Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Bi Phân đà Lợi - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Ba ức Thiếu đồng Tử được Thọ Ký
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Cự, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH ĐẠI THỪA
ĐẠI BI PHÂN ĐÀ LỢI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Cự, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI BỐN
PHẨM BA ỨC THIẾU ĐỒNG TỬ
ĐƯỢC THỌ KÝ
Này thiện nam tử! Ba ức đệ tử của Bà La Môn Hải Tế, như đã nói, họ ngồi nơi cửa vườn, khi có người đi vào thì họ đem ba quy y, khuyến hóa khiến cho những chúng sinh kia phát tâm bồ đề.
Bấy giờ Bà La Môn Hải Tế bảo các đệ tử: Này các Đồng Tử, các con nên phát tâm bồ đề vô thượng, tùy theo chỗ mong cầu mà chọn lấy Cõi Phật, trước đức Như Lai, các con thành tâm bày tỏ lời thệ nguyện.
Trong số này có một Đồng Tử tên là Nguyệt Nhẫn, bạch với thầy: Đạo quả giác ngộ ấy như thế nào?
Nên tích chứa đức gì?
Nên tu tập những hạnh gì?
Nên có những suy niệm gì để đạt được đạo quả bồ đề?
Đại Sư nói: Này Đồng Tử, Bồ Tát phải hội đủ bốn vô lượng tạng mới đạt được đạo bồ đề.
Những gì là bốn?
Đó là đủ phước tạng vô tận, đủ trí tạng vô tận, đủ tuệ tạng vô tận, đủ tất cả Phật Pháp tạng vô tận. Đó gọi là đầy đủ bốn vô tận tạng.
Thiện nam tử! Như Lai nói về đạo bồ đề như là pháp môn tích tập chung các công đức thanh tịnh để vượt khỏi sinh tử.
Bồ Tát đầy đủ hạnh bố thí là để hóa độ chúng sinh.
Bồ Tát đầy đủ trì giới là nhằm thành tựu mọi nguyện lực.
Bồ Tát đầy đủ nhẫn nhục là để đạt được tướng hảo trọn vẹn.
Bồ Tát đầy đủ tinh tấn là để hoàn thành các sự việc.
Bồ Tát đầy đủ thiền định để điều phục tâm ý.
Bồ Tát đầy đủ trí tuệ là để diệt hết mọi phiền não trói buộc.
Bồ Tát đầy đủ đa văn vì để đạt vô số biện tài.
Bồ Tát đầy đủ công đức là nhằm đem lại ích lợi cho tất cả chúng sinh.
Bồ Tát đầy đủ trí vì để có được vô lượng trí tuệ vô ngại.
Bồ Tát đầy đủ pháp chỉ là để thuận theo tâm thiện tạo tác.
Bồ Tát đầy đủ pháp quán là nhằm dứt trừ mọi nghi hoặc.
Bồ Tát đầy đủ tâm từ là nhằm đạt tâm vô ngại.
Bồ Tát đầy đủ tâm bi là vì hóa độ chúng sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán.
Bồ Tát đầy đủ tâm hỷ vì luôn ưa thích theo đạo pháp.
Bồ Tát đầy đủ tâm xả vì đã dứt trừ được mọi nẻo yêu ghét.
Bồ Tát đầy đủ sự lãnh hội pháp vì đã diệt trừ được mọi chướng ngại.
Bồ Tát đầy đủ pháp xuất thế vì đã lìa bỏ được tất cả các pháp hữu vi.
Bồ Tát đầy đủ trụ xứ tịch tĩnh vì nhằm diệt hết nghiệp bất thiện, tu tập làm tăng trưởng nghiệp thiện.
Bồ Tát đầy đủ niệm vì đã đạt được sự hộ trì.
Bồ Tát đầy đủ ý chí vì dốc đạt được sự hiểu biết sâu rộng.
Bồ Tát đầy đủ chí nguyện dũng mãnh vì đã tỏ ngộ được diệu nghĩa nơi pháp.
Bồ Tát đầy đủ niệm xứ vì đã quán về thân thọ, tâm, pháp.
Bồ Tát đầy đủ chánh xả vì đã dứt bỏ các pháp bết thiện, tu tập viên mãn tất cả các pháp thiện.
Bồ Tát đầy đủ thần thông vì thân tâm luôn được nhẹ nhàng.
Bồ Tát đầy đủ căn vì luôn thu nhiếp trọn vẹn các căn.
Bồ Tát đầy đủ lực vì đã diệt trừ được tất cả các thứ phiền não.
Bồ Tát đầy đủ giác phần vì đã biết rõ về thật tướng của các pháp.
Bồ Tát đầy đủ sáu pháp hòa kính là để ứng hợp trong việc hóa độ chúng sinh khiến tâm được thanh tịnh.
Này Đồng Tử, đấy gọi là pháp môn gồm đủ đức thanh tịnh để vượt khỏi sinh tử.
Nguyệt Nhẫn Đồng Tử bạch với thầy: Con nghe Đức Thế Tôn dạy, bố thí thì được phú quý lớn, quyến thuộc đông đúc. Trì giới thì được sinh lên Cõi Trời Đa Văn thì được trí tuệ lớn. Đức Thế Tôn cũng dạy tu tập phước đức thanh tịnh là nhằm vượt qua sinh tử.
Đại Sư dạy: Này Đồng Tử, có người ưa bố thí cầu phước trong vòng sinh tử thì như con đã nói.
Này Đồng Tử, nếu hàng thiện nam, tín nữ tin nơi đạo bồ đề để bố thí vì nhằm điều phục tâm ý. Trì giới là nhằm giữ tâm tịch diệt, cầu đa văn là nhằm dứt trừ tâm uế trước. Tu tập từ bi là nhằm làm tăng trưởng tâm đại bi. Còn các pháp khác thì dùng trí tuệ theo phương tiện tích tập đầy đủ để hành trì.
Này Đồng Tử, đây là sự tập hợp đầy đủ về đạo bồ đề. Đức như thế, tu như thế, niệm như thế thì mới đạt được đạo quả bồ đề. Đạo bồ đề phải tu tập hành trì như thế mới thành tựu.
Này các Đồng Tử, nên dốc cầu đạo bồ đề. Đạo bồ đề thanh tịnh, các con nên chí tâm lập nguyện tất sẽ đạt được viên mãn. Đạo bồ đề thanh tịnh có thể khiến cho tâm ý thanh tịnh. Đạo bồ đề là chánh đạo, không dối nịnh, trừ diệt hết mọi thứ trói buộc.
Này các Đồng Tử, đạo bồ đề là an ổn có thể dẫn đến cảnh giới Niết Bàn Vô Thượng. Vậy nên các con hôm nay nên theo ý mình lập nguyện, chọn lấy Cõi Phật trang nghiêm, thanh tịnh hay không thanh tịnh.
Này thiện nam tử! Bấy giờ Đồng Tử Nguyệt Nhẫn đến trước Đức Như Lai Bảo Tạng, gối phải quỳ sát đất, chắp tay bạch Phật: Thưa Đức Thế Tôn, con nay cầu đạo quả bồ đề vô thượng, nếu các chúng sinh nơi Cõi Phật uế trược này ít tham dục, sân giận, ngu si, không quên mất, tâm không cấu nhiễm, tâm không oán hận, tâm không keo kiệt, ganh ghét, tâm không theo nẻo tà kiến trụ nơi chánh biến, xa lìa tâm bất thiện.
Thường cầu tâm thiện, tâm không theo ba đường ác, cầu tâm nơi cõi người, Trời, tâm tích tập căn lành trong ba nẻo phước địa, cầu tâm nơi ba thừa… thì bấy giờ con sẽ ở nơi Thế Giới ấy thành tựu đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng.
Thưa Đức Thế Tôn, nếu sở nguyện của con được viên mãn như thế thì khiến cho nơi hai tay con tự nhiên có voi quý, mạnh mẽ. Vừa phát nguyện xong, nhờ thần lực của Đức Phật, nên trong hai tay của Đồng Tử ấy tự nhiên có voi quý hiện ra thân toàn màu trắng, bảy chi đầy đủ.
Nhìn thấy sự việc như vậy xong và bảo chúng: Voi quý này! Hai ngươi hãy bay lên hư không, đi khắp cõi này làm mưa xuống nước đủ tám thứ công đức vi diệu, tỏa hương thơm lừng để thức tỉnh tất cả chúng sinh nơi Cõi Phật.
Khiến cho những giọt mưa ấy khi chạm vào thân họ, hoặc ai ngửi được mùi thơm kia thì khiến diệt trừ sạch năm thứ ngăn che là tham ái, giận dữ, ham ngủ nghỉ, dao động xuất và nghi ngờ. Đồng Tử vừa nói xong, tức thì hai con voi quý kia liền bay vút lên hư không như đại lực sĩ phóng mũi tên cực nhanh.
Hai con voi quý kia làm theo sự việc như đã nói, xong thì trở về trước mặt Đồng Tử Nguyệt Nhẫn.
Này thiện nam tử! Lúc ấy Đồng Tử Nguyệt Nhẫn vô cùng vui mừng.
Đức Bảo Tạng Như Lai bảo Đồng Tử Nguyệt Nhẫn: Này thiện nam tử! Vào đời vị lai trải qua một hằng hà sa số A tăng kỳ kiếp đến đầu hằng hà sa số A tăng kỳ kiếp thứ hai, trong kiếp Chiếu Minh, ở Cõi Phật tên là Minh Tập, Đồng Tử sẽ thành Phật nơi bốn châu thiên hạ ấy, danh hiệu là Bảo Cái Dũng Quang Như Lai, Phật Thế Tôn.
Này thiện nam tử, bấy giờ Bồ Tát Nguyệt Nhẫn gieo năm vóc sát đất đảnh lễ nơi chân Đức Bảo Tạng Như Lai.
Đức Bảo Tạng nói kệ:
Tâm thanh tịnh dứt mọi trần cấu
Đã thọ ký vô số chúng sinh
Đạo bồ đề tối thượng, vi diệu
Sẽ dẫn đường cho khắp muôn loài.
Nói lược ngoại trừ một ngàn người, số Đồng Tử còn lại trong ba ức kia đều ở Cõi Phật này lập thệ nguyện chứng đắc đạo quả Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng.
Đức Bảo Tạng Như Lai đều thọ ký cho họ. Những vị cuối cùng trong số này có danh hiệu là Tỳ Bà Thi Như Lai, Thi Khí Như Lai, Tỳ Thi La Phi Như Lai. Đó là việc thọ ký cho các Đồng Tử.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Mốt - Pháp Hội Tự Tại Vương Bồ Tát - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Năm Mươi Năm - Phẩm đàn Di Ly
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Bốn Mươi Bảy - Phẩm Nhân Duyên Của đại Ca Diếp - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Sakuludayi - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Sáu Mươi Tám - Phẩm Vô Tận