Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Mười Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BẢY

PHẨM THÂN NIỆM XỨ  

TẬP MƯỜI MỘT  

Lại nữa, người tu hành lại dùng các pháp khác quán xét thân này, biết được thân này sẽ bị hoại diệt, tan biến.

Vì sao thân này sẽ tan hoại?

Khi qua đời, vì sao trùng gió có thể hủy hoại thân này?

Vì sao não loạn?

Đối với tất cả cảnh giới bao giờ qua đời?

Vì sao có gió thổi ở trên, ở dưới, gió thổi thuận, thổi nghịch?

Như vậy, Tỳ Kheo quan sát thân theo nội thân.

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy: Khi người sắp qua đời, tất cả các loài trùng bị não loạn trước, trùng đã chết rồi người mới chết.

Tất cả các pháp hữu vi nhất định sẽ tan hoại. Như vậy, lúc chết chắc chắn phải có sự đáng sợ khó tránh ấy.

Như vậy, Tỳ Kheo quan sát ở trong đầu có mười loại trùng bị gió diệt:

1. Trùng ở trong đỉnh đầu, bị gió có móng vuốt giết hại.

2. Trùng ở trong não, bị gió có chân ở hai bên làm hại.

3. Trùng xương đầu lâu, bị gió bất giác giết hại.

4. Trùng ăn tóc, bị gió phá xương giết hại.

5. Trùng đi trong lỗ tai, bị loại gió đi trên đất giết hại.

6. Loại trùng làm chảy nước mắt, nước mũi, bị gió đi theo gót chân làm hại.

7. Trùng đi trong mỡ, bị gió phá cẳng chân giết hại.

8. Trùng làm nhức răng.

9. Trùng ăn nước miếng, bị gió phá gân tay chân giết hại.

10. Trùng ăn chân răng, bị gió phá xương vế giết hại.

Lại có mười loại trùng đi trong yết hầu xuống đến lồng ngực, bị gió giết hại.

Mười loại trùng đó là:

1. Trùng ăn nước miếng, bị gió phá sức giết hại.

2. Trùng gây ngủ nghỉ.

3. Trùng gây nôn mửa.

4. Trùng vận hành theo mười loại mùi vị trong mạch máu, bị gió chuyển động giết hại.

5. Trùng say mê vị ngọt, bị gió hại gân giết hại.

6. Trùng ưa sáu thứ mùi vị, bị gió phá lông móng tay, móng chân và phẩn giết hại.

7. Trùng trự khí, bị gió theo đường chính giết hại.

8. Trùng ghét mùi vị, bị gió phá hoại giết hại.

9. Trùng ưa ngủ nghỉ, bị gió trong bào thai giết hại.

Nguyên bản Hán văn thiếu loại thứ mười.

Lại có mười loại trùng ở trong máu, bị gió giết hại.

1. Trùng ăn lông, bị gió làm khô phẩn giết hại.

2. Trùng đi trong lỗ, bị gió hai bên giết hại.

3. Trùng quét đất, bị gió trong sáu lỗ giết hại.

4. Trùng đỏ bị gió cắt từng phần thân thể giết hại.

5. Trùng giun mẹ bị gió lửa ác giết hại.

6. Trùng lông đèn bị gió cắt toàn thân giết hại.

7. Trùng ăn tóc.

8. Trùng ăn máu, bị gió phá sức khỏe giết hại.

9. Trùng gây tê liệt, bị gió làm toàn thân chuyển động giết hại.

10. Trùng tạc, bị gió nóng giết hại.

Trùng này sinh ra ở trong máu, thân hình ngắn, tròn trùng trục, không có chân, nhỏ bé, không có mắt, hay làm thân thể ngứa ngáy, nhúc nhích cả ngày không yên. Trùng này tạo vị mặn. Khi con người chết thì các loại trùng này đã bị gió giết chết rồi. Máu bị khô thì con người sẽ chết.

Thế nên người đời nói: Người chết không có máu. Máu sắp khô thì khổ não vô cùng. Con người khi sắp chết thì trong lòng rất sợ hãi, chịu khổ hết mực, lo sợ phải bỏ thân này sinh đến một nơi khác, xa lìa bà con thân thuộc, bạn bè tri thức, anh em, vợ con và của cải.

Chỉ vì vô trí, si mê, tham ái, bị các kết sử ái dục trói buộc, không có ai cứu giúp, chẳng có một người bạn hiểu đạo, chỉ một mình chịu khổ. Khắp thân thể mạch máu khô kiệt, thân và tâm chịu nhiều khổ hoạn.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân xem có những loại trùng nào bị giết hại và chịu những khổ não gì?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy có mười loại trùng sống ở trong thịt:

1. Trùng sinh bệnh nhọt, bị gió vận hành giết hại.

2. Trùng châm chích, bị gió trên dưới giết hại.

3. Trùng chặn các đường gân, bị gió mạng sống giết hại.

Vì sao gọi là gió mạng sống?

Vì nếu gió này ra khỏi thân thì người chết liền, cho nên gọi gió ấy là gió mạng sống.

4. Trùng làm các mạch máu hoạt động, bị gió khai thông giết hại.

5. Trùng ăn da, bị gió loạn tâm giết hại.

6. Trùng làm mỡ hoạt động, bị gió não loạn giết hại.

7. Trùng cùng tập hợp, bị gió nháy mắt giết hại.

8. Trùng tạo mùi hôi. Khi có người sắp chết, loại trùng này bị năm loại gió ngăn chận giết hại.

Nguyên Hán văn thiếu hai loại chín và mười

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân xem tại sao khi chết thì mồ hôi trắng xuất ra?

Như vậy, các loại trùng vận hành trong năm ấm vì sao bị gió hại?

Người tu hành quán xét mười loại trùng vận hành trong năm ấm.

Mười loại trùng đó là:

1. Trùng gây tê liệt, bị gió phá hoại thai tạng giết hại. Hoặc người nam, hoặc người nữ khi sắp chết thì gió này cắt đứt mạch máu.

2. Trùng làm dáng mạo gầy ốm, bị gió chuyển thai tạng giết hại. Hoặc con trai, hoặc con gái làm cho mất đi khí lực, hoặc trong miệng tiết ra một chất sắc vàng giống như màu hoàng kim.

3. Trùng miêu hoa, bị gió tới lui qua lại giết hại.

4. Trùng đại siểm.

5. Trùng đi trong lỗ hang.

6. Trùng đen.

7. Trùng ăn nhiều.

8. Trùng tạo ra nóng sốt, bị gió làm hư mắt, tai, mũi, lưỡi và thân giết hại. Theo thứ lớp như vậy.

9. Trùng rất nóng, bị gió đao giết hại.

10. Trùng ăn mùi vị, bị gió châm chích giết hại.

11. Trùng lửa, bị gió sắc vàng xấu giết hại.

12. Trùng lửa lớn bị gió phá ruột giết hại.

Nguyên Hán văn dư ra hai loại mười một và mười hai.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân thấy trùng nơi xương khi chết bị gió gì giết hại?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn thấy phần xương bên trong của toàn thân có mười loại trùng.

Mười loại trùng đó là:

1. Trùng liếm xương, bị gió hoàng quá giết hại.

2. Trùng ăn mòn xương, bị gió lạnh giết hại.

3. Trùng cắt đứt gân, bị gió làm tổn thương tủy giết hại.

4. Trùng miệng đỏ có mùi hôi, bị gió làm hại da giết hại.

5. Trùng làm rã xương, bị gió làm hại máu giết hại.

6. Trùng miệng đỏ, bị gió làm hại thịt giết hại.

7. Trùng ăn da, bị gió làm hại xương giết hại.

8. Trùng tạo gió đao, bị gió hại tinh giết hại.

9. Trùng miệng đao, bị gió làm da nhăn giết hại.

Nguyên Hán văn thiếu loại thứ mười

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân xem trùng ở trong phẩn khi chết bị những gió gì giết hại.

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có mười loại trùng, đó là:

1. Trùng sinh sản, bị gió phát sinh sức lực giết hại.

2. Trùng chích vào miệng, bị gió gây ô nhiễm giết hại.

3. Trùng gân trắng bị gió chà xát giết hại.

4. Trùng không chân bị gió làm hại mồ hôi giết hại.

5. Trùng không chân bị gió ăn tương hợp giết hại.

6. Trùng làm tan phẩn bị gió làm hư răng giết hại.

7. Trùng tam tiêu, bị gió làm nghẹn mạch máu giết hại.

8. Trùng phá vỡ vết thương, bị gió đi xuống giết hại.

9. Trùng khiến ăn không tiêu bị gió đi ở trên giết hại.

10. Trùng vàng bị gió hai bên giết hại.

11. Trùng tiêu hóa thức ăn khó tiêu, bị gió giúp đỡ giết hại.

Nguyên Hán văn dư loại thứ mười một.

Gió và trùng này làm cho phẩn khô, não loạn các vùng, chuyển động lẫn nhau, xung đột chống phá lẫn nhau. Gió đều đi ở trên, não loạn thân giới rồi phá hoại cắt đứt luồng hơi, rối loạn thân thể, làm thân thể khô gầy. Sức gió mạnh mẽ sẽ giết chết thân. Khi người chết chịu khổ não vô cùng, không thể lấy một việc gì làm thí dụ được.

Tất cả người đời đều phải bị chết, nhất định không có nghi ngờ.

Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân, xem trùng ở trong tủy, khi sắp chết bị gió nào giết hại?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy trong tủy có mười loại trùng.

Mười loài trùng đó là:

1. Trùng lông bị gió hại tủy giết hại.

2. Trùng miệng đen bị gió tợ như gió nhỏ giết hại.

3. Trùng không có sức bị gió làm ngủ không yên giấc giết hại.

4. Trùng đau đớn khổ não bị gió không nhẫn chịu giết hại.

5. Trùng làm tâm phiền muộn bị gió danh tự giết hại.

6. Trùng màu lửa bị gió trói chặt giết hại.

7. Trùng trơn láng bị gió hại phổi giết hại.

8. Trùng dòng dưới bị gió đi ở trên có mùi hôi giết hại.

9. Trùng phát khởi thân căn bị gió đi ở nơi nhơ bẩn giết hại.

10. Trùng nhớ nghĩ vui vẻ bị gió quên mất chánh niệm giết hại.

Lại nữa, người tu hành quán nội thân theo thân, đã thấy được sự vô thường, bất tịnh vô ngã rồi, như trên đã nêu, một loại trùng bị gió hại phổi giết hại. Như vậy, những con trùng khác khi sắp chết cũng bị gió giết hại.

Như vậy, Tỳ Kheo quán thân trên thân, dùng ánh sáng vô lậu đoạn trừ được sự tối tăm mê mờ lưu chuyển từ vô thỉ, đạt đến sự tịch diệt thường hằng rốt ráo. Do nghiệp thiện tương tợ ở thế gian mà chứng đắc pháp này. Cũng nhờ vị ấy từ lâu tu tập bảy pháp chánh niệm nên hiện tiền thấy được như vậy.

Bảy pháp chánh niệm đó là:

1. Niệm Phật.

2. Niệm Pháp.

3. Niệm Tăng.

4. Niệm giới.

5. Niệm thiên.

6. Niệm sự chết.

7. Niệm vô thường.

Lại nữa, người tu hành quán thân trên nội thân xem chết có bao nhiêu loại hủy hoại tất cả nghiệp?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có bốn cách chết, đó là do:

1. Địa đại không điều hòa.

2. Thủy đại không điều hòa.

3. Hỏa đại không điều hòa.

4. Phong đại không điều hòa.

Vì sao Địa đại không điều hòa làm mất mạng sống?

Khi Địa đại không điều hòa thì hơi gió trong thân làm cho Địa đại cứng lại, toàn thân bế tắc, phá hoại và gây khổ não lẫn nhau. Thí như giữa hai ngọn núi rắn chắc như kim cương, đặt một miếng váng sữa, có một luồng gió lốc thổi vào hai ngọn núi này khiến chúng va chạm lẫn nhau, ép miếng váng sữa lại.

Địa đại và phong đại giống như hai ngọn núi kia, tất cả thân mạng với da thịt, xương máu, mỡ tủy và tinh khí chứa đầy trong thân hình nhỏ bé ấy, giống như miếng váng sữa bị Địa đại và Phong đại đè ép phá hại, làm thân giới khổ não vô cùng, không thể Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Thân hiện ấm sắp chấm dứt thì thân trung ấm trói buộc nối theo nhau liên tục không dừng. Tất cả những kẻ phàm phu ngu si do tâm làm nhân duyên nên sinh tử liên tục, như dấu ấn của con dấu, chết cũng như vậy. Thân đời này sắp hết nhưng do tâm tương tục nên sự sống cũng tiếp nối, do sức của tâm như khỉ vượn nên chịu sự sinh tử liên tục.

Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem khi chết tại sao Thủy đại không điều hòa, làm cho ta và tất cả phàm phu ngu si mất thân mạng?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy Thủy đại không điều hòa, không làm cử động thân thể, gân mạch, da thịt, xương cốt, máu, mỡ, tủy và tinh khí.

Ta và chúng sinh khi sắp chết thì tất cả đều bị thối nát, máu mủ chảy ra, gây khổ não lẫn nhau, tất cả đều chuyển động như hai ngọn núi đè ép nhau đã nói ở trước. Đem miếng váng sữa đặt trong lòng biển lớn, miếng váng sữa bị gió lốc thổi, sóng lớn sóng nhỏ dồn dập liên tục, miếng váng sữa không thể nào dừng lại được, không có sự bền chặt.

Như vậy, Thủy đại phá hoại thân thể cũng như thế, làm cho ta không thể Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, còn các tâm niệm khác nối tiếp không dứt. Tất cả những kẻ phàm phu ngu si nhờ vào tâm tương tục mà thọ thân, như dấu ấn của con dấu. Khi qua đời, thân đời này đã hết thì do sự sinh tương tục cũng lại như vậy, do sức của tâm như khỉ vượn nên chịu sự sinh tử đi vào dòng luân hồi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần