Phật Thuyết Kinh Pháp Luân Không Thoái Chuyển - Phẩm Hai - Phẩm Tín Hành - Tập Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
PHÁP LUÂN KHÔNG THOÁI CHUYỂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi Hộ, Đời Tống
PHẨM HAI
PHẨM TÍN HÀNH
TẬP BA
Phật bảo A Nan: Do đâu mà Như Lai vì các Đại Bồ Tát nói về tám pháp chánh đạo?
Là vì các vị Đại Bồ Tát đã lìa bỏ tám con đường tà để hướng đến tám con đường giải thoát, vượt khỏi đời sống phàm phu, tu tập tám chánh đạo nhưng không thấy nơi chốn mình đạt tới, xa lìa hai bên thường đoạn, an trụ trong trung đạo, vượt Thế Giới phàm tuc, an trụ trong bồ đề, cũng không trụ trong tướng bồ đề, lìa bỏ các tà kiến, tu tập chánh kiến, không bám vào thân tướng, cũng không trụ trong tướng bồ đề.
Thân Phật là vô vi, lìa những khái niệm tính toán, tu theo tướng Phật tức là đạt được diệu lý nhất tướng vô tướng đối với chúng sinh, ra khỏi ấm giới sinh tử của chúng sinh, an trụ trong ngôi nhà vô vi rốt ráo không, thấy tất cả pháp là vô sinh vô trụ.
Vì sao?
Vì thể tánh và tướng trạng của các pháp đều là vô trụ.
Đại Bồ Tát xa lìa thế gian và xuất thế gian, an trụ trong chốn vắng lặng, không nhiễm thế gian, cũng không mê đắm con đường xuất thế gian. Đối với pháp, phi pháp, hữu vi, vô vi đều xa lìa, xả bỏ hai bên thường và đoạn, trụ trong tướng bình đẳng, biết tâm sở quá khứ, vị lai, hiện tại, không có tướng khác, cũng không được tướng của tâm bồ đề.
Vì sao?
Vì tất cả tâm đều bình đẳng. Thân tướng cũng thế. Vì thế mà không hề bị các thứ lửa dữ, đao tên làm tổn hại thân mạng.
Vì sao?
Vì đã lìa tất cả phiền não độc hại, thường được sinh vào các cõi thanh tịnh, xa các đường ác, tuy sống trong các đường mà vẫn chứng đạo bồ đề, thường sống trong an ổn, cũng không nương tựa. Vì ý nghĩa như thế nên tất cả các thứ đao binh không thể hại được.
Vì sao?
Vì thấy bồ đề vắng lặng là không, vô trụ xứ, vì vô trụ xứ nên tất cả tên độc đều không hại được. Đó gọi là không bị trói buộc.
Bậc Đại Bồ Tát đi trên cỗ xe nhanh nhất mà không chấp vào cỗ xe ấy, đó gọi là không bị trói buộc.
Vì sao?
Vì không thật có, do đó mà đao tên không hại được thân. Rõ các pháp là không, chẳng thật có cho nên tất cả thứ độc hại đều không thể xâm hại.
Vì sao?
Vì hành tâm từ rộng khắp che phủ tất cả. Thực hành tâm từ bồ đề thấy các chúng sinh là không thật có. Thực hành tâm từ theo lý không thấy các pháp vắng lặng. Thực hành tâm từ không nóng bức xa lìa các phiền não. Thực hành tâm từ bi như vậy có công năng làm cho đao binh đều không hại thân được.
Đại Bồ Tát xem Ba Cõi Dục, Sắc và Vô Sắc đều bình đẳng, biết tất cả các cõi, tất cả pháp tánh đồng với bồ đề, bình đẳng không có khác nhau. Các vị Đại Bồ Tát tâm không suy nghĩ như thế, cũng không đùa bỡn, vắng lặng thanh tịnh.
Bậc Đại Bồ Tát biết tất cả pháp như âm vang tiếng gọi, lìa tất cả tướng, đồng với pháp giới, không nơi hướng tới mà cũng không chốn quay về, khéo hiểu các thứ âm thanh lời nói, không nêu bày, không nói năng, lìa tướng âm thanh, chẳng tự đề cao mình, lìa bỏ ngã tưởng, vượt qua tất cả lời nói, âm thanh mà cũng không chấp vào tướng vượt qua ấy.
Cho nên biết tất cả các pháp đều vắng lặng, tất cả pháp tướng cũng không thật có, tâm không có chốn để quay về vì đã vượt qua các pháp. Đối với mọi ngôn ngữ, âm thanh cũng không bị đắm nhiễm.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Lìa tám đường tà
Tu tám nẻo chánh
Chín thứ, tám giải
Đó là tám bậc.
Vượt khỏi phàm phu
Chẳng trụ bồ đề Bậc
Hùng trong pháp
Đó là tám bậc.
Vượt khỏi phàm phu
Không trụ bồ đề
Lìa tướng bồ đề
Đó là tám bậc.
Bỏ các tà kiến
Tu hành chánh kiến
Đạt được đạo rồi
Đó là tám bậc.
Vượt các thân tướng
Chẳng trụ bồ đề
Lìa chứng thân Phật
Đó là tám bậc.
Lìa tưởng chúng sinh
Thường tu tưởng Phật
Bỏ tưởng thiền định
Đó là tám bậc.
Lìa hạng chúng sinh
Vào thành Niết Bàn
Không chấp các pháp
Đó là tám bậc.
Ra khỏi thế gian
Mở bày đạo Thánh
Về cõi tịch diệt
Đó là tám bậc.
Lìa các thế gian
Nêu tướng Phật Pháp
Tâm không sở chứng
Không có bờ hữu
Đó là tám bậc.
Cũng không cõi vô
Xa lìa hữu vô
Đó là tám bậc.
Vắng lặng vô vi
Bỏ cả đoạn thường
Vào sâu bình đẳng
Đó là tám bậc.
Tâm rời quá khứ
Luôn cả vị lai
Hiện tại cũng thế
Đó là tám bậc.
Nói có sơ tâm
Cầu nẻo bồ đề
Tướng tâm vốn không
Gì gọi bồ đề?
Không đến, không đi
Cũng không bồ đề
Độc, lửa, đao, tên
Không thể hại được,
Dứt hẳn các đường
Lìa hẳn nương tựa
Không đến, không đi
Nên không hại được,
Không hướng bồ đề
Bày nói âm thanh
Tự chứng như thật
Chẳng do người dạy,
Không được đường ấy
Và chẳng phải đường
Tiếng niệm, niệm dứt
Đại Thừa mau bày,
Thường nói an ổn
Pháp không bậc nhất
Nên mau chứng được
Đó là không buộc.
Mau nương pháp này
Bồ Tát giảng nói
Tâm không lìa bỏ
Đó là không buộc.
Đao, binh, nẻo ác
Không bức hại được
Thân không sợ gì
Độc chẳng hại được.
Bồ Tát hành từ
Cùng khắp tất cả
Lìa bỏ tranh chấp
Đó là không buộc.
Không chấp thân tướng
Khéo nhận rõ thân
Đến đạo giác ngộ
Từ bỏ nẻo ác,
Dứt bỏ ngu si
Thần thông tự tại
Được bồ đề sáng
Đó là tám bậc.
Biết Cõi Dục, Sắc
Và Cõi Vô Sắc
Ba Cõi đồng tướng
Đó là tám bậc.
Các cõi bình đẳng
Lìa não, bồ đề
Vọng tưởng không trí
Chẳng nhiễm ô được,
Lìa tất cả tướng
Không có chê bai
Nếu có nói năng
Đều hướng pháp giới
Nói không chỗ hướng
Đồng với pháp giới
Tâm trụ pháp nhẫn
Đó là tám bậc.
Nếu muốn tu hành
Trụ pháp vắng lặng
Chẳng tự đề cao
Chỉ nói cho người,
Vượt tướng âm thanh
Khỏi tướng âm thanh
Chẳng đắm âm thanh
Đó là tám bậc.
Nhờ thanh giải thoát
Biết pháp vô tướng
Cũng không ở đâu
Không hướng, không rời.
A Nan nên biết!
Tám bậc như thế
Đã nêu bày đủ
Ở trong các thuyết
Là bậc thứ nhất.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo A Nan: Nay ông nên biết! Như Lai Đẳng Chánh Giác vì các Đại Bồ Tát nên dùng phương tiện để nói bày về tám bậc như vậy.
Tôn Giả A Nan thưa: Do đâu mà Như Lai Thế Tôn Giảng nói về quả Tu Đà Hoàn cho các vị Đại Bồ Tát nghe như thế.
Đức Phật dạy: Tu Đà Hoàn nghĩ là được vào dòng Thánh, gọi là Phật Pháp chẳng thể nghĩ bàn. Nếu các vị Đại Bồ Tát có thể tu tập như vậy, không thấy đạo cùng nơi chốn mình tu tập đạo ấy, vượt qua tất cả hình tướng, thông tỏ Phật Pháp là phi sắc, phi sinh, đối với tất cả pháp không mê đắm, tất cả pháp không nơi chốn, tất cả pháp không nhân duyên, tất cả pháp vô trụ, tất cả pháp không thật có, tất cả pháp không thành tựu.
Nếu bậc Đại Bồ Tát đến được đạo ấy thì tinh tấn vững chắc, thế lực vững chắc, trí tuệ vững chắc, không sinh biếng nhác, an trụ vắng lặng, nương đạo Như Lai, cứu giúp chúng sinh, không gì hơn được.
Bậc Đại Bồ Tát không chấp đạo ấy, cũng không trụ đạo ấy, tu đạo như thế mong đạt được tất cả các pháp, nhưng không thấy có chỗ mình đạt được, không chìm đắm cũng không dao động: Không có ý tưởng về trụ, không có ý tưởng về đạo, không có ý tưởng về thế gian, không có ý tưởng về Phật, xem tất cả đều bình đẳng, không hề có những sự ngăn che, trí tuệ quán chiếu các cảnh giới không trở ngại.
Bậc Đại Bồ Tát đối với tất cả các pháp và các tà kiến đều an trụ trong tướng bình đẳng, khai mở tri kiến Phật, bày các pháp môn sâu rộng, phân biệt thân kiến, vượt khỏi vọng tưởng chấp ngã, đó gọi là Tu Đà Hoàn.
Đại Bồ Tát không chấp vào Phật Đạo, rốt ráo vô ngại: Ưa thích mong cầu Phật Đạo nhưng không đắm giới luật, thế gian cũng không chấp vào giới luật của Phật, chẳng phải giới chấp là giới, không chấp tướng giới.
Ba hoặc đã dứt, không vướng vào ba cõi, học hỏi theo lời Phật dạy, tu hành Thánh Đạo, lìa tất cả tưởng, không chấp các duyên, không các chướng ngại, nhập vào Phật Đạo, tâm được vắng lặng, không mê đắm sự sống, về ta, người… các căn thanh tịnh, xa lìa phiền não.
Bậc Đại Bồ Tát tu đạo bồ đề thực hành bố thí, xả bỏ tất cả, giúp chúng sinh khổ, vượt qua bốn dòng, đạt đến Niết Bàn, dứt hết các tưởng, hiển bày vô tướng. Nếu thấy bốn chúng tâm không sinh sợ sệt, chí cầu vắng lặng, an trụ nơi đạo bồ đề thanh tịnh, đã lìa sợ hãi, thì không sợ sinh tử.
Vì sao?
Vì Đại Bồ Tát hiện chứng được vắng lặng, lìa các phiền não cấu uế, khéo đứng vững trong Phật Đạo, biết đường đến đi, cũng không còn đến đi, khéo nhận rõ những vọng tưởng của chúng sinh, tâm không đùa bỡn, rốt ráo Phật Đạo. Đó gọi là tướng Tu Đà Hoàn của Đại Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Năm - Phẩm Năm Kệ
Phật Thuyết Kinh Chư Phật Cảnh Giới Nhiếp Chân Thật - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi Ba - Kinh Quỷ La Sát Giả
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Nhị Pháp
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Bốn