Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Cứu Cánh Kiên Cố Và Mật Nhân Của Như Lai Về Chư Bồ Tát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH CỨU CÁNH
KIÊN CỐ VÀ MẬT NHÂN CỦA NHƯ LAI
VỀ CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH ĐỂ TU
CHỨNG LIỄU NGHĨA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường
PHẦN BA
Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Bây giờ Như Lai sẽ nói lời thành thật cho ông rõ. Qua thí dụ đó, những ai có trí tuệ sẽ được khai ngộ.
Này Khánh Hỷ! Hãy dùng nắm tay của ta làm thí dụ. Nếu chẳng có tay, Ta sẽ không thể làm một nắm tay. Nếu chẳng có mắt, ông sẽ không thể thấy.
Qua thí dụ về căn mắt của ông và nắm tay của ta, sự so sánh ấy có giống nhau chăng?
Ngài Khánh Hỷ thưa rằng: Dạ có, thưa Thế Tôn! Nếu chẳng có mắt, con sẽ không thể thấy. Vì vậy qua thí dụ về căn mắt của con và nắm tay của Như Lai, sự so sánh ấy là giống nhau.
Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Ông nói rằng sự so sánh của chúng giống nhau, tuy nhiên, chúng chẳng tương đồng.
Vì sao thế?
Bởi một người không có tay thì sẽ không bao giờ làm được một nắm tay, nhưng người không có mắt thì chẳng phải hoàn toàn không thấy.
Vì sao thế?
Bởi nếu ông hỏi những người mù trên đường phố rằng: Ông có thấy gì chăng?
Những người mù kia sẽ không ngần ngại mà trả lời ông rằng: Bây giờ tôi chỉ thấy tối om ở trước mắt và không có gì khác để nhìn.
Quán sát về ý nghĩa này, trần cảnh ở trước tự tối, chứ thị giác chẳng hề tổn giảm.
Ngài Khánh Hỷ thưa rằng: Thưa Thế Tôn! Những người mù chỉ thấy tối om ở trước mắt thì làm sao có thể gọi là thấy?
Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Nếu bỏ chung những người mù chỉ thấy tối om ở trước mắt với người có mắt ở trong một căn phòng tối om, hai loại đen tối ấy có khác biệt hay chẳng khác biệt?
Dạ không, thưa Thế Tôn! So sánh về hai loại đen tối giữa người mắt sáng ở trong căn phòng tối om và người mù kia thì hoàn toàn chẳng khác biệt.
Này Khánh Hỷ! Giả sử người mù chỉ thấy tối đen ở trước mắt, bỗng nhiên được mắt sáng trở lại và giờ thì họ thấy đủ mọi hình sắc ở trước mắt. Ông có thể gọi đó là mắt thấy. Giả sử người mắt sáng ở trong căn phòng tối om kia chỉ thấy tối đen ở trước mắt, bỗng nhiên ngọn đèn được thắp sáng và giờ thì họ cũng thấy đủ mọi hình sắc ở trước mắt.
Ông có thể gọi đó là đèn thấy.
Bây giờ, nếu đèn có thể thấy thì nó không còn gọi là đèn nữa. Lại nữa, nếu đèn có thể thấy thì có liên quan gì với người mắt sáng đâu.
Cho nên phải biết rằng, cái đèn có thể hiển lộ hình sắc và sự thấy như thế là con mắt chứ chẳng phải cái đèn. Con mắt có thể hiển lộ hình sắc và tánh thấy như thế là đến từ tâm chứ chẳng phải con mắt.
Mặc dù Ngài Khánh Hỷ và các đại chúng đã nghe lời Phật nói, nhưng tâm vẫn chưa khai ngộ nên giữ im lặng. Hy vọng rằng sẽ tiếp tục nghe được âm thanh từ bi tuyên giảng của Phật, họ chắp tay, thanh tịnh tâm ý, và chờ đợi lời dạy bảo từ bi của Phật.
Lúc bấy giờ Thế Tôn duỗi cánh tay ra, rồi mở bàn tay chói sáng, mềm mại như bông gòn, có màng lưới giữa các ngón tay, và hiển lộ hình bánh xe ở trên những ngón tay.
Đức Phật bảo Ngài Khánh Hỷ và các đại chúng rằng: Sau khi thành đạo, ta đi đến vườn Nai và vì nhóm năm người của Bhikṣu Giải Bổn Tế cùng bốn chúng đệ tử các ông mà nói rằng: Sở dĩ các chúng sanh không thành tựu Phật Đạo hay trở thành bậc Ứng Chân là họ đều bị mê hoặc bởi phiền não tựa như những du khách và vi trần.
Đương thời các ông do nhân duyên gì mà khai ngộ và nay được thành tựu Thánh Quả?
Khi ấy Ngài Giải Bổn Tế đứng dậy và thưa với Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Trong tất cả những vị Trưởng Lão hiện diện ở giữa đại chúng nơi đây, con là người độc nhất được tên gọi là giải, nhân bởi con giác ngộ hai chữ khách trần mà thành tựu thánh Quả.
Thưa Thế Tôn! Ví như có một du khách dừng chân ở quán trọ để ăn uống hoặc ngủ qua đêm. Một khi đã nghỉ ngơi hoặc ăn uống xong, họ liền thu xếp hành trang mà lên đường và không nhàn rỗi nán lại. Nhưng nếu người ấy đích thật là chủ quán thì không thể rời khỏi. Suy ngẫm qua thí dụ này, người không ở lại gọi là khách và người ở lại gọi là chủ. Do chẳng trụ lâu nên nó là tạm thời.
Lại ví như bầu Trời khi mưa vừa tạnh ở buổi sáng, một luồng ánh sáng trong thanh từ Mặt Trời nhô lên chiếu xuyên qua lỗ hổng và hiển lộ những hạt bụi ở không trung. Thể chất của vi trần dao động nhưng hư không thì tịch nhiên. Suy ngẫm qua thí dụ này, lặng yên gọi là hư không và dao động gọi là vi trần. Do có dao động nên nó là di chuyển.
Đức Phật bảo: Như thị!
Lúc bấy giờ ở giữa đại chúng, Như Lai cong năm ngón tay với hình bánh xe thành nắm tay. Khi đã cong thành nắm tay rồi lại mở ra.
Khi đã mở năm tay ngón tay ra rồi lại cong thành nắm tay và bảo Ngài Khánh Hỷ rằng: Bây giờ ông thấy gì?
Ngài Khánh Hỷ thưa rằng: Dạ, con thấy Như Lai mở và khép lòng bàn tay có hình bánh xe trăm báu ở giữa đại chúng.
Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Ông thấy bàn tay của ta mở và khép ở giữa đại chúng.
Là tay của Ta có mở và khép, hay là thị giác của ông có mở và khép?
Ngài Khánh Hỷ thưa rằng: Dạ, bàn tay báu của Thế Tôn có mở và khép ở giữa đại chúng. Mặc dù con thấy tay của Như Lai tự mở và khép, nhưng thị giác của con không có mở hay khép.
Đức Phật bảo: Cái gì động và cái gì tĩnh?
Ngài Khánh Hỷ thưa rằng: Dạ, bàn tay của Phật có dao động, nhưng thị giác của con còn vượt ra khỏi sự tịch tĩnh.
Huống nữa là có dao động hay sao?
Đức Phật bảo: Như thị!
Lúc bấy giờ có một luồng ánh sáng báu phóng ra từ lòng bàn tay có hình bánh xe của Như Lai và xẹt ngang qua vai phải của Ngài Khánh Hỷ. Ngài Khánh Hỷ lập tức xoay đầu và nhìn sang bên phải. Đức Phật lại phóng một luồng ánh sáng ở bên vai trái của Ngài Khánh Hỷ. Ngài Khánh Hỷ cũng xoay đầu và nhìn sang bên trái.
Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Vừa rồi tại sao ông xoay đầu?
