Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Ba - Phẩm địa Ngục - Tập Ba Mươi Mốt
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM BA
PHẨM ĐỊA NGỤC
TẬP BA MƯƠI MỐT
Chúng sinh vì nghiệp gì mà sinh vào chốn này?
Vị ấy thấy, nghe, biết những người nào lấy tài vật của Phật để tự sử dụng mà không trả lại, không bồi thường, không tin nghiệp báo mà còn trở lại lấy tiếp, bảo người khác lấy.
Hoặc như làm trụ trì có ai đến cúng dường Phật thì lấy cất về cho mình, hoặc người khác đưa phẩm vật xin cúng Phật mà tự tiện lấy dùng. Do nhân duyên của nghiệp ác như thế, sau khi qua đời, người kia bị đọa vào chốn ác Hắc đổ trong địa ngục A tỳ chịu đủ mọi khổ não.
Những khổ não này như trước đã nói, trong bảy đại địa ngục: Hoạt, Hắc Thằng… tất cả các khổ não ấy ở đây đều có đủ và nhiều gấp trăm lần.
Lại còn có khổ hơn nữa: Chỗ Hắc đổ, tội nhân bị đói khát thiêu đốt lấy thân nên tự ăn thân mình. Ăn rồi thì sinh ra lại, như vậy trải qua vô lượng trăm ngàn ức năm ăn rồi lại sinh ra, càng ngày càng chồng chất thêm, luôn đói khát khổ não, nhưng đối với nghiệp ác đã tạo kia thì chỗ khổ não sẽ chịu phải gấp trăm lần.
Tự tạo khổ não, trở lại tự bó buộc lấy thân. Người kia tự ăn thịt của mình rồi dong ruổi khắp chỗ. Khi chạy, có loài rắn bụng đen, màu giống như mây đen quấn lấy từ đầu đến chân tội nhân, từ từ cắn mổ cùng với xương để ăn.
Bị ăn rồi, người kia sống trở lại. Sống lại rồi bị ăn tiếp, cứ luôn luôn như vậy. Do nghiệp ác đã tự dùng vật phẩm cúng Phật nên người kia bị rắn ăn như thế. Trong các ruộng phước, Đức Phật là ruộng phước thù thắng nhất. Do làm tổn hại vật phẩm của Phật nên người kia phải bị thống khổ như vậy.
Ra khỏi chốn Hắc đổ rồi, tội nhân lại đi vào vùng đất bằng sắt đỏ nóng giống như đống lửa than của núi Khư đà la. Vào khoảng một do tuần, người kia đi vào lửa bị thiêu đốt càng lúc càng tăng, trải qua trăm ngàn ức năm. Nếu thoát khỏi chỗ ấy, người kia chạy khắp đây đó, trông mong được cứu vớt, được có chỗ nương tựa.
Đến chỗ khác, người kia bị Diêm Ma La bắt lại, lấy kềm sắt nóng kẹp chặt lấy thân rồi bỏ vào vạc sắt nấu cho chín nhừ, giống như những hạt đậu lớn nhỏ.
Đốt nấu khuấy lên, lúc nổi, lúc chìm, thống khổ rùng rợn, là khổ ác bậc nhất không thể ví dụ. Tất cả trong tam giới, nhân quả luôn giống nhau. Chỗ thống khổ mà người phải chịu trong các địa ngục kia thì trăm phần, ngàn phần, cala phần, không bằng một phần của khổ ở đây. Khổ não này có trăm ngàn cách thể hiện, là khổ não bậc nhất trôi trong biển lớn.
Nghiệp quả là tự mình tạo ra, nên nghiệp ác bất thiện chưa hoại, chưa tan rã, ảnh hưởng của nghiệp vẫn chưa hết thì khổ não kia không bao giờ dứt. Nếu nghiệp ác hết, người kia mới thoát ra được chốn Hắc đỗ trong địa ngục A tỳ. Thoát rồi, người kia trải qua một ngàn hai trăm đời làm ngạ quỷ ăn phân dơ, lại trải qua bảy trăm đời làm súc sinh ăn những thứ ói mửa của người.
Thoát khỏi kiếp súc sinh thì cũng khó được làm người, giống như con rùa trong biển lớn tìm lỗ hổng nơi bộng cây nổi. Nếu được làm người ở nơi hợp với nghiệp thì làm hàng tà kiến ngoại đạo ăn uống bất tịnh. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.
Lại nữa, Tỳ Kheo ấy biết quả báo của nghiệp rồi lại quan sát nơi chốn của đại địa ngục A tỳ. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có chỗ khác tên Thân dương, là chốn thứ bảy trong địa ngục.
Chúng sinh vì nghiệp gì mà sinh vào chốn này?
Vị ấy thấy, nghe, biết có người làm ác, lấy tài vật của pháp, tự tiện tiêu dùng, sau lại lấy tiếp, người kia tạo đủ các nghiệp, nghiệp tạo đã thành thục và còn chỉ bảo người khác làm. Do nhân duyên của nghiệp ác, sau khi qua đời người kia bị đọa vào chốn ác Thân dương trong đại địa ngục A tỳ, chịu mọi thống khổ.
Những khổ não này như trước đã nói trong bảy đại địa ngục: Hoạt, Hắc Thằng… tất cả khổ não ở đây đều có đủ và nhiều gấp trăm lần.
Lại còn có khổ não hơn nữa: Chốn Thân dương có hai cây bằng sắt cháy đỏ, gió nghiệp ác thổi đến khiến chúng ép vào nhau. Tội nhân nơi địa ngục ở giữa bị cây ép vào rất mạnh nên dẹp như lá đa la. Các cơ quan bị đè ép lại làm cho thân thể đều tiêu ra nước, sau đó tội nhân sống trở lại, sống lại rồi bị ép tiếp, cứ như thế luôn chịu khổ não cùng cực.
Trong ngục Thân dương có loài chim sắt, mỏ cứng như kim cương và rất dễ sợ, đứng trên cây, áp xuống mổ vào đầu tội nhân rồi bay lên chỗ cũ. Cứ như vậy mãi, đầu của tội nhân bị vỡ ra, chim lại đến mổ mắt ăn khiến tội nhân kêu gào, thê thảm.
Làm vỡ đầu, ăn mắt, chim ấy tiếp tục ăn não, xé tim, uống máu, thịt, ăn ruột, ăn bao tử, ăn thục tạng, ăn bắp đùi, bắp vế, ăn gót chân, ngón chân… người kia bị khổ sở như vậy trải qua vô số thời gian, trong một trăm năm cũng không thể đếm hết được.
Ở đây chỉ nói một phần nhỏ: Giống như trong biển lớn, chỉ lấy một vốc nước đổ vào chỗ khác, tức chỉ nêu được một phần. Kẻ tạo nghiệp ác kia luôn chịu khổ dữ dội như vậy, nhưng nghiệp ác đã tạo vẫn chưa hoại, chưa tan, ảnh hưởng của nghiệp vẫn chưa dứt thì không bao giờ hết khổ. Nếu nghiệp ác hết, người kia mới thoát khỏi địa ngục.
Ra được rồi, trải qua một ngàn đời làm ngạ quỷ ăn đờm dãi, chỉ có mạng sống mà thôi, vì bị đói khát bức bách thân là khổ não bậc nhất. Nếu thoát khỏi thân ngạ quỷ thì sinh làm loài cá lớn trong nước mặn ở biển cả. Những loài cá lớn trong biển cả như cá Na ca la, Ma già la, hoặc làm rùa lớn, luôn khổ vì đói khát, sống trong biển nước mặn, trải qua một ngàn đời.
Nếu ra khỏi biển ấy, nơi đời quá khứ có nghiệp làm người được thành thục thì sinh vào cõi người ở vùng giữa biên giới của hai nước. Vua hai nước kia thường gây chiến với nhau, tài sản của người kia cất chứa hoặc bị người khác lấy, hoặc bị Vua phạt lấy. Bị đoạt lấy rồi, người kia còn bị trói bỏ vào nhà giam, đói khát bức bách, phải đi xin ăn, chịu khổ não cùng cực, đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.
Lại nữa, Tỳ Kheo ấy biết quả báo của nghiệp rồi, lại quan sát những nơi chốn trong đại địa ngục A tỳ. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có chỗ khác tên Mộng kiến úy là chốn thứ tám trong địa ngục A tỳ.
Vì nghiệp gì mà chúng sinh sinh vào chốn này?
Vị ấy thấy, nghe, biết người xấu ác đối với các thức ăn của Chúng Tăng, các Tỳ Kheo tụ tập, hòa hợp sắp sửa thọ dụng mà lại đoạt lấy khiến cho Chúng Tăng ấy không được ăn uống, thân bị đói khổ không nhớ được điều lành, không ngồi thiền, tâm không tịch tĩnh.
Người ác kia đoạt lấy thức ăn của Chúng Tăng hiện tiền, lấy rồi không hề sám hối, tâm không ăn năn, lại ưa thích làm công việc ấy, lại bảo người khác lấy rồi sinh tâm tùy hỷ. Người kia tạo đủ các nghiệp ác, nghiệp tạo đã thành thục, do nhân duyên của nghiệp ác ấy nên sau khi qua đời, người kia bị đọa vào chốn Mộng kiến úy trong đại địa ngục A tỳ, chịu mọi thứ khổ não.
Những khổ não này như trước đã nói trong bảy đại địa ngục: Hoạt, Hắc Thằng… tất cả khổ não ấy ở đây đều đủ, lại nhiều gấp trăm lần.
Còn có khổ hơn thế nữa: Chúng sinh không hề biết tên của mình, những khổ não ấy rất đáng sợ, đau đớn không thể chịu nổi, tất cả đều do nghiệp gây ra.
Nay xin nói một ít: Giống như giọt nước nơi biển cả, như người trông mộng thấy việc không thật, nơi ngục này việc trông thấy đều giống như mộng. Thấy có người ác rất đáng kinh hãi, người ấy cầm đủ khí cụ như gông, chày, bắt lấy tội nhân gây nghiệp ác bỏ vào chỗ đất bằng sắt, ngồi trong vạc sắt, dùng chày sắt nóng đập vào thân người kia khiến cho tan nát, giống như khối sáp ong.
Sau đó, người kia sống trở lại, sống lại rồi bị đánh cho tan thây. Do thế lực của nghiệp ác nên người kia phải chịu quả báo như vậy. Nếu ra khỏi khổ não nơi vạc sắt kia, thì người ấy lại đi vào rừng sắt. Do đi theo con đường của nghiệp ác, người kia đi vào rừng sắt thì toàn bộ thân thể bị chẻ, cắt rách nát rã rời trong sắt nóng, khắp thân người tạo nghiệp ác đều bị hủy hoại.
Nếu thoát khỏi chốn này, người kia chạy đôn đáo khắp nơi, trông mong được cứu vớt, được có chỗ nương tựa, nhưng lại bị hai con dao sắt cắt xẻ thân tội nhân khiến cho mọi gân mạch đều dứt hẳn, tiêu tan, chỉ còn lại xương, không còn chút thịt nào cho ruồi đậu. Xương, gân, da đều bị cắt xẻ tan, vụn phần xương còn lại cũng bị dao sắt chặt nát.
Người kia đau đớn nên khóc lóc kêu gào, chạy lui tới khắp chỗ nhưng không thoát được. Tất cả đều do nghiệp ác bất thiện mà ra. Bị khổ như vậy, nhưng nghiệp ác vẫn chưa hoại, chưa tan. Nếu nghiệp ác hết thì mới thoát khỏi chốn Mộng kiến úy. Thoát được rồi trải qua một ngàn đời làm ngạ quỷ, ăn nước mụt ghẻ.
Ra khỏi cõi ngạ quỷ, lại trải qua năm trăm đời làm súc sinh chịu đủ thứ thống khổ, thường ở chỗ bị đá đè ép giống như cỏ lau, cho đến chết. Thoát thân súc sinh thì được làm người nhưng luôn bần cùng, bệnh hoạn, bị người khác sai khiến, ở chốn đồng hoang, sườn núi nguy hiểm, sa mạc, chỗ ít cỏ, chỗ không có cỏ, chỗ không có nước, chỗ không có ao đầm, chỗ thường sợ hãi, sinh vào quốc độ hung dữ. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.
Lại nữa, Tỳ Kheo nhận biết quả báo của nghiệp, rồi quan sát nơi chốn của đại địa ngục A tỳ. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có chốn khác tên Thân dương thọ khổ não là chốn thứ chín trong đại địa ngục A tỳ.
Vì nghiệp gì mà chúng sinh sinh vào chốn này?
Vị ấy thấy, nghe, biết có nhà Đàn việt hảo tâm, chánh tín thành tựu, luôn chữa trị người bị bệnh, giúp đỡ người Xuất Gia, bố thí của cải, tùy theo người bị bệnh để cung cấp của cải, thuốc men để trị bệnh.
Nhưng có kẻ xấu ác được nhiều người biết đến, tâm ý bất thiện, xa lìa thiện tri thức, bỏ đạo giải thoát, dù mặc ca sa nhưng chính là đạo tặc, đoạt lấy vật dụng của người bệnh được cúng dường kia, sự dùng rồi nhưng không sám hối, tâm không hề ăn năn.
Không trả lại, không bồi thường, lại bảo người khác làm rồi tự thích thú, lại còn sinh tâm lấy tiếp. Do nhân duyên của nghiệp ác ấy, sau khi qua đời, người kia bị đọa vào chốn Thân dương thọ khổ não trong đại địa ngục A tỳ, chịu mọi khổ não tột cùng.
Những khổ não này như trước đã nói trong bảy đại địa ngục: Hoạt, Hắc Thằng… tất cả sự khổ ấy ở đây đều có đủ, lại nhiều gấp trăm lần.
Còn có những thống khổ hơn thế nữa: Ở ngục Thân dương thọ khổ cách khoảng một do tuần có cây sắt nóng, luôn cháy đỏ rực là do nghiệp ác mà ra. Trong ngục còn có tảng đá lớn, luôn cháy nóng giống như kim cương, chạm vào thì cảm thấy rất đau đớn hơn trăm ngàn lần bị đốt cháy.
Cây sắt ấy lửa luôn cháy dữ dội, từ dưới gốc cháy lên rất cao. địa ngục ấy đã sinh ra bốn trăm lẻ bốn chứng bệnh làm tăng trưởng mọi thứ khổ não. Các tội nhân đơn lẻ một mình, không bạn bè, đầu mặt ở dưới thấp, chân cẳng thì chổng lên trên.
Cây kia luôn cháy phừng phực, lửa nơi các địa ngục khác so với đây thì giống như băng lạnh. Nước nơi gốc cây kia là một thứ khổ não phủ lên khắp thân tội nhân khiến tan nát không chừa dù một sợi lông. Còn khổ về bệnh hoạn thì nặng gấp trăm lần so với lửa, trải qua vô số năm như vậy. Chốn ấy lại có Diêm Ma La tay cầm dao sắt, cắt cứa mọi mạch máu nơi thân tội nhân.
Ở đây có năm loại khổ: Cây, lửa, sắt, đói khát, bệnh tật, trải qua vô số năm, người nghe còn dựng cả chân lông.
Khổ não ấy nhiều cả hàng trăm na do tha, ở đây chỉ nói một phần nhỏ. Người kia bị đủ thống khổ đau đớn, nếm hết mùi khổ ác như thế mà nghiệp ác vẫn chưa hoại, chưa tan, ảnh hưởng của nghiệp chưa hết thì không bao giờ ngừng khổ. Nếu nghiệp ác hết, người kia mới thoát khỏi chốn Thân dương thọ khổ. Thoát được rồi, lại trải qua bảy trăm đời sinh làm ngạ quỷ ăn khói lửa, đói khát đốt thân, giống như đốt cây cối nhà cửa.
Thoát kiếp ngạ quỷ, người đó trải qua năm trăm đời mang thân súc sinh, làm rồng phun lửa, thường tuôn mưa cát nóng rớt lại trên thân mình rồi bị đốt cháy. Khỏi thân súc sinh thì được sinh làm người, ở nơi hợp với nghiệp thì sinh vào chốn rừng rú, thường mang vác gạch, suốt đời cực khổ, chưa từng có được bữa no, không hề được ăn các món ngon, làm nô lệ cho người sai khiến, bần cùng, bệnh tật, dốt nát. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết rõ quả báo của nghiệp, lại quan sát về nơi chốn của đại địa ngục A tỳ. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có chốn tên Lưỡng sơn tụ là chốn thứ mười trong đại địa ngục A tỳ. Chúng sinh vì nghiệp gì mà sinh vào chốn ấy?
Vị ấy thấy, nghe, biết có người làm việc ác, trộm cắp thức ăn của bậc Bích Chi Phật. Do nhân duyên của nghiệp ác đó, nên sau khi qua đời bị đọa vào chốn Lưỡng sơn tụ trong đại địa ngục A tỳ, chịu khổ não vô cùng tận.
Những khổ não này như trước đã nói trong bảy đại địa ngục: Hoạt, Hắc Thằng… tất cả các thứ khổ não ấy ở đây đều có đủ, lại nhiều gấp trăm lần.
Còn có những thống khổ hơn nữa: Chốn Lưỡng sơn tụ ấy có nhiều khổ não do gậy sắt, kích sắt, vạc sắt, nồi sắt. Trên hai ngọn núi sắt hiện bày vô số khổ bức. Chỗ đó mưa nhiều rơi từ trên cao xuống như hai cụm núi, mỗi cụm lớn bằng một do tuần, đánh vào tội nhân kia, khiến thân thể bị tan nát giống như nắm cát. Người kia bị tan nát rồi sống trở lại, sống rồi lại bị đánh tan nát tiếp. Cứ như thế mãi.
Lại có mười một ngọn lửa bao vây đốt khắp thân tội nhân, tiếp đến là hủy phá mắt.
Mắt bị hư rồi sinh ra lại. Diêm Ma La cắt lưỡi người kia, cắt rồi thì mọc ra lại. Tiếp đến cắt mũi, lấy nước bạch lạp nóng đổ vào chỗ bị cắt ấy. Rồi cắt lỗ tai, lấy nước đồng sôi đổ đầy vào đấy. Lại dùng bát sắt nóng đựng nước tro sôi rưới vào tai người bị tội, lấy dao bén róc lột xương. Chốn ngục ấy luôn có bốn trăm lẻ bốn chứng bệnh, lửa cháy lan tràn rồi nhập lại thành một đống nóng rực gây khổ cùng cực.
Trong địa ngục này thời gian là vô tận không có số năm, nhưng nếu nghiệp ác bất thiện đã tạo vẫn chưa hoại, chưa tan, ảnh hưởng của nghiệp vẫn chưa hết, thì khổ não cũng không ngừng nghỉ. Nếu nghiệp ác hết, người kia mới thoát khỏi chốn Lưỡng sơn tụ.
Thoát được rồi, trải qua năm trăm đời làm thân ngạ quỷ ở chỗ vắng vẻ, ăn phân dơ. Thân ngạ quỷ có mụt nhọt, ở đó sinh các loài sâu ác nuốt các thứ uế tạp ấy, ruồi nhặng luôn bám khắp thân. Nếu thoát kiếp ngạ quỷ, lại trải qua bảy trăm đời làm thân súc sinh, ở nơi đồng hoang đáng sợ, thường làm thân nai, bị đói khát thiêu đốt.
Thoát được thân súc sinh thì sinh làm người ở nơi hợp với nghiệp luôn mang vác nặng, luôn bị đánh đập khiến thân tơi tả, đêm ngày bất an, tay chân đều bị gãy, miệng khô khan, thân hình xấu xí, quần áo rách nát. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại. Tuy sinh làm người nhưng phải trải qua năm trăm đời làm người không chân chánh, giống như ngạ quỷ, thân thường khổ não, ngày đêm chẳng yên, cũng là quả báo của nghiệp ác còn lại.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Thân Hành Niệm - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Nhất Thiết Như Lai Kim Cương Tam Nghiệp Tối Thượng Bí Mật đại Giáo Vương - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Tổng Trì Bảo Quang Minh - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Chín - Pháp Hội Hư Không Mục - Phần Mười
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi Năm - Kinh Viên Thuốc Hoan Hỷ