Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BẢY

PHẨM THÂN NIỆM XỨ  

TẬP MỘT  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn du hóa tại thôn xóm của Bà La Môn ở Na La Đế thuộc thành Vương Xá.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Ta sẽ nói về thân niệm xứ cho các ông, đầu, giữa, cuối đều thiện, nghĩa lý và ý vị đều thiện, thuần nhất, đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh, gọi là pháp môn thân niệm xứ.

Các ông nên lắng nghe! Hãy suy nghĩ kỹ! Ta sẽ vì các ông mà giảng nói.

Các Tỳ Kheo bạch: Dạ thưa Thế Tôn! Chúng con xin vâng theo, muốn nghe.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Thế nào là pháp môn thân niệm xứ?

Đó là tuần tự quán thân khắp nội thân, Tỳ Kheo quan sát xong thì không rơi vào cảnh giới ma, xả bỏ phiền não, quan sát thân thể đúng như thật, được tri kiến chứng pháp như vậy, ta nói người ấy đến gần Niết Bàn.

Như vậy Tỳ Kheo! Quán xét thân thể thấy đúng về thân rồi, đoạn trừ trong thì không bị các thứ xấu ác nhiễu loạn nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Ngoài thì không nhiễm nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp, quan sát thân khắp như thế thì có thể đạt đến Niết Bàn.

Các Tỳ Kheo như vậy, mắt tuy thấy sắc nhưng không phát sinh phân biệt, không sinh tâm dục nhiễm, hỷ ái, quán xét thân thể đúng như thật. Thân này chỉ có tóc, lông, móng, răng. Da, mỡ, máu. Gân, thịt, xương, tủy. Sinh tạng, thục tạng. Đàm vàng, đàm trắng.

Bệnh về gió lạnh, nóng. Đại tràng, tiểu tràng. Phân, tiểu, bất tịnh. Gan, mật, ruột, dạ dày. Mỡ tủy tinh huyết. Nước mũi, nước miếng, nước mắt. Đầu, cổ, quan sát thân thể như vậy, tùy thuận mà buộc niệm. Nếu niệm như vậy thì không đắm nhiễm cảnh giới bên ngoài theo sắc, thanh, hương, vị, xúc. Đầu tiên quan sát nhãn sắc, thấy rõ nhãn căn đúng như thật chỉ là cục thịt do bốn đại tạo thành.

Tại sao hành giả quan sát mắt như thật đối với nhãn căn?

Phần thịt cứng này bên trong có sự cảm giác, đó gọi là cục thịt thuộc về nội địa giới trong nhãn căn.

Lại quán xét nhãn căn trong cục thịt, bên trong có sự cảm giác, nước mắt và phần ẩm ướt gọi là nội thủy giới trong nhãn căn của mắt thịt.

Lại quán xét nhãn căn trong mắt thịt, bên trong có sự cảm giác, có ấm, có nóng, gọi là nội hỏa giới trong nhãn căn của mắt thịt.

Lại quán xét nhãn căn trong mắt thịt thuộc nội phong khinh động, gọi là nội phong giới trong nhãn căn của mắt thịt, đối với nội phong giới, quán xét như thật về tai, mũi, lưỡi, thân cũng tùy thuận quan sát như vậy. Quán xét như vậy rồi đối với sắc đáng ưa, không sinh đắm nhiễm, không bị các cảnh ưa thích phá hoại.

Lại nữa, người tu hành quan sát thân khắp nội thân, như thân này mỗi niệm mỗi niệm sinh diệt, sinh, già, bệnh, chết, thân này như huyễn mộng, tất cả đều là không, không thật, không bền chắc như bọt nước, chỗ các khổ tụ tập, chỗ các khổ nương tựa, chỗ các khổ ẩn náu, trong thân như vậy không có một chút vui, tất cả đều là khổ, tất cả là vô thường, tất cả bị hủy hoại là pháp suy biến, hoại diệt, bất tịnh.

Lại nữa, người tu hành quan sát thân khắp nội thân, thân thể như thế này lấy cái gì làm gốc?

Thế nào là thuận hành?

Ai là người giúp đỡ?

Thế nào là an trụ?

Đó là Tỳ Kheo quán xét đúng như thật.

Lại nghĩ thân thể như thế này lấy gì làm gốc?

Hành động theo nghiệp, nghiệp là chỗ cứu giúp. Nếu tụ hội nghiệp thiện thì sinh trong Cõi Trời, người, tương ưng với nghiệp ác thì bị đọa trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, thân thể như thế này là không sạch, không vững bền, vô thường, vô trụ. Tỳ Kheo quan sát thân thể như thật, đối với ái dục không sinh nghĩ.

Lại nữa, người tu hành quán xét như thật về nhãn căn.

Như người cõi Diêm Phù Đề với nhãn căn hiện có, tất cả nhãn căn ấy đều có khoảng không mới thấy được hình tượng màu sắc, còn ở các nơi khác có thấy được như vậy không?

Các đệ tử nghe ta nói, hoặc dùng thiên nhãn với trí tuệ để quán xét, người cõi Diêm Phù Đề lúc thấy sắc có nhãn, có sắc, có ánh sáng, có không gian không chướng ngại, có tâm với ý niệm hướng đến, do năm nhân duyên mà thấy được sắc.

Người ở Cõi Uất Đan Việt thì không như vậy, giả như không có khoảng không thì họ cũng thấy được sắc, giống như những loài cá trong nước thấy sắc. Người Cõi Uất Đan Việt nếu bị núi ngăn che đều thấy xuyên qua không bị chướng ngại.

Lại nữa, người tu hành quán thân một cách tùy thuận, như người cõi Diêm Phù Đề tai nghe âm thanh thích hay không thích, gần thì rõ ràng, xa thì không rõ, tiếng lớn mà xa thì không nghe.

Người Cõi Uất Đan Việt thì không như vậy, Tỳ Kheo quan sát như thật đối với người cõi Uất Đan Việt, tai nghe âm thanh hoặc gần, hoặc xa, hoặc lớn, hoặc nhỏ, hoặc thích hay không thích, do phước báo thù thắng mà đều có thể nghe. Giống như ánh sáng mặt trời gần hay xa, hoặc lớn hay nhỏ, hoặc trong hay không trong, tất cả đều được ánh sáng mặt trời chiếu rọi, người Cõi Uất Đan Việt nghe âm thanh cũng lại như vậy.

Lại nữa, người tu hành quan sát thân một cách thuận hợp, như người cõi Diêm Phù Đề mũi nghe mùi.

Người Cõi Uất Đan Việt có như vậy không?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy người Cõi Uất Đan Việt được phước báo thù thắng, chỉ nghe các mùi thơm, không nghe mùi hôi. Giống như nước và sữa hòa lẫn để trong một bình, Ngỗng chúa uống nhưng chỉ uống sữa, chừa nước lạnh lại. Người Cõi Uất Đan Việt cũng lại như vậy, chỉ ngửi mùi thơm, không ngửi mùi hôi.

Lại nữa, người tu hành quán xét thân một cách thuận hợp, như người cõi Diêm Phù Đề lưỡi nếm mùi vị.

Người Cõi Uất Đan Việt có như vậy không?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy người cõi Diêm Phù Đề ăn thức ăn ngon, vừa, dở, người cõi Uất đanviệt thì không như vậy. Người Cõi Uất Đan Việt tâm không có ngã sở, thường tự mình làm việc thiện, lúa gạo tự nhiên đến, đều ăn một mùi vị như nhau, người cõi Diêm Phù Đề thì không như vậy.

Lại nữa, người tu hành quán xét thân một cách thuận hợp, như hình sắc, thân thể khác nhau của người cõi Diêm Phù Đề, người Cõi Uất Đan Việt có như vậy không?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, quan sát nhiều loại sắc thân nơi người cõi Diêm Phù Đề, người Cõi Uất Đan Việt thì không như vậy, do nghiệp thiện mà màu sắc của thân giống nhau, y báo và chánh báo nơi sắc ấy giống như vàng ở cõi Diêm Phù Đề, thân thể tròn trịa, mềm mại, đoan nghiêm, phước báo người cõi Diêm Phù Đề không sánh bằng.

Người cõi Diêm Phù Đề thì có vô lượng loại nghiệp, hành động không giống nhau, vì thế có vô lượng loại thân, vô lượng loại sắc. Tỳ Kheo ở trong hai Thế Giới Trời, người tùy thuận quan sát như vậy.

Thứ ba là quan sát cõi Phất Bà Đề, sự nhận thức của các căn nơi người cõi Diêm Phù Đề, người Cõi Uất Đan Việt cùng với các căn của người cõi Phất Bà Đề có khác nhau không?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy người Cõi Phất Bà Đề ở trong chỗ tối tăm cũng thấy rõ các sắc, như trong cõi Diêm Phù Đề các loài mèo, cọp, tê giác, ngựa, diều hâu, nơi không có ánh sáng cũng có thể thấy rõ các sắc, người cõi Phất Bà Đề cũng lại như vậy, ở trong đêm tối, mắt thấy cảnh giới như thật, có khả năng thấy tất cả các sắc thô tế.

Lại nữa, người tu hành quán xét thân một cách thuận hợp.

Quan sát người cõi Diêm Phù Đề như thế nào?

Như trước đã nói, người cõi Diêm Phù Đề tai nghe âm thanh, người cõi Phất Bà Đề có như vậy không?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy người cõi Phất Bà Đề khi nghe âm thanh đáng sợ, thì đối tượng được duyên của nhĩ thức ở khoảng cách xa chừng một lằn tên, nhờ phước đức nên không nghe âm thanh đáng sợ ở nơi xa.

Lại nữa, người tu hành quán xét thân một cách thuận hợp, quan sát trụ xứ của chúng sinh trong ba cõi thiên hạ, như người cõi Diêm Phù Đề, người cõi Uất Đan Việt, về đối tượng được duyên của tỷ thức, người cõi Phất Bà Đề có như vậy không?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy người cõi Phất Bà Đề, ban ngày tỷ thức lãnh hội mùi thơm, thơm mãi đến suốt đêm vì được phước báo thù thắng.

Lại nữa, người tu hành quán xét thân một cách thuận hợp, như người cõi Diêm Phù Đề, người cõi Uất Đan Việt, do thiệt thức nếm biết vị.

Như thế người cõi Phất Bà Đề vị được nếm có như vậy không?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy người cõi Phất Bà Đề dùng một thức ăn nhẹ ba ngày không đói. Người cõi Phất Bà Đề sống cho đến khi qua đời, thân không bệnh tật là nhờ pháp thù thắng. Nếu sắp qua đời bị bệnh năm ngày rồi mới qua đời.

Lại nữa, người tu hành quán xét thân một cách tùy thuận, hình tướng nơi thân của người cõi Diêm Phù Đề và người cõi Uất đan việt, có khác người cõi Phất Bà Đề không?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy người cõi Phất Bà Đề thân tướng mập tròn như cây Ni Câu Đà.

Lại nữa, người tu hành quán xét thân một cách thuận hợp, đối với ba cõi thiên hạ quan sát đúng như thật rồi, thì thứ tư là quan sát chỗ ở của người cõi Cù Đà Ni. Thế nào là cảnh giới duyên với thân nơi người cõi Cù Đà Ni?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy người cõi Cù Đà Ni, các đối tượng được duyên của nhãn thức không hề bị ngăn ngại do vách núi… như ta thấy các hình tượng, màu sắc ở trong pha lê, lưu ly, người cõi Cù Đà Ni cũng lại như vậy.

Lại nữa, người tu hành quán xét thân một cách thuận hợp, như trong cõi Diêm Phù Đề, Uất Đan Việt, Phất Bà Đề, người của ba cõi thiên hạ này nghe âm thanh khác nhau, còn người cõi Cù Đà Ni nhĩ thức duyên nơi âm thanh có khác nhau không?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy người cõi Cù Đà Ni nghe âm thanh bằng nhãn thức. Như trong cõi Diêm Phù Đề, loài rắn hổ mang nghe âm thanh trong mắt, người cõi Cù Đà Ni cũng lại như vậy. Ví như bị ngăn cách chướng ngại vẫn nghe các âm thanh, thấy các hình tượng, màu sắc vì họ có được pháp thù thắng.

Lại nữa, người tu hành quán xét thân một cách thuận hợp, như người cõi Diêm Phù Đề, người cõi Phất Bà Đề, tỷ thức duyên nơi mùi thơm, người cõi Cù Đà Ni có như vậy không?

Người cõi Cù Đà Ni ngửi mùi thơm bằng pháp khác, do các duyên khác như nhãn… Thế nào là người cõi Cù Đà Ni duyên nơi mùi thơm bằng tỷ thức?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy người cõi Cù Đà Ni nếu mắt nhìn thấy sắc thì cũng biết mùi thơm, nếu mắt không thấy sắc thì cũng ngửi được mùi thơm ấy, vì họ có được pháp thù thắng.

Lại nữa, người tu hành quán xét thân thuận hợp, thế nào là người cõi Cù Đà Ni thiệt thức duyên nơi mùi vị?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy người cõi Cù Đà Ni ăn loại gạo nhỏ, uống sữa, như người cõi Diêm Phù Đề uống các rượu mía, rượu bồ đào. Người cõi Cù Đà Ni cũng lại như vậy, uống năm vị sữa bò có thể khiến say. Người cõi Cù Đà Ni ăn loại gạo nhỏ cũng như người cõi Diêm Phù Đề ăn cơm, vẫn no đủ.

Lại nữa, người tu hành quán xét thân một cách thuận hợp, thế nào là quan sát sức nặng nơi thân thể của người Cõi Cù Đà Ni?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy người cõi Cù Đà Ni thân cao thấp bằng nửa cây Đa La, màu sắc của thân theo nghiệp của mình, giống như lá cây.

Lại nữa, người tu hành tư duy, quán xét trong bốn cõi thiên hạ, những chỗ ở nào tính chất giống nhau, ý giống nhau, hành giống nhau, quan sát đối chiếu?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy tâm ý của chúng sinh trong bốn cõi thiên hạ, không có một người nào tâm ý giống nhau, không có một người nào hành động giống nhau, không có một người nào thân tướng giống nhau, tất cả không có một người nào giống nhau, ấy là Tỳ Kheo tùy thuận quán xét về thân.

Lại nữa, người tu hành quán xét thân một cách thuận hợp về người trong bốn cõi thiên hạ như thế nào?

Có một người nào không do nghiệp, không do nhân sinh đến đây chăng?

Không tích chứa nghiệp, không lưu chuyển nghiệp chăng?

Lại không có ai không hành động theo pháp dục chăng?

Như thế Tỳ Kheo không thấy một người nào không tích chứa nghiệp, không có một người nào không theo nghiệp mà sinh, không có một người nào không lưu chuyển theo nghiệp, không có một người nào không làm theo pháp dục, tùy nơi tạo nghiệp, hoặc thiện hoặc không thiện, tùy nghiệp mà thọ quả báo, không có một người nào không có kẻ oán người thân, đó gọi là người tu hành tùy thuận quán xét thân.

Lại nữa, tùy thuận quán xét thân nhờ tập nghiệp nào mà được thân Cõi Trời?

Hưởng năm thứ dục lạc ở Cõi Trời như thế nào?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn quan sát các chúng sinh, sinh Cõi Trời Tứ Thiên Vương, hưởng năm loại dục lạc Cõi Trời, mắt nhìn thấy sắc đẹp không biết nhàm chán, hoặc tế hoặc thô, tự dùng thiên nhãn thấy vạn do tuần, hoặc hóa thần thông có thể thấy vô lượng trăm ngàn do tuần.

Như vậy, người tu hành quan sát nơi Cõi Trời có vô lượng uy lực của nghiệp thiện. Trời Tứ Thiên Vương tất cả dung mạo được trông thấy đều khả ái, tâm sinh ưa thích, không thấy sắc xấu.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán xét thân.

Trời Tứ Thiên Vương tai nghe âm thanh như thế nào?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy Trời Tứ Thiên Vương, nếu nghe âm thanh Trời thật đáng ưa thích, hoặc do phước báo nên tai nghe được ba ngàn do tuần, hoặc biến hóa thần thông thì có khả năng nghe được hai vạn do tuần, âm thanh nghe được đều đáng ưa thích.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán xét thân.

Trời Tứ Thiên Vương mũi ngửi mùi thơm như thế nào?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy Trời Tứ Thiên Vương tự có phước báo nên tỷ căn ngửi được các mùi thơm trong hai trăm do tuần, nếu biến hóa thần thông thì ngửi được mùi thơm xa trăm ngàn do tuần.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần