệp hóa hiện. Tội nhân thấy rồi, tâm dục bừng cháy, ở trên cây lá đao, lại lần trở xuống, người kia trèo xuống lá đao lại hướng lên, lửa cháy hừng hực, bén như dao cạo.

Dao bén như vậy, trước cắt thịt của tội nhân, tiếp đó cắt gân, chặt xương, rồi cắt mạch, phá tủy, khắp thân đều bị cắt xẻ, người ở địa ngục ấy bị cắt như vậy, bị phanh xẻ như vậy, các mạch đứt rồi, nhìn người nữ kia ái dục lại thiêu đốt tâm. Khi nhìn như thế lại bị chim thứu có mỏ sắt nóng liền mổ mắt để ăn.

Lá đao hực nóng trước cắt tai tội nhân. Bị cắt như vậy nên cất tiếng gào thét, tiếp đó lại cắt lưỡi, cắt mũi. Tuy bị cắt khắp tất cả phần thân như thế nhưng do ái dục dắt dẫn tâm, nên phải trèo xuống đất. Đã xuống đất, lại thấy người nữ ở trên cây. Người ấy thấy rồi lại tiếp tục trèo lên nữa, như trước đã nói. Do nghiệp lực nên trải qua vô lượng trăm ngàn ức năm, luôn bị tâm mình lừa dối, luôn di chuyển như vậy.

Người trong địa ngục bị thiêu đốt như thế là do nhân duyên gì?

Do nhân là tà dục, bị thiêu đốt cắt xé nhưng người ấy vẫn không bỏ dục. Tâm từ vô thỉ đến nay luôn chuyển đi như vậy. Nơi các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh luôn thọ khổ mà tâm của chúng sinh không thể điều phục được. Trong địa ngục mà vẫn còn ái nhiễm như vậy, nên biết tâm đó là không đáng tin.

Lại, Đại địa ngục Hợp, ở đấy có núi tên là Thứu biến. Tội nhân kia bị thiêu thân, đói khát nên chạy đến núi ấy, trên núi chỗ nào cũng có chim thứu mỏ sắt nóng, thân mạnh, bụng lớn, trong bụng của nó có người ở địa ngục, gọi là người lửa.

Người nơi địa ngục luôn mong được cứu vớt, mong được trở về, nên chạy ào đến núi, đến rồi liền bị chim thứu mỏ sắt, trước hết mổ đầu tội nhân cho bể ra, banh xương đầu lâu mà ăn não. Tiếp theo là móc mắt khiến tội nhân kêu la gào thét, nhưng không ai cứu.

Đã mổ đầu tội nhân bể ra, ăn hết não rồi thì ném đầu tội nhân đi nơi khác. Người ở địa ngục lúc này không đầu, không mắt, lại chạy đến địa ngục Minh, do nghiệp lực của tội đã tạo nên lại có chim thứu sắt thân lớn, nơi bụng của chim, chưa có người lửa, bay đến chỗ tội nhân, đến liền nuốt họ. Tội nhân bị nuốt vào bụng liền trở thành người lửa, vốn do tội nghiệp xâm phạm vợ người khác, nên đưa đến quả báo như vậy.

Người kia do ưa gây nhiều nhân sát sinh, nên trải qua vô lượng trăm ngàn năm thường bị thiêu đốt, nhưng không chết. Người kia ưa gây nhiều nhân tà hạnh, nên thấy người nữ nơi rừng lá đao.

Người kia ưa gây nhiều nhân trộm cướp, nên bị đọa vào một chốn khác trong địa ngục, chỗ ấy là sông, tên là Vô biên bỉ ngạn, trong sông chứa đầy nước đồng sôi, tội nhân thấy nơi bờ sông có nhiều và đủ loại thức ăn ngon cứng, mềm, lại còn bày biện tòa ngồi đẹp đẽ có rừng cây xanh tươi với những bóng râm, lại có ao, có sông nước trong.

Người ở địa ngục thấy như thế rồi, liền cất tiếng kêu lớn, cùng gọi nhau: Các ngươi hãy đến đây! Các ngươi hãy đến đây! Nay ta được vui, có đủ loại thức ăn cứng, mềm, lại có cả chỗ ngồi như trước đã nói.

Nghe gọi kêu như vậy, người ở địa ngục khác bèn cùng nhau chạy đến, cho là có thể được cứu giúp, cho là có thể quay về, họ nhóm lại một chỗ, cùng nhau hỏi: Ta nay nên ở chỗ nào để được vui?

Làm sao cứu giúp?

Làm sao quay về?

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần