Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Hai - Phẩm Sinh Tử - Tập Chín
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM HAI
PHẨM SINH TỬ
TẬP CHÍN
Lại nữa, Tỳ Kheo kia tư duy như vậy: Vì sao Tỳ Kheo kia sợ ái mà nhàm chán, xa lìa sinh tử, xả bỏ tất cả dục?
Giống như con voi quý sống đến sáu mươi năm mà sức lực vẫn mạnh mẽ. Người khác điều phục voi, bắt cột năm chỗ của nó và bỏ trong chuồng. Sau đó mới dùng các thức ăn ngon, những thứ khiến nó vui vẻ, như mía ngọt và rượu mía ngọt… dùng các nhạc khí tấu lên ca hát để làm cho nó vui, không muốn nó buồn, không để nó nhớ đến những thứ vui trong rừng, lại khiến nó quên bẳng đi.
Lại nhốt chung với những con voi thường, điều phục cho thật tốt, tạo sự hệ thuộc vào người khác. Con voi ấy tuy được nuôi dưỡng như vậy, lo lắng như vậy nhưng không thể nào khiến nó không còn sầu muộn, nó không thể nào quên cái vui lúc dạo chơi tự do trong rừng, không quên cây cối, hoa quả ở nơi chốn kia, các thứ tiếng chim hót, hoặc lúc vui đùa bên bờ sông.
Suy nghĩ như vậy, nó liền giựt dây buộc bỏ chạy vì nó nhớ lại những cái vui thích kia, không sợ người điều phục, voi liền phá chuồng, rồi chạy về rừng, tâm không thèm nhớ lại đường cát, thức ăn ngon, mía ngọt và rượu mía ngọt, các âm thanh đàn hát.
Những thứ ấy không thể nào điều phục được tâm nó, không thể dối gạt được voi, vì nó không quên những sự vui thích trong rừng, không thích ở chung với những con voi thường nên nó quyết trở lại chốn núi rừng.
Tỳ Kheo tu hành cũng lại như vậy. Từ vô thỉ đến nay lưu chuyển mãi trong thế gian, bị cột vào năm thứ trói buộc, đó là tham ái nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc.
Người khéo điều thuận là sáu thức: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân. Nhà giam chuồng là sự yêu mến vợ con, quyến thuộc, chỗ nương ở. Nô bộc, tôi tớ, giàu sướng là sự ngăn che của phiền não cấu nhiễm. Những thức ăn uống, các thứ tạo sự vui vẻ, rượu mía ngọt, vô số những mùi vị ngon… tâm phân biệt chính là các thứ tạo sự hoan hỷ. Dâm dục là thức ăn uống.
Lưới ái nơi tâm là các thứ âm thanh ca nhạc, đùa giỡn. Kẻ phàm phu tà kiến giống như con voi thường. Cùng ở chung là lưới nghi thân kiến, giới cấm thủ và nghi. Chất ngọt trong miệng là ưa thích tà kiến. Hệ thuộc vào người khác là lệ thuộc vào dục, tham, sân, si. Voi được điều phục là người tu hành.
Tất cả nhiễm, si, là sự cúng dường. Nhớ nghĩ, xuất ly tức là thiền trong núi. Tam Ma Đề là hang núi. Tâm sinh tám chánh đạo đây gọi là hoa, Niết Bàn là quả. Âm thanh của các loài chim là Pháp sư, trí tuệ là sông, bờ sông là nhất tâm. Địa phận là bốn phạm hạnh từ, bi, hỷ, xả.
Người tu hành giống như con voi mạnh mẽ, tùy thuận nơi hành trang an vui trong thiền định, hướng về Tăng già lam là trở lại với rừng. Như vậy người tu hành đạo cũng như con voi mạnh mẽ. Còn người không tu hành thì cũng như con chó không khác.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Thế nào là Tỳ Kheo kia ở địa thứ tám tu tập địa thứ chín và chứng được địa thứ chín.
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Tất cả sự vật nơi tam giới đều là vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh. Quán tất cả dục cũng lại như vậy. Ví như cây cổ thụ cao to tên Khư Thù Lê ở tận rừng sâu đầy hiểm trở, có rất nhiều gai góc, trái ở đầu ngọn cây đã ít mà cũng khó hái.
Nếu lấy được trái ấy thì có nhiều tai họa: Sợ trái rơi xuống chỗ nguy hiểm, lại sợ mất mạng. Bụng cây có lỗ hổng, lỗ hổng ấy bị mục nát lõm vô. Ai leo lên cây đều sợ lỗ hổng mục nát ấy làm mất mạng. Cây ấy rất cao, nếu rớt xuống thì sẽ chết ngay, huống chi rớt xuống từ sườn núi cao hiểm ác.
Kẻ phàm phu ngu si mắt mù không có trí, vì tham đắm các mùi vị, mong được nhìn thấy quả của cây kia, mà không xem cây ở nơi sườn núi cao lại có lỗ hổng mục nát. Người ngu si kia do tham đắm mùi vị của quả ấy mà leo lên cây, chưa tới gần quả thì bị rớt xuống đất chết ngay. Lại cũng có người khác biết chút ít về cách hái trái, hoặc có mạng sống lâu nên không bị rớt xuống, được chút ít mùi vị của quả đó nhưng cũng chịu nhiều khổ não.
Tỳ Kheo tu hành kia quán rừng năm đường ở giữa có lỗ hổng. Sườn núi cao vút hiểm trở kia là tất cả thứ bệnh hoạn. Cây Khư thùlê là tâm tham dục. Vô số gai góc là vô lượng trăm ngàn thứ phiền não. Cầu khó nhọc để được quả kia gọi là khổ.
Trái ở ngọn cây là tất cả ý dục. Tham ái về sắc, thanh, hương, vị, xúc khó mà có được là quả dục. Gọi là đi biển hoặc là sợ đao, gần gũi với Vua, làm giặc để sống, chịu các khổ như vậy mới đạt được chỗ ham muốn của mình như người kia bị khổ.
Có nhiều lỗi lầm là tham dục, sân, si. Rơi từ trên sườn núi cao là rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Chết ngay lập tức là mạng sống của chánh pháp bị diệt tận. Lỗ hổng mục nát nơi cây là sự trống không, không có một vật, tất cả đều không bền chắc. Người ngu si đến là đám người tà kiến ngu si. Bị vô lượng tội lỗi như vậy còn lại tạo thêm nhiều lỗi lầm. Như vậy quả dục mùi vị ít mà tai họa nhiều.
Tỳ Kheo kia quán xét tất cả tâm dục như vậy không sinh phân biệt.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia quan sát tâm dục giống như ngọn lửa, ngọn đèn. Màu sắc ánh sáng rất đáng ưa thích, nhưng chạm vào thì rất nóng. Đám phù du ngu, dại thấy ánh sáng của ngọn đèn tham đắm ái lạc nên bay vào liền bị chết ngay.
Kẻ phàm phu ngu si cũng lại như vậy, bị dục, sân, si che lấp, tâm sinh đắm nhiễm với tất cả dục, giống như đám phù du kia thấy màu sắc ánh sáng của ngọn đèn. Nếu lao vào đèn dục tức là đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, giống như con phù du kia bay vào đèn mà chết.
Tỳ Kheo kia quan sát như vậy tâm lìa được dục.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Tất cả chúng sinh trong thế gian này bị trói buộc do loại dây nào mà luôn luôn phải sinh tử luân hồi?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Thấy chúng sinh bị hai sợi dây buộc chặt trong thế gian:
1. Dây ăn.
2. Dây xúc.
Dây ăn có bốn:
1. Đoàn thực.
2. Tư thực.
3. Thiền thực.
4. Xúc thực.
Đoàn thực là chỗ của bốn châu thiên hạ, sáu cõi Trời ở Dục Giới, tám đại địa ngục và một phần thuộc ngạ quỷ.
Tư thực là trong loài cá.
Thiền thực là hành thiền của các Cõi Trời thuộc Sắc Giới.
Xúc thực là các loài chim.
Thế nào là xúc?
Xúc nghĩa là dục. Có cái cầm lấy, có cái vui chơi, có cái mắt thấy được tất cả đều bị dục xúc gạt lừa. Tất cả kẻ phàm phu ngu si cũng như vậy.
Nghĩa là trong Dục Giới, người, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục những cõi này đều làm theo dục cho nên gọi là Dục Giới. Lại như Tam Ma Bạt Đề ở Vô Sắc Giới lấy sự duyên dựa làm thức ăn. Do hai sợi dây này mà luôn ở mãi trong thế gian, không lìa được dục, thường bị tất cả các kết sử trói buộc.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia, quán như thật về nhãn. Khi nhãn thức thấy sắc nếu sinh xúc vui thì duyên dựa theo vui, mà nghiệp báo không vui.
Lại quán như thật khi nhãn thức thấy sắc là chỗ không vừa ý. Nếu nhãn xúc sinh, duyên hợp với khổ đó là nghiệp báo vui.
Người kia nhận biết như thật vì sao nói nhãn thức thấy sắc duyên hợp với vui nhưng không phải nghiệp báo vui?
Ở trong pháp này tùy thuận quan sát: Nhãn thấy sắc rồi tư duy bất thiện, quan sát duyên dựa theo sự quan sát đó nhớ nghĩ về mùi vị rồi tham đắm mà sinh tâm vui thích, hiện tại tuy vui nhưng về sau chịu khổ báo, tạo nên địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Vì nghiệp gì mà trong hiện tại không được quả báo vui, về sau mới được quả báo vui?
Nhãn thức thấy sắc sinh nhãn xúc, tư duy tâm thiện, quan sát duyên hợp đời hiện tại tâm không tham đắm, hiện tại tâm không hỷ lạc nên không bị nghiệp báo khổ. Sau sinh vào cõi Trời, Người được an vui thắng diệu, cuối cùng đạt Niết Bàn. Các thức nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng đều như vậy.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Thế nào là Tỳ Kheo kia khi nhãn thức thấy sắc thì tâm hành xả?
Nghĩa là Tỳ Kheo kia khi mắt thấy sắc rồi, tâm không hỷ lạc, không phải là không hỷ lạc, không tham, không ghét, tâm không hy vọng, không phải là không hy vọng, không nhớ nghĩ, cũng không phải là không nhớ nghĩ, cũng không bị sự quan sát bất thiện che lấp. Hành xả như vậy gọi là xứ xả, chẳng phải là xứ khổ lạc.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia chứng được địa thứ mười, hành từ địa thứ sáu gọi là A Na Hàm trong địa Sơ Thiền cho đến Tứ Thiền. Đạt được địa kia, người ấy quán các pháp sinh diệt còn, mất, thường siêng năng tu hành tám Chánh đạo, muốn giác ngộ, muốn đạt đến giải thoát.
Tỳ Kheo kia tinh tấn như vậy, cung ma sẽ bị che lấp. Dạ Xoa sống trên đất biết sự việc như thế rất hoan hỷ, nói với Dạ Xoa nơi hư không. Dạ Xoa nơi hư không tâu với Tứ Đại Vương. Tứ Đại Vương tâu với Tứ Thiên Vương. Tứ Thiên Vương tâu lại Trời Tam Thập Tam.
Trời Tam Thập Tam nói với Trời Diệm Ma. Trời Diệm Ma nói với Thiên chủ Đâu Suất. Thiên chủ Đâu Suất nói với Trời Hóa Lạc. Trời Hóa Lạc nói với Trời Tha Hóa Tự Tại. Trời Tha Hóa Tự Tại nói với Phạm Thiên.
Trong cõi Diêm Phù Đề có thiện nam… nói rộng như trước, cho đến tám địa thâu giữ sáu địa.
Phạm thiên nghe xong rất vui mừng. Phạm Ca Di Thiên xuất thiền đi dạo, nghe sự thật như vậy rồi trở nên vui mừng.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Làm thiện hoặc bất thiện
Nhất định chịu nghiệp quả
Nghiệp ai gây nấy hưởng
Đều bị nghiệp trói buộc.
Như vậy đất phiền não
Ban đầu ngọt sau đắng
Lìa cảnh giới như độc
Vì nó không lợi ích.
Người trí không phiền não
Thuộc vào cảnh giới trí
Đời này hoặc đời sau
Luôn luôn được an lạc.
Người trí đốt phiền não
Như lửa đốt cỏ khô
Phiền não che trí, phạm
Nên Phật nói Tam Bảo.
Ai thích cảnh giới trí
Tịch tĩnh như Mâu Ni
Rắn phiền não cắn ai
Người đó mất tất cả.
Người nào biết nhị đế
Dũng mãnh, thấy biết rõ
Là hành đệ nhất đạo
Xả ly chốn sinh tử.
Nếu ai thích sinh tử
Hỷ lạc giặc phiền não
Người đó thường bị trói
Lưu chuyển nơi nguy hiểm.
Ai có tâm xuất ly
Thường hành hạnh tịch tĩnh
Chết sinh vào cõi Trời
Đạt đến Cõi Phạm Thiên.
Ai không hỷ lạc dục
Cúng dường Phật, Pháp, Tăng
Người đó bỏ sinh tử
Như gió thổi cỏ khô.
Ai không bị tâm sai
Lại điều khiển được tâm
Có thể trừ phiền não
Như Trời mọc trừ tối.
Tâm oán là thứ nhất
Không có oán nào hơn
Tâm thường đốt chúng sinh
Như phóng lửa đốt cây.
Ai tâm hành buông lung
Ngu si không hộ căn
Bị khổ, không tịch tĩnh
Cách Niết Bàn rất xa.
Biết khổ, quả báo khổ
Lại biết nhân của khổ
Thoát khỏi các trói buộc
Lìa hết các phiền não.
Trí là sáng bậc nhất
Si là tối tăm nhất
Có ánh sáng như vậy
Gọi là người trí tuệ.
Si là ác hơn hết
Người trí tuệ xả bỏ
Ai để si hoành hành
Thì khó được tịch tĩnh.
Ai muốn mình an ổn
Thà chạm vào lửa dữ
Hoặc ở chung rắn độc
Trọn không gần phiền não.
Trí: Cam lồ bậc nhất
Trí: An ổn bậc nhất
Trí: Người thân thứ nhất
Trí: Quý báu hơn hết.
Có lửa trí như vậy
Sẽ thiêu núi phiền não
Đốt núi phiền não kia
Được đến chỗ an lạc.
Nếu ai không trí tuệ
Như mù vào chỗ tối
Không nhàm chán tử sinh
Phi pháp luôn chế ngự.
Ai thường niệm chánh pháp
Thành con người lương thiện
Không bị tâm lừa gạt
Đáng được người cúng dường.
Tỳ Kheo kia biết pháp, phi pháp như vậy rồi, y theo chánh pháp mà hành trì. Tâm tịnh như vậy thì có thể phá trừ vô lượng trăm ngàn núi cao sinh tử, không còn sót gì cả, không sinh trở lại, lìa dao phiền não, gần với Niết Bàn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Bốn Mươi Sáu
Phật Thuyết Kinh Na Tiên đàm đạo - Phần Năm - Chuỗi Thời Gian
Phật Thuyết Kinh Bảo Tinh đà La Ni - Phẩm Năm - Phẩm Tướng - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Một - Phẩm Vô Thường
BÀI HỌC ĐẠO LÝ TỪ SỰ CÚNG DƯỜNG
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Bốn Mươi Bảy - Phẩm Nhân Duyên Của đại Ca Diếp - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Sáu Mươi Hai - Phẩm Ma Sầu
Phật Thuyết Kinh Phật Lên Trời đao Lợi Thuyết Pháp Cho Thân Mẫu - Phần Tám