Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Ba - Phẩm địa Ngục - Tập Ba Mươi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BA

PHẨM ĐỊA NGỤC  

TẬP BA MƯƠI  

Chúng sinh vì nghiệp gì mà sinh vào chốn này?

Vị ấy thấy, nghe, biết: Những người do cảnh giới làm loạn, do tâm dục hay do gần bạn ác, hoặc tự uống rượu say sưa, hành dâm với mẹ.

Hành dâm rồi, tâm kinh hãi. Gần bạn ác, nghe theo lời nói của họ. Người si kia ưa thích làm và làm nhiều, lại bảo người khác làm giống như vậy. Do nghiệp ác ấy, nên khi qua đời, người kia bị đọa vào chốn ác Vô bỉ ngạn thường thọ khổ não trong địa ngục A tỳ, chịu khổ não cùng cực.

Những khổ não ấy như đã nói ở trong bảy đại địa ngục: Hoạt, Hắc Thằng… tất cả khổ não kia ở đây đều có đủ, lại nhiều gấp trăm lần.

Còn có những khổ não hơn đó nữa: Diêm Ma La dùng móc sắt cháy đỏ móc nhân căn của người kia kéo từ rốn ra, lấy gai kim chích vào, hoặc dùng đinh đóng vào rốn, vào mũi, vào tai, sau thì cắt miệng.

Lại lấy móc sắt cháy đỏ rực nhét đầy miệng tội nhân, làm cho miệng đầy lửa giống như cây đuốc. Phần dưới thân của người kia phải chịu khổ dữ. Người kia bị khổ ở hai chỗ, bị thiêu, đè và chặt, đánh, nên toàn thân đều bị hư nát. Hết thảy mọi chỗ đều như vậy nên gọi là chốn vô bỉ ngạn thường thọ khổ não.

Sự khổ ở đây không thể nào ví dụ được, nhưng nghiệp ác vẫn chưa hoại, chưa tan, ảnh hưởng của nghiệp vẫn chưa hết, nên luôn luôn chịu khổ, trong một kiếp hay một kiếp giảm mãi bị thiêu đốt như vậy. Nếu nghiệp ác hết, người kia mới thoát khỏi địa ngục. Thoát rồi, trải qua bốn ngàn đời làm ngạ quỷ ăn đồ bất tịnh, đói khát đốt thân.

Nếu thoát khỏi kiếp ngạ quỷ thì sinh vào loài súc sinh ở giữa đồng hoang vắng không có nước, sống trong rừng tre, miệng luôn khô khốc, sống chỗ chật hẹp trong hang núi, thường sợ bóng tối, sinh trong loài súc sinh thường sợ chim thứu.

Vì nhân duyên gì mà sống trong rừng tre?

Vì nơi rừng tre kia thường có gió lớn, thổi tre phát ra lửa, trải qua bốn ngàn đời luôn bị thiêu chết, chết rồi thì sinh lại chỗ ấy. Thoát được thân súc sinh được sinh làm người ở nơi hợp với nghiệp thì làm kẻ bần cùng, tật bệnh, hèn hạ nhất trong đời.

Vợ không trinh tiết, hoặc đoạt vợ người, hay phạm con gái người nên bị họ bắt đem giao cho Vua trị tội bằng cách nhổ nhân căn ra, không còn nhà cửa, phải ra ngã ba, ngã tư xin ăn để sống, luôn đói khát khốn khổ, sau đó phát bệnh, đau đớn rồi chết nơi đầu đường xó chợ… đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Lại nữa, Tỳ Kheo ấy biết quả báo của nghiệp rồi, lại quan sát nơi chốn của đại địa ngục A tỳ.

Vị ấy thấy, nghe, biết: Còn có chốn khác tên Dã can hống là chốn thứ tư trong địa ngục A tỳ.

Chúng sinh vì nghiệp gì mà sinh vào chốn này?

Vị ấy thấy, nghe, biết: Người nào hủy báng Bậc Nhất Thiết Trí Đức Phật, hủy báng Bích Chi Phật, hủy báng A La Hán, hủy báng luật pháp, phi pháp nói là chánh pháp, lại bảo người khác làm rồi ưa thích. Phi pháp mà người kia cho là chánh pháp nên thường hủy báng các Bậc Thánh Nhân. Do nhân duyên của nghiệp ác ấy, sau khi qua đời, người kia bị đọa vào chốn Dã can hống thuộc đại địa ngục A tỳ chịu khổ não không kể xiết.

Những khổ não ấy như trước đã nói, trong bảy đại địa ngục: Hoạt, Hắc Thằng… tất cả khổ não kia ở đây đều có đủ, lại nhiều gấp trăm lần, còn có những thống khổ hơn thế nữa: Do nghiệp ác nên chốn đó có Dã can, miệng bằng sắt cháy đỏ đầy khắp mọi chỗ. Răng rất bén, nóng, chúng chạy vội đến chỗ người hủy báng chánh pháp, mỗi con ăn mỗi chỗ nơi người kia, con ăn đầu, con ăn cổ.

Do lưỡi nói lời ác nên có con ăn lưỡi, có con ăn mũi, ăn xương ngực, con ăn phổi, con ăn tiểu trường, con ăn đại trường, con ăn bong bóng, con ăn bắp đùi, con ăn cẳng, con ăn gót chân, con ăn cánh tay, con ăn tay chân, con ăn ngón tay chân. Toàn bộ thân thể của người kia đều bị ăn tiệt. Bị ăn rồi sinh ra lại. Người gây nghiệp ác kia chịu quả báo do hành động ác nên luôn thọ khổ như vậy.

Nếu được thoát ra khỏi chỗ đại khổ não này, người kia vội vã tìm chạy đến khắp nơi, trông mong được cứu vớt, trông mong có chỗ nương tựa. Lại có Diêm Ma La bắt lại, đánh vào miệng người kia và rút lưỡi ra, dùng dao thật bén cắt tan nát lưỡi tội nhân, cắt rồi mọc ra lại.

Do lưỡi hủy nhục, chê bai các Bậc Thánh Nhân, do bảo người khác khen ngợi phi pháp nên người kia luôn bị các thứ khổ não như thế. Nếu thoát ra được chốn đó, người kia trông mong được cứu vớt, trông mong có chỗ nương tựa, nên chạy đôn đáo khắp chỗ.

Do nghiệp ác đã tạo, người kia bị Diêm Ma La bắt, bảo: Người vọng ngữ này nói lời cong vạy, nói lời thô lỗ, nói lời bất tịnh, nói lời pháp ác, nói lời phi pháp, khiến cho chúng sinh thoái mất chánh đạo.

Diêm Ma La bắt người kia lại, đánh vào miệng rồi rút lưỡi ra, lưỡi ác ấy dài một cư xa, rất mềm, trải trên đất bằng sắt cháy rực như đồng đỏ, vẽ làm bờ ruộng rồi sai người cày lên, lưỡi cày nóng rực, dao bén nóng rực, trên chân trâu có mũi nhọn rất bén, nóng đỏ cày ngang dọc cả trăm ngàn vòng trên lưỡi ấy.

Lời nói ác của kẻ ấy nơi đời khác làm chứng bậy, nói không hợp lý nên phải chịu khổ như vậy. Người kia luôn luôn bị cày, bị thiêu đốt, cắt cứa.

Do lời nói ác nên người kia chịu tất cả thống khổ, kêu gào, khóc lóc ăn năn, Diêm Ma La quở trách nói kệ:

Sáu vạn A phù đà

Năm ngàn sáu Phù đà

Tâm, miệng mong điều ác

Hủy Thánh, đọa địa ngục.

Dáng đẹp, hành động ác

Phi pháp nói chánh pháp

Do xưa ngươi nói ác

Nay nơi đây bi đốt.

Chúng sinh mong muốn thật

Sao nói là pháp ác

Do người nói lời ác

Chịu quả ác tương tự.

Người vọng ngữ quyết định

Phi pháp nói chánh pháp

Đó là giặc số một

Ngoài ra là giặc nhỏ.

Người nói pháp chân chánh

Lìa bỏ tất cả ác

Được đến chỗ an lành

Chốn đó không khổ não.

Của cải nhiều không mất

Không ai trộm cắp được

Thật ngữ là đường Trời

Cũng là cửa Niết Bàn.

Như vậy nên nói thật

Luôn nhớ hành theo pháp

Không sầu bi, không già

Người ấy vượt hơn hẳn.

Người lìa bỏ chánh pháp

Hủy nhục người hiền lành

Ngươi xưa gây tạo ác

Nay nơi đây thọ khổ.

Diêm Ma La quở trách người hủy báng Thánh pháp như vậy rồi, lại còn tạo thêm nhiều khổ não. Người kia không thể biết, không thể nói được.

Vì sao?

Vì Đức Như Lai đã nói: Người hủy báng Thánh pháp, tạo nhân rất nặng, nên mắc quả báo tương tự.

Người kia bị thiêu đốt như vậy mà nghiệp ác vẫn chưa hoại, chưa rã, ảnh hưởng của nghiệp vẫn chưa hết, luôn luôn chịu khổ não. Nếu nghiệp ác hết, người kia mới thoát khỏi chốn đó. Thoát khỏi rồi, trải qua hai ngàn đời sinh làm ngạ quỷ ở Tần đồ. Thân quỷ một khối giống như khối thịt, không thấy, không nghe, không thể ngửi được, không nếm được và cũng không nói năng gì cả.

Nếu thoát thân ngạ quỷ rồi, lại trải qua ba ngàn đời làm súc sinh, làm loài trùng trong phân. Thoát được thân súc sinh thì sinh làm người, trải qua năm trăm đời luôn bần cùng, khốn khổ. Nói ra điều gì đều không ai tin, bị bệnh phong hủi, điếc, câm. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Lại nữa, Tỳ Kheo ấy biết quả báo của nghiệp rồi, lại quan sát nơi chốn thuộc đại địa ngục A tỳ.

Vị ấy thấy, nghe, biết: Lại còn có chốn khác tên Thiết dã can thực Dã can bằng sắt ăn là chốn thứ năm trong địa ngục ấy.

Chúng sinh vì nghiệp gì mà sinh trong chốn đó?

Vị ấy thấy, nghe, biết: Người nào tùy hỷ với tâm ác, niệm ác, đem tâm cực ác thiêu đốt chùa của Chúng Tăng, đốt tượng Phật và đốt các đồ dùng của Tăng chúng như giường chiếu, áo quần, của cải, lúa gạo… do tâm ác nên lấy lửa thiêu đốt chỗ ở của Chúng Tăng, đốt rồi thích thú, không một chút hối hận. Sau đó, bảo người khác làm rồi tủy hỷ khen ngợi.

Người kia tạo đủ các nghiệp ác, nghiệp tạo đã thành thục, hòa hợp, tương ưng. Do nhân duyên của nghiệp ác ấy, sau khi qua đời, người kia bị đọa vào chốn ác Thiết dã can thực trong địa ngục A tỳ, chịu khổ não vô bờ.

Nhưng khổ não này như trước đã nói trong bảy đại địa ngục: Hoạt, Hắc Thằng… Tất cả khổ não kia ở đây đều có đầy đủ, lại nhiều gấp trăm lần.

Lại còn có thống khổ hơn thế nữa: Do nghiệp nặng nên chịu khổ cũng nặng.

Vì sao?

Vì nhân quả giống nhau, quả giống như nhân. Sinh vào chốn đó, do nhân duyên của nghiệp ác nên toàn thân đều bị lửa thiêu đốt. Toàn thân người kia cháy sáng cả mười do tuần.

Có mười một thứ khổ, khổ trên đảnh là nặng nhất. Trong các địa ngục, khổ này là dữ dội nhất. Chốn kia lại có núi giống như lửa, lửa cháy khắp nơi, tội nhân bị đói khát thiêu đốt, luôn luôn bị thiêu, bị đánh, duỗi tay hướng lên trên, cao tới năm do tuần, lửa cháy lan khắp nơi như đốt cả góc rừng.

Bị thiêu đốt khắp thân, người kia kêu gào, la hét, khóc lóc bi thảm. Khi kêu gào, miệng bị cháy cả trong lẫn ngoài hợp thành một đống lửa, không có kẽ hở. Lửa dữ thiêu đốt lớn dần.

Nếu thoát khỏi chỗ đó, người kia trông mong được cứu vớt, trông mong có chỗ nương tựa, chạy khắp đó đây, mặt mày méo xệch, tìm kiếm chỗ an vui. Do tạo ra nghiệp ác nên tùy theo đó mà bị trói buộc. Từ ngục này đi đến chốn khác, đều có núi, sông khổ não càng tăng.

Trên mưa gạch sắt khoảng một cư xa, như mưa mùa hạ, gạch đánh vào người kia từ đầu đến chân khiến tan nát, chồng chất giống như làm nem khô. Toàn bộ thân thể nát bấy, không thể phân biệt được. Thường mưa sắt ác, chịu khổ não như thế, sau đó người kia sống lại, toàn thân rã rời. Dã can nhe răng lửa, ăn nuốt kẻ có tội giống như ăn nem khô.

Tội nhân lại sống dậy, các phần hợp đủ, sống lại rồi bị ăn tiếp, người kia luôn bị dã can ăn, bị thiêu đốt rồi sống trở lại. Do nghiệp ác nên người kia bị ăn, chịu mọi thống khổ, tự mình tạo chứ chẳng phải do người khác tạo. Chính mình tạo ra thì không bao giờ mất quả, không làm thì không quả báo.

Không có cái gì là không có nguyên nhân, không phải từ chỗ khác đem đến, không có người làm đưa đến quả báo thì không có người nhận quả báo đó, đều do nhân mà ra. Thế mà nghiệp ác của người kia vẫn chưa hoại, chưa tan. Ảnh hưởng của nghiệp chưa hết thì không bao giờ dừng khổ. Nếu nghiệp ác hết, người kia mới thoát ra khỏi chốn cực ác trong địa ngục.

Lại một ngàn đời sinh làm ngạ quỷ, toàn thân bị đốt cháy, kêu la, gào thét. Tất cả quốc độ, tất cả thành ấp, tất cả xóm làng, người kia luôn kêu gào trong đêm. Ban đêm thì lửa đốt, ban ngày thì ánh sáng mặt trời như mưa lửa, nóng như đốt, đến nỗi phát ra lửa mà nghiệp ác vẫn chưa hoại diệt, ảnh hưởng của nghiệp không hết.

Nếu thoát ra khỏi cõi này, trải qua một ngàn đời làm súc sinh, thường ở chỗ đồng hoang làm loài trùng một trăm chân, luôn khổ sở đói khát. Trùng có hai đầu, hai mặt, lại có hai miệng, luôn luôn bị khổ không bao giờ gián đoạn. Toàn bộ thân thể phần nhiều bị trùng đen rúc rỉa.

Ra khỏi thân súc sinh, nhờ quá khứ lâu xa có chút nghiệp lành, nên người kia sinh làm người ở nơi hợp với nghiệp, một ngàn đời làm người đen đúa, giống như mây đen, luôn bị hủy hoại, tổn thương, bần cùng, thường đi khắp nơi, theo lạc đà đi sứ, bị người khác sai khiến, mãi khổ sở, đói khát, ăn uống khó được, chỉ còn mạng sống mà thôi.

Trải qua một ngàn đời làm ngạ quỷ, một ngàn đời làm súc sinh, một ngàn đời làm người như thế là do nhân duyên của nghiệp ác nên người kia phải chịu khổ não.

Lại nữa, Tỳ Kheo ấy biết quả báo của nghiệp, rồi quan sát nơi chốn của đại địa ngục A tỳ. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có chỗ tên Hắc đổ bụng đen là chốn thứ sáu trong địa ngục A tỳ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần