Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Mười Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM BẢY
PHẨM THÂN NIỆM XỨ
TẬP MƯỜI HAI
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem tại sao Hỏa đại không điều hòa làm chấm dứt mạng sống?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy khi chết Hỏa đại không điều hòa nên tất cả mạch máu trong thân, tất cả gân, tất cả những thành phần giúp đỡ gân, da, thịt, xương, máu, mỡ, tủy và tinh khí, hết thảy đều bị đốt nấu. Ngọn lửa bốc cao như đốt than Khư đà la.
Lửa tụ lại như núi, ném miếng bơ vào đó, đốt lên thì lửa sẽ bốc cao. Như vậy, thân thể giống như miếng bơ ném vào lửa, chịu cái chết khổ sở cũng lại như vậy, không thể Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Thân đời này sắp hết nhưng tâm niệm vẫn tiếp nối.
Tất cả những kẻ phàm phu ngu si do vì tâm duyên với nhớ nghĩ, giống như thọ sinh, như dấu ấn của con dấu. Khi chết, thân đời này đã hết nhưng tâm vẫn thọ sinh cũng lại như vậy. Do sức nhân duyên của tâm như khỉ vượn mà chịu sự sinh tử liên tục.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem tại sao khi chết Phong đại không điều hòa, đoạn dứt mạng người?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy khi sắp chết Phong đại không điều hòa, toàn thân với tất cả gân mạch, tất cả thân giới như là da, thịt, xương, máu, mỡ, tủy và tinh khí thảy đều tan hoại, khô cạn, không có trơn láng, phá hoại lẫn nhau, từ thân đến đầu phân chia tan rã như đất cát. Thí như miếng bơ bị gió lốc thổi tan hoại, mất đi chất béo, bị phân tán như cát ở trong hư không.
Khi người chết, Phong đại không điều hòa, bị sự khổ đau của cái chết bức bách cũng lại như vậy, không thể nào nhớ nghĩ Phật, Pháp và Tăng. Tất cả pháp đều duyên vào tâm tương tục mà sinh, như dấu ấn của con dấu. Khi mạng chung, tâm thọ sinh cũng lại như vậy. Do sức nhân duyên của tâm như khỉ vượn mà thọ thân sinh lão bệnh tử.
Đó gọi là bốn đại không điều hòa nên có bốn cách chết. Hành giả thấy vậy rồi, liền quan sát về vô thường, khổ, không và vô ngã. Thấy như vậy rồi, vị ấy tránh xa cảnh giới của ma, tiến gần đường Niết Bàn, không còn vui thích đắm nhiễm vào ái dục theo sắc, thanh, hương, vị, xúc.
Không phát khởi tâm ái dục, xa lìa cấu nhiễm nơi ngoại trần, xa lìa cánh đồng si mê, không đắm vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, không phát khởi lòng kiêu mạn, ỷ vào sắc đẹp, không ỷ vào tuổi trẻ, không ỷ vào mạng sống, không ưa nói nhiều, không ngao du rong chơi trong làng xóm, không ưa thích gì cả, thường nghĩ đến cái chết đáng sợ. Đối với tội lỗi nhỏ nhặt, phát sinh sợ hãi, e dè.
Biết rõ về thân rồi, vị ấy biết được pháp sinh diệt, lòng chán ghét, xa lìa tất cả dục nhiễm, thích tu hành chánh pháp, không biếng nhác. Như vậy, các vị Tỳ Kheo ở thôn xóm của Bà La Môn, Trưởng giả nơi Na la đế đã quan sát và tu hành.
Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân.
Thế nào là tu hành quán nội thân và ngoại thân?
Nghĩa là quán pháp bên ngoài rồi quan sát nội thân trên thân, tức là quan sát chủng tử như mầm hạt giống, từ mầm phát sinh thân cây, từ thân cây sinh ra lá, từ lá sinh ra hoa, từ hoa sinh ra quả. Đây là pháp quán bên ngoài.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân, chủng tử của thức đã có, cộng với nghiệp, phiền não, nhập vào vật chất bất tịnh, gọi là An phù đà. Từ An phù đà gọi là Ca la la. Từ Ca la la gọi là Già na. Khi từ Già na gọi là khối thịt. Từ khối thịt sinh ra năm chi phần trong thai. Năm chi phần trong thai là hai chân, hai tay và đầu. Từ năm chi phần trong thai sinh ra năm căn. Như vậy, theo tuần tự phát triển cho đến khi già, chết.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quan sát ngoại thân xem cỏ cây lúc trước thì thấy màu xanh lục, về sau biến thành màu vàng, cuối cùng bị rơi rụng như thế nào thì thân thể cũng vậy, đầu tiên trông thấy là trẻ con, tiếp đến là trung niên, dần dần già yếu rồi đi đến chỗ chết.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem các chủng tử bên ngoài phát sinh như thế nào?
Từ mặt đất sinh ra các loại cỏ thuốc, rồi tạo thành rừng và dần dần được sum suê. Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy các pháp này đều do nhân duyên, do sức phát sinh, hoặc là ở bên ngoài, hoặc là ở bên trong tất cả những pháp hữu vi, ngoại trừ ba pháp: Số duyên vô vi, phi số duyên vô vi và hư không vô vi.
Thế nào là các pháp đều do sức lực chuyển động?
Nghĩa là do vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, ưu bi khổ não. Như vậy, là tập hợp tất cả một khối khổ lớn.
Nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử, ưu bi khổ não tập hợp một khối khổ lớn diệt. Như vậy, chính là diệt trừ tập hợp một khối khổ lớn.
Như vậy, các pháp hoặc bên ngoài, hoặc bên trong làm duyên lẫn nhau mà được sinh trưởng. Như thế, người tu hành quán nội thân trên thân, ba loại cảnh giới của ngoại thân, tùy thuận quan sát. Quan sát bên trong cũng như vậy, bên ngoài cũng như bên trong, quan sát một cách rõ ràng. Như vậy, người tu hành quán sát các pháp bên ngoài và các pháp bên trong.
Trước tiên quan sát cõi Diêm Phù Đề và làm cho chánh pháp tăng trưởng, tu phép quán các pháp bên trong. Phân biệt quan sát chung cả Trời, người, chỉ quan sát chứ không có giác. Các nguyên nhân bên trong nhờ bên ngoài là tất cả bốn đại.
Các nguyên nhân bên ngoài nhờ bên trong là tâm và tâm sở. Có sự tăng trưởng nhờ các pháp bên ngoài và các pháp bên trong. Nếu có pháp bên trong nào thì hiểu rõ pháp đó. Nếu pháp bên trong tăng trưởng thì xem các pháp bên ngoài sẽ biết rõ.
Tại sao các pháp bên trong nhờ các pháp bên ngoài được tăng trưởng?
Các pháp bên ngoài là: Giường, nệm, ngọa cụ, thuốc men… những vật cần dùng thảy đều đầy đủ. Tỳ Kheo hay làm tăng trưởng các pháp lành. Nếu không có ngọa cụ, thuốc men dùng khi bệnh đau thì không thể làm tăng trưởng các pháp lành, không có tâm mong cầu. Như vậy, các pháp bên trong và bên ngoài cùng làm nhân cho nhau mà được tăng trưởng, chẳng phải là có tác giả, không phải thường còn không biến đổi, không phải không do nhân mà phát sinh.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem tại sao tất cả chúng sinh trong ba cõi nhờ các pháp bên ngoài mà được tăng trưởng?
Có một pháp tăng trưởng, đó là tất cả pháp hữu vi thâu tóm mọi chúng sinh.
Có bốn cách ăn:
1. Đoàn thực.
2. Tư thực.
3. Xúc thực.
4. Thức thực, là thức ăn nơi cõi dục.
Chủng tử của bốn đại là nhờ vào thức ăn bên ngoài mà được tăng trưởng, bên trong đạt niềm vui thiền định, đó gọi là sự quan sát ban đầu. Các pháp bên ngoài làm tăng trưởng các pháp bên trong.
Tại sao các pháp bên ngoài làm tăng trưởng các pháp bên trong?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy quan sát ở thời kỳ kiếp sơ, những thức ăn của chúng sinh do nhân gì, duyên gì mà tám phần được đầy đủ?
Tám phần đó là: Thích vị ngon, sắc đẹp, tiếng hay, thích âm thanh, ca nhạc, sự êm dịu, thích sự cường tráng và sắc diện.
Các pháp bên ngoài là: Giường, nệm, ngọa cụ, thuốc thang hay làm tăng trưởng thân thể, thích tu pháp lành.
Như vậy, người tu hành tùy thuận quan sát ngoại thân. Nếu muỗi mòng, ruồi nhặng, kiến… không làm cho thân thể khổ não thì các pháp bên trong sẽ tăng trưởng. Nếu thân thể không bị gió mưa, thời tiết lạnh, nóng làm trở ngại thì đạt được các pháp bên trong.
Nếu nghe tiếng không đáng ưa, tiếng mắng chửi đáng ghét thì cũng không có gì trở ngại, gọi là làm tăng trưởng các pháp bên trong. Khi ngửi những mùi không ưa thích và không bị trở ngại thì gọi là tăng trưởng các pháp bên trong.
Nếu ngửi các hương đáng ưa không có ngăn ngại thì gọi là làm lợi ích cho các pháp bên trong. Năm căn đều biết rõ hết nhân bên trong do bên ngoài đưa vào, có năm thứ từ bên ngoài vào. Như vậy gọi là quan sát bên ngoài thân. Các vị hiền thánh đệ tử biết thân một cách rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quan sát ngoại thân xem tại sao sáu thức tiếp cận nơi pháp?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy các pháp bên ngoài không có chướng ngại, tức có thể biết rõ các pháp, sáu thức là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức là nội pháp. Vị ấy biết rõ các pháp bên ngoài, biết rõ các pháp bên trong. Các pháp bên trong và các pháp bên ngoài làm duyên lẫn nhau.
Thí như chim bay trên hư không, chim bay đến đâu thì bóng nó theo thân đến đó. Các nhập bên trong và bên ngoài cũng như vậy. Như nơi toàn thân, các pháp bên trong tăng trưởng thì tâm cũng tăng trưởng. Tâm là nhân duyên của tất cả pháp, tất cả đều làm nhân cho nhau mà có các pháp. Như vậy, người tu hành không thấy một pháp nào là pháp thường còn, cố định, không thay đổi và không hư hoại.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem tuổi thọ của người ở cõi Diêm Phù Đề tại sao bị tổn giảm, hay tại sao được tăng trưởng?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy ở kiếp sơ, Chư Thiên cõi Quang âm bay xuống cõi Diêm Phù Đề ăn mặt đất, mùi vị của mặt đất như mùi vị của món ăn tu đà ở Cõi Trời Tam Thập Tam. Vì người ở kiếp sơ có lòng tốt nên mặt đất có màu sắc đẹp, hương thơm, mềm xốp, không có nhơ bẩn.
Những người ăn đất này vào thì sống thọ đến tám mươi bốn ngàn tuổi, chỉ có ba bệnh là: Đói, khát và mong cầu. Đến giai đoạn thứ hai, con người do vì lòng bất thiện, lấy mặt đất, chiếm hữu mặt đất, làm cho nó nhơ bẩn không sạch sẽ.
Gọi là bệnh đói, bệnh khát cho đến bệnh mong cầu, nghĩa là khi sắp chết, do bị bệnh nóng sốt mà chết. Như vậy xem xét người ở cõi Diêm Phù Đề, người tu hành biết con người nhờ thức ăn bên ngoài mà có tuổi thọ, không bệnh và không khổ não.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem tại sao người ở cõi Diêm Phù Đề ở giai đoạn thứ ba, nhờ thức ăn mà được thân mạng?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy vào giai đoạn thứ ba, mặt đất không còn vì lỗi của việc ăn uống. Gió, thời tiết lạnh nóng… không điều hòa, vô số bệnh phát sinh, tất cả pháp hữu vi tụ họp là do yếu tố thức ăn bên ngoài.
Các nhập bên trong tăng trưởng là do nhân duyên bên trong và các pháp bên ngoài tăng trưởng. Vị ấy quan sát thấy các pháp bên ngoài thân nhờ vào các pháp bên trong, các pháp bên trong duyên với các pháp bên ngoài.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem ở thời kỳ thứ tư có tranh chấp, người cõi Diêm Phù Đề ăn những thức ăn gì?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy ở giai đoạn có tranh chấp, người ở cõi Diêm Phù Đề ăn cỏ dữu, hoặc ăn đậu thước, hoặc ăn cá thịt, hoặc ăn rễ rau, tất cả những mùi vị ngon thảy đều mất hết nên có nhiều bệnh khổ, chưa đến tuổi đã bị già. Vào thời kỳ tranh chấp chiến đấu, con người không có khí lực.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem thời kỳ kiếp sơ, tuổi thọ của người cõi Diêm Phù Đề dài hay ngắn thế nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy ở thời kỳ kiếp sơ, người cõi Diêm Phù Đề có tuổi thọ đến tám vạn bốn ngàn năm, thân cao năm trăm cung. Thân người đời nay cao một cung.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân, xem người cõi Diêm Phù Đề vào giai đoạn thứ hai, tuổi thọ và chiều cao như thế nào?
Vào thời kỳ thứ hai, người sống đến bốn vạn tuổi, cao hai trăm cung.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân, xem người cõi Diêm Phù Đề vào thời kỳ kiếp thứ ba, tuổi thọ và chiều cao là bao nhiêu?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy người cõi Diêm Phù Đề vào thời kỳ kiếp thứ ba sống đến một vạn tuổi, cao một trăm cung.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem tuổi thọ và chiều cao của người cõi Diêm Phù Đề. Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy người cõi Diêm Phù Đề vào thời kỳ chiến đấu sống được một trăm tuổi, thân cao một cung.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem giai đoạn kiếp mạt, lúc không còn mười điều lành, tất cả muôn dân chỉ lo riêng mình, thời kỳ không có phước đức, tuổi thọ như thế nào, bao nhiêu?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy vào đời ác không có pháp lành, tất cả những vị ngon đều mất hết.
Những mùi ngon đó là: Diêm tô, an thạch lựu, mật ong, đường phèn, mía ngọt, thức ăn và lúa sáu mươi ngày.
Những vị ngon tuyệt trong thế gian thảy đều mất hết, những vị đó là: Lúa đỏ, lúa điểu tương lai, lúa phi trùng, lúa catra ba, lúa xích mang hoàng mễ, lúa dịch lạc, lúa ban, lúa bạch chân châu, lúa tốc, lúa thiết mang, lúa thùy tuệ, lúa xích sắc, lúa chu traca, lúa thọ, lúa thủy lục, lúa lục địa, lúa chánh ý.
Lúa hải sinh, lúa song tuệ, lúa thơm đẳng tiếu, lúa tiêu nhiệt, lúa anh vũ bất thực, lúa nhật kiên, lúa mạng, lúa nhất thiết xứ sinh, lúa sư tử, lúa vô cấu, lúa đại khinh, lúa nhất thế sinh, lúa đại lực, lúa sinh hương, lúa cát xà, lúa kế tân, lúa sơn trung, lúa cận tuyết sơn xanh, lúa ly phược, lúa ca lăng.
Lúa đại ca lăng già, lúa như tuyết, lúa đại bối, lúa thiện đức, lúa lưu, lúa bất học, lúa bất khúc tân đà, lúa viễn hắc, lúa ba tư chủ, lúa đa đắc, lúa ương già lê, lúa hương, lúa trường, lúa tạp, lúa phi nhân, lúa huệ, lúa nhật chủng, lúa ma già đà, lúa thủy mạt.
Lúa thời sinh, lúa vô khang, lúa đệ nhất, lúa noãn, lúa hán, lúa sắc vàng, lúa bà tát la, lúa phược tướng, lúa thiệt ái, lúa chỉ, lúa kiên, lúa tu đà, lúa mạch sắc, lúa thiểu, lúa lục chủng tạng, lúa vô bì, lúa điềm, lúa sắc đen, lúa sắc xanh.
Như vậy, trong các loại lúa, có hai loại giống: Một là giống tự phát sinh, hai là giống gieo trồng… cùng với tất cả hương hoa khác. Vào đời ác, tất cả những giống này đều bị diệt mất. Do tất cả bị diệt cho nên da thịt, gân cốt của người cõi Diêm Phù Đề thảy đều giảm bớt. Xương toàn thân còi cọc, ngắn nhỏ, ăn những vị nhạt. Tất cả trong ngoài làm duyên lẫn nhau, thảy đều giảm sút.
Người tu hành quan sát bên ngoài như vậy, biết tất cả đều vô thường, không vui, không thanh tịnh, không có ngã, cũng không có tác giả, do nguyên nhân phát sinh, chẳng phải do nhân khác sinh ra, chẳng phải do một yếu tố tạo ra, chẳng phải do hai yếu tố, ba yếu tố, bốn yếu tố, năm yếu tố, sáu yếu tố tạo ra, là những việc do tà kiến ngoại đạo nêu dẫn. Như vậy, vị ấy quan sát cảnh giới bên ngoài, tùy thuận quán thân.
Như vậy, người tu hành quan sát thời kỳ đầu và thời kỳ sau như trên đã nói rõ.
Như thật, tùy thuận quán ngoại thân rồi, tiếp theo, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem bốn cõi thiên hạ, núi, sông, thành ấp, đất nước, biển cả với cá thân lớn hàng do tuần, xem núi chúa Tu Di.
Bốn mặt của đại châu: Cõi Diêm Phù Đề, Cõi Uất Đan Việt, Cõi Phất Bà Đề và Cõi Cù Đà Ni. Có tám địa ngục lớn, ngạ quỷ, súc sinh và Chư Thiên nơi sáu Cõi Trời thuộc Dục Giới. Như vậy, vị ấy đã tùy thuận quán ngoại thân.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bổn Khởi - Phẩm Sáu - Phẩm Trở Về Bổn Quốc
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Vacchagotta Về Lửa
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Mười Năm - Phẩm Mười Năm Kệ
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Một - Phẩm Con Rắn - Chuyện Thí Dụ Phước điền
Phật Thuyết Kinh Trung Bổn Khởi - Phẩm Bốn - Phẩm độ Vua Bình Sa