Ngài Khánh Hỷ thưa rằng: Dạ, con thấy Như Lai phóng một luồng ánh sáng báu vi diệu xẹt ngang qua vai phải của con, rồi một luồng ánh sáng khác xẹt ngang qua vai trái của con. Cho nên con xoay đầu của mình qua bên phải và trái để nhìn.
Này Khánh Hỷ! Khi ông xoay đầu qua bên phải và trái để nhìn Phật quang, là đầu của ông dao động, hay là thị giác của ông dao động?
Thưa Thế Tôn! Đầu của con dao động, nhưng thị giác của con còn vượt ra khỏi sự tịch tĩnh.
Huống nữa là có dao động hay sao?
Đức Phật bảo: Như thị!
Khi ấy Như Lai bảo toàn thể đại chúng rằng: Tất cả chúng sanh cần phải hiểu rằng, những thứ gì dao động là vi trần và chúng tựa như du khách chẳng ở lại. Như vừa rồi các ông thấy đầu của Khánh Hỷ dao động, nhưng thị giác của ông ta chẳng hề dao động.
Lại nữa, khi Khánh Hỷ thấy bàn tay của ta khép và mở, nhưng thị giác của ông ta chẳng khép hay mở.
Thế thì tại sao nay các ông vẫn cho những gì dao động là thân của mình và cảnh vật của nó?
Vả lại chúng hình thành và hoại diệt trong từng niệm. Các ông đã đánh mất chân tánh của mình và làm những việc điên đảo. Do bởi đánh mất chân tánh của tâm và nhận lấy trần cảnh làm của mình, nên các ông vẫn luôn lưu chuyển trong luân hồi.
Khi Ngài Khánh Hỷ và các đại chúng nghe lời dạy bảo của Phật, thân tâm của họ an nhiên. Họ nhận ra rằng từ vô thỉ đến nay đã đánh mất bổn tâm. Thay vào đó, họ nhận lầm duyên trần và hình bóng của sự phân biệt.
Bây giờ họ đều khai ngộ. Họ như những đứa trẻ thất lạc bỗng nhiên gặp lại mẹ hiền. Họ chắp tay đảnh lễ Phật.
Họ muốn được nghe Như Lai hiển lộ tánh tương phản của thân và tâm: Cái gì là chân và cái gì là vọng, cái gì là thật và cái gì là giả, cái gì hình thành rồi hoại diệt và cái gì bất sanh bất diệt.
Lúc bấy giờ Vua Thắng Quân đứng lên và thưa với Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Trước khi được Phật chỉ dạy, thuở xưa con đã gặp ngoại đạo Hắc Lãnh Tiễn Phát và Đẳng Thắng Bất Tác Tử. Cả hai đồng bảo rằng, thân này sau khi chết sẽ hoàn toàn đoạn diệt và đó gọi là tịch diệt. Tuy nay đã gặp Phật nhưng con vẫn hoài nghi.
Làm sao con có thể chứng biết cái tâm này chẳng sanh hay diệt?
Bây giờ ở giữa đại chúng nơi đây, các vị hữu lậu thảy đều muốn nghe.
Phật bảo Đại Vương: Ta nay lại hỏi về thân thể hiện tại của ông.
Thân xác thịt này của ông là đồng với kim cang, thường trụ bất hoại, hay là sẽ biến đổi hư hoại?
Thưa Thế Tôn! Hiện tại thân này của con sẽ luôn biến đổi cho tới khi hoại diệt.
Đức Phật bảo: Này Đại Vương! Ông chưa từng trải qua hoại diệt thì làm sao biết mình sẽ hoại diệt?
Thưa Thế Tôn! Thân này của con là vô thường và sẽ biến đổi hư hoại, mặc dù nó chưa từng hoại diệt. Nhưng bây giờ con quán sát thì thấy từng niệm của con phai đi, rồi niệm mới tiếp nối và cũng chẳng trụ, như lửa cháy thành tro rồi dần dần tiêu mất và hoại diệt chẳng ngừng. Qua đó con chắc chắn biết rằng, thân này cũng sẽ diệt tận.
Đức Phật bảo: Như thị, Đại Vương! Ông nay đã già yếu.
Nhan mạo bây giờ mà so với thời trẻ thơ thì như thế nào?
Thưa Thế Tôn! Khi con là một đứa bé ở thuở xưa, làn da trơn mịn và tràn đầy năng lượng khi đến tuổi trưởng thành. Nhưng bây giờ ở lứa tuổi già suy, hình sắc khô héo, tinh thần lờ đờ, tóc bạc trắng, da mặt nhăn nheo, và e rằng không còn nhiều thời gian cho con nữa.
Sức khỏe bây giờ thì làm sao mà có thể sánh với thời trai trẻ chứ?
Đức Phật bảo: Này Đại Vương! Hình mạo của ông không thể hốt nhiên suy yếu như thế.
Nhà Vua thưa rằng: Thưa Thế Tôn! Sự biến đổi quá vi tế nên con khó nhận biết. Trải qua bao mùa lạnh nóng đổi dời và dần dần thì con trở thành như vậy.
Vì sao thế?
Bởi khi con hai mươi tuổi, tuy gọi là thời niên thiếu, nhưng nhan mạo đã già so với lúc mười tuổi. Ở tuổi ba mươi thì suy yếu hơn lúc hai mươi tuổi. Và bây giờ ở tuổi sáu mươi hai, con nhìn lại lúc năm mươi tuổi như một thời cường tráng.
Thưa Thế Tôn! Xem xét những biến đổi vi tế này, nay con nhận thấy rằng những sự thay đổi dẫn đến cái chết không phải chỉ từ mười năm đến mười năm, mà chúng phân ra từng giai đoạn nhỏ. Xem xét kỹ hơn, sự biến đổi ấy xảy ra từ năm này sang năm khác.
Chính xác hơn, sao chúng chỉ xảy ra từng năm?
Những sự biến đổi đó cũng xảy ra mỗi tháng.
Làm sao chúng chỉ xảy ra mỗi tháng?
Những sự biến đổi đó cũng xảy ra từng ngày. Và nếu ai tư duy kỹ, họ sẽ thấy có sự thay đổi không ngừng trong từng niệm. Cho nên con biết rằng thân con sẽ biến đổi cho đến khi hoại diệt.
Phật bảo Đại Vương: Ông thấy những sự biến hóa đổi dời không ngừng mà ngộ ra rằng ông sẽ hoại diệt.
Nhưng có biết rằng khi ông hoại diệt, có thứ trong ông mà sẽ không hoại diệt với ông chăng?
Vua Thắng Quân chắp tay và bạch Phật rằng: Dạ, con thật không biết.
Đức Phật bảo: Ta nay sẽ chỉ cho ông biết thể tánh bất sanh bất diệt.
Này Đại Vương! Khi ông thấy nước sông Hằng đầu tiên là lúc khoảng mấy tuổi?
Nhà Vua thưa rằng: Dạ, lúc lên ba tuổi, mẹ hiền của con đã dẫn con diện kiến Thiên thần Trường Mạng. Khi đi qua một dòng sông, con liền biết đó là nước sông Hằng.
Đức Phật bảo: Này Đại Vương! Như lời ông nói, khi ông hai mươi tuổi thì đã suy yếu hơn so với lúc mười tuổi. Ngày tháng năm trôi qua, trong từng niệm luôn có sự đổi dời cho tới khi ông sáu mươi tuổi.
Hãy nghĩ xem lúc ông ba tuổi đã nhìn thấy con sông đó, rồi đến khi mười ba tuổi, nước của con sông đó như thế nào?
Nhà Vua thưa rằng: Dạ, nó giống như khi con được ba tuổi. Và cho đến bây giờ, khi con sáu mươi hai tuổi, nó vẫn giống như vậy.
Đức Phật bảo: Nay ông tự thương cảm cho mái tóc bạc và khuôn mặt nhăn nheo của mình. Chắc chắn rằng khuôn mặt hiện giờ của ông đã có nhiều nếp nhăn so với thời trẻ thơ.
Nhưng nay khi ông nhìn lại sông Hằng, thị giác của ông bây giờ có khác biệt gì so với thị giác lúc còn thơ ấu chăng?
Nhà Vua thưa rằng: Dạ không, thưa Thế Tôn!
Đức Phật bảo: Này Đại Vương! Tuy mặt của ông bị nhăn, nhưng bổn tánh của thị giác chưa từng bị nhăn. Những gì bị nhăn sẽ biến đổi. Những gì chẳng bị nhăn sẽ không biến đổi. Những gì biến đổi sẽ hoại diệt.
Còn những gì không biến đổi thì chưa từng có sanh hay diệt. Thế thì làm sao nó bị ảnh hưởng bởi sự sanh tử của ông chứ?
Cho nên ông không cần phải lo lắng đối với lời nói của ngoại đạo Mịch Đạo Ngưu Xá Tử và những kẻ khác, rằng sau khi thân này chết đi thì sẽ hoàn toàn hoại diệt.
Khi nghe lời nói ấy, Nhà Vua tin nhận và biết rằng sau khi xả thân này sẽ chuyển sanh. Lúc ấy Nhà Vua cùng với các đại chúng vui mừng hớn hở và được điều chưa từng có.
Bấy giờ Ngài Khánh Hỷ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay đảnh lễ Phật, quỳ hai gối và thưa với Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Nếu thị giác và thính giác đều không sanh diệt, vậy thì tại sao Thế Tôn lại nói rằng chúng con đã đánh mất chân tánh của mình và làm những việc điên đảo?
Kính mong Thế Tôn hãy khởi lòng từ bi mà tẩy trừ trần cấu của chúng con.
Lúc bấy giờ Như Lai rũ cánh tay sắc vàng và làm cho những ngón tay có hình bánh xe hướng xuống, rồi bảo Ngài Khánh Hỷ rằng: Ông vừa mới thấy ta làm thành thủ ấn.
Nó đang đảo ngược hay thẳng đứng?
Ngài Khánh Hỷ thưa rằng: Thưa Thế Tôn! Chúng sanh ở thế gian sẽ cho đó là đảo ngược. Riêng con không biết cái gì là đảo ngược và cái gì là thẳng đứng.
Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Nếu người thế gian cho đó là đảo ngược, thế thì cái gì mà người thế gian sẽ cho là thẳng đứng?
Ngài Khánh Hỷ thưa rằng: Dạ, họ sẽ gọi là thẳng đứng nếu Như Lai dựng đứng cánh tay mềm mại như bông gòn và những ngón tay chỉ thẳng lên không trung.
Đức Phật liền dựng đứng cánh tay của Ngài và bảo Tôn Giả Khánh Hỷ rằng: Một khi những người thế gian nhìn thấy đầu đuôi thay đổi lẫn nhau, họ sẽ mê loạn. Cũng như vậy, phải biết rằng, nếu thân của ông so với Pháp Thân thanh tịnh của chư Như Lai, thì như so sánh thân Chánh Biến Tri của Như Lai đối với thân điên đảo của các ông vậy.
Ông hãy quán sát tường tận, nếu thân ông so với thân Phật thì gọi là điên đảo, nhưng chính xác thì tánh điên đảo tìm thấy ở chỗ nào?
Đến đây Ngài Khánh Hỷ và các đại chúng đều trơ mắt nhìn Phật và mắt không hề nháy. Họ chẳng biết tánh điên đảo ở chỗ nào trong thân và tâm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Dần đủ Tất Cả Trí đức - Phẩm Bảy - Trụ Huyền Diệu
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Tám Mươi Tám
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Bảy Mươi Tám - Phẩm Trụ Nhị Không
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Bảy - Phẩm Thọ Trì
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Di Tịnh Hạnh Pháp Môn - Phẩm Một - Phẩm Tu Hành
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Mười Bốn
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Ba - Phẩm địa Ngục - Tập Hai Mươi Tám
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Hai Mươi Mốt - Phẩm Lão Mạo - Thí Dụ Bốn Mươi Hai