Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Một - Phẩm Vô Thường - Tập Ba
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MỘT
PHẨM VÔ THƯỜNG
TẬP BA
4. Chú ý Phật khởi trị A Nan sống chết tức tốc, vậy chuyện thấy người ca sĩ vừa chết đâu có gì lạ.
Lúc đó Đức Thế Tôn quán sát nghĩa này, nghiên cứu tận gốc ngọn vô thường, muốn giúp các Tỳ Kheo thấy rõ pháp này, lại vì muốn cho chúng sinh đời sau biết rõ thêm, khiến chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian nên Đức Thế Tôn liền nói bài kệ Xuất Diệu:
Sáng vừa mới thấy
Tối đã mất rồi.
Hôm qua mới đó
Giờ đã không còn.
Ta đang tuổi trẻ
Không cậy vào đâu.
Tuổi trẻ cũng chết
Trai gái vô số.
Sáng vừa mới thấy, tối đã mất rồi: Nghĩa là có hàng trăm, ngàn loài chúng sinh, buổi sáng thấy đó, nhưng tối thì đã mất. Có những chúng sinh nhờ suy nghĩ so lường, căn lành đầy đủ, tâm không lầm loạn, tự biết mạng sống như lửa xẹt từ đá, nó nháng qua rồi tắt mất, thì ai lại sinh tâm tham đắm nó. Chỉ có kẻ thiếu hiểu biết, hạng phàm phu ngu tối mới sinh tâm tham đắm mà thôi.
Hôm qua mới đó, giờ đã không còn: Nghĩa là hôm qua còn thấy đi đứng tới lui, nếu những người ấy biết suy nghĩ, gây trồng các công đức, tâm hăng hái sửa đổi lỗi lầm, bên trong tự nghĩ không có gì đáng vui.
Cho nên nói: Sáng vừa mới thấy, tối đã mất rồi. Hôm qua mới đó, giờ đã không còn.
Ta đang tuổi trẻ, không cậy vào đâu: Là như kẻ ngu thiếu hiểu biết tự ỷ vào sức mạnh của mình, tha hồ tự tung tự tác theo ý thích, không nghĩ đến sau này. Tự cho mình trẻ đẹp hơn người, còn kẻ khác thì xấu xí hèn hạ, không đáng làm bạn với mình, vì mình tiêu biểu cho trẻ, đẹp, giàu có, danh vọng hơn mọi người.
Tự ỷ vào sức khỏe mạnh mẽ của mình, không cần làm bạn với ai, muốn gì được nấy, không ai chống cự lại nổi, tha hồ làm theo ý muốn, không né tránh cả đến bọn cường hào khác.
Những người này không nghĩ đến cái chết chợt tới, không thấy được tai họa sinh tử khổ não.
Cho nên nói: Ta đang trẻ tuổi, không cậy vào đâu.
Tuổi trẻ cũng chết, gái trai vô số: Giả sử vô số loài chúng sinh gái trai, lớn nhỏ, mà thọ thân hình khí lực sung mãn, của cải vô số, tha hồ làm theo ý muốn, tuổi trẻ sức mạnh. Nhưng trong cuộc đời này, số chết trẻ lại nhiều hơn số chết già.
Nối nhau mà ra đi như vậy, nhưng người chết ấy trước khi còn sống họ không biết tu các công đức, gốc của các điều lành không chỗ nương cậy, từ đời này đến đời sau phải trôi lăn trong năm đường ác, không lúc nào dừng nghỉ.
Cho nên nói rằng: Tuổi trẻ cũng chết, gái trai vô số.
Trong thai đã hư, mới ra thai đã chết, có khi ra đời ít lâu rồi chết, có hài nhi chết khi đang còn bồng trên tay.
Người trẻ chết là hạng trung gian, dần dần theo thứ lớp như trái cây đợi chín. Một đời người là sáu vạn năm hay sáu ngàn năm dài ngắn khác nhau, trong khi sinh ra đã ẩn chứa sự hoại diệt, ấy là bởi việc hại người kiếp trước.
Chữ người ở đây là chỉ cho các Vua chúa, nhà giàu, bậc Đạo Sư, người đi buôn, Cha Mẹ, bâc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Kẻ nào khởi tâm ác, giết hại những người kể trên thì hoặc đọa địa ngục A tỳ, hoặc ngục nóng dữ dội, hoặc ngục kêu khóc, hoặc ngục kêu khóc dữ dội, hoặc ngục Đẳng hoặc, hoặc ngục Hắc thằng…
Khi hết tội ở địa ngục thì sinh vào loài lục súc, trải qua nhiều kiếp sinh tử qua lại. Đến khi được sinh làm người thì nửa chừng cũng chết trong bào thai.
Cho nên nói: Trong thai đã hư là vậy.
Vừa ra khỏi thai đã chết, nghĩa là có chúng sinh vừa ra khỏi thai mẹ thì chết. Hoặc có chúng sinh, trước muốn làm các công đức, nhưng chưa làm được, vừa ra khỏi lòng mẹ thì chết. Ấy là do đời trước khởi tâm ác giết hại người làm phước kia.
Cho nên nói: Vừa sinh ra đã chết.
Còn câu: Có khi ra đời ít lâu rồi chết chỉ cho loại chúng sinh tu các công đức, đối với các Chùa Tháp lập ra vườn cây trái, ao tắm, làm cầu, làm nhà xí, nhưng việc làm chưa xong thì bị người giết hại, đó là do đời trước hại người phước đức.
Chết rồi đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ trải qua thời gian lâu dài, khi được sinh làm người thì chỉ mới sinh ra khỏi bào thai, cái chết đã ập đến rồi.
Cho nên nói: Có khi ra đời ít lâu rồi chết.
Câu: Chết khi đang còn bồng trên tay là chỉ hạng chúng sinh đối với Chùa Tháp đã tu, đã lập các công đức như lập vườn cây trái, ao tắm, làm cầu, làm nhà xí, việc làm vừa xong, công đức chưa được bao lâu thì bị người giết hại. Ấy là do đời trước khởi tâm giết hại người làm phước kia, nên sau khi chết, đọa vào địa ngục.
Tội địa ngục hết rồi thì đọa vào súc sanh, sau đó được sinh lên làm người. Lúc mới còn hài nhi bồng trên tay chưa phân biệt được màu trắng màu đen thì đã bị chết non rồi.
Thế nên kệ nói:
Người già, tuổi trẻ
Và hạng trung bình
Lần lượt đến phiên
Như trái chờ chín.
Xưa, Tôn Giả Mã Thanh cũng có nói kệ rằng:
Có người chết trong thai,
Có kẻ vừa sinh chết
Tuổi trẻ không khỏi chết,
Già suy cam chịu vậy.
Như cây nở hoa nhiều
Khi đậu trái thật hiếm
Chỉ người chí buông hết
Thần chết chẳng nỡ gọi.
Như loại cây có trái kia lúc nào cũng phát triển thật tốt, hoa nở sum suê, nhưng gặp cơn gió thổi thì bông rụng cả, đậu trái được không bao nhiêu. Hoặc đã đậu trái rồi, nhưng gặp cơn mưa đá cũng bị rụng đi. Có khi mới tượng nụ, chưa thành bông cũng bị rụng rồi.
Có khi thành bông rồi cũng bị rụng mất. Rồi những bông đã thành trái ấy cũng đợi chín mà rụng theo. Loài chúng sinh cũng vậy.
Trong trăm ngàn thân chúng sinh kia thì cũng chỉ một, hai trường hợp ở trong thai, sinh ra, lớn lên, rồi già nua, nhưng rồi cũng đi vào con đường tử biệt ấy, nào ai tránh khỏi tai họa kia. Và trong trăm ngàn kiếp sống ấy, kẻ thọ tới già mới chết chỉ một hai người, còn kẻ chết lúc còn trẻ nhiều không kể hết.
Cho nên nói:
Người già tuổi trẻ
Và hạng trung bình
Lần lượt đến phiên
Như trái chờ chín.
Mạng như trái chờ chín
Thường lo lúc rơi rụng
Đã sinh thì có khổ
Ai tránh được tử thần?
Thuở nọ, Vua Ác Sinh Minh, một hôm với xa giá chỉnh tề cùng đoàn hộ tùng ra dạo chơi ở hậu viên, ngắm xem những hang cây ăn trái thẳng tắp trên đường. Tục lệ nước này trái thật chín mới ăn, không ăn trái sống.
Lúc ấy, Vua ra lệnh cho người giữ vườn: Trái cây nào dù lớn hay nhỏ hễ rụng xuống đất rồi thì không được lượm dâng Vua. Kẻ nào phạm luật ấy sẽ bị chém đầu.
Lúc ấy người giữ vườn thầm nghĩ: Vua Ác Sinh Minh này quá bạo ngược, không đạo đức, giết hại người không tâm thương xót. Nếu ta phạm luật ấy thì sẽ chết bất cứ lúc nào thôi, không tránh khỏi nguy khốn. Nay, cây trong vườn này rất sai trái, nhưng số trái đậu trên cây rất ít mà số trái rụng xuống đất thì nhiều.
Nếu Vua đòi ta dâng trái, thì không biết lấy đâu mà ra, chi bằng ta trốn đi xuất gia học đạo hay hơn. Thế rồi, anh leo tường ra ngoài, đến chỗ Đức Phật, năm vóc gieo sát đất, xin Ngài cho làm Sa Môn. Đức Phật liền chấp nhận cho anh ta xuất gia.
Nhưng anh ta cứ lặng yên, không tọa thiền Tụng Kinh gì cả, cũng không học giới luật, A Tỳ Đàm, tự cho hành đạo như vậy là đủ, cũng không nghĩ đến việc rỗi rảnh đi kinh hành, đọc tụng mười hai yếu quyết nhọc nhằn khó được.
Chỉ dựa vào ba việc, không nghĩ đến tương lai, trong tâm vui mừng cho rằng: Ta đã thoát khỏi sự khổ của thân, giờ đây ta nên an vui, đâu cần biết đến những việc khác!
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn quán biết tâm trạng của vị Tỳ Kheo ấy, muốn giúp thầy thoát khỏi khổ nạn, giúp thầy được ở yên trong ngôi nhà pháp lành, để nhổ gốc khổ sinh tử, đưa vào đường giải thoát, không còn lui sụt.
Lúc bấy giờ, giữa đại chúng, Đức Phật liền nói bài kệ Xuất Diệu:
Mạng như trái chờ chín
Thường lo lúc rơi rụng
Đã sinh thì có khổ
Ai tránh được tử thần?
Lúc ấy vị Tỳ Kheo nghe lời Đức Phật dạy, trong tâm tự trách, cảm thấy hổ thẹn, rồi ở nơi vắng vẻ, tư duy những lỗi lầm cũ, quán chiếu chánh đạo, ngay tại chỗ ngồi chứng được quả A La Hán.
Như người thợ gốm
Nặn đất thành đồ
Tất cả phải bể
Mạng người cũng thế.
Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc thành Xá Vệ. Lúc ấy có một người thợ gốm làm các đồ vật bằng sứ, anh không từ chối bất cứ món hàng nào có hình dáng khó nặn. Lúc ấy Vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tát La ra lệnh các thợ gốm làm các món đồ dùng.
Vì người thợ gốm bận nhiều công việc nên cuối cùng không xong món đồ. Nghe vậy, Vua Ba Tư Nặc nổi giận, bảo các quan đến nhà người thợ gốm đạp vỡ hết các món đồ gốm của người thợ. Sợ bị mất mạng nên anh thợ đồ gốm này lén bỏ trốn qua nước Ca Thi. Ở đây, anh lại làm các thứ đồ gốm.
Biết vậy, Vua Ba Tư Nặc lại sai quan đến đó đập vỡ hết đồ gốm của anh ta. Anh này lại trốn sang nước Câu Tát La. Ở đây, anh lại làm các thứ đồ gốm. Nghe tin, Vua Ba Tư Nặc lại sai các quan đến đó đập phá hết đồ gốm của anh ta. Lúc ấy tài sản đã hết sạch, người thợ này hết phương sinh sống.
Cơm không no, quần áo không đủ che thân, thường sợ Vua Ba Tư Nặc bắt giết. Anh lẩn trốn vào núi sâu, rồi sau đó đến chỗ Đức Phật xin nhập đạo. Đức Phật im lặng, cho phép xuất gia. Nhưng rồi, vị Tỳ Kheo này không để tâm quán chiếu tu tập, cho rằng mình đã thoát khỏi khổ nạn, không còn sợ bị Vua giết, ở nơi vắng vẻ không tư duy đạo đức, cũng không học Kinh, Luật, Luận, cũng không phân biệt nghĩa lý.
Không chịu tu tập đạo pháp xuất thế, không tọa thiền, Tụng Kinh, giúp đỡ các việc. Bỏ cả ba việc, không siêng năng tu tập, cho rằng hành đạo bấy nhiêu là đủ rồi. Không hăng hái tinh tấn cầu pháp của Bậc Thượng Nhân.
Pháp chưa chứng không siêng năng cầu chứng, quả chưa đắc cũng không siêng năng cầu chứng. Đức Như Lai Thế Tôn dùng Tam đạt trí mà quán sát tâm lý vị Tỳ Kheo này, Ngài dần dần giáo hóa xé tan lưới ngờ vực.
Ngài bảo: Thầy đã bỏ nghề làm đồ gốm rồi, khỏi buồn lo vì mất mạng, chỉ có thân năm ấm lẫy lừng như đồ gốm. Ấy là nỗi lo sợ lớn lao, không thể tránh khỏi nạn ấy. Đồ gốm dù bể vẫn không sợ, là bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Thân năm ấm lẫy lừng này là hình thức đồ gốm, nếu trước không làm các công đức, phước nghiệp, không tu các gốc lành thì không biết nương cậy vào đâu, cũng không có chỗ để trở về. Thế nên thường phải lo sợ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn quán sát nghĩa này, thấu suốt gốc ngọn, thấy rõ nghĩa này rồi vì muốn chư Tỳ Kheo dứt hẳn mọi thắc mắc và cũng muốn chúng sinh đời sau này thấy rõ chánh pháp tồn tại lâu dài.
Khi ấy, ở trước đại chúng, Ngài liền nói bài kệ:
Như người thợ gốm
Nặn đất thành đồ
Tất cả phải bể
Mạng người cũng thế.
Các món đồ dù nung hay chưa nung cũng đều phải bị vỡ, dần dần sẽ trở thành cát bụi, không nên tham đắm. Các loài chúng sinh thọ than năm ấm này là món đồ sẽ bị vỡ, dòng Sát Đế Lợi, Bà La Môn, Chiên Đà La thọ thân hình, sống lâu chết yểu, giàu có, nghèo hèn, tươi đẹp, xấu xí, hay giàu sang, thấp hèn, khôn hay ngu, tất cả đều đi đến chỗ chết. Vô thường biến đổi đều sẽ vất bỏ.
Thầy Tỳ Kheo ở nơi chỗ vắng kia nghe những lời giáo huấn của Như Lai, liền hiểu rõ lý vô thường, thấu suốt nguồn gốc tội phước, hiểu được sự thay đổi hưng suy, vâng theo hạnh diệt độ, thầy liền ở trước Phật chứng quả A La Hán.
Như trên khung dệt
Thoi dệt qua, lại
Chỉ dần dần hết
Mạng người cũng thế.
Thuở xưa, có người giỏi nghề dệt len, nhưng dệt trong giây lát là anh tỏ vẻ mệt mỏi. Nhiều lần được người cha nhắc nhở, nhưng anh bảo cứ thong thả có gì phải gấp. Vừa dệt xong tấm lụa, anh không dệt nữa.
Cha anh bảo: Dệt xong rồi con còn phải làm những việc khác nữa chứ. Người cha nói như vậy cả mấy mươi lần, đứa con thần thức bị thác loạn nên sau đó bể gan chết trước mặt bố. Thấy con chết, người cha bèn bỏ cả gia nghiệp, xuất gia học đạo. Dù đã xuất gia học đạo.
Thầy Tỳ Kheo lòng vẫn nhớ con không nguôi, cũng không tư duy đạo đức, chuyên tâm thiền định cầu pháp thượng thừa, cũng không suy nghĩ Khế Kinh, Giới Luật, A Tỳ Đàm, cũng không ngồi thiền, Tụng Kinh, làm việc giúp chúng, lòng cứ nhớ thương đứa con đã chết.
Lúc ấy Đức Thế Tôn dùng Tam đạt trí quán biết tâm ý thầy Tỳ Kheo ấy, thấu rõ gốc ngọn, quán rõ ý nghĩa ấy rồi và muốn giúp các Tỳ Kheo dứt hết mọi ngờ vực, khiến cho chúng sinh đời sau thấu rõ chánh pháp sáng suốt tồn tại lâu dài trên thế gian, nên trước đại chúng.
Đức Phật nói bài kệ Xuất Diệu:
Như trên khung dệt
Thoi dệt qua, lại
Chỉ dần dần hết
Mạng người cũng thế.
Tất cả muôn vật đều đi đến chỗ chết, vô thường thay đổi đều được vất bỏ ngoài gò mả chốn đồng hoang.
Thầy Tỳ Kheo kia nghe những lời giáo huấn ấy của Như Lai, liền hiểu rõ lý vô thường, thấu suốt nguồn gốc tội phước, hiểu được sự thay đổi hưng suy, vâng theo hạnh diệt độ, liền ở trước Phật chứng được quả A La Hán.
Như kẻ tử tù
Dẫn qua chợ búa
Dần vào cõi chết
Mạng người cũng vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba