Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BẢY

PHẨM THÂN NIỆM XỨ  

TẬP HAI  

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán xét thân.

Quan sát đầy đủ thiệt căn nơi Trời Tứ Thiên Vương như thế nào?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy Trời Tứ Thiên Vương thiệt căn không nhàm chán, luôn luôn ưa thích, như nghiệp đã được, do nghiệp thiện nên đối với mùi vị không chán.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán xét thân.

Quan sát thân của Chư Thiên hoặc thô hoặc tế, hoặc đi nhanh như thế nào?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy thân của Chư Thiên có oai lực lớn, thần thông vi tế, có thể để năm trăm vị Trời đứng trong lòng bàn tay, thân Chư Thiên không bị chen lấn trở ngại nhau. Giống như một ngôi nhà thắp năm trăm ngọn đèn, ánh sáng nơi những ngọn đèn ấy không chen lấn nhau, trong bàn tay Chư Thiên để năm trăm vị Trời cũng lại như vậy, không bị chướng ngại.

Lại nữa, Chư Thiên nếu hóa thân lớn đến vô lượng do tuần, hoặc tốt hoặc xấu, nếu ai trông thấy hoặc sợ hoặc không sợ.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán xét thân.

Quan sát Chư Thiên đi nhanh như thế nào?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy Chư Thiên đi nhanh trong một chớp mắt có thể đi vô lượng trăm ngàn do tuần rồi trở về chỗ cũ, tùy theo ý nghĩ vị Trời có thể đến bất cứ nơi nào, không hề bị chướng ngại, nếu muốn điều gì thảy đều đầy đủ, khiến ai cũng không thể chiếm đoạt.

Đối với những vật đã có ở các nơi chốn đều tự tại. Đối với người khác không sợ, không thể làm chướng ngại. Sự vui thích nơi cảnh giới Trời niệm niệm tăng trưởng, do nghiệp thiện nên hưởng năm loại dục lạc. Ấy gọi là hành giả tùy thuận quán xét thân.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán xét thân.

Quan sát thân ở Cõi Trời Tam Thập Tam như thế nào?

Duyên với cảnh giới để thọ lạc ra sao?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn quán xét Cõi Trời Đao Lợi, như Trời Tứ Thiên Vương thọ hưởng cảnh giới dục lạc, Trời Tam Thập Tam ưa thích về sắc, thanh, hương, vị, xúc vượt hơn Trời Tứ Thiên Vương gấp ngàn lần.

Vì sao?

Vì Trời Tam Thập Tam nghiệp đã tạo có sức mạnh lớn rất đáng ưa thích, vượt hơn nghiệp đã làm của Trời Tứ Thiên Vương. Trời Tam Thập Tam đã tạo nghiệp thù thắng, do đó, Trời Tứ Thiên Vương không bằng Cõi Trời trên. Như vậy, sự thọ lạc thù thắng của Trời Tam Thập Tam không thể nói hết. Đó gọi là người tu hành tùy thuận quán xét thân.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán xét thân.

Quan sát ở địa ngục như thế nào?

Sự thọ nhận củachúng sinh ở địa ngục như nơi các địa ngục Hoạt, địa ngục Hắc Thằng, địa ngục Chúng Hợp, địa ngục Khiếu Hoán, địa ngục Đại Khiếu Hoán, địa ngục Tiêu Nhiệt, địa ngục Đại Tiêu Nhiệt, địa ngục A Tỳ. Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn.

Thấy nghiệp của chúng sinh đã tạo, nghiệp không đáng ưa, nghiệp không vui thích, nghiệp không thiện, tức là ba loại nghiệp nơi thân, khẩu, ý, vì tạo tác tích tập nghiệp nên bị đọa trong địa ngục, vì tích tập nghiệp ác nên thọ khổ nơi địa ngục, ở trong địa ngục chịu các thứ khổ kịch liệt, cho đến nghiệp ác không dứt nên không bao giờ thoát ra được. Đó gọi là người tu hành tùy thuận quán xét thân.

Lại nữa, người tu hành nên suy nghĩ do tạo những nghiệp gì bị đọa vào địa ngục?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy các chúng sinh thường làm việc sát sinh, phát triển theo sở thích, do nhân duyên ấy mà bị đọa vào địa ngục Hoạt. Lại thấy các chúng sinh thường làm việc sát sinh, trộm cắp, ưa thích làm việc ấy nên tăng trưởng nghiệp ác, do nhân duyên này nên bị đọa vào địa ngục Hắc Thằng.

Lại thấy các chúng sinh thường làm việc sát sinh, trộm cướp, tà dâm, ưa thích tạo tác nên tăng trưởng thành nghiệp ác, do nhân duyên này mà bị đọa vào địa ngục Chúng Hợp.

Lại thấy các chúng sinh thường làm việc sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, vui thích tạo tác này tăng trưởng thành nghiệp ác, do nhân duyên này mà bị đọa vào địa ngục Khiếu Hoán.

Lại thấy các chúng sinh thường làm việc sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, khuyên người khác uống rượu, do nhân duyên ấy mà bị đọa vào địa ngục Đại Khiếu Hoán.

Lại thấy các chúng sinh thường làm việc sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu, tà kiến, do nhân duyên ấy mà bị đọa vào địa ngục Tiêu Nhiệt.

Lại thấy các chúng sinh thường làm việc sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu, tà kiến không tin, hoặc phá giới của Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, do nhân duyên này mà bị đọa vào địa ngục Đại tiêu nhiệt.

Lại thấy các chúng sinh tạo nghiệp năm tội ngũ nghịch, năm loại nghiệp ác, do nhân duyên này mà bị đọa vào địa ngục A Tỳ.

Thế nào là tội ngũ nghịch?

Nếu có chúng sinh giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp tăng, hoặc vì tâm xấu ác làm thân Phật chảy máu, do nghiệp của năm tội đại ác này, nên bị đọa vào địa ngục A Tỳ. Suy nghĩ về nghiệp báo nơi địa ngục như vậy, đối với các chúng sinh phải khởi lòng thương xót.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán xét thân.

Vì sao chúng sinh bị đọa vào hàng ngạ quỷ?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy vô lượng ngạ quỷ vì keo kiệt, ganh ghét nên bị đọa trong hàng ngạ quỷ ở dưới lòng đất năm trăm do tuần, có vô lượng ngạ quỷ hoặc ăn uống khó khăn, hoặc không ăn được, hoặc ăn đồ bất tịnh, hoặc ăn nuốt lẫn nhau, bị đói khát bức bách chịu nhiều khổ não, lửa ở trên rơi xuống thiêu đốt thân chúng. Các ngạ quỷ này theo nghiệp ác nên phải chịu khổ như vậy.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán xét thân.

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy đường súc sinh, thấy vô lượng đủ các loài súc sinh, lược nói có ba nơi:

1. Loài bơi dưới nước như là cá…

2. Loài đi trên đất như là voi, ngựa, trâu, dê, nai, heo…

3. Loại bay trên không như vô lượng các loài chim bay…

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán xét thân.

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, quan sát các loài Súc Sinh có bao nhiêu cách sinh?

Dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy các loài Súc Sinh có bốn cách sinh.

Những gì là bốn?

1. Thai sinh như là voi, ngựa, bò, trâu.

2. Noãn sinh như là rắn, ngỗng, vịt, gà, chim trĩ và các loài chim.

3. Thấp sinh như loài rệp, muỗi…

4. Hóa sinh như loài rồng…

Người tu hành quan sát đúng như thật về súc sinh, hoặc Trời, hoặc người, hoặc địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, không thấy một nơi nào không bị ân ái biệt ly làm khổ não, tất cả chúng sinh luân chuyển trong sinh tử, hoặc tạo oan gia, hoặc làm thân thích và bằng hữu, không có một nơi nào không sinh không diệt.

Như vậy, Tỳ Kheo đối với sinh tử không sinh tâm ái nhiễm, như vậy tâm không vui thích, như vậy nên chán ghét, xa lìa, không tùy thuận. Hủy hoại như vậy, pháp diệt như vậy, không thể tồn tại lâu bền. Tất cả chúng sinh là nơi chỗ tập hợp của khổ. Vì thế, Tỳ Kheo trong sinh tử khổ nhiều vui ít, vô thường, hủy hoại, phải nên nhàm chán, xa lìa, chán lìa sinh tử liền được giải thoát.

Như vậy, các Tỳ Kheo tại thôn xóm của Bà La Môn ở Na la đế là người tu hành, tuần tự quán thân theo nội thân, quán xét trong thân, ở trong thân này mỗi mỗi phần đều bất tịnh, quán như thật về thân, niệm niệm tư duy, từ đầu xuống đến chân tuần tự quán xét khắp thân.

Người tu tập này trước tiên quán xét nơi đỉnh đầu, dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn quan sát đầu sọ, chia làm bốn phần, ở trong xương đầu tự có trùng hoạt động gọi là não hành, đi khắp xương thịt, sống ở trong não, hoặc đi hoặc đứng, thường ăn não ấy. Ở đầu sọ lại có các trùng, chúng ở trong ấy, hoặc đi hoặc ăn, trở lại ăn sọ. Lại có trùng của tóc, sống ở ngoài xương ăn chân lông, vì trùng sân giận khiến tóc rơi rụng.

Lại có nhĩ trùng sống ở trong tai, ăn thịt trong tai, vì trùng sân giận khiến người đau tai, hoặc khiến tai bị điếc.

Lại có tỷ trùng sống ở trong mũi, ăn thịt trong mũi, vì trùng sân giận có thể khiến người kia ăn uống không ngon. Nước não chảy xuống, trùng ăn nước ấy, vì thế khiến người ăn uống không ngon. Lại có chỉ trùng sinh ở trong mỡ, sống ở trong mỡ thường ăn mỡ người, vì trùng sân giận khiến người đau đầu.

Lại có tục trùng sống ở giữa khớp xương, có tên là thân trùng, trụ ở kẽ răng, vì trùng sân giận khiến người bị đau nơi các mạch giống như kim chích. Lại có các trùng gọi là thực duyên ở trong thiệt căn, vì trùng sân giận khiến miệng người bị khô. Lại có các trùng tên là nha căn, sống ở chân răng, vì trùng sân giận khiến răng người bị đau nhức. Đó gọi là người tu hành quán xét về thân theo khắp nội thân, về mười loại trùng sống ở trong đầu.

Lại nữa, người tu hành quán thân tuần tự nơi nội thân, quán xét trong đầu có bao nhiêu xương?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy xương sọ trong đầu có bốn phần, xương trán và xương má hợp có ba phần, xương mũi một phần. Hai xương răng hàm, một xương cổ. Răng hợp có ba mươi hai xương, chân răng cũng vậy, hai xương yết hầu. Như vậy trong cổ có mười lăm xương.

Lại nữa, người tu hành quán thân tuần tự nơi nội thân.

Thịt trong đầu như thế nào?

Do ăn uống mà tăng trưởng hòa hợp có cảm giác.

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, quan sát thịt trong đầu có bốn phần: Hai bên má có hai phần, yết hầu và khúc lưỡi gà có một phần, hai môi và hai tai, da thịt là bốn phần. Lưỡi gọi là mạch nhục, tham nếm các thức ăn ngon đủ sáu mùi vị.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân có những trùng gì?

Trụ ở chỗ nào?

Tạo những nghiệp gì?

Hoặc bệnh hoặc bình an. Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, đầu tiên quan sát yết hầu, yết hầu có trùng gọi là thực duyên. Lúc ăn, nhai nuốt hoặc mửa ra, thức ăn hòa lẫn với nước miếng, khi muốn nuốt thì cùng với nước dãi chảy ra hợp lại, trùng trong cổ họng ăn thức ăn này để tự nuôi sống.

Nếu trùng tăng trưởng nhiều khiến người bị bệnh gì?

Nếu ăn nhiều chất béo, hoặc ăn nhiều vị ngọt, hoặc ăn thức ăn mặn, hoặc ăn thức ăn chua, hoặc ăn thức ăn lạnh thì trùng tăng trưởng, khiến cho yết hầu của người sinh bệnh tật, quan sát duyên trùng rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân. Quan sát về Thóa trùng, có thể làm dứt các tuyến nước miếng, hoặc có thể gây bệnh, hoặc khiến an ổn. Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy thóa trùng ở trong yết hầu. Nếu người không ăn chất béo… như trên đã nói, thì trùng an ổn có thể tiêu hóa nước miếng, ở trong mười mạch chảy ra vị ngon, thọ lạc bình yên.

Nếu người khạc nhổ nhiều thì trùng bị bệnh, do trùng bệnh nên mửa nước miếng lạnh, vì mửa nước miếng lạnh nên bị bệnh trong ngực. Quán xét về thóa trùng rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân tuần tự theo nội thân, quan sát đối với thổ trùng, tại sao khiến người an ổn hoặc bệnh tật?

Sống ở chỗ nào?

Ăn những thức ăn gì?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy thổ trùng ở trong thân người, sống nơi mười mạch nước dịch đang hoạt động. Như vậy, lúc người ăn trùng theo vào nơi mười mạch, đi trong thân rất khỏe, đến chỗ yết hầu liền khiến người mửa, khiến người sinh ra năm loại bệnh mửa.

Những gì là năm?

1. Phong thổ mửa do gió.

2. Ẩm thổ mửa do nóng lạnh.

3. Thóa thổ mửa do nước miếng.

4. Tạp thổ mửa do nhiều thứ xen nhau.

5. Dăng thổ mửa do ruồi nhặng.

Nếu trùng an ổn thì ăn uống điều hòa, thức ăn đi vào trong bụng.

Thế nào gọi là thổ trùng phát sinh ra phong thổ?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy ăn thức ăn nhẹ lạnh, hoặc thức ăn không có chất béo thì phát sinh bệnh ấy, khiến người đại tiểu tiện khó thông, mắt không ngủ được, gió vào yết hầu, gió làm động thổ trùng, do đấy mà bệnh gọi là phong thổ. Quán xét thổ trùng rồi thì biết đúng như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân tuần tự theo nội thân.

Tại sao thổ trùng khiến người mửa vì nóng lạnh?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy người ăn đồ cay, vị mặn, nóng hòa hợp, khiến người phát nóng gây khó chịu, thổ trùng từ chỗ ấy chuyển động đi lên thân, khiến người mửa vì nóng lạnh. Quán xét thổ trùng rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân tuần tự theo nội thân.

Tại sao thổ trùng khiến người ói mửa nước miếng?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy người ăn thức ăn ngọt, lạnh, ăn nhiều chất béo, hoặc ăn rồi ngủ vùi, khiến tăng thêm nước miếng, nước ấy càng tăng, thổ trùng phát triển nên bệnh nơi yết hầu, khiến thân nặng nề nhổ ra nước miếng lạnh. Quán xét thổ trùng rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân tuần tự theo nội thân.

Tại sao thổ trùng làm phát sinh tạp thổ?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy người ăn thức ăn nhẹ, lạnh, không có chất béo, hoặc vừa cay vừa mặn, thức ăn trơn, lạnh nhiều béo, có thể khiến thổ trùng đi lại trong yết hầu. Ba lỗi như vậy có thể khiến người ói mửa. Quán xét thổ trùng rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân tuần tự theo nội thân.

Vì sao dăng thổ khiến người ói mửa?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy người ăn thức ăn bất tịnh có ruồi nhặng, chúng vào trong yết hầu, khiến thổ trùng chuyển động thì liền ói mửa. Quán xét thổ trùng rồi thì biết như thật về thân.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần