Phật Thuyết Kinh Duyên Sinh Sơ Thắng Phần Pháp Bản - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đạt Ma Cấp Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT

KINH DUYÊN SINH SƠ

THẮNG PHẦN PHÁP BẢN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Cấp Đa, Đời Tùy  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Bà Già Bà ở tại khu vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo.

Lúc đó, tại giảng đường có rất nhiều Tỳ Kheo đang tập hợp bàn luận: Này các vị! Đức Thế Tôn thường dùng vô lượng các môn để nói về mười hai phần duyên sinh. Trong mười hai chi đó, trước tiên diễn nói vô minh dùng làm thể của duyên.

Do nhân duyên gì, trong tất cả phiền não nơi các hành duyên chỉ nói vô minh dùng làm thể của duyên?

Đối với vô minh này thấy được điều thù thắng gì?

Các Tỳ Kheo này đang tụ tập bàn luận về vấn đề đó chưa xong. Cũng ngay hôm ấy, Đức Thế Tôn nhập định, dùng thiên nhĩ thanh tịnh hơn hẳn người thường, nghe sự nghị luận của các Tỳ Kheo ấy. Về xế chiều, Đức Thế Tôn xả định, đến nơi giảng đường, đến rồi đứng trước chúng Tỳ Kheo và ngồi vào tòa vừa được bày biện.

Ngồi xong, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo! Cớ gì các vị tụ tập nơi đây và đang bàn luận dở dang về vấn đề gì?

Các Tỳ Kheo thưa: Thưa Đại Đức! Chúng Tỳ Kheo các con tụ tập nơi đây nghị luận thế này: Này các vị! Đức Thế Tôn từng dùng vô lượng các môn để nói về mười hai phần duyên sinh. Trong mười hai chi đó, trước hết diễn nói vô minh dùng làm thể của duyên. Do nhân duyên gì trong tất cả phiền não nơi các hành duyên chỉ nói vô minh dùng làm thể của duyên.

Đối với vô minh này thấy được sự thù thắng gì?

Thưa Đại Đức! Chúng Tỳ Kheo các con tập trung nơi đây và đang bàn luận chưa xong về vấn đề đó.

Các Tỳ Kheo vừa thưa xong, Đức Thế Tôn liền bảo: Này các Tỳ Kheo! Có pháp môn tên là Duyên Sinh Sơ Thắng Phần, các vị hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ! Ta sẽ vì các vị mà giảng nói!

Này các Tỳ Kheo! Thế nào là pháp môn duyên sinh sơ thắng phần?

Có mười một pháp thù thắng trong sự thù thắng, an lập vô minh làm duyên đầu tiên cho duyên sinh.

Những gì là mười một?

1. Phan duyên thù thắng.

2. Chủng loại thù thắng.

3. Do tự thù thắng.

4. Đẳng khởi thù thắng.

5. Chuyển sinh thù thắng.

6. Điên đảo thù thắng.

7. Tướng thù thắng.

8. Nghiệp thù thắng.

9. Chướng ngại thù thắng.

10. Thuận phược thù thắng.

11. Đối trị thù thắng.

Khi ấy, có Tỳ Kheo khác, liền từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, bày vai phải, hướng lên Đức Thế Tôn, chắp tay cúi mình bạch: Bạch Đại Đức! Thế nào là phan duyên thù thắng của vô minh?

Đức Phật nói: Này Tỳ Kheo! Nhân, quả đều là lỗi lầm, tất cả phần nhiễm nơi nhân quả, cùng với tất cả phần tịnh của công đức, cả hai đều là chỗ duyên dựa của vô minh.

Này Tỳ Kheo! Đó là Phan duyên thù thắng của vô minh.

Tỳ Kheo bạch Đức Phật: Bạch Đại Đức! Thế nào là chủng loại thù thắng của vô minh?

Đức Phật nói: Này Tỳ Kheo! Che lấp chân thật, hiển bày cái không chân thật.

Này Tỳ Kheo! Đó là Chủng loại thù thắng của vô minh.

Tỳ Kheo bạch Đức Phật: Bạch Đại Đức! Thế nào là do tự thù thắng của vô minh?

Đức Phật nói: Này Tỳ Kheo! Đối với tất cả phiền não nhiễm, nghiệp nhiễm, sinh nhiễm làm đầu mối cho trụ xứ căn bản.

Tỳ Kheo bạch Đức Phật: Bạch Đại Đức! Thế nào là tất cả phiền não nhiễm?

Đức Phật nói: Này Tỳ Kheo! Lược nói có ba thứ phiền não là tất cả phiền não nhiễm. Đó là phiền não không trí tuệ, phiền não nghi tuệ và phiền não tà tuệ.

Tỳ Kheo bạch Đức Phật: Bạch Đại Đức! Thế nào là tất cả nghiệp nhiễm?

Đức Phật nói: Này Tỳ Kheo! Lược nói về tự tướng nơi ba thứ sai biệt là thân, miệng, ý và tướng chướng ngại đối trị nơi ba thứ sai biệt. Chướng ngại không phải là phước. Đối trị là phước và bất động thâu tóm chung mọi nghiệp nhiễm.

Tỳ Kheo bạch Đức Phật: Bạch Đại Đức! Thế nào là tất cả thứ sinh nhiễm?

Đức Phật nói: Này Tỳ Kheo! Lược nói về chỗ nương dựa của ba thọ. Đó là thọ khổ, thọ vui và thọ không khổ không vui.

Ba khổ là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ, thâu tóm chung mọi sinh nhiễm.

Tỳ Kheo bạch Đức Phật: Bạch Đại Đức! Thế nào là tất cả thứ phiền não nhiễm, nghiệp nhiễm và sinh nhiễm đều do vô minh làm đầu mối cho trụ xứ căn bản?

Đức Phật nói: Này Tỳ Kheo! Ở trong thật đế có hai thứ ngu: Chưa sinh phiền não nhiễm liền khiến nó sinh. Nếu đã sinh rồi thì làm cho nó dần dần tăng trưởng. Chưa sinh nghiệp nhiễm thì khiến nó sinh, nếu đã sinh rồi lại theo đó mà tích tập.

Chưa sinh sinh nhiễm thì khiến nó sinh, nếu đã sinh rồi thì không thể di chuyển. Thế nên nói tất cả thứ phiền não nhiễm, nghiệp nhiễm và sinh nhiễm đều do vô minh làm đầu mối của trụ xứ căn bản.

Này Tỳ Kheo! Đó là Đầu mối. Do tự thù thắng của vô minh.

Tỳ Kheo bạch Đức Phật: Bạch Đại Đức! Thế nào là Đẳng khởi thù thắng của vô minh?

Đức Phật nói: Này Tỳ Kheo! Vô minh này đối với khổ đế nơi đời vị lai thâu giữ thân sinh do ngu lầm nên không rõ. Đối với Khổ đế của hiện tại, thâu giữ thân đã đạt được cũng do ngu lầm nên không hiểu.

Do ngu lầm cho nên thâu chứa duyên sinh và chuyển xuất duyên sinh, thâu chứa hòa hợp cùng chuyển xuất hòa hợp. Hai thứ duyên sinh này và hai thân vị lai, hiện tại ngu lầm, đều do vô minh làm duyên đẳng khởi.

Tỳ Kheo bạch Đức Phật: Bạch Đại Đức! Thế nào là thâu chứa duyên sinh, hòa hợp nơi thâu chứa?

Đức Phật nói: Này Tỳ Kheo! Thứ nhất, vô minh duyên hành, hành duyên thức. Cũng như vậy danh sắc, lục nhập, xúc duyên thọ. Đó gọi là thâu chứa duyên sinh, hòa hợp nơi thâu chứa.

Tỳ Kheo bạch Đức Phật: Bạch Đại Đức! Thế nào là chuyển xuất duyên sinh hòa hợp chuyển xuất?

Đức Phật nói: Này Tỳ Kheo! Thứ hai, trong duyên của vô minh thì thọ duyên ái, ái duyên thủ. Cũng giống như vậy, hữu duyên sinh, cho đến sinh duyên lão tử. Đó gọi là chuyển xuất duyên sinh hòa hợp chuyển xuất.

Tỳ Kheo bạch Đức Phật: Bạch Đại Đức! Thế nào là vô minh đứng đầu, đối với sự thâu chứa duyên sinh hòa hợp nơi thâu chứa mà khởi lên duyên?

Đức Phật nói: Này Tỳ Kheo! Vô minh này đối với thân sinh trở lại do ngu lầm không hiểu, liền cầu sinh tử lại. Do ngu lầm cầu sinh trở lại ấy nên ở trong chỗ sinh lại ấy đã thấy toàn việc tốt. Nhưng ở nơi ái của hiện tại không ái cảnh giới, do chấp trước phân biệt tạo ra hạnh phi phước.

