Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Hai - Phẩm Sinh Tử - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM HAI

PHẨM SINH TỬ  

TẬP BỐN  

Lại nữa, Tỳ Kheo kia quán thân xúc, như vậy thân xúc cùng với thọ của xúc cột vào nơi cây cột duyên dựa thiện hay bất thiện, ký hoặc vô ký. Quán thọ của thân xúc, nếu tâm động hay hoại thì lấy dây cột vào trụ duyên hợp để điều phục nó, tất nó sẽ không hủy hoại.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia quán thọ do ý buộc vào pháp mà sinh thiện hay bất thiện, ký hoặc vô ký?

Thấy thọ của ý hoại, Tỳ Kheo kia lấy dây chẳng sầu cột tâm kia vào cây cột duyên hợp để điều phục thì nó không hủy hoại. Tỳ Kheo kia đã quán thọ của sáu trần với sáu căn rồi, biết rõ năm thọ nên được xứ bất tận.

Người kia lấy đèn trí, quán thọ do nhãn xúc sinh, nhận biết thọ gì để sinh?

Người kia quán ý thức do duyên sinh ra thọ ấy mà tâm ý bị cột giữ. Tất cả kẻ phàm phu ngu si trong thế gian do lửa phân biệt mà tự thiêu đốt mình. Như vậy không có người thọ chỉ do các hành nhóm họp lại mà sinh, chỉ do các hành nhóm họp lại mà diệt.

Tất cả đều bị trói buộc vào nhân duyên. Tùy thuận quán thọ do nhãn xúc sinh rồi, tùy thuận mà hoạt động, không thể nắm bắt, tâm không thay đổi, không chết, không loạn.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia quan sát thọ thuộc về nhĩ.

Thế nào là thọ thuộc về nhĩ?

Thọ này ai nhận biết?

Người kia thấy rõ ý thức tùy thuận chỗ trói buộc. Thọ thuộc nhĩ trói buộc với ý, nương nhờ vào ý. Thọ này không có người tạo tác, không có người thọ nhận, chỉ do nhân duyên mà sinh. Như vậy thọ thuộc nhĩ không có người tạo tác, không có người thọ nhận chỉ do các hành tụ họp, nhân duyên và sức mạnh mà sinh hoặc diệt.

Tỳ Kheo quan sát thọ thuộc tỷ.

Thọ này ai nhận biết?

Người kia quan sát thọ trói buộc với ý thức, duyên dựa theo ý ấy, nương nhờ vào ý ấy, nhờ nhân duyên ấy tùy thuận mà sinh, chỉ do các hành tụ họp, không có người tạo tác, không có người thọ nhận, nó lưu chuyển tương tục. Ai quán thọ thuộc tỷ rồi thì xa lìa sự thọ nhận.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia quán thọ thuộc thiệt.

Thọ này ai nhận biết?

Người kia quan sát thọ trói buộc với ý thức, như vậy thiệt thọ nương vào ý ấy, cột vào sự duyên dựa ấy. Nó do duyên sinh nên không có người tạo tác, không có người thọ nhận, không có vật nào riêng biệt, chỉ do các hành nhóm họp và năng lực của nhân duyên mà sinh.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia quán thọ do thân xúc sinh.

Thọ này ai nhận biết?

Thọ này là của ai?

Tỳ Kheo kia quan sát sự trói buộc của ý như vậy, thì thọ thuộc thân này không có người tạo tác, không có người thọ nhận, không phải một vật riêng biệt, chỉ do các hành tụ họp và năng lực của nhân duyên chuyển biến.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia quan sát thọ thuộc ý.

Thọ này ai nhận biết?

Quan sát thọ thuộc ý duyên với pháp trần mà sinh ý thức, do ba sự hòa hợp mà sinh xúc, xúc cùng với thọ sinh. Giống như hòa hợp tất cả vật thơm lại thì có một hương thơm đặc biệt. Hương thơm đặc biệt này chẳng do một nhân duyên, mà do nhiều nhân duyên hợp lại.

Như vậy, tất cả thọ sinh ra không có người tạo tác, không có người thọ nhận. Giống như tên hoa sen là nhờ vào thân, lá, nhụy, mùi thơm hợp nên. Như vậy, hoa sen chẳng phải do một duyên mà có được.

Như vậy thọ do nhãn xúc sinh là nhờ con mắt, sắc, hư không, niệm, ánh sáng. Nó nhờ vào con mắt mà sinh thọ. Như vậy, thọ không chỉ có một điều kiện mà sinh ra được, không phải do một vật mà sinh, không phải hòa hợp làm một loại mà sinh, chẳng phải cùng một tướng mà sinh, chẳng phải nhóm họp sinh, chẳng phải hóa sinh.

Tỳ Kheo kia hiểu kỹ về thọ như vậy nên sinh pháp thanh tịnh. Giống như nước mía bỏ trong nồi nấu. Đầu tiên gạt bỏ chất dơ gọi là phả ni đa, nấu lần thứ hai đặc dần gọi là cự lữ, nấu lần thứ ba biến thành màu trắng gọi là thạch mật. Như vậy nước mía càng nấu, gạt bỏ chất bẩn, đặc dần cho đến thành màu trắng.

Tỳ Kheo kia lấy nồi duyên với lửa trí để nấu, hầm liên tục. Đầu tiên thiền quán như phảni đa, thứ hai như cự lữ, thứ ba như thạch mật trắng. Như vậy tâm Tỳ Kheo tương tục nơi pháp dùng lửa trí để nấu, tức thành pháp vô lậu trong sạch, xa lìa trần cấu, không còn xen tạp, sinh pháp xuất thế để ra khỏi sinh tử, xa lìa trần cấu giống như giặt áo.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia lại dùng pháp khác quán xét thật kỹ về thọ

do nhãn xúc sinh có thô có tế, cấu uế nặng không nhẹ đi theo với si. Thọ của chúng sinh… thọ… ấy có thể hủy hoại, còn lại chút ít không chỗ nương dựa. Như vậy thọ thuộc nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, Tỳ Kheo kia đã tu tập, đã quan sát thành tựu về thọ, quân ma sẽ bị hoại diệt. Dạ Xoa ở trên đất trở nên vui mừng nói cho Dạ Xoa nơi hư không. Dạ Xoa sống trên đất, Dạ Xoa nơi hư không nói với Tứ Đại Vương, Tứ Đại Vương tâu với Tứ Thiên Vương, Tứ Thiên Vương tâu với Vua Đế Thích.

Bấy giờ, Vua Đế Thích liền cỡi voi trắng Yên La Bàn Na hoan hỷ nói với Diệm Ma Thiên. Nói đầy đủ như trên. Diệm Ma Thiên nghe Đế Thích nói càng sinh tâm hoan hỷ, đem những thứ trang sức bằng báu Trời đan kết đẹp đẽ đủ thứ màu sắc để trang nghiêm thân, cỡi đủ thứ xe, có thanh, hương, vị, xúc, đáng ưa thích. Những thứ đáng ưa thích, tất cả những thứ vui đó nhiều không thể nói hết.

Thiên chúng Diệm Ma Thiên rất hoan hỷ, hướng đến Đâu Suất thiên khoảng bốn vạn do tuần có cung điện bằng bảy báu, lầu gác tươi sáng đẹp đẽ, tất cả cung thất, thành do ý phân biệt một vạn do tuần, gọi là nơi chốn của Bồ Tát Vô Lậu Lạc. Di Lặc Thế Tôn đang trú nơi ấy, có đầy đủ năm trăm Bồ Tát.

Diệm Ma Thiên đến chỗ Đức Thế Tôn, tâm rất vui mừng, mặc thiên y hở bày vai, gối phải sát đất, lễ lạy rồi chắp tay nơi trán, thưa: Bạch Thế Tôn!

Các Thiên chúng của con nay biết nơi đất nghiệp của cõi Diêm phù đề, trong nước… thôn… làng… có thiện nam… họ… tên… đã cạo bỏ râu tóc, mặc pháp y, Xuất Gia theo chánh tín, trì giới tu hành, cung kính các bậc tôn trưởng, chứng được Địa thứ tư, cầu pháp thiện vô lậu, thấy rõ về thọ phá trừ chúng quân ma, khéo làm chắc chắn cây cầu chánh pháp, mở bày bạch pháp, khiến cho Ma Vương không còn sức lực, Chư Thiên được tăng trưởng có uy lực lớn, như con hôm nay đã nói.

Di Lặc Thế Tôn nghe xong nói với Diệm Ma Thiên: Chư Thiên có sức mạnh, Ma Vương yếu kém, bạn chánh pháp tăng trưởng, phiền não bị chế ngự, quân ma thất bại, ta nghe rất vui mừng.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Về thọ ấm, Tỳ Kheo kia đã thấy biết lược qua giống như ở Lục Dục Thiên sáu cõi Trời thuộc Dục Giới.

Bây giờ làm sao đạt được Địa thứ năm?

Tỳ Kheo kia đã thấy rõ về thọ của Thiên chúng ở Lục Dục Thiên đã tạo nghiệp, nên quán về tướng của tưởng ấm.

Vị ấy phân biệt suy nghĩ: Làm sao trong địa này, ta cùng với tưởng kia thực hành pháp thiện?

Chánh tư duy như vậy rồi thực hành trong phần đó, lại quan sát tướng bạch pháp của tưởng, hành kia, pháp ban đầu như vậy nên biết rõ từng phần.

Thế nào là duyên với hữu kiến, hữu đối sinh ra tưởng bất kiến, vô đối?

Tỳ Kheo kia lại quan sát rộng về tưởng. Tưởng ấy duyên hợp với mười một sắc trần. Đó là dài, ngắn, vuông, tròn, ba góc, một nắm, vàng, đỏ, xanh, trắng, đỏ tía… dựa vào tướng dài mà khởi tướng dài. Cho nên kẻ ngu si thiếu trí trong thế gian bị sinh tử vô biên, quả nghiệp sinh trở lại bị các hoạn nạn về yêu, ghét, lạnh, nóng, đói, khát sai khiến giống như nô tỳ.

Lại ăn nuốt lẫn nhau, tập hợp những việc hư vọng không thật, tất cả những việc không lợi ích, như thế có nhiều vô lượng không thể chịu nổi. Tất cả vô lượng trăm ngàn ức nado tha việc làm do thân, khẩu, ý tạo ra nghiệp khổ não để trang sức thân. Kẻ phàm phu ngu si theo nẻo hư vọng dối trá luôn tạo ra như vậy.

Trong cõi người có các thứ khổ như canh tác… dối gạt lẫn nhau, đong cân không đều, tranh chấp kiện tụng, kinh doanh cầu lợi, hầu hạ, gần gũi Vua…, vào biển, đi xa, làm ruộng, chăn trâu, sinh nơi chốn hạ tiện, biên địa ưa thích tà kiến, các căn không đầy đủ, không được nghe chánh pháp, sinh vào chỗ không có Phật Pháp, không có điều kiện tốt, nếu không bị các nạn như trên thì tâm thường ưa thích uống rượu, dâm dục, trộm cắp, tham dục, sân hận, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ. Những người như vậy là sinh tử mãi. Duyên vào tướng dài ấy mà khởi lên tưởng dài.

Trong cõi Trời, tướng sinh tử dài duyên vào tướng kia mà tưởng.

Như vậy, trong cõi Trời cảnh giới không thể nắm bắt nhưng cảnh giới hỷ lạc với sắc, thanh, hương, vị tham dục, sân si, luôn phóng dật, huân tập gần gũi với người nữ trong vườn hoan hỷ, trang sức đủ loại, treo vật báu nơi cung điện, rừng cây, ao sen rất đẹp, đùa giỡn, hoan lạc, lấy bột cây chiên đàn, hoa mạn đà la để rải, âm thanh ca hát tất cả đều của hàng Trời, khiến tâm hỷ lạc, xa lìa chánh pháp. Đó là sinh tử dài.

Nếu sinh vào nơi cõi Trời thì có những việc như vậy. Do duyên vào tướng dài ấy mà sinh tưởng dài.

Trong loài ngạ quỷ, tướng sinh tử dài duyên vào tướng của nó mà tưởng. Do tạo nghiệp ác nên loài ngạ quỷ bị đói khát, đau đớn, thân dầm mưa chịu nắng, cổ nhỏ như cây kim, hông cao như vách núi, giống cái ống bi. Do tâm ganh tỵ mà chúng dùng dao, kiếm… chém giết lẫn nhau.

Ở trong chỗ tối tăm, rơi vào sườn núi nguy hiểm, chạy vội vàng đến sông ngòi, ao vũng, rồi bị đám Diêm Ma La cầm dao gậy, hoặc những vật sắc bén chặt, đánh, chém, bị khổ não cùng cực, ăn những thứ ói mửa của người, những thức ăn ghê tởm ấy nhiều vô lượng không thể chịu nổi.

Còn những khổ như: Nước mắt chảy ra, đầu tóc rối bù che cả thân mặt, có trăm ngàn con trùng bò đầy khắp thân, nơi thân mang tất cả thứ bệnh, sống dài trong sinh tử, thường bị quạ sắt dùng móng vuốt, mỏ nóng đỏ như lửa, cào mổ vào mắt, miệng.

Ngạ Quỷ như cây bị thiêu rụi, chúng ăn nuốt lẫn nhau, đi trong đồng trống ba trăm sáu mươi ức do tuần nhưng không có chủ, không có người hướng dẫn, bị đói khát hành hạ, thân nó bị lửa đốt, vào trong chỗ tối tăm. Ngạ Quỷ như vậy bị tà kiến dối gạt, không được nghe chánh pháp. Đó là sinh tử dài, duyên vào tướng kia mà tưởng.

Nơi loài súc sinh cũng ăn nuốt lẫn nhau, dâm dục không có luân lý, không biết ứng hợp. Nếu sinh trong nước thì đi trong nước, tâm nóng bức, luôn đói, thường sợ người khác bắt như rùa, ba ba, rái cá… Cá Đề Di, đề di nghê la có tên là cá ông, cá kim Tỳ La, cá na cala, gọi là cá đại khẩu, loài trùng, ốc, hến, con lớn luôn ăn con nhỏ, thường sợ bị lưới chài… ngăn chận để bắt.

Đi trên đất là những loài hươu, nai, trâu, heo, voi, bò, ngựa, lừa, gấu bị trói buộc khổ não, bị dao nhọn đâm giết, bị bệnh già chết não hại lẫn nhau, có trăm ngàn thứ thống khổ.

Đi trên không là chim quạ, chồn bay, thiên nga, khổng tước, oanh vũ, bồ câu, gà, chim trĩ, tu hú, nhạn nước, chim xanh giữ đầm, chim quán, chim sẻ, đó là những loại được người nuôi, còn những loại chim khác bị giết, bị nhốt, đói khát ăn nuốt lẫn nhau, bị lạnh nóng bức bách khổ não, súc sinh các loại như vậy ở dưới nước, trên đất, trên hư không ba nơi đều sợ hãi. Đó là sinh tử dài duyên vào tướng kia mà tưởng.

Trong địa ngục, như địa ngục Hoạt, địa ngục Hắc thằng, địa ngục Chúng hợp, địa ngục Khiếu hoán, địa ngục Đại khiếu hoán, địa ngục Tiêu nhiệt, địa ngục A tỳ là khổ não bậc nhất, có vô lượng trăm ngàn chẳng thể nghĩ bàn nỗi sợ hãi về đao, lửa…

Rơi trong các sông ác, thân máu chảy lai láng, vào rừng đao kiếm, trong lửa dữ, chìm trong sông tro, đi trên đất lửa nóng, chịu khổ não vì lửa thiêu đốt, bị vô lượng loại khổ não, các thứ ác dữ bức bách không thể chịu nỗi. Như vậy, địa ngục là sinh tử dài duyên vào tướng kia mà tưởng.

Tỳ Kheo kia vận dụng trí tuệ quán xét: Hữu kiến hữu đối duyên vào nhân duyên, nghiệp quả của sắc dài, duyên vào Tứ Đế để quan sát các hoạt động của chúng sinh trong trăm ngàn do tuần. Hành đạo như vậy, suy nghĩ theo từng phần, người ấy quan sát về nhân duyên, nhàm chán sinh tử.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Tỳ Kheo kia làm sao tư duy từng phần để quán về tướng ngắn?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Tỳ Kheo kia muốn chiến đấu với quân ma, làm sao tư duy từng phần để quán về tướng ngắn của sinh tử?

Nghĩa là thọ giới hạnh đầu đà, tinh tấn bố thí, giữ giới tu trí tuệ, cung kính bậc tôn trưởng, tâm ngay thẳng hoan hỷ, theo chánh kiến kính trọng cha mẹ, gặp Phật nghe pháp, cung kính cúng dường, không dua nịnh, không ngã mạn, không dối trá, gần gũi thiện tri thức, giữ niềm tin theo chánh hạnh, hành động theo tâm ngay thẳng, thân, khẩu, ý thanh tịnh, người như thế thì sinh tử ngắn duyên vào tướng kia mà tưởng.

Nếu sinh trong Cõi Trời thì buông lung nơi vườn Hoan hỷ, xe cộ gắn châu báu, rừng cây, ao sen, có chiên đàn quý giá, anh lạc thù thắng, đẹp đẽ đoan nghiêm, có cây kiếp ba. Trong rừng có suối chảy, vui chơi thọ lạc.

Hoặc xả bỏ những thú vui ấy, thọ trì giới cấm, ăn uống du hành, tất cả thiền tư đọc tụng, vui gặp người thiện, chỉ dạy người khác đọc tụng, bố thí thuận hợp, tu hành Phạm hạnh, các căn tịch tĩnh, nói ít, thích nghe chánh pháp, ăn uống như pháp. Nếu Cõi Trời hành hóa như vậy là sinh tử ngắn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần