Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Ba - Phẩm địa Ngục - Tập Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BA

PHẨM ĐỊA NGỤC  

TẬP BẢY  

Lại nữa, Tỳ Kheo ấy biết quả báo của nghiệp, lại quan sát địa ngục Hợp xem còn vùng nào khác nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết lại có vùng khác tên Thiết mạt hỏa là vùng thứ mười sáu của địa ngục Hợp.

Do nghiệp gì chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy, nghe, biết nếu ai thích và thường sát sinh, trộm cướp, tà hạnh sẽ bị đọa vào vùng Thiết mạt hỏa ở địa ngục Hợp. Nghiệp và quả báo của việc sát sinh, trộm cướp đã nói ở trước.

Còn tà hạnh là có người thật chẳng phải Sa Môn tự cho là Sa Môn, nghe tiếng phụ nữ ca múa, vui cười với âm thanh êm tai, nghe xong, không khéo quan sát sinh tâm ái nhiễm và rỉ chảy bất tịnh, tâm thích thú và tham đắm. Do nghiệp ác ấy, người đó sau khi chết bị đọa vào vùng Thiết mạt hỏa ở địa ngục Hợp chịu khổ não lớn.

Đó là địa ngục bốn phía đều bằng sắt nóng, tường vách bao vây rộng năm trăm do tuần, thường có sắt phát lửa không dứt, thiêu đốt tội nhân. Do nghiệp của họ nên từ bên trên, lửa phun xuống không có lúc tạm dừng. Do mưa sắt, tất cả thân thể tội nhân tan rã ra như bột.

Do mưa lửa tội nhân thường bị thiêu nấu, tội nhân dưới địa ngục thường chịu hai loại khổ này. Chỉ có tội nhân dưới địa ngục mới chịu nỗi khổ không thể ví dụ như vậy. Họ chịu nỗi khổ chắc chắn, cùng cực. Tất cả những nỗi khổ đó đều đáng sợ, không đáng ưa, không chút vui thú, do tự nghiệp tạo ra. Hễ còn nghiệp là họ còn chịu khổ không dứt. Nếu nghiệp ác hết, họ mới thoát khỏi địa ngục ấy.

Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín mùi, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp thì thường sống nơi đưa đò ở sông lớn, luôn lo sợ, thân thường bệnh đau, tuy dáng dấp dữ tợn như voi nhưng thường sợ chết. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Lại nữa, Tỳ Kheo ấy quan sát từng vùng một ở địa ngục Hợp, chỉ thấy có mười sáu vùng, không thấy vùng thứ mười bảy.

Mười sáu vùng khác nhau của địa ngục Hợp có nhiều quả báo của nghiệp để quan sát như vậy. Tỳ Kheo ấy quan sát đủ loại nghiệp ác và quả báo khác nhau của chúng sinh nên nhàm chán sinh tử.

Lại nữa, người tu hành tư duy thuận theo chánh pháp quan sát pháp hành, quan sát kỹ càng rồi Tỳ Kheo ấy thông đạt nghiệp và quả báo, biết rõ nghiệp và quả báo của từng vùng khác nhau ở ba địa ngục lớn. Quan sát rồi, vị ấy đã thông các vướng mắc, không thích sống trong cảnh giới ma.

Dạ Xoa ở nơi đất thấy Tỳ Kheo tinh tấn như vậy liền thưa với Dạ Xoa nơi hư không. Nghe xong, Dạ Xoa trên không thưa với Tứ Đại Vương như đã nói ở trước. Họ lần lượt tâu như vậy cho đến Trời Vô Lượng Quang.

Họ tâu như thế này: Ở thôn đó, nước đó, trong cõi Diêm Phù Đề có Tỳ Kheo cạo bỏ râu tóc, mặc pháp y, xuất gia với lòng tin chân chánh…, Tỳ Kheo ấy… cho đến chứng đắc Địa thứ chín. Trời Vô lượng quang nghe việc ấy rồi đều vui vẻ.

Chư vị cùng bảo nhau: Chư Thiên nên biết, tà ma đã giảm bớt, chánh pháp tăng thêm.

Tỳ Kheo ấy đã quan sát ba địa ngục rồi, lại quan sát đại địa ngục thứ tư là Khiếu hoán.

Chúng sinh do nghiệp gì mà sinh nơi này?

Vị ấy thấy, nghe, biết có người thích và thường sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu. Họ gây và tích tụ bốn nghiệp này rất nhiều nên khi chết liền sinh vào địa ngục Khiếu hoán. Nghiệp và quả báo của sát sinh, trộm cướp, tà hạnh đã nói ở trước.

Nay nói về uống rượu, bị sinh vào địa ngục này. Người nào đem rượu đưa cho Chúng Tăng hoặc Tỳ Kheo xuất gia giữ giới, hoặc người tịch tĩnh, có tâm vắng lặng, người có thú vui thiền định. Họ uống vào và bị rối tâm trí.

Do nghiệp ác này, khi chết người ấy bị đọa vào địa ngục Khiếu hoán chịu khổ não lớn. Đó là bị kềm sắt banh miệng ra đổ nước đồng sôi vào cho uống. Nước đồng sôi lần lượt thiêu các phần như môi, răng, lưỡi, cổ họng, bao tử, ruột non, ruột già, sinh tạng, thục tạng rồi đi ra ngoài. Người ấy do nghiệp bất thiện về rượu nên chịu quả báo như vậy, luôn kêu gào la khóc.

Thấy vậy, ngục tốt liền nói kệ quở trách:

Đã tạo nghiệp bất thiện

Nay chịu quả báo khổ

Chính tâm si tạo ra

Về sau bị thiêu, nấu.

Nghiệp bất thiện như vậy

Do tâm ác tạo ra

Nay chịu nhớ la khóc

Than thở để làm gì.

Người nào tạo nghiệp ác

Đều chịu quả báo ác

Nếu muốn được quả vui

Thì chớ có gần ác.

Nếu tạo chút nghiệp ác

Thì chịu khổ vô cùng

Do tâm si quá độ

Được thoát lại tạo ác.

Nghiệp ác không đáng tin

Khiến người vào địa ngục

Chút lửa thui rụi núi

Và tất cả cây rừng.

Người ngu làm việc ác

Không ưa thích pháp lành

Thấy quả báo nghiệp ác

Đều sinh theo nhân duyên.

Vì sao không thích pháp

Và không bỏ nghiệp ác

Ai lìa bỏ nghiệp ác

Thì không thấy địa ngục.

Người nào tâm ngu si

Không biết quả báo ác

Người ấy nhận quả xấu

Nay ông chịu như vậy.

Tạo ác đọa địa ngục

Bị nghiệp ác thiêu đốt

Không đến được Niết Bàn

Nghiệp ác, kẻ thù lớn.

Đã bị nghiệp ác lừa

Nay bị nghiệp ác thiêu

Nếu không gây nghiệp ác

Trọn không chịu khổ não.

Người nào chế ngự ái

Là đi đường tịch tĩnh

Người xả bỏ ái dục

Thì ở gần Niết Bàn.

Đã tạo nghiệp ác rồi

Chưa từng tạo nghiệp lành

Bị nghiệp ác thiêu đốt

Tâm đừng tạo nghiệp ác.

Người gây ra nghiệp ác

Không thể được an lạc

Ai muốn được an lạc

Phải nên ưa thích pháp.

Người nào ưa thích ác

Chịu khổ trong các khổ

Ai không chịu được khổ

Thì đừng gây nghiệp ác.

Người thiện làm lành dễ

Người ác làm lành khó

Người ác tạo ác dễ

Người thiện tạo ác khó.

Quở trách tội nhân rồi, ngục tốt bày ra đủ loại khổ, đó là hai trái núi bằng sắt rất chắc chắn phát ra lửa. Hai quả núi đó đang ở thế tiến tới cùng một lúc ép và mài xát tội nhân khiến thân rã hết không còn thấy gì. Mài xong, tội nhân sống lại và tiếp tục bị hai quả núi ép vào mài xát tiếp.

Trải qua vô lượng trăm ngàn năm họ cứ sống lại rồi bị ép, sống lại rồi bị mài. Khi nghiệp ác chưa hết, nếu họ thoát khỏi địa ngục đó, chạy đến nơi khác để mong được cứu thoát, che chở, ngục tốt liền bắt họ trở lại, chúc ngược đầu xuống và đặt vào vạc sắt.

Người ấy ở trong vạc sắt, đầu mặt ở phía dưới, trải qua trăm ngàn năm bị đun, bị nấu mà nghiệp ác vẫn chưa hết. Thoát khỏi vạc nước sôi, họ chạy đến nơi khác mong được cứu giúp che chở, được an lạc thì trước mặt người ấy có con quạ sắt lớn, thân bốc lửa. Quạ chộp lấy thân người ấy mổ xé cho tan rã thành trăm ngàn mảnh vụn. Trải qua vô lượng năm, tội nhân bị quạ xé ăn và tan rã thành nhiều mảnh như vậy mà nghiệp ác vẫn chưa hết.

Nếu thoát được nạn quạ sắt, để mong được cứu giúp, che chở, tội nhân chạy đến nơi khác, do bị đói khát khổ não, thấy từ xa như có vũng nước trong liền vội chạy đến nhưng nơi đó chỉ có chì, thiếc nóng chảy đầy khắp ao. Họ muốn tắm bèn lội vào.

Do nghiệp ác, có con giải lớn bắt họ dìm xuống nước chì, thiếc sôi khiến họ chín rục. Trải qua vô lượng năm như vậy, cho đến khi nghiệp ác đã hết, con giải lớn đó mới thả tội nhân. Được thoát rồi, người ấy khổ não, mong được cứu giúp che chở, chạy đến nơi khác thì thấy ở trước mặt có ngục tốt cầm chỉa sắt phát ra lửa đâm xuyên qua đầu tội nhân, có người bị rách lưng, có người bị toét hông, có người bị nát đầu.

Tội nhân ở địa ngục chịu khổ não lớn, kêu gào thảm khiết, do nghiệp lực những tội nhân khác nghe tiếng kêu ấy lại cho là tiếng ca, đều cùng nhau chạy đến mong được cứu giúp, che chở thì bị ngục tốt bắt lại và dùng chỉa, đao, búa sắt để đâm, cắt, chặt họ. Trải qua vô lượng năm như vậy cho đến khi nghiệp ác tích tụ đã chấm dứt, họ mới thoát khỏi vùng địa ngục đó.

Vì mong được cứu giúp, che chở họ lại chạy đến nơi khác, thấy có thôn ấp ở đàng xa đầy đủ nhà cửa, có nhiều sông ao, họ gom hết tâm trí, mau chóng chạy thẳng tới và muốn vào thôn. Tất cả thôn ấy đều có lửa cháy, có trùng đen, răng bén, miệng bằng Kim Cang toàn thân phát lửa ở khắp mọi nơi. Người ấy vừa vào cửa thôn liền đóng kín.

Tội nhân bị trùng ấy ăn nuốt. Họ chịu như vậy trong vô lượng năm đến khi hết nghiệp ác mới thoát khỏi biển lớn khổ não.

Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín muồi, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp, thì tâm hay quên lửng nghèo nàn, thường đi trên đường phố bán các vật tầm thường kiếm lời để sống và bị các đứa trẻ theo chọc ghẹo, răng miệng xấu xí, cẳng chân cong quẹo, nứt nẻ, thường bị đói khát bức bách, không có vợ, con, cha, mẹ và anh, chị, em.

Đó là quả báo còn sót lại của nghiệp uống rượu và cho người khác uống rượu. Phải nên biết tội cho người giữ giới uống rượu khiến ta đọa vào đại địa ngục Khiếu hoán chịu quả báo khổ.

Lại nữa, Tỳ Kheo ấy biết quả báo của nghiệp, lại quan sát địa ngục Khiếu hoán xem còn nơi nào khác nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết lại có nơi khác tên Đại Hống.

Chúng sinh do nghiệp gì mà sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy có người thích và thường sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu nên sinh vào vùng Đại Hống ở địa ngục ấy. Nghiệp và quả báo của sát sinh, trộm cướp, tà hạnh đã nói ở trước. Còn nghiệp uống rượu là lấy rượu cho người trai giới, thanh tịnh uống. Do nghiệp ác ấy, khi chết người đó bị đọa vào vùng Đại Hống của địa ngục Khiếu hoán chịu khổ não lớn.

Nỗi khổ đó là trước hết bị ngục tốt dùng bát sắt nóng đựng chì, thiếc sôi đổ vào miệng. Đó là do nghiệp ác đem rượu cho người trai giới và người thanh tịnh uống. Bị khổ não cùng cực, tội nhân rống rất to. Các địa ngục khác không có tiếng rống như vậy. Tiếng rống vang khắp hư không. Vốn sẵn tánh sân hận, cộng thêm nghiệp lực của tội nhân, ngục tốt nghe tiếng rống ấy càng sân lên gấp bội.

Những người uống rượu không biết tránh điều ác, không biết hổ thẹn khi làm việc bất thiện, do đó nếu đưa rượu cho người là đưa tất cả những điều bất thiện cho họ. Do uống rượu tâm bị rối loạn không ngay thẳng, không thể giữ gìn pháp lành.

Người loạn tâm không biết tốt xấu, không biết hổ thẹn khi làm các việc bất thiện. Vì vậy người nào đưa rượu cho người là tạo điều kiện cho họ làm những việc bất thiện. Nhân nào thì tạo ra quả nấy. Do nhân ấy, tội nhân chịu vô lượng khổ não đủ loại trong thời gian lâu dài.

Nơi ấy vì sao được gọi là vùng Đại hống?

Do tội nhân chịu vô lượng khổ não, đủ loại như vậy phát ra tiếng rống lớn cho nên gọi là địa ngục Đại hống. Chúng sinh ở tại nơi ấy cho đến khi hết nghiệp ác mới thoát được.

Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp, thì rất ngu đần, tâm không sáng suốt, hay quên. Người tối tăm ngu dốt này không có của cải, mọi người không kính trọng, nghèo khổ, tuy tìm cầu của cải nhưng không có. Nếu bị bệnh nhẹ liền chết. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Lại nữa, Tỳ Kheo ấy biết quả báo của nghiệp, lại quan sát địa ngục Khiếu hoán xem còn nơi nào khác nữa.

Vị ấy thấy địa ngục Khiếu hoán có mười sáu vùng lần lượt có các tên là: Đại hống, Phổ thanh, Phát hỏa lưu, Hỏa mạt trùng, Nhiệt thiết hỏa chử, Vũ diệm hỏa thạch, Sát sát, Thiết lâm khoáng dã, Phổ ám hỏa, Diêm Ma La Già ước khoáng dã, Kiếm lâm, Đại kiếm lâm, Ba tiêu yên lâm, Hữu yên hỏa lâm, Hỏa vân vụ, Phân biệt khổ. Đây là mười sáu vùng khác nhau của địa ngục Khiếu hoán.

Do nghiệp gì chúng sinh sinh ở nơi ấy?

Tỳ Kheo kia đã quan sát vùng Đại hống của địa ngục Khiếu hoán rồi, lại quán vùng thứ hai tên Phổ thanh. Vị ấy thấy có người thích và thường sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu nên bị đọa vào vùng Phổ thanh thuộc địa ngục Khiếu hoán. Nghiệp và quả báo của sát sinh, trộm cướp, tà hạnh đã nói ở trước, còn uống rượu là người nào thích và thường uống rượu hoặc đem rượu cho người mới thọ giới uống.

Do nghiệp ác ấy, khi chết người đó sinh vào vùng Phổ thanh của địa ngục Khiếu hoán chịu khổ não lớn, bị ngục tốt dùng chày nện, tội nhân kêu rống vang khắp chốn ấy. Nếu như núi Thiết vi, tất cả các sông, bốn xứ thiên hạ nơi cõi Diêm Phù Đề mà ở gần chốn này thì khi tiếng kêu rống phát ra tất phải tiêu tan. Do nghiệp của chính mình, tội nhân la khóc, kêu gào thảm thiết.

Hễ còn nghiệp ác là còn khổ không dứt. Đến khi nghiệp ác hết họ mới thoát khỏi địa ngục ấy. Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp, thì sinh ở quốc độ hoang vu, thiếu nước.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần