Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Mười Chín
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM BẢY
PHẨM THÂN NIỆM XỨ
TẬP MƯỜI CHÍN
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem tại sao những chúng sinh khi nghiệp lành hết phải chịu sự khổ về thoái đọa, chết chóc?
Khi thọ sinh do tinh cha huyết mẹ, ở trong niệu đạo thức sinh thọ thai, gió nghiệp tụ tập, hòa hợp chuyển động bảy ngày thay đổi một lần, gọi là A Phù Đà. Trong thời kỳ A Phù Đà do đời trước không sát sinh nên thức tâm không diệt, không bị hư nát.
Bảy ngày tiếp theo gọi là Thân Già Na, phiền não làm mờ tối thức, nhưng vẫn không bị hủy hoại. Như thế, đến bốn mươi chín ngày gọi là nhục đoàn cục thịt trụ trong thai khoảng giữa phân và nước tiểu. Khi người mẹ cử động, hoặc người mẹ ăn uống gì thì bào thai bị đè nén, cực khổ như bồ đào bị ép.
Lại do gió nghiệp thổi động cục thịt, cục thịt tăng trưởng, sinh ra năm bọc tròn, đó là hai chân, hai tay và đầu. Lại do gió nghiệp chuyển động, tăng trưởng sinh ra phần mô, trong ấy có các mạch như cái ống trên thông với sinh tạng. Nếu người mẹ ăn thức ăn nóng, thức ăn lạnh, hoặc ngon hay dở thì thức ăn đó theo lỗ ống mạch gân đi vào trong rốn để nuôi mạng sống nơi thai giúp nó không chết. Như vậy, khi ở trong thai, bào thai chịu các khổ não lớn.
Nếu không bị chết, không bị hoại diệt thì bị nước ối làm dơ bẩn. Mười tháng nơi thai như lao ngục, bị khổ não bức bách, khắp thân thể giống như bị núi đè. Sau khi được sinh ra, đứa bé tiếp xúc với gió, với Mặt Trời phải chịu nhiều khổ sở. Thả ra trên mặt đất thì tùy ý bò đi, tự nút ngón tay, trong ngón tay sinh ra sữa khiến đứa trẻ phát triển và có thọ mạng, lớn lên thành đứa trẻ, rồi trưởng thành, tráng niên và dần dần suy yếu, già nua.
Khi gió diệt, do nghiệp nơi chúng sinh nên nghiệp tạng xoay chuyển như nghiệp đã tạo, hoặc thiện, hoặc ác theo đấy mà thành tựu. Chúng sinh như thế hiện thấy quả báo của nghiệp khổ não là vậy nhưng vẫn còn phóng dật.
Gốc khổ phải thọ nơi sinh tử đó là sinh. Nào lạnh, nóng, đói, khát, mệt mỏi, bệnh hoạn, ốm đau, yêu thương chia lìa, oán ghét gặp nhau… ở trong sinh tử, sinh là nỗi khổ lớn, theo sinh tử xoay vần.
Vô thường, khổ, không, sinh diệt, vô ngã, tại sao người Cõi Uất Đan Việt lại không hiểu biết?
Như thế mọi thứ từ hang núi, vườn rừng, hoa quả đến sông suối, ao hồ, hoa sen… tất cả đều chịu sự vô thường hủy hoại, trở về với hư không. Tất cả chúng sinh đều phải chết nếu được sinh lên Cõi Trời. Khi mạng sống ở đấy hết thì tùy theo nghiệp đã tạo lại bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Quan sát về quả báo của nghiệp như vậy, người tu hành thấy rõ sinh tử thông qua người bạch quang minh mà sinh lòng thương xót.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem nơi Cõi Uất Đan Việt lại có những núi rừng đáng ưa nào nữa?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy Cõi Uất Đan Việt có một núi lớn tên Câu Xa Da Xá, ngang rộng một ngàn do tuần, có ao hoa sen tên là Thanh lương, ngang rộng năm trăm do tuần.
Đầy khắp trong ao là những hoa sen sắc vàng, không có bùn dơ. Vô số những bầy ong, ngỗng, vịt, uyên ương làm tăng thêm vẻ đẹp nơi ao hoa. Ao hoa còn có hoa câu xa da xa Cõi Trời, hoa Mạn Đà La, cây cối, hoa quả, sông suối, hang động, vườn rừng, ao hồ mát mẻ như trước đã kể.
Ngay giữa núi Câu Da Xá, vùng đất rộng khoảng năm trăm do tuần có tám vạn bốn ngàn cung điện kỳ lạ và khả ái. Hoặc có cung điện bằng vàng ròng thì lan can bằng bạch ngân. Hoặc cung điện bằng bạch ngân thì lan can bằng vàng ròng.
Cung điện bằng pha lê thì lan can bằng Tỳ Lưu Ly. Cung điện bằng Tỳ Lưu Ly thì lan can bằng pha lê. Cung điện là ngọc báu xanh thì lan can bằng xa cừ. Cung điện bằng xa cừ thì lan can bằng báu nhân đà… Như vậy, xen lẫn giữa những lan can báu là những lưới linh báu đầy khắp.
Âm thanh ca múa, cười đùa, kỹ nhạc vui rộn khiến lòng người luôn hoan hỷ, cây Bồ Đào bò lan khắp nơi. Giống như thành lớn Thiện Kiến, Thiện pháp đường nơi Cõi Trời Đao Lợi, núi lớn oai nghiêm Câu Xa Da Xá cũng lại như vậy. Núi này cũng có tám vạn bốn ngàn cung điện với các vườn rừng, sông hồ, cây cối, hoa quả… thảy đều gồm đủ. Người sống trong núi ấy tên là Tạp Sắc, tâm thường hoan hỷ, ca múa, cười đùa, ăn uống vui vẻ.
Lại nữa, người tu hành quan sát nghiệp và quả báo, chúng sinh vì sao không thấy nỗi khổ ái ân phải xa lìa?
Tất cả chúng sinh vì ân ái phải chia lìa, đi đến nơi khác, không biết hết thảy đều phải chết, đều phải hoại diệt, tùy theo nghiệp đã tạo mà nhận lấy quả báo. Nếu có nghiệp lành thì được sinh lên Cõi Trời, sinh vào cõi người, còn nếu là nghiệp ác thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Người Tạp sắc ở đây thường buông lung, không biết nhàm chán, đắm nhiễm nơi dục lạc của sắc, thanh, hương, vị, xúc, bị ái trói buộc, chìm nổi nơi sông ái, thiêu đốt trong lửa dục nhưng vẫn không hiểu biết về lý vô thường.
Chết đi hoại diệt rơi vào nơi chốn tăm tối vô tận, không thấy được nỗi khổ của sự già nua, hủy hoại tuổi thiếu niên cường tráng, không thấy lửa chết sắp thiêu đốt mọi người, có thể khiến phải vĩnh viễn xa lìa tất cả người thân. Chết giống như ngọn lửa lớn thiêu đốt cây mạng người, đốt cháy rừng chúng sinh.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem người nơi Cõi Uất Đan Việt do nghiệp gì được sinh trong mười núi?
Mười núi đó là:
1. Núi Tăng Ca Xa.
2. Núi Bình Đẳng Phong.
3. Núi Vật Lực Già.
4. Núi Bạch Vân Trì.
5. Núi Cao Tụ.
6. Núi Man Trang Nghiêm.
7. Núi Nhân Đà La Lạc.
8. Núi Hoan Hỷ Trì.
9. Núi Tâm Thuận.
10. Núi Câu Xa Da Xá.
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy những chúng sinh này do nghiệp lành từ đời trước: Không giết, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu, tạo mười nghiệp lành nên sinh trong núi này.
Lại nữa, người tu hành quan sát về nghiệp, quả báo xem do nghiệp gì mà những chúng sinh kia sắc lực, hình tướng hơn hẳn những chúng sinh khác?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy những chúng sinh kia có chánh kiến, thực hành bố thí, tâm không dua nịnh, không não hại chúng sinh, lòng ngay thẳng, hay thương xót, thực hành theo chánh pháp, thân gần với chánh pháp.
Do nhân duyên này nên sau khi qua đời, những chúng sinh ấy được sinh vào đường lành, sinh nơi Cõi Trời Tứ Thiên Vương, Trời Tam Thập Tam. Ở đó, khi mạng chung được sinh nơi mười núi này. Khi chết ở nơi này được sinh qua nơi khác.
Lại nữa, người tu hành quan sát về nghiệp, quả báo xem do nghiệp duyên gì mà những chúng sinh này được nhận quả báo thù thắng?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy những chúng sinh ấy do đời trước bố thí sự không sợ cho những người sợ hãi, cứu giúp, đem lại sự sống cho những kẻ tử tội, do nhân duyên này nên khi chết được sinh vào đường lành, hoặc sinh lên Cõi Trời Tứ Thiên Vương, hoặc sinh lên Cõi Trời Tam Thập Tam, hoặc sinh lên Cõi Trời Dạ Ma.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem những chúng sinh ấy do nhân duyên gì mà được sinh lên Cõi Trời thù thắng, hơn hẳn những Cõi Trời khác, có sắc diện, tướng mạo khả ái, được chúng sinh cúng dường?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy những chúng sinh này ở đời trước thích nghe chánh pháp của Đức Phật, Thánh Pháp Tỳ Ny, đọc tụng pháp Phật, cho dù chỉ một bài kệ, đọc tụng suy nghĩ.
Do nhân duyên được nghe một câu chánh pháp nên được làm Chuyển Luân Vương, thống lãnh bốn cõi thiên hạ, khi chết ở nơi ấy thì được sinh lên Cõi Trời, trở lại nơi sáu Cõi Trời thuộc Dục Giới một lần, hai lần, cho đến bảy lần, đó là Trời Tứ Thiên Vương, Trời Tam Thập Tam, Trời Dạ Ma, Trời Đâu Suất Đà, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại, khi mạng chung ở Cõi Trời này thì sinh đến Cõi Trời khác.
Do tâm lành nên được vui thọ hưởng sắc, thanh, hương, vị, xúc, lại được sinh trở lại nơi Cõi Trời, mạng chung do đời trước nghe chánh pháp nên đời sau chứng được Sơ Thiền, sinh lên Cõi Trời Phạm Thiên, hoặc Trời Phạm Chúng, hoặc Trời Đại Phạm.
Lại do diệu lực từ nhân duyên của chủng tử nghe chánh pháp nên đời sau chứng đắc đệ Nhị Thiền, ở đấy qua đời thì được sinh lên Cõi Trời Thiểu Quang, Trời Vô Lượng Quang, Trời Quang Âm.
Lại do diệu lực từ nhân duyên của chủng tử nghe pháp nên đời sau đắc đệ Tam Thiền, sinh lên Cõi Trời Biến Tịnh, Trời Phước Đức Sinh.
Lại do nhân duyên nghe chánh pháp, tu tập, hỏi nghĩa lý, suy xét, nên đời vị lai chứng được đệ tứ thiền, dùng lửa trí lìa đắm nhiễm thiêu đốt cây phiền não, sinh lên Cõi Trời Vô Lượng Thiên, Trời Biến Thiện, Trời Quảng Quả.
Lại do nhân duyên nghe chánh pháp, chủng tử tu hành, đọc tụng, hỏi nghĩa lý, tư duy, giúp cho những người tà kiến trụ trong chánh kiến, độ tất cả hữu tình qua khỏi hiểm nạn, diệt trừ hết các lậu, đắc đạo Duyên Giác.
Người nào phát nguyện cầu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề thì thành tựu quả vị Vô Thượng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Do diệu lực từ nhân duyên nghe chánh pháp: Nghe chánh pháp là nghe bố thí, trì giới, lấy đó làm căn bản.
Vì sao?
Nghe pháp ở đây nghĩa là: Người tại gia hay xuất gia nghe nói về quả báo của bố thí đã hiểu rõ rồi và thực hành bố thí, biết đúng quả báo của bố thí. Nghe quả báo của trì giới và giữ gìn giới cấm. Nghe quả báo của trí tuệ, tu tập trí tuệ, nghe rồi liền được sinh lên Cõi Trời, sau cùng được giải thoát. Nghe pháp là chủng tử để sinh Thiên, đạt đến Niết Bàn.
Bố thí hết thảy hoặc bố thí của cải để sinh sống, hoặc bố thí vô úy, hoặc bố thí trì giới, thì bố thí nghe chánh pháp là bố thí đệ nhất. Trì giới nghe chánh pháp cũng là đệ nhất. Nếu nghe chánh pháp rồi thuyết giảng cho người khác, giúp họ bỏ điều ác, khiến chánh pháp tăng trưởng là người cha của chánh pháp.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân, qua cõi Uất Đan Việt lại có những người nào ở?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy phía Bắc Cõi Uất Đan Việt có nước ngang rộng hai ngàn do tuần.
Nước thứ nhất tên Ca Xa Tỳ Lê, ngang rộng ba trăm do tuần. Nước này có sông tên Ca Xa Tỳ Lê, nơi ở của dân chúng tại đây cũng tên Ca Xa Tỳ Lê. Ao hoa sen, hoa quả, vườn rừng, cành lá đan xen lẫn nhau, như đã nói ở trước.
Đi hết nước này có sông tên A Di Đa. Biên vực của vùng này ngang rộng bảy trăm do tuần, vườn rừng, ao hoa thảy đều đầy đủ, như trước đã nói.
Bên bờ sông A di đa có năm nước nữa:
1. Nước Thiên Quang Trì.
2. Nước Ba La Xa Trì.
3. Nước Man Y.
4. Nước Khổng Tước Âm.
5. Nước Sơn Kiến Trụ.
Nước Thiên Quang Trì ngang rộng một trăm năm mươi do tuần. Nước Ba La Xa Trì ngang rộng một trăm năm mươi do tuần. Nước Man Y rộng hai trăm do tuần. Nước Khổng tước âm rộng một trăm do tuần. Nước Sơn Kiến Trụ ngang rộng một trăm do tuần.
Lại có mười nước, mỗi mỗi nước đều rộng một trăm do tuần.
Mười nước đó là:
1. Nước Câu Đăng Già.
2. Nước Trì Hương.
3. Nước Hắc Phục.
4. Nước Chuyển Mục.
5. Nước Sơn Hiểm Ngạn.
6. Nước Thuận Hành.
7. Nước Tứ Phương.
8. Nước Viên.
9. Nước Phát Phú.
10. Nước Tăng Già Đa.
Lại xem xét các nước này thấy sông ao, vườn rừng, hoa quả đầy đủ, cũng như trước đã nói. Bốn phương của châu ấy, mặt người cũng như vậy, như mặt người cõi Diêm Phù Đề giống như hình dáng của châu lớn, trên rộng dưới hẹp. Người Cõi Uất Đan Việt khuôn mặt cũng giống như châu lớn. Xem xét cõi Uất Đan Việt, tất cả đảo, đảo nhỏ, hang núi, vườn rừng, hoa quả, sông hồ, cầm thú đều đầy đủ.
Xem xét như thế rồi, vị ấy biết rõ về ngoại thân.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Tập đại Phương đẳng Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội - Phẩm Một - Phẩm Tựa
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bốn Mươi Chín
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Sáu - Phẩm Năm - Phẩm Niệm Trụ
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Chín Mươi Ba - Kinh Bà Già Bắt Gấu
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Về Chuyện Người Trả Nợ Làm Thân Trâu Bò
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Phần Tám - Y Pháp Xuất Sanh