Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Mười Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM BẢY
PHẨM THÂN NIỆM XỨ
TẬP MƯỜI NĂM
Ở phương thứ ba trong rừng Tiên minh, Chư Thiên sắp cùng A Tu La đánh nhau, thì tập hợp bàn luận ở đây. Mặt núi chúa Tu Di hướng về cõi Cù Đà Ni đều do vàng ròng tạo thành, làm cho phía cõi Cù Đà Ni nhìn lên hư không đều toàn là màu đỏ. Phương thứ hai có rừng Tạp điện, trong rừng này có đầy đủ dụng cụ chiến đấu của Chư Thiên.
Một mặt hướng về phía cõi Phất Bà Đề của núi chúa Tu Di là do bạch ngân tạo thành, làm cho cõi Phất Bà Đề nhìn về hư không đều toàn là màu trắng. Mặt hướng về phía Cõi Uất Đan Việt của núi chúa Tu Di là do pha lê tạo thành, làm cho từ Cõi Uất Đan Việt hướng về hư không đều thấy màu ánh sáng trong suốt.
Người tu hành lại quan sát xem Cõi Trời Tứ Thiên Vương có tuổi thọ bao nhiêu?
Vì năm mươi năm trong cõi Diêm Phù Đề là một ngày một đêm ở Cõi Trời. Như vậy, tuổi thọ ở Cõi Trời là năm trăm tuổi, nhưng cũng có người chết yểu.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem trên núi Tu Di có những Chư Thiên nào khác cư trú?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có Trời Tam Thập Tam sống trên đỉnh núi Tu Di, thọ hưởng thú vui không thể kể hết.
Có thành Thiện kiến rộng mười ngàn do tuần, do bảy thứ báu trang nghiêm, là nhân đà xanh, Kim Cang, xa cừ, hoa sen đỏ báu, vật báu lớn mịn màng dùng tạo vẻ dáng đẹp đẽ. Có giảng đường thiện pháp rộng năm trăm do tuần, lan can bằng ngọc Tỳ Lưu Ly, tường bằng vàng ròng, tất cả cửa ngõ cũng lại như vậy, do các thứ vật báu tô điểm tạo vẻ oai nghiêm cho giảng đường, cung điện.
Vua Trời Thích Ca ở giảng đường thiện pháp, do sức lực của nghiệp thiện nên luôn được hưởng thú vui tương tự. Một trăm tuổi trong cõi người là một ngày một đêm của Cõi Trời thứ hai này. Như vậy, tuổi thọ của Trời Tam Thập Tam là trọn một ngàn tuổi, nhưng cùng có người chết yểu. Phía Tây của núi Tu Di gọi là núi Nhật một. mặt trời đến núi này thì người cõi Diêm Phù Đề gọi là mặt trời lặn, nên núi này là núi Nhật một.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem xét núi chúa Tu Di cao thấp ra sao?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy núi Tu Di cao rộng tám vạn bốn ngàn do tuần. Vua A Tu La sống một bên núi ở dưới nước. Do nghiệp của chúng sinh mà an trụ và hộ trì làm cho mặt trời xoay tròn. Có vị tôn thần lớn tên là Kiện Tật, thường ở phía trước dẫn đường, trong khoảng nháy mắt có thể đi được mười ngàn một trăm năm mươi do tuần, cứ đi xoay vòng. Do mặt trời làm thời gian để biết được tuổi thọ dài ngắn của chúng sinh.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem chỗ ở của con người trong bốn châu thiên hạ: Cõi Diêm Phù Đề, cõi Phất Bà Đề, cõi Cù Đà Ni, Cõi Uất Đan Việt diện tích bao nhiêu?
Vị ấy thấy cõi Diêm Phù Đề rộng bảy ngàn do tuần, cõi Phất Bà Đề rộng tám ngàn do tuần, cõi Cù Đà Ni rộng chín ngàn do tuần, Cõi Uất Đan Việt rộng mười do tuần, tùy theo hình thể của từng vùng đất trong bốn châu thiên hạ mà mặt người từng cõi cũng vậy. Giống như địa hình nơi cõi Diêm Phù Đề, khuôn mặt của những người trên vùng đất này cũng trên rộng dưới hẹp.
Cũng giống như địa hình ba phương khác như: Khuôn mặt của người nơi cõi Phất Bà Đề tựa như nửa mặt trăng, tức giống với địa hình của cõi ấy. Khuôn mặt người nơi cõi Cù Đà Ni giống địa hình tựa mặt trăng tròn của cõi Cù Đà Ni. Khuôn mặt người nơi Cõi Uất Đan Việt giống hình dạng thẳng, vuông của cõi này. Như vậy, vị ấy biết rõ ràng về hình tướng con người trong bốn cõi thiên hạ.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem núi, sông, biển và đảo nhỏ ở phương Bắc cõi Diêm Phù Đề như thế nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy phía Bắc cõi Diêm Phù Đề có nước tên là Bà Soa, nước này rộng mười do tuần.
Tiếp theo nước thứ hai tên Dân Đà La, rộng hai mươi do tuần.
Nước thứ ba là Thủ La Tư Na, rộng một trăm do tuần.
Nước thứ tư tên là A Đề Lê, rộng một trăm do tuần.
Kế tiếp là nước thứ năm tên Đà La, rộng một trăm do tuần.
Kế nữa là nước thứ sáu tên Cưu Lưu, rộng một trăm do tuần.
Nước thứ bảy tên Ma Đà La, rộng năm mươi do tuần.
Nước thứ tám tên Càn Đà La, rộng một trăm do tuần.
Nước thứ chín tên Xa Ca, rộng một trăm do tuần.
Nước thứ mười tên Bà Đà La Ca, rộng hai trăm do tuần.
Nước thứ mười một tên Đà La Đà, rộng một trăm do tuần, nước này có nhiều núi hiểm trở.
Nước thứ mười hai tên là Bà Khư La, rộng một ngàn do tuần.
Nước thứ mười ba tên Tỳ Sư Ca, rộng hai trăm do tuần.
Nước thứ mười bốn tên Ma Hê Sa, rộng hai trăm do tuần.
Nước thứ mười lăm tên Hán Quốc, rộng một ngàn do tuần.
Những nước tùy thuộc hợp lại là một ngàn do tuần, riêng nước Hán Chỉ có hai trăm do tuần.
Nước thứ mười sáu tên Đô Khư, rộng năm trăm do tuần.
Nước thứ mười bảy tên Bạt Bạt La, rộng hai trăm do tuần.
Nước thứ mười tám tên Cứu Phả La, rộng năm mươi do tuần.
Nước thứ mười chín tên Cưu Lưu Ma, rộng đúng năm do tuần.
Nước thứ hai mươi tên Cam Mãn Xa, rộng một trăm do tuần.
Ngoài ra, những nước nhỏ và những vùng đất trống đều không thể kể hết được.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem vùng đất phía Bắc cõi Diêm Phù Đề lại có những núi lớn nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có núi lớn tên Tuyết Sơn, với rất nhiều đỉnh núi nằm trên dãy núi này. Núi rộng một ngàn do tuần, trong núi có nhiều cây lô đà la, cây tùng, cây bách, cây Cõi Trời, cây Ta La, cây Đa Ma La.
Trong núi cũng có nhiều Dạ Xoa, nhiều Khẩn Na La, nhiều quyến thuộc của Dạ Xoa Tỳ Xá Già. Núi này rất khả ái, người tu học, hành thiền phần nhiều sống trên núi ấy, sông nước rất đẹp và ngọt. Các loài rồng có sức mạnh và nhiều giống người Chi Đa La cư trú ở đây.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem vùng đất phía Bắc cõi Diêm Phù Đề có những núi, sông, biển và đảo nhỏ nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy phía Đông núi Tuyết Sơn, gọi là núi Huyền Tuyết có nhiều cầm thú đáng yêu. Cây bách, cây tùng đầy khắp núi cùng với các loại cây Cõi Trời như cây Na Mê Lưu, cây Bà Cưu Lưu, cây Xa Ma Ca.
Qua khỏi núi này, lại có một núi khác tên là Đa Ma Già La, rộng hai mươi do tuần, có một ngàn hang sâu.
Vượt khỏi núi này là vùng đất trống một trăm do tuần, có nhiều sông hồ, không có cây thuốc cho đến các loại cây rừng.
Đi hết nơi này có núi bạch ngân tên là Kê La Sa, đỉnh núi có vàng bao quanh. Vua Trời Tỳ lưu lặc sống trên núi ấy. Nơi đỉnh núi, sông hồ trong sạch, mát mẻ, có nhiều hoa sen xanh, hoa Ưu Bát La, trong ao có nhiều ngỗng, vịt, uyên ương tạo nên vẻ đẹp đẽ.
Vượt núi Kê la sa lại có một núi lớn tên là Phong Sơn, Vua Khẩn Na La ở bên dưới núi, luôn ca múa vui chơi. Trên núi ấy có năm đỉnh núi vàng, ba đỉnh núi pha lê, mười đỉnh núi bạch ngân và vô số hoa Trời, hương thơm dễ chịu. Trong núi có sông tên Cưu Ma La bắt nguồn từ núi, có nhiều loài ngỗng, vịt, uyên ương đầy khắp trong sông.
Tiếp theo núi này lại có một núi lớn tên Di Na Ca, rộng năm mươi do tuần, rất nhiều A Tu La ở trong ấy, thường ưa ca vịnh.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem cõi Diêm Phù Đề lại có những núi, sông và đảo nhỏ nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy qua khỏi núi này có một biển lớn, rộng một vạn do tuần. Trong biển có nhiều rồng lớn, nhiều loài cá đề di, cá na ca la và các loài sò ốc.
Vượt khỏi biển này có một núi lớn tên là Thiện Ý, trong núi có ao tên là Ngưng Tô, rộng một do tuần, ao này rất đẹp, có nhiều loài ngỗng, vịt, uyên ương và chim Ca Lăng Tần Già sinh sống ở đây. Núi này rộng năm mươi do tuần, trong núi có sông tên Kiều Thi Ca, có nhiều loài chim nước tạo vẻ trang nghiêm cho sông.
Tiếp theo núi Thiện ý, có một biển lớn rộng hai vạn do tuần. Biển này rất đáng sợ, thường vang ra những tiếng sấm, rồng dữ hung hăng tấn công, hỗn chiến, hoặc là tuôn ra lửa, đao, phóng ra những tia chớp lửa lớn. Do lòng sân giận nên chúng phun ra khí độc giết hại nhau.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem xét cõi Diêm Phù Đề: Qua khỏi biển rồng rồi có một châu lớn tên Đam Bà Ca, rộng một trăm do tuần, có nhiều La sát đại ác ăn cá để nuôi sống bản thân. Ở đảo này có địa ngục tên Đam Bà Ca luôn thiêu đốt chúng sinh. Lại có một sông lớn tên là Kiều Thi Ca, máu chảy đầy sông, đầu, tóc, xương cốt trôi theo sông. Địa ngục rộng năm trăm dotuần, chúng sinh trong đó luôn bị thống khổ kịch liệt.
Qua khỏi địa ngục này lại có một biển lớn hình dạng giống như địa ngục, rộng một vạn do tuần, nước biển màu xanh đen, không có rồng, Dạ Xoa và cũng không có Càn Thát Bà.
Tiếp theo biển này, về phía Bắc có một biển khác tên Bảo Mãn, với các ngọn núi bao quanh, cây rừng vô số: Tùng, bách, chiênđàn, như ý. Trong rừng lại có vô số cây ăn trái.
Vượt núi này, lại có một ngọn núi lớn tên Bỉ Ngạn, rộng năm ngàn do tuần. Trong núi có nhiều quả lê na la, quả cây chi la, quả của tất cả các mùa, sáu thời đều đầy đủ. Sông, ao đầy nước và có nhiều loài ngỗng, vịt, uyên ương. Các vị đại tiên sống ở đây. Núi này có một ngàn đỉnh cao, vô số các vật báu. Trên núi có các giống cây Tỳ Đa La đều là cây vàng và có các loại hương thơm.
Đi hết vùng núi này, có một sông lớn tên Thạch thủy, ở đây, tất cả chúng sinh hoặc cỏ cây, hoặc là người, hoặc chẳng phải là người, hoặc là cầm thú, nếu đi vào sông thì đều như đá. Hai bên bờ sông mọc đầy các loại cây trúc gọi là Chi Già, gió thổi làm cây cọ xát lẫn nhau phát sinh ra lửa thiêu đốt, giết hại vô số trăm ngàn chúng sinh.
Người tu hành lại quan sát: Qua khỏi sông này có một sông lớn khác tên Tư Đà, rộng mười do tuần, dài ba trăm do tuần, không một người nào có thể bơi qua sông được. Vì nước sông mặn nên nếu có người nào lội xuống thì thân liền bị nát vụn.
Vượt sông này thì có đảo nhỏ tên Diêm Phù Ma, có Càn Thát Bà tên Thường Lạc sống trên bãi ấy, làm nhiều việc bố thí, giữ gìn giới cấm thanh tịnh, thường hoan hỷ xa lìa ưu sầu, buồn phiền.
Những thứ trái cây mong muốn ở trên bãi này đều đầy đủ, cây vàng và hoa Tỳ Lưu Ly tràn đầy trong ao. Gần núi Tu Di, do thế đất của núi nên nước trong tất cả sông và các loài cầm thú đều màu vàng ánh. Có vô số hoa Ưu Bát La, hoa câu vật đà, sông rượu chảy tràn lênh láng khắp nơi, lúa gạo tự nhiên có, không cần trồng trọt. Đảo nhỏ này rộng hai ngàn do tuần.
Đi hết đảo nhỏ này thì không còn thấy tất cả những sông, núi, cây rừng. Có một biển lớn tên là Thủy Mạt Luân, trong biển có nhiều rồng lửa độc ác tên là Điện Quang.
Rời khỏi biển này, lại có một núi lớn tên là Niết Mật Sa. Trong núi có hang tên Đề Di Sa, hang tối om và có rất nhiều Long Nữ hóa sinh. Những Long Nữ này đầu đêm hóa sinh, các căn đầy đủ, đẹp đẽ, thân hình xinh tươi, sống được một đêm, đến khi mặt trời lên thì tất cả đều già chết. Những Long Nữ do nghiệp sát sinh còn sót lại nên phải chịu quả báo này.
Tiếp theo núi này có một núi khác tên Tô Ma Kỳ Lợi, rộng năm trăm do tuần.
Vượt khỏi núi này lại có một núi lớn tên Tu Di Đẳng, rộng năm trăm do tuần, phía Bắc có một cánh rừng lớn tên là Chi Đa Ca. La Sát tên là Ác Mộng sống ở đấy. La Sát này đi rất nhanh, chỉ trong khoảng nháy mắt đã có thể đi được một trăm ngàn do tuần, gây những điều bất lợi và không an ổn cho chúng sinh.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem giữa hai cõi Diêm Phù Đề và Uất Đan Việt lại có những núi, sông, biển và đảo nhỏ nào không?
Nơi nào có sự kiện không sinh, không chết, không thoái chuyển, không hoại diệt, chẳng phải từ nhân duyên của nghiệp, chẳng có yêu thương phải ly biệt, chẳng có oán đối phải gặp gỡ.
Do đó nên sinh nhàm chán, thoát ly sinh tử, xa những sự trói buộc để cầu giải thoát. Nhàm chán sinh tử nên ở trong sinh tử chớ sinh tham muốn, vui thích, chớ nên vui chơi với tâm tham ái, chớ lấy lưới ái tự trói thân mình, không nên vui với sinh tử.
Tất cả sinh tử là sự khổ lớn luôn thiêu đốt: Ưu sầu, buồn bã, khổ vì thương yêu mà xa lìa, khổ vì oán ghét phải gặp nhau là lửa lớn thiêu đốt.
Nơi cõi người, Cõi Trời, các đường là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh luôn là vô thường biến hoại, nhưng người ngu si tham đắm, cho những sự khổ đó là vui. Người trí phải sinh lòng nhàm chán, xa lìa, chớ sống trong cảnh giới của ma, chớ cùng vui đùa với phiền não để sau này sinh lòng hối tiếc.
Như vậy, người tu hành đã tùy thuận quán ngoại thân, thấy rõ cảnh sinh tử, không sống trong cảnh giới của ma, xa lìa sự cấu uế, xa lìa cánh đồng nghi ngờ.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem phía Bắc cõi Diêm Phù Đề có những núi, sông, biển và đảo nhỏ nào không?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có núi lớn tên Câu sí la chi la, rộng ba mươi do tuần, cao mười do tuần.
Trong núi ấy có vô lượng trăm ngàn chim câu sí la, cây vô ưu màu xanh, cây vô ưu màu đỏ, cây hoa thất diệp, cây quân đà la, cây hiền ca đàm bà bà, hoa na ma lợi, hoa kim dư đề ca, hoa tô na ma, hoa thâm bà la, hoa Đa La, hoa tỳ lăng già, hoa cưu ca, hoa chiêm bà, hoa quân đà thân mạng, hoa bà lợi sư ca, tùy theo thời tiết, từng loại hoa đều tự phô bày đầy đủ sự tươi tốt.
Vào một thời gian khác, chúng Trời Man trì rời chỗ ở đến núi này vui chơi, các Dạ Xoa ở trong núi ấy vui vẻ thọ lạc, không làm não loạn chúng Trời.
Qua khỏi núi ấy rồi, có nhiều chim Câu Sí La và một bãi biển lớn tên là Nga trụ, trong núi ấy có trăm ngàn bầy ngỗng, vô số hoa sen. Như vậy, ven biển, các loài ngỗng, vịt, uyên ương mỏ bằng ngọc châu, chim dân na la, chim yết hầu, màu sắc của hoa sen như một khối dung kim rộng đến mười ngàn do tuần, vô số loại ong vây quanh che khắp trên đó.
Vượt khỏi bãi biển này, đi về phía Bắc là Uất Đan Việt, có một biển lớn rộng một ngàn do tuần, với nhiều loài cá lớn như cá đề di nghê la, cá na ca la, cá thất thâu ma la ông, rùa… đầy trong biển ấy. Nước biển màu xanh, giống như hư không, sâu đến mười ngàn do tuần.
Mẹ của loài sò ở trong biển này, thân chúng lớn mười dặm, dưới biển có núi. Sò có sức mạnh lớn ngang sức một ngàn con voi, nếu rơi xuống đỉnh núi này thì đều tan nát.
Đi hết vùng biển ấy lại có một biển lớn tên là Nhũ Hải, rộng năm ngàn do tuần, sóng lớn thường làm nổi lên những rồng độc đại ác, tiếng sóng như tiếng sấm.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem phía Bắc cõi Diêm Phù Đề lại có những núi, sông, biển và đảo nhỏ nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy năm trăm núi lớn bằng vàng, bạc, pha lê, rộng một ngàn do tuần. Gần Cõi Uất Đan Việt có nhiều hoa sen như mặt trời mới mọc.
Rời vùng núi này, có một nước lớn tên Nhũ toàn. Núi, sông, vườn rừng có rất nhiều chim thú, Dạ Xoa ở đây thường hoan hỷ. Có nhiều cây hoa, các loài vật cũng đầy đủ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh ðoạn Tận ái - Phần Mười - Tóm Lược Về Diệt
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Mười Sáu - Phẩm Bát Nhã Ba La Mật đa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp - Phẩm Năm - Phẩm Phật Mẫu
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Lãnh Quần đặc
Phật Thuyết Kinh đà La Ni Tập - Phần Hai Mươi - Chư Thiên Phật Nói Ma Lợi Chi Thiên - Tập Một