Nghĩa là đối với các vật dụng sinh ra bần cùng, đối với chỗ tổn não sinh ra sân hận tương ưng, đối với tốt xấu không giữ được sự suy nghĩ so lường, liền khởi các hành buông lung, mê lầm, suy nghĩ về việc ác của đời khác lại không hay biết.

Thế nên tạo hành phi phước, vô minh làm duyên. Nếu ở trong chỗ sinh trở lại hoặc thấy việc tốt, hoặc thấy nẻo xuất ly, liền tạo hành phước và hành bất động, hoặc nhân nơi chỗ giảng nói pháp mà hiểu biết, hoặc tự tu tập tĩnh niệm. Trong sự giác niệm ấy tuy có tâm thiện nhưng chẳng phải là suy nghĩ chân chánh. Vì lý do đó cho nên bị sự sinh trở lại mê hoặc dắt dẫn.

Đó là đối với sự sinh trở lại chỉ thấy việc tốt, không có khiếp nhược, thấy nẻo xuất ly không khiếp nhược, nơi phước, phi phước đều hành bất động, tướng ác, đối được đối trị… trong sáu thức thân cùng sinh cùng diệt, tức ở trong quả báo hiện tại thức sinh diệt, đặt để các hạnh được huân tập ấy, sau mới sinh ra mọi chủng tử hiện có thâu giữ tương ưng, mọi chủng tử hiện có đều đã thâu giữ, sau nếu phát sinh tức là có thứ lớp.

Nghĩa là thâu tóm danh sắc, lục nhập, xúc… dần dần phát sinh, danh sắc… ở trong quả báo hiện tại nơi thức ấy sinh ra tướng nhân, chưa phải là tướng quả. Thế nên nói là thâu chứa duyên sinh.

Này Tỳ Kheo! Đó là vô minh thứ nhất đối với những sự thâu chứa duyên sinh hòa hợp nơi sự thâu chứa mà khởi duyên.

Tỳ Kheo bạch Đức Phật: Bạch Đại Đức! Thế nào là vô minh sau, đối với chuyển xuất duyên sinh hòa hợp chuyển xuất ấy mà khởi duyên?

Đức Phật nói: Này Tỳ Kheo! Nơi thân hiện tại này khởi lên mê lầm, do lục nhập, xúc làm duyên thọ sinh, liền được mùi vị ấy. Do được mùi vị ấy cho nên đời vị lai trở lại tìm cầu thọ nhận loại này. Khi cầu liền khởi lên thủ, ở trong lạc thọ khát ái làm duyên nên sinh ra dục thủ.

Dục thủ là dục phân biệt, dục ấy đứng đầu nên mới có phiền não của Cõi Dục. Nếu lại cùng thọ mới làm duyên liền sinh không có khát ái, cùng hạnh chán lìa, nó tương ưng với sự nhàm chán, xa lìa chưa là đạo lý.

Nó dựa vào khát ái, chẳng phải phương tiện, tìm cầu không có thời hạn tức có xuất ly khởi tà kiến, quyết định là tà kiến và nương tựa vào hai tà kiến đó. Nương tựa cũng có hai hợp làm bốn thứ, do nó khiến khát ái ấy duyên vào thủ.

Nếu lấy thủ ấy làm chỗ nương tựa thì chưa được lìa dục. Như vậy, lúc chết, bốn thứ kiến chấp ấy cùng với phiền não của Cõi Dục, do dục khát ái làm duyên sinh thủ. Nếu lại lìa dục, lìa sắc thì khát ái của Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc sinh ra thường hữu.

Nếu ở trong Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc khi sinh phiền não thì nơi hai cõi ấy liền khởi thủ. Phiền não của hai cõi ấy và các cái kiến chấp này, hoặc do khát ái của Cõi Sắc làm duyên sinh thủ. Hoặc do khát ái của Cõi Vô Sắc làm duyên sinh thủ.

Như vậy là khát ái duyên thủ, đã được quả báo của các hành huân tập nơi thức cùng thủ mà sinh. Thủ ấy thâu tóm rồi, trước đã tích tập các hành hiện có, khát ái hiện có chưa diệt, mỗi mỗi xứ ấy được hiện tiền, vì khiến tự thân chuyển xuất.

Do nhân duyên ấy, hữu đối với xuất sinh, cho nên nói hành ấy là hữu. Vì lực của thủ ấy nên hành là hữu, đối với tử này trước đã thâu chứa, nên sự xuất sinh làm duyên chuyển xuất, do đó gọi là hữu duyên sinh. Ở trong sự chuyển xuất, khi xuất sinh tướng hoại khác với đời trước. Lại đến giai đoạn ấy, cái chết tới gần, thọ mạng hết, thế nên gọi là sinh duyên lão tử.

Này Tỳ Kheo! Đó là vô minh thứ hai đối với chuyển xuất duyên sinh hòa hợp chuyển xuất dấy khởi làm duyên.

Tỳ Kheo bạch Đức Phật: Bạch Đại Đức! Vì sao trong chuyển xuất duyên sinh chỉ nói đến hai thứ khát ái, thủ mà không nói là các hành duyên.

Đức Phật nói: Này Tỳ Kheo! Khát ái, thủ nơi cảnh giới của mình, theo sự sai biệt mà đoạn trừ. Như khát dục và thủ, không nên tạo nơi Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc với hành bất động, duyên chẳng phải là cảnh giới. Như khát dục, đối với hành bất động như là sắc khát, ở trong Cõi Vô Sắc là vô sắc khát, ở trong Cõi Dục, Cõi Sắc là sắc khát, ở trong Cõi Dục cũng giống như vậy.

Tỳ Kheo bạch Đức Phật: Bạch Đại Đức! Vì sao dục khát cùng thủ không làm duyên với hành phước và hành phi phước?

Đức Phật nói: Này Tỳ Kheo! Đối với cảnh giới đang có hiện tiền này, ái cùng với không ái làm duyên tăng thượng. Do có dục khát khởi lên căn bất thiện, tạo hành phi phước. Vì ở trong nhân quả nơi hành phi phước không biết được cái ác ấy, đó là tâm ác và chỗ làm ác… vì không biết nên khởi hành phi phước.

Mà tâm và chỗ làm ác… ấy chỉ do vô minh làm duyên, chẳng phải khát ái làm duyên, cùng với căn bất thiện nhưng không cùng với cảnh giới. Nếu do dục khát tạo hành phước, nương vào lòng tin mà làm. Nghĩa là tin chết rồi sinh, sinh ắt phải nhờ vào duyên. Do tin thâu tóm nên mọi khát thủ được hiện bày.

Ta chỉ nêu bày về chỗ làm che lấp vô ký, nếu pháp che lấp vô ký thì không thể dấy khởi hành. Do ở trong nhân quả hành phước không biết xuất ly, mong cầu có thể sinh ái liền tạo hành phước. Thế nên, tuy nói hành phước cũng do vô minh làm duyên.

Bạch Đại Đức! Vì sao khát thủ của Cõi Sắc không cùng với Cõi Sắc làm duyên cho hành bất động?

Đức Phật nói: Này Tỳ Kheo! Người chưa lìa dục, sắc khát chưa sinh, chưa được trụ xứ, vì chưa có thời, chưa được trụ xứ, nên không thể làm duyên cho hành bất động của Cõi Sắc khiến nó được khởi. Như Sắc giới khát ở trong hành bất động của Cõi Sắc. Do vậy, Cõi Vô Sắc khát ở trong hành bất động của Cõi Vô Sắc cũng như vậy.

Do ở trong thân Cõi Sắc, thân Cõi Vô Sắc có lỗi lầm xấu ác, thấy được việc tốt ấy tưởng niệm suy nghĩ, hoặc nhân nói pháp, hoặc nhân dạy dỗ trao truyền pháp, nên có sự suy nghĩ không chân chánh này, cùng với hành ấy làm duyên.

Nhưng sự suy nghĩ không chân chánh này do vô minh dẫn dắt, không suy nghĩ quả chân chánh cùng với vô minh hòa hợp và hành bất động làm duyên, thế nên hành bất động ấy cũng do vô minh làm duyên.

Tỳ Kheo nên biết! Lại không có một khát ái làm nương tựa, tạo các hành phước và hành bất động. Do không có khát ái cho nên thấy sự lỗi lầm của các hữu, thế thì đâu cần cầu hữu, nhưng lại không biết như thật về vô hữu. Do không biết như thât, lại chưa được đạo đối trị, cho nên mê lầm chỗ chẳng phải đối trị làm tưởng đối trị, liền tạo hành phước và hành bất động.